Phùng
Thức/Người Việt
Friday,
August 03, 2012 6:03:04 PM
SÀI GÒN (NV) -Ðã qua một tuần Olymipc
London mà các trang thể thao báo chữ, báo hình, báo mạng... của xứ Việt vẫn
chưa có cơ hội nào để hét hò ca ngợi thành quả thể thao của chế độ.
Dư
luận từ hè phố vô đến văn phòng, từ bàn ăn gia đình cho đến bàn nhậu ít ai màng
đến thế vận hội và nhờ vậy mà đoàn thể thao Việt Nam có mặt ở xứ sương mù được
“trao con số 0 to tướng” cũng không ai phàn nàn.
Nói
cách khác, ở Việt Nam hiện nay mọi người dân Việt đều lâm vào cảnh “bó tay.cơm”
nên hầu như quên tuốt tiếng cười, tiếng vỗ tay, chỉ còn sử dụng tiếng phản đối.
Phản đối Trung Quốc, chế độ đang cầm quyền Việt Nam làm suy thoái quốc gia,
tham nhũng hèn nhược.
Tính
đến thời điểm này thì các nước như Thái Lan, Nam Dương, Mã Lai, Tân Gia Ba,
Miến Ðiện đều đã có huy chương Thế Vận Hội 2012. Riêng Việt Nam, quốc gia từng
dẫn đầu số huy chương trong đại hội thể thao Ðông Nam Á năm 2003 thì trớt quớt.
Nếu
trên tinh thần mà nền thể thao chế độ tự vỗ ngực xưng tên là cường quốc khu vực
thì nay giấu mặt ê chề đi đâu!
Sáng
ngày 3 tháng 8, 2012, một tờ báo lớn trong nước vội trưng ra hình ảnh vận động
viên thể dục dụng cụ người Ðức gốc Việt, Marcel Nguyễn, người vừa được bước lên
bục nhận huy chương bạc để phần nào đỡ tủi.
Không
riêng gì trong thể thao, mà hễ mỗi lần không khí xã hội nội địa bế tắc là truyền
thông chế độ lại chạy tìm cho ra các nhân vật Việt kiều thành danh để hưởng
sái; nhưng kỳ quái ở một điểm là những nhân vật Việt kiều thành đạt mà hệ thống
tuyên truyền chế độ muốn ăn theo cũng phải có lý lịch đỏ, tốt hoặc ít ra lý
lịch trắng. Ðã kém cỏi, tính chuyện thấy người sang bắt quàng làm họ mà còn trí
trá bất lương đóng dấu nhãn mác chế độ lên thành tích của người chính danh thì
hết thuốc chữa.
Có
một ông già khoái thể thao, sáng nào ngồi quán cà phê cũng tìm người để bày tỏ
sự bất bình.
Ông
cho biết, “Bọn quan chức lấy tiền thuế
dân mượn sự kiện Olymipc kéo đi rần rần. Ai đời chỉ có một nhúm vận động viên
mà có đến cả bầy quan chức. Trước
đó bọn chúng còn tính chuyện xin đăng cai Á vận hội để móc tiền quốc
gia. Thành tích thể thao thì như dở, chỉ có thứ kỷ lục tham nhũng là nhứt thiên
hạ thôi.”
Chia
sẻ với ông già, một ông mặc trang phục thể dục ra vẻ hiểu biết nói, “Coi vậy cũng tội mấy em vận động viên bác
ơi. Như trường hợp cái em vận động viên bơi Hoàng Quí Phước, mới chớm có chút
thành tích là bị một đám cán bộ thể thao ăn theo làm hư tuốt. Ðã tốn tiền đi
qua Mỹ học bơi với chuyên gia giỏi hàng đầu của Mỹ mà mấy ông thầy rùa Việt lại
nhất định đòi nhảy xuống hồ bơi chung để sửa chữa từng động tác của học trò;
chắc là mấy thằng cán bộ thể thao này sợ học trò bơi trật định hướng xã hội chủ
nghĩa.”
Về chuyện nền thể thao chế độ áp dụng giáo điều của đảng
là có thật.
Theo những người am hiểu thì cái gọi là “chủ trương đi tắt đón đầu” trong thể
thao thành tích cao là một vở hài kịch ngớ ngẩn. Ðể được có những phút tự đắc
ngạo mạn đứng đầu bảng tổng sắp huy chương trong kỳ Seagames 22 ở Hà Nội, họ
ném tiền thuế dân và mồ hôi nước mắt của các vận động viên vào những môn thể
thao Kungfu của Trung Quốc, cầu mây của Thái Lan, Pencak Silat của Nam Dương,
những môn thể thao không có trong chương trình thi đấu chính thức của thế vận
hội.
Một
phóng viên thể thao của một tờ báo mạng lớn nhất Việt Nam nói, “Ðừng tưởng họ
bị lừa đầu tư vô những môn vớ vẩn đó, chức thơm, lộc béo cũng nhờ đó mà ra cả
đấy.”
Qua
một tuần tranh tài của Olympic London, điểm sáng duy nhất của Việt Nam chính là
gương mặt hồn nhiên và giọng nói miền Nam chân chất của vận động viên bơi Nguyễn Thị Ánh Viên, người đoạt vé
chính thức đến thế vận hội. Trong hai cự ly thi vòng loại cô đều về nhất dù
thành tích không đủ để đưa vận động viên mới mười sáu tuổi này vào vòng bán
kết, nhưng ít ra bóng dáng Việt Nam tương lai cũng hé lộ phần nào hy vọng đem
lại chút an ủi cho người Việt nội địa đang sống trong cảnh ngổn ngang các vấn
nạn quốc gia.
Trở
lại với không khí Thế Vận Hội London ở Việt Nam. Nếu là người thất nghiệp rảnh
toàn phần, sống ở Sài Gòn hay các đô thị lớn, bạn có thể mở truyền hình cáp coi
tường thuật. Với ba kênh thể thao nước ngoài dành cho Châu Á là ESPN, True
Sport, Star Sport. Nhận xét chung của người bình dân Việt Nam coi truyền hình
thế vận hội không phải là các thành tích thể thao mà là: Thủ đô nước Anh dễ thở quá!
Có
lẽ các đoàn cường quốc thể thao, các kỷ lục thế giới vẫn mãi mãi là một cõi
viễn tưởng đối với người Việt Nam. Cần kể thêm một nhận xét mà người xem Việt
Nam cảm nhận qua truyền hình: Coi đó, mấy vận động viên ở xứ tự do-dân chủ thi
đấu, nhận huy chương kiểu nào cũng thấy họ thoải mái, còn với mấy người Trung
Quốc, Bắc Triều Tiên, Cu Ba thấy “cứng đơ.”
Nếu
nghi ngờ về doping từ thành tích bơi ghê gớm của nữ vận động viên Shiwen Trung
Quốc, hoặc việc 8 vận động viên cầu lông thi đấu giả dối bị tước quyền thì
những tai tiếng xấu đó cũng không thể khiến Thế Vận Hội Luân Ðôn ngớt gương
mặt, tiếng cười rạng rỡ. Hội thể thao thế giới mùa Hè mà London-Anh Quốc tổ
chức đang diễn ra thật sự đúng nghĩa với tinh thần hội hè của loài người.
No comments:
Post a Comment