Tuesday, 7 August 2012

CỰC ĐOAN TƯ NHÂN & CỰC ĐOAN NHÀ NƯỚC (Vũ Quí Hạo Nhiên)




August 5, 2012


Biểu tình chống đêm nhạc Trịnh Công Sơn, tại Garden Grove tháng 3, 2008. (Hình: Vũ Quí Hạo Nhiên)

Hôm tôi mới mất việc ở báo Người Việt, một bạn lên Facebook hỏi một câu thế này:
“Thầy ui, có thành lập mặt trận đấu tranh tự do báo chí cho báo chí tiếng Việt ở Mỹ không Thầy ui?”
Ý của bạn ấy chắc hẳn là blogger trong nước bị cộng sản đàn áp mình lập mặt trận đấu tranh cho họ, thì nay báo chí tiếng Việt ở Mỹ bị những người giống cộng sản đàn áp mình cũng lập mặt trận đấu tranh.

Bạn ấy nói thế vì chỉ mới nhìn thấy mặt nổi của vấn đề, là nhũng đám người cộng-sản và giống-cộng-sản uy hiếp tự do ngôn luận. Điều đó đúng, nhưng nhu cầu lập một “mặt trận tranh đấu” thì ở hai chỗ lại không giống nhau. Vì tuy cực đoan ở đâu cũng gần như nhau, có sự khác nhau rất lớn giữa cực đoan có cầm quyền, như chính phủ Việt Nam, và cực đoan không cầm quyền, như một nhóm người ở Bolsa.

Sụ khác biệt đó nằm ở cái quyền. Khi cực đoan cầm-quyền mà ra tay, thì có người đi tù. Khi cực đoan không-cầm-quyền mà ra tay, thì kết quả là tùy mình. Mình đầu hàng cái tay chém gió đó, thì nhóm cực đoan này mới có ảnh hưởng. Nhưng ngược lại, cái nguy hiểm là tự dưng trao quyền cho nhóm cực đoan, thì, y như chính quyền cộng sản, họ sẽ lấn tới gây thiệt hại cho cả cộng đồng. Đó là những ý tôi triển khai trong bài blog này.
.
Cực đoan trong xã hội
.
Có người hiểu chữ “cực đoan” khác với tôi. Họ cho rằng những kẻ nào bạo động, hay là tục tĩu, mới là cực đoan. Năm 1989, có người đốt xe báo Người Việt và xịt chữ “Nguoi Viet neu may VC we kill.” Còn trong hình trên là một ông chổng mông đưa đít lên trong cuộc biểu tình chống chường trình nhạc Trịnh Công Sơn năm 2008. Những người như vậy nhiều người công nhận là cực đoan.

“Đả đảo ai đó mừng ngày T.C.S.” trên biểu ngữ bên phải. (Hình: Vũ Quí Hạo Nhiên)

Tôi cho rằng định nghĩa đó chưa đúng. Đối với tôi, một người mà phán đoán rằng “ai hát nhạc Trịnh Công Sơn người đó là cộng sản” – đã đủ là một kẻ cực đoan rồi. Cái đầu óc phải lệch lạc dữ lắm, mới lấy một chuyện như thế rồi nối nó được tới kết luận “là cộng sản.”

Trong bài này, tôi định nghĩa cực đoan như này:
Người cực đoan là người cho rằng mình luôn luôn đúng ,và ai nghĩ khác, nói khác, làm trái ý mình, đều là kẻ thù.
(Cũng có thể có định nghĩa khác, nhưng chuyện đó ngoài tầm bài này.) Định nghĩa này xem vậy chứ khá hẹp. Không phải ai cũng được là cực đoan theo định nghĩa này. Một người tự cho mình bao giờ cũng đúng, ai nghĩ khác mình là sai, là dốt, thì chỉ mới kiêu ngạo, hay vĩ cuồng, chứ chưa cực đoan. Phải cho người nào nghĩ khác mình là kẻ thù cơ, mới là cực đoan.

Theo định nghĩa này, thì trong dân tộc Việt Nam toàn cầu có ít nhất hai nhóm cực đoan.
(1) Nhà cầm quyền cộng sản, khi nhìn thấy ai nghĩ khác mình, nói khác mình, làm khác mình, đều cho là phản động hoặc bị thế lực thù nghịch lợi dụng. Đây là nhóm cực đoan nhà nước.
(2) Những người tự xưng chống cộng, khi nhìn thấy ai nghĩ khác mình, nói khác mình, làm khác mình, chống cộng khác mình, đều cho là cộng sản và tay sai. Nhóm này là một nhóm cực đoan tư nhân.

