Wednesday, 8 August 2012

"CURIOSITY - TÒ MÒ" ĐÁP XUỐNG HỎA TINH (ABC - RFA - VOA)





ABC – RADIO AUSTRALIA
Cập nhật lúc 7 August 2012, 15:30 AEST

Các nhà khoa học Trái đất háo hức nghiên cứu Hố tròn Gale, nơi được cho là từng chứa nước nhiều năm trước, và cũng là nơi NASA chọn làm bãi đáp cho tàu thăm dò Curiosity hôm 06/08/2012

Video: Timelapse - Curiosity đổ bộ xuống Hỏa Tinh
Timelapse - Curiosity đổ bộ xuống Hỏa Tinh (Credit: ABC Licensed)
Video: Sứ mạng của nhà địa chất rô-bô Curiosity tùy thuộc vào “7 phút kinh hoàng”
Sứ mạng của nhà địa chất rô-bô Curiosity tùy thuộc vào “7 phút kinh hoàng” (Credit: ABC)

Trong thời gian tới, tàu thăm dò Curiosity (Tò mò) mang Phòng Thí nghiệm Khoa học Sao Hỏa sẽ leo lên giữa sườn núi Sharp, một ngọn núi cao 5km có các lớp trầm tích với niên đại lên tới khoảng 1 tỉ năm.
Tuy nhiên, có lẽ phải một năm nữa tàu thăm dò điều khiển từ xa này mới có thể tới chân núi Sharp cách địa điểm hạ cánh khoảng 20 kilomet.

“Chúng tôi phải đảm bảo rằng toàn bộ các chức năng của Curiosity vận hành tốt trước khi dám điều khiển nó để mạo hiểm đó đây”, ông John Grotzinger, nhà khoa học tham gia dự án Phòng Thí nghiệm Khoa học Sao Hỏa, phát biểu với giới báo chí sau khi Curiosity hạ cánh.
“Có lẽ khoảng 1 năm nữa, tàu thăm dò có thể tới chân núi Sharp. Nơi Curiosity đáp xuống cũng khá thú vị nên chúng tôi không muốn vội vã rời đi khi chưa nghiên cứu kỹ.”

Đầu tiên, các nhà khoa học sẽ kiểm tra các chức năng của tàu thăm dò. Công đoạn này có thể mất vài tuần.
Sau đó là chuyện phân bố thời gian nghiên cứu cho các nhà khoa học. Vì ai cũng nôn nóng đi đến đích, một nhà khoa học NASA so sánh việc này giống như một chuyến du lịch đường trường của một gia đình đông con – với bọn trẻ con trong xe lao xao “đến nơi chưa bố ạ?”

Ông Richard Cook, thuộc bộ phận quản lý hệ thống bay của dự án từ Phòng Thí nghiệm Động cơ Phản lực tại California, nhận xét: “Tôi nghĩ là hành trình của tàu thăm dò giống như đi nghỉ cùng gia đình gồm 400 nhà khoa học mà ai cũng muốn dừng lại ở các địa điểm khác nhau để nghiên cứu và thu thập dữ kiện.”

Một phần trong quy trình kiểm tra là thử nghiệm các thiết bị trên tàu thăm dò, từ máy phóng tia la-de để nung đá thành hơi, tới bộ kính viễn vọng, và bộ thí nghiệm hóa học để phân tích bột đất đá.

Curiosity cũng mang theo bộ dụng cụ kiểm tra các hợp chất cacbon, thành phần cấu tạo nên sự sống, và một máy dò nước có thể phát hiện nước ngầm ở độ sâu 50cm.

Thiết bị Đo Bức xạ (Radiation Assessment Detector - RAD) đã thu thập dữ liệu lượng bức xạ mà tàu vũ trụ nhận được, bao gồm ảnh hưởng của 5 quầng lóe sáng lớn từ Mặt trời kể từ khi được phóng lên hồi tháng 11/2011.

