Việt-Long, RFA-
theo báo The Diplomat
2012-08-14
Giữa
bối cảnh mối quan hệ tăng tiến giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, một vụ tự thiêu ở miền
nam xứ này đã trở thành điển hình cho tình trạng nhân quyền tồi tệ thêm nữa tại
Việt Nam, song song với những cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận.
Ba blogger đang bị
giam giữ. danlambao.com photo
“Hành
động tuyệt vọng"
Ngày 30 tháng 7 bà Đặng Thị Kim Liêng
tự thiêu bên ngoài trụ sở Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu ở miền Nam Việt Nam. Bà
đã thiệt mạng trên đường đưa tới nhà thương.
Bà
Liêng, 64 tuổi, hành động để phản đối việc giam giữ người con gái của bà, Tạ
Phong Tần. Cô bị bắt giam từ ngày 30 tháng 9 năm ngoái, và theo lịch trình sẽ
ra toà ngày 7 tháng 8 vừa qua, nhưng vụ xử đã đình hoãn vô thời hạn sau khi
người mẹ tự thiêu.
Tạ
Phong Tần cũng như Phan Thanh Hải cùng Nguyễn Văn Hải, được biết nhiều hơn với
bút hiệu “Điếu Cày”, là thành viên Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, một tổ chức tranh
đấu cho quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam, và là tổ chức không được phép của
chính quyền. Không được cho phép tổ chức đồng nghĩa với tính cách bất hợp pháp,
theo luật của Việt Nam.
Ba
blogger này, theo lịch trình, sẽ bị xử theo điều 88 bộ luật hình sự, liên quan
đến tội tuyên truyền chống Nhà nước. Án nặng nhất là 20 năm từ giam, mặc dù hầu
hết các blogger nhận bản án nhẹ hơn thế.
Đây
là đợt gần nhất của một loạt những sự bắt bớ giam cầm các blogger và những
người bất đồng chính kiến khác. Tổ chức Theo dõi nhân quyền cho biết năm nay đã
có 10 người bị kết án.
Cả
Hoa Kỳ lẫn Liên Hiệp Quốc đều bày tỏ mối quan ngại . Hoa Kỳ đã kêu gọi Việt Nam
trả tự do cho ba blogger nói trên. Tổ chức “Nhà báo không biên giới” gọi việc
làm của bà Liêng là một “hành động tuyệt vọng”
Hoa
Kỳ can dự
Năm
nay cũng như năm ngoái, vấn đề nhân quyền tại Việt Nam được nói đến khá nhiều.
Nhìn chung những vụ thu hút sự chú ý nhiều nhất là việc những người bất đồng
chính kiến bày tỏ ý kiến về ch. Đôi khi những vụ đàn áp vì tín ngưỡng hay sắc
tộc cũng chiếm hàng đầu tin tức.
Ngoại trưởng Hillary
Clinton đã đề cập tới vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm Hà Nội hồi tháng 7.
Bà nói :”Có người biện luận
rằng những nền kinh tế đang phát triển cần phải tăng đà phát triển kinh tế
trước hết, việc cải tổ chính trị và dân chủ phải đi sau. Nhưng đó là một sự đổi
chác thiển cận. Cải tổ chính trị và tăng trưởng kinh tế có liên quan chặt chẽ.”
Nước
Mỹ có một cộng đồng người Việt mạnh và có tổ chức. Nhiều người Việt lớn tuổi
hơn trong cộng đồng là những người thoát thân khỏi chế độ Cộng Sản. Họ có ảnh
hưởng lớn về chính trị khiến những người dân cử Mỹ, như dân biểu Loretta
Sanchez ở California, thường thúc đẩy Việt Nam giành ưu tiên cho lãnh vực nhân
quyền.
Hôm 25 tháng 7, giáo sư Alan Weiner của
trường luật Stanford đệ trình Liên Hiệp Quốc đơn kiện về việc giam giữ độc đoán
17 người tín đồ hoạt động cho Giòng Chúa Cứu Thế ở Việt Nam.
Tuy
nhiên dù bao nhiêu áp lực và bao nhiêu lời tuyên bố, tình hình tại Việt Nam vẫn
không được cải tiến. Giáo sư Weiner gọi đó là “cái nếp xâm phạm nhân quyền ngày
càng gia tăng” trong một bảm tuyên bố gửi cho báo chí.
Trên
thực tế, sự suy thoái như vậy đã khởi sự từ 2008, lúc quyền tự do báo chí bắt
đầu bị cắt xén sau khi hai phóng viên bị bắt giam vì phóng sự của họ về vụ
PMU-18 đầy tai tiếng. Nội dun vụ việc là năm 2006, một số đảng viên bị phát
hiện đã đem những khoản tiền viện trợ khổng lồ của Nhật Bản và Ngân hàng Thế
Giới đi cá độ bóng đá.
Cùng
năm ấy, luật mới về blog ra đời, cấm các blogger đả động đến chính trị.