Người cực đoan thường hay hành xử giống nhau. Lý do, họ xem những người khác ý kiến không chỉ là người sai trái, người nhầm lẫn, mà họ cho những người này là kẻ thủ, đã là kẻ thù thì không thể chừa một biện pháp nào.
Khi Điếu Cày bị bắt, cực đoan nhà nước Việt Nam bắt đầu hạch sách gia đình, kiểu như đúng ngày thi bắt lên đồn trình diện, khám xét nhà, gây khó khăn cho việc làm ăn. Mẹ của Tạ Phong Tần bị hành tới mức tự thiêu. Nhà nước không khác gì thực dân Pháp uy hiếp mẹ của Mai Xuân Thưởng, của Nguyễn Trung Trực.

Cực đoan Bolsa cũng một chiêu đó. Ở Philadelphia có tờ báo Người Việt Đông Bắc, một tờ báo độc lập mua tin, hình và một số dịch vụ của Người Việt. Để uy hiếp Trần Đông Đức, chủ bút báo này, đám cực đoan Bolsa tìm tới cha và mẹ kế của ông ở Quận Cam, gây áp lực với người già để hy vọng uy hiếp được người con.

Nhưng cái khác, là khi công an bắt con Điếu Cày lên đồn làm việc, thì em phải lên, vì đó là công an có súng, có quyền, nắm luật pháp trong tay. Còn cực đoan Bolsa thì có thể cưỡng được nếu muốn. Cực đoan cầm-quyền ép buộc được, chứ cực đoan không-cầm-quyền thì không.
.
Khi cực đoan không-cầm-quyền bỗng dưng có quyền
.
Nguy hiểm nhất là khi nhóm cực đoan không-cầm-quyền lại được trao quyền, do sự đầu hàng của người khác chẳng hạn. Khi đó, yếu tố phân biệt giữa cực đoan Bolsa với cực đoan Hà Nội bỗng biến mất, và cực đoan Bolsa bỗng có dịp triển khai tính cách giống-hệt-cộng-sản của họ.

Điều đó đã xảy ra năm 2008, khi cuộc biểu tình cái chậu rửa chân bắt đầu. Báo Người Việt cho nghỉ một loạt nhân viên, trong đó có tôi. Chuyện nhân sự là chuyện nội bộ một công ty, chuyện đuổi việc mất việc là sinh hoạt bình thường trong nền kinh tế tư bản. Nếu báo Người Việt khẳng định đó là chuyện riêng, thì không ai nói gì được. Nhưng lãnh đạo Người Việt khi đó lại nhầm lẫn ở chỗ công khai nói chúng tôi làm thế để trấn an quý vị biểu tình.
Không có cái gì hại cho cộng đồng, bằng tờ báo lớn nhất ở đó lại đầu hàng người cực đoan.

Ngay sau đó, cực đoan Bolsa lấn tới. Trong đầu họ say men chiến thắng; đã đánh được Người Việt là có thể đánh bại tất cả – tư duy kiểu Lê Duẩn thời sau 1975. Bất cứ ai ở Quận Cam đều có nguy cơ trở thành mục tiêu của họ. Báo Người Việt đăng bài của ông Tưởng Năng Tiến bàn phiếm về chuyện Hồ Chí Minh nuôi cây vú sữa. Tất nhiên kèm bức hình nổi tiếng “bác Hồ tưới cây vú sữa.” Thế là ăn đạn. Một thời gian dài bản chụp trang báo đó nằm trong bộ sưu tập của đoàn biểu tình trưng ra mỗi tuần.
Các chính trị gia cũng bị nhắm. Một số đi đêm với họ, trong hy vọng không bị tấn công công khai. Kết quả là nhóm này liên kết với với chính trị gia A, thì chụp mũ chính trị gia B là cộng sản. Và nhóm kia làm ngược lại.

Một email năm 2008 tường thuật cuộc biểu tình chống Lễ Tưởng Niệm Nạn Nhân Mậu Thân ở Việt Báo.