Máy dò đã phát hiện ra những hạt hạ nguyên tử và nguyên tử năng lượng cao từ Mặt trời có thể gây hại cho phi hành đoàn nếu họ được phóng lên Sao Hỏa. Tổng thống Mỹ Barack Obama hứa hẹn Hoa Kỳ sẽ đưa người lên Sao Hỏa vào năm 2030.

Ông Dan Hassler, nhà nghiên cứu chính của thiết bị RAD, phát biểu với phóng viên hồi tuần trước rằng các nhà khoa học vẫn đang phân tích dữ liệu. Tuy nhiên ông nói dữ liệu phóng xạ ghi được sẽ đóng góp quan trọng cho việc giới hạn liều lượng bức xạ trong toàn bộ hành trình trong không gian của phi hành gia.

NASA cũng cho rằng ‘bức xạ từ các tia vũ trụ, bắt nguồn từ những vụ nổ sao băng và các sự cố ở xa khác, chiếm tỉ lệ cao hơn tổng lượng bức xạ trong hành trình so với lượng bức xạ từ những sự cố hạt Mặt trời’.

Thời hạn vận hành dự kiến 2 năm của Curiosity là lâu hơn nhiều so với các tàu thăm dò trước đây được đưa lên Sao Hỏa, còn gọi là Hành tinh Đỏ, vào năm 2004.

Spirit và Opportunity là những tàu thăm dò vận hành bằng năng lượng Mặt trời dự kiến hoạt động trong ba tháng. Spirit đã hoạt động được hơn sáu tháng và Opportunity hiện vẫn đang vận hành.

“Sứ mệnh của Curiosity dự tính là hai năm. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu nó có thể hoạt động trong khoảng thời gian gấp đôi thì cũng không có ai cảm thấy sốc", ông Pete Theisinger, Giám đốc Ban Kỹ thuật và Khoa học tại Phòng Thí nghiệm Động cơ Phản lực, nhận định.
"Và đây là lần đầu tiên tôi nói là nó có thể kéo dài hơn hai năm. Chúng tôi không vội. Và chúng tôi cũng sẽ không để có lỗi kỹ thuật xảy ra.”

Việt-Long, RFA
2012-08-07
6 phút rưỡi là thời hạn cho chiếc phi thuyền mẹ chở xe robot Curiosity dừng hẳn lại trên không bằng hoả tiễn phản lực, từ vận tốc 6 km một giây trước đó, lúc nó lao đi như một viên đạn trong bầu khí rất loãng của sao Hoả.

"Tò Mò" mới xuống  .  NASA screen capture

Sau đó, tới “7 phút kinh hoàng”, là thời gian cả Trung tâm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Pasadena, California nín thở theo dõi trong nhịp tim đập mạnh, áp huyết tăng cao, để rồi bừng lên ôm nhau nhảy múa reo mừng.
Đó là lúc chiếc xe robot “Tò Mò” chạm đất nhẹ nhàng và an toàn trong bầu trời hồng rực, khi được thả bằng giây thung từ chiếc phi thuyền mẹ đứng lắc lư thật nhẹ trên không bằng bốn chiếc chân hoả tiễn phản hồi phun ra những tia lửa xanh đỏ vàng tím…

10 giờ 32 phút đêm chủ nhật, giờ California, một điện văn từ “Tò mò” báo về Trung tâm cho biết cuộc hành trình 566 triệu km không gian đã kết thúc hoàn toàn tốt đẹp. Chú Tò Mò nặng 1 ton đặt sáu bánh xuống đất với vận tốc không tới 1 mét 1 giây.

Hính dáng khoa học gia 8 tháng tuổi- NASA screen capture
Cuộc hạ cánh được mô tả là “hơn cả toàn hảo” đã làm cả nước Mỹ thờ phào nhẹ nhõm sau 8 tháng trường chiếc xe “Tò Mò”, hay “Ham học” cũng vậy, vượt 352 triệu dặm đường không gian để khởi sự một công tác 2 năm, rồi ở lại nơi xa xôi đó luôn.

