OLYMPIC LONDON 2012
Lê
Mạnh Hùng
Wednesday,
August 01, 2012 2:34:41 PM
Thứ Sáu vừa qua, ông Danny Boyle, đạo diễn chương trình lễ khai
mạc Thế Vận Hội 2012 tại Luân Ðôn, đã làm được một điều mà không một nhà chính
trị Anh nào làm được kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chánh bắt đầu: Giải tỏa
những căng thẳng - dù chỉ trong vài tiếng đồng hồ - chất chứa bên trong hòn đảo
nhỏ bên rìa lục địa Châu Âu này.
Nhưng
nếu nghệ thuật là thể hiện của những tình cảm nội tại thì ông Boyle đã chứng tỏ
là một con người rất yêu nước Anh, dù rằng một cách lộn xộn.
Buổi trình diễn mở
đầu với một đất nước giả tưởng, “Jerusalem”, bay nổi trên đầu những cánh đồng
xanh giả.
Những dân làng mặc quần áo cổ truyền tập trung nhảy múa quanh những cột lễ hội
giữa những bầy cừu. Nhưng có một cậu bé đơn độc hát bài hát cảnh cáo đến những
nhà máy đen tối như địa ngục báo hiệu một sự chuyển biến từ một thời phong kiến
sang thời công nghiệp. Tất cả đoạn này là lấy từ bài thơ “Jerusalem” của
William Blake, một thi sĩ Anh sống vào cuối thế kỷ thứ 18 sang đến thế kỷ thứ
19.
Và sau đó là cuộc
cách mạng kỹ nghệ.
Isambard Kingdom Brunel, một kỹ sư nổi tiếng của Anh thời Victoria mà ngay cả
nhật báo The New York Times cũng nhận lầm là một nhân vật trong tiểu thuyết của
Charles Dickens là nhân vật chính đưa vào những thay đổi. Các ngọn đồi xanh dần
dần trở thành khô trọc, nông dân biến thành công nhân. Những ống khói nhà máy
mọc lên từ lòng đất. Và những vòng Olympic cháy đỏ được kéo lên bởi giai cấp vô
sản. Ðúng là chủ nghĩa duy vật biện chứng, nhưng theo kiểu Slumdog Millionaire.
Một số người bên cánh tả của Anh đã vội vã nhận rằng buổi lễ này là của họ. Quả
thực là nó có vẻ tả hơn là hữu nhưng thực sự nó không có gì là tiêu biểu của
những gì cánh tả coi như là quan trọng mà thực tế nó chỉ là một buổi nhạc kịch
đơn giản tả lại một đoạn của lịch sử nước Anh (không có phần đế quốc) với một
nhạc điệu mới mẻ ồn ào.
Nếu
có gì liên quan đến thế giới thì là nó nhắc lại cho thế giới rằng Anh không
những chỉ đã phát minh ra tám trong số 10 môn thể thao thịnh hành nhất của thế
giới mà cũng là nước đã tự mình phủ đen khói và bụi của cuộc cách mạng kỹ nghệ
trước tất cả các quốc gia khác.
Ðiều
đáng chú ý là chủ đề của buổi lễ này không phải chỉ riêng thể thao và lịch sử
mà còn dính đến văn chương. Những lời thơ của Blake và Shakespeare được pha
trộn trong suốt những bài ca và lời tường thuật. Khó có thể tưởng tượng một
quốc gia nào khác trên thế giới mà bỏ đến nhiều thời giờ như vậy trong buổi lễ
giáo đầu của một vận hội thể thao cho văn chương như vậy.
Ngay
cả Pháp cũng không thể nào làm được. Thử tưởng tượng rằng Paris - chứ không
phải Luân Ðôn - được chọn trong phiên họp năm 2005. Và cứ thử tưởng tượng phải
chịu đựng 18 phút nghe giảng về “L'Être et le Néant” của Bernard Henry - Levy.
Cách mạng kỹ nghệ
dẫn tới chiến tranh
- một cách tất yếu như là nhận định của J.P. Sartre. Và chiến tranh để lại
những đống tro tàn mà trên đó ông đạo diễn Boyle xây dựng một ngôi đền xưng
tụng định chế thế quyền độc nhất mà người Anh còn coi như là một ngẫu tượng có
tính cách tôn giáo: Hệ thống Y Tế Quốc Gia (National Health Service - NHS).
Tiếc rằng không có một ống kính máy truyền hình nào chiếu vẻ mặt ông Mitt
Romney lúc đó, nhưng vị ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa này chắc hẳn
phải nhăn mặt trước một biểu hiện ca ngợi định chế đặc mùi xã hội chủ nghĩa
này. Chắc chắn là không có một vũ đội nào múa một bản vũ ca ngợi hệ thống y tế
Hoa Kỳ tại Thế Vận Hội Mùa Ðông Salt Lake City năm 2002 mà ông đứng ra tổ chức.
Có lẽ so sánh đúng
hơn là so sánh lễ khai mạc kỳ này với lễ khai mạc kỳ trước tại Bắc Kinh. Cái tương phản rõ
nhất là tại Bắc Kinh, hàng ngàn đứa trẻ được tập luyện như kiểu quân sự đi tuần
hành và nhảy múa một cách đồng nhất toàn hảo đến nỗi làm người ta phải kinh sợ.
Trong khi đó tại Luân Ðôn lần này, khoảng trên một chục đứa trẻ Anh nhảy như
con choi choi trên những cái giường bệnh không theo một nhịp điệu chung nào cả.
Ngay
cả bà hoàng cũng tham gia vào cái trò chơi đặc biệt của Anh - khôi hài không
cười - với một đoạn phim ngắn do đài BBC quay cùng với anh chàng tài tử mới
nhất đóng vai James Bond. Và Davis Beckham trông vẫn đẹp trai lái một cái xuồng
máy mang bó đuốc Olympic. Giống như nhật báo Daily
Telegraph nhận định mấy ngày trước khi khai mạc Thế Vận Hội “chỉ một dân tộc tự
do mới có thể cằn nhằn những công chuyện như thế này” thì buổi lễ khai mạc này
cho thấy chỉ có một dân tộc tự do, tự tin ở mình mới có thể trộn lẫn những cái
dớ dẩn và những cái sâu sắc một cách hài hòa đến như vậy.
Người
ta có thể hỏi rằng tất cả những cái đó gởi cho thế giới một thông điệp như thế
nào. Nếu Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 là một bản hùng ca, ca ngợi sự trỗi dậy của
dân tộc Hán thì Thế Vận Hội này hoàn toàn khác hẳn. Có thể rằng ông đạo diễn
Boyle đã lấy chủ đề câu nói của cựu Thủ Tướng Harold McMillan “handling decline
gracefully”. Nhưng thực sự thì theo tôi, chẳng ai cần phải đặt ra câu hỏi này
cả.
Và
qua những phản ứng trên báo chí quốc tế thì cũng không ai đặt ra câu hỏi này
cả. Và mặc dầu những hoạt cảnh trong màn kịch giáo đầu này nói đến một nước Anh
xa xưa, nhưng như nhật báo Financial Times nhắc lại, thành phố Luân Ðôn là một
thành phố hiếm hoi trên thế giới mà có công dân của đủ 204 nước tham dự Thế Vận
Hội kỳ này sinh sống.
No comments:
Post a Comment