Tôn giáo cũng không được để yên. Đại nhạc hội Ánh Đạo Vàng Phật Đản năm 2008 bị kêu gọitẩy chay nhạc hội Ma Tăng.” Bên Công Giáo thì khi biết tin Hồng Y Phạm Minh Mẫn sẽ tới Đại Hội Lòng Thương Xót Chủa của dòng Chúa Cứu Thế tổ chức tại Long Beach, họ cũng đòi biểu tình nếu không rút lại lời mời Đức Hồng Y. Rốt cuộc Hồng Y vẫn tới, biểu tình khoảng mươi người.

Nghệ sĩ bị tấn công. Tấm hình biểu tình chống đêm nhạc Trịnh Công Sơn ở trên là diễn ra chỉ hơn một tháng sau khi họ thắng Người Việt.

Một số người hạ quyết tâm triệt cho được ngôi sao Khánh Ly. Nhà văn Nhã Ca (tác giả “Giải Khăn Sô Cho Huế”) và tòa soạn Việt Báo tổ chức tưởng niệm nạn nhân Tết Mậu Thân nhân dịp 40 năm. Ca sĩ Khánh Ly được mời đến hát, và thế là những người đang đứng biểu tình trước cửa báo Người Việt tràn qua biểu tình Việt Báo, không cần biết gì tới nạn nhân vụ tàn sát Mậu Thân.

Cảnh sát phải tới đưa cô Khánh Ly vào trong. (Xem phản ứng độc đáo của cô trong video này, bắt đầu phút 1:55.) Tuy nhiên, ở đây, phần nào cực đoan Bolsa đã thành công, dọa được một vài người viết báo cho tới nay vẫn sợ không dám nhắc tới Khánh Ly và Trịnh Công Sơn.

Tình trạng này kéo dài trong mấy năm, và chỉ bớt đi sau khi đám cực đoan vì tự tranh chấp lẫn nhau (ai nghĩ khác mình là kẻ thù mà) nên đổ vỡ từ bên trong.

Và chuyện được đằng chân lân đằng đầu của cực đoan Bolsa đang có nguy cơ lập lại hôm nay.

Vài tuần trước, sau khi tôi mất việc lần nữa, có một tác giả hay gửi bài vào, lên tiếng rằng dấu hiệu cộng sản trà trộn trong tòa báo là bài này bị cắt, bài kia bị không đăng. Nói như thế có khác nào cảnh cáo tòa soạn rằng từ giờ trở đi, đứa nào mà còn cắt, còn không đăng bài của ta, đứa đó là cộng sản!

Một khi những người này đã lấn được một phần quyền biên tập của tờ báo, người ta sẽ nỗ lực lấn sang những phần khác. Và phương pháp người ta lấn, sẽ là cùng với phương pháp đã dùng để lấn được phần đầu: Chụp mũ cộng sản.
Thẩm phán Tòa Di trú Phan Quang Tuệ, viết về tự do ngôn luận, có câu này:
“Và chúng ta có muốn tiếp tục theo con đường và áp dụng những biện pháp tương tự cho đến khi tất cả chúng ta chỉ còn những tờ báo đồng một tiếng nói, một luận điệu, một ngôn ngữ với một lời cảnh cáo: ai nói khác sẽ bị tận diệt!”

Ý ông Tuệ hẳn muốn nói rằng chuyện báo chí nào nói khác sẽ bị tận diệt – là chuyện không tốt, chuyện nên tránh.
Điều ông không ngờ, là chính đó là mục tiêu của những kẻ thích đưa huấn thị cho báo chí: Họ đang muốn tất cả những tờ báo ở đây đều đồng một tiếng nói, một luận điệu, một ngôn ngữ, và báo nào nói khác đều cần phải bị tận diệt. Họ sẽ đạt đích khi mà, giống báo chí trong nước, báo đài Quận Cam tự biết thân biết phận mà kiểm duyệt nội bộ cấm nói cấm viết khác ý đoàn biểu tình.

Đó là mục tiêu của cực đoan Bolsa. Nhưng họ có thực hiện được mục tiêu đó không – là tùy người đối diện có để cho họ làm tới hay không.

----------------------------------------

TIN LIÊN QUAN :



Nhật Báo Người Việt        Tuesday, July 31, 2012 6:28:03 PM

Trần Đông Đức      03:32:am 31/07/12

Phan Quang Tuệ     02:22:pm 23/07/12

Đỗ Thái Nhiên   12:01:am 22/07/12

Trần Đông Đức   -  BBC  15-7-2012

Hà Giang/Người Việt      Friday, July 13, 2012 9:34:12 PM



No comments:

Post a Comment

View My Stats