Các khoa học gia của NASA gọi cuộc hạ cánh là một “phép lạ của kỹ thuật”. Kỹ sư trưởng của đề án trị giá 2 tỉ rưỡi đô la này cho biết cả đoàn chuyên viên đã phải tập dượt trong 8 năm trời để làm quen với cảm nghĩ về tình trạng xấu nhất có thể xảy ra ngày hôm nay, không ai dứt bỏ được nỗi ám ảnh đó.

Một bộ ba vệ tinh bay trên quỹ đạo sao Hoả đã thu hình “7 phút kinh hoàng” ấy. Từ quỹ đạo cách đó hơn 300 km, vệ tinh Mars Reconnaisance, “Thám sát sao Hoả”, rất tinh mắt, đã chụp hình chiếc “Tò Mò” treo dưới chiếc dù, trên đường tới miệng lòng chảo Gale, ở nam bán cầu gần xích đạo sao Hoả. Bảy phút sau, vệ tinh trong ba anh em của nó là Odyssey từ quỹ đạo sao Hoả chuyển về hình ảnh một bánh xe của chiếc “Tò Mò” trên nền đất sỏi không khác mặt trái đất là mấy, với những tảng sỏi đá rải rác gần như cùng kích thước.

Đáp xuống cách chân “Núi Nhọn”, Mount Sharp, gần 10 km, các ống kính cặp mắt của Tò mò trông rõ hình thể kỳ dị của những tảng đá dẹp như những khối hợp chất cát sạn dựng san sát nhìn như những con bài khổng lồ cắm sát nhau, cách đáy miệng Gale gần 5 km; ngọn núi Sharp cũng cao 5 km, vượt trên miệng lòng chảo này. Các khoa học gia tin rằng Núi Nhọn được hình thành bằng những thành phần đá sỏi đất cát mà khi xưa phủ kín khu lòng chảo, sẽ hiến tặng những chứng tích địa chất quý giá của lịch sử sao Hoả, hành tinh giống quả địa cầu của chúng ta nhất trong thái dương hệ của con người.

Tàu mẹ thả Curiosity xuống, 1 mét / giây- NASA screen capture

Được trang bị hàng loạt những dụng cụ tinh vi có khả năng phân tích các mẫu đất đá, khí quyển ngay tại chỗ và gửi ngay kết quả về Trái Đất, “Tò mò” sẽ đào bới trên bề mặt sao Hoả ở những nơi được chọn lọc, đem vào phòng lab, tự khảo sát và cho kết quả. Các nhà khoa học của đề án “Curiosity” hết sức chú trọng vào chứng tích còn sót lại của một môi trường sống xưa kia trên hành tình anh em với Trái Đất này. Những chứng tích đó là bằng chứng của sự sống vi sinh. Nhưng phải nhiều tháng nữa chú Tò Mò mới lò dò đến Núi Nhọn.

Mục tiêu không phải chỉ là Núi Nhọn. Một trong những khẩu súng laser của Tò Mò có thể bắn vào một tảng đá cách nó 7 mét, tạo một tia phản xạ để cho một kính viễn vọng phân tích quang phổ của nó, tìm ra các thành phần hoá học trong khoáng chất của tảng đá. Và một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Tò Mò là làm công tác đó với những tảng sỏi đá quanh chỗ nó đặt chân.

Các nhà khoa học cũng đang háo hức được khảo sát những đá sỏi, đá cuội có vẻ như bị nước đẩy trôi tới một khu vực hình quạt ở gần xe Tò Mò. Ngày thứ hai, Tò Mò mở chiếc ăng-ten hình dĩa để liên lạc với Trái Đất dễ dàng hơn.
Quản Trị viên Mike Watkins của công trình Curiosity nói NASA làm nên xe Tò Mò này không phải chỉ để đáp xuống hành tinh Đỏ, mà còn đi đó đi đây để thi hành nhiều sứ mạng khoa học phức tạp và tuyệt mỹ. Trong hai năm tới, Tò Mò sẽ làm việc như 400 khoa học gia cùng nhau khảo sát từng viên đá cuội, từng tảng đá sỏi mà họ gặp trên đường dạo chơi sao Hoả.