Câu hỏi được đặt ra là liệu Hoa Kỳ có hành động hết sức
mình cho vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
Giáo
sư Carlyle Thayer của Học viện quốc phòng Australia, một chuyên gia về Việt
Nam, nói :
”Hoa
Kỳ có ảnh hưởng đến mức độ nào mà Việt Nam thực sự muốn được một điều gì đó từ
người Mỹ. Việt Nam muốn chủ tịch nước của họ được đón tại toà Bạch ốc. Việt Nam
muốn là đối tác chiến lược của Mỹ. Việt Nam muốn Hoa Kỳ dỡ bỏ hạn chế về vũ khí
bán cho họ. Các giới chức Mỹ đã nói rõ không một điều nào trong số đó sẽ được
thực hiện nếu nhân quyền (bao gồm quyền tự do internet) được cải tiến. Nhưng
mặc cho những áp lực của Hoa Kỳ, mọi việc càng ngày càng tệ”
Bộ
ngoại giao Hoa Kỳ nói với giới nhà báo trong một buổi họp báo hồi tháng trước
rằng cả những thành phần bảo thủ cứng rắn trong chính quyền Việt Nam cũng bắt
đầu thấy giá trị của mối quan hệ tốt đẹp hơn với Hoa Kỳ. Thế nhưng những điều
kiện do người Mỹ đặt ra vẫn không được đáp ứng.
Viên chức cao cấp
của bộ ngoại giao Mỹ giải thích :”Điều mà Hoa Kỳ đang làm là nói rõ vời
Việt Nam rằng nếu họ muốn có mối quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ, họ sẽ phải thực
hiện những bước cần thiết về mặt kinh tế và cũng phải tăng tiến thành tích tốt
về nhân quyền, là điều mà trên thực tế có nhiều trường hợp đã bị lạc hướng thay
vì tiến bộ”
Liên
Hiệp Quốc lên tiếng
Có
thể Hoa Kỳ là nước lên tiếng nhiều nhất, nhưng không phải quốc gia duy nhất lo
cho vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.
Một bản tuyên bố của
Liên Hiệp Quốc được công bố vì vụ tự thiêu của bà Liêng viết rằng :
”Một
số những vụ bắt giam và kết án nặng nề trong những năm gần đây biểu lộ khuynh
hướng đáng ngại trong việc hạn chế tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, và quyền tự
do hội họp của các blogger, nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền, là những người
đã đặt dấu hỏi về những chính sách của chính phủ bằng một phương cách ôn hoà”
Trở lại với đại học
Stanford, giáo sư Alan Weiner nói với báo The Diplomat :
”Chúng
tôi hy vọng rằng một tài liệu về sự phát hiện của một cơ quan đáng kính và có
thẩm quyền như Nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc về việc bắt giữ độc đoán sẽ xác
nhận những gì chúng tôi tin vào, đó là: việc chính quyền Việt Nam bắt giữ những
người hoạt động này là đã vi phạm nghĩa vụ của Việt Nam về nhân quyền quốc tế.”
Ông nhắc lại :
“Hy
vọng rằng tài liệu phát hiện của cơ chế đáng kính và có thẩm quyền nói trên cho
thấy Việt Nam đã xâm phạm nhân quyền của những nhà hoạt động ấy sẽ khuyến khích
Việt Nam thực hiện nghĩa vụ của họ”
Trên
thực tế quyền tự do ngôn luận được “tôn sùng” trong hiến pháp Việt Nam. Điều 69
Hiến pháp Việt Nam xác định :
”Công
dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền
hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”
Tuy
nhiên nhóm 8 từ sau cùng "theo quy
định của pháp luật” mới là cốt yếu. Những phần khác của luật, như
điều 88 hạn chế “tuyên truyền”, có thể chiếm ưu thế trên điều 69, và việc đó sẽ
thể hiện rõ ràng khi ba bloggers ra toà lãnh án.
Yếu
tố Trung Quốc
Nhưng vì sao nhiều nỗ lực như vậy đưa
đến rất ít tiến bộ? Một phần có thể do mối quan hệ Hoa Kỳ -Việt Nam đối chiếu
với mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.
Công
việc trong Đảng, Bộ chính trị, hay trong chính phủ thường là ít được biết đến
trong một khung cảnh trong sáng, và nhiều người thừa nhận rằng những nhân vật
thù nghịch với Mỹ hay có liên quan nhiều hơn với Mỹ có thể đã tung ra những
cuộc đàn áp khắc nghiệt hơn để làm chậm lại sự tăng tiến của mối quan hệ song
phương với Hoa Kỳ .
GS Alan Weiner của
đại học Stanford- stanford,edu photo
Giáo
sư Thayer nói :
”Thành
phần bảo thủ trong đảng Cộng sản Việt Nam chỉ muốn sử dụng vấn đề nhân quyền để
ngăn trở sự phát triển của mối quan hệ quân sự gần gũi hơn với Hoa Kỳ.”
Đó
cũng chưa phải bức tranh toàn cảnh, khi những quan ngại về an ninh nội chính và
sự lo âu về “diễn biến hoà bình” cũng là những mối lo toan của khá nhiều người
(trong đảng Cộng Sản).
Với
con số “cư dân mạng” gia tăng nhanh chóng nhất trong khu vực Đông Nam Á, và 30
phần trăm dân số sử dụng internet (mà 75% trong số đó vẫn sống bên ngoài các
thành thị), có những sự lo sợ về việc những nhóm đông đảo được tổ chức online.
Liệu mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ
rốt cuộc có vượt thắng được điều mà một số thành phần trong chính quyền Việt
Nam coi là mối quan tâm về an ninh nội chính hay không? Điều đó còn phải chờ xem. Tuy nhiên điều khả dĩ xảy ra nhiều hơn là sẽ
còn thêm nhiều blogger bị bắt giam, mặc cho quốc tế phản đối.
Copyright
© 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
----------------------------------------------------
Video
No comments:
Post a Comment