Thursday 9 August 2012

CÓ TỘI VỚI NÔNG DÂN (Đào Tuấn)




Đào Tuấn
Tháng Tám 9, 2012

Mảnh đất với người nông dân là cả quá khứ, hiện tại, tương lai. Đất tạo nên nông dân. Và mất đất đẻ ra một lớp người thất nghiệp

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu Hà Nội kiểm tra tình trạng các khu “đất vàng” bị bỏ hoang từ nhiều năm nay trên khắp các địa bàn của Hà Nội, có giải pháp quản lý theo đúng quy định của pháp luật các khu đất đã giao còn để hoang phí.

Đây cũng không phải là lần đầu Chính phủ có văn bản mang tính chất “vỡ hoang” sự hoang phí trong bối cảnh Thành phố đang loay hoay tìm kiếm thậm chí chỉ 1-2000 m2 cho một bãi để xe, và nông dân mất đất đang lén vỡ hoang đất các dự án.

Hà Nội có bao nhiêu “đất vàng” bị bỏ hoang? Kết quả kiểm tra mới nhất về tình trạng các “khu đất vàng” bị bỏ hoang trên địa bàn 4 quận, huyện: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Từ Liêm cho thấy, trong tổng số hơn 30 khu đất được kiểm tra với diện tích gần 500.000m2 có trên 15 khu đất trống, chưa sử dụng với diện tích khoảng 309.368m2. Thôi thì đủ, từ Dự án khách sạn 5 sao; khu đô thị mới, hồ điều hòa…Ít thì 1-2000 m2, nhiều lên tới 7