Reo mừng! NASA screen capture

Tò Mò sẽ mang cả cái phòng lab tối tân đắt tiền nhất thế giới tính theo kích thước bé nhỏ và nhiệm vụ khổng lồ của nó, leo lên lưng chừng Núi Nhọn, nơi có những lớp đá già hằng tỉ năm tuổi. Tuy nhiên phải mất nguyên một năm nữa, chú khoa học gia trẻ tuổi Tò Mò còn non choẹt mới được lò dò tới chân Núi Nhọn hơn chú hằng tỉ tuổi.

Và lâu hơn nữa, đến năm 2030 mới có thể có một hay hai phi hành gia bằng con người thật đầu tiên đặt chân lên hành tinh mà Tò Mò đang bắt đầu làm việc hôm nay.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

VOA
06.08.2012
Cơ quan Không gian Hoa Kỳ cho hay Phòng thí nghiệm Khoa học trên Sao Hỏa đã hạ cánh thành công xuống hành tinh đỏ này. Từ Washington, thông tín viên VOA Penny Dixon ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Còn phải mất nhiều tuần lễ thử nghiệm trước khi Cơ quan Không gian Hoa Kỳ NASA để cho con tàu thám hiểm Curiosity tự do đi lại trên bề mặt sao Hỏa, để đi tìm các dấu hiệu cho thấy hành tinh nay có thể đã có lúc ở trong tình trạng thích hợp cho sinh hoạt.
Nhưng trước hết các khoa học gia và kỹ sư tại Phòng thí nghiệm Không gian Hỗn hợp gần thành phố Los Angeles đã tổ chức một lễ mừng nhỏ.

NASA mô tả sự kiện tàu Curiosity đi xuyên qua khí quyển Sao Hỏa là “7 phút kinh hoàng,” nhưng việc hạ cánh, mà các kỹ sư cho là một chuyến đáp phức tạp nhất đã từng thử nghiệm, đã xúc tiến một cách hoàn hảo.
Ít lâu sau khi đáp xuống, phi thuyền đã gửi một hình ảnh trở về trái đất, cho thấy một trong 6 bánh xe chạm xuống bề mặt hành tinh đỏ.
Tổng thống Barack Obama ca ngợi các nỗ lực đưa tàu Curiosity lên Sao Hỏa.
Trong một phát biểu hôm nay, Tổng thống Obama nói việc đáp xuống hành tinh này là một sự kiện lịch sử. Ông gọi đây là một thành tích kỹ thuật chưa từng có từ trước đến nay.
Cố vấn Khoa học của Tòa Bạch Ốc John Holdren cho hay chính quyền của Tổng thống Obama cam kết tiếp tục sự lãnh đạo của nước Mỹ trên trái đất và trong suốt Thái Dương Hệ.
Ông Holdren nói: "Việc tàu thám hiểm Curiosity hạ cánh xuống bề mặt Hành tinh Ðỏ quả thực là một phi vụ mang tính thách thức nhất trong lịch sử thám hiểm hành tinh bằng tàu robot. Và nếu có ai hoài nghi về sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong lãnh vực không gian, thì nay đã có một bằng chứng thực sự cỡ một chiếc xe hơi cả tấn nằm trên bề mặt Sao Hỏa ngay lúc này, và điều đó chắc hẳn sẽ khiến không còn điều gì để nghi ngờ nữa.”

Tàu thám hiểm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ dành 2 năm để đào bới các tảng đá và xúc đất lên để phân tích. Các khoa học gia hy vọng sẽ xác định được liêu môi trường Hỏa Tinh có thể hỗ trợ cho sự sống dưới hình thức của các sinh vật cực nhỏ hay không.







No comments:

Post a Comment

View My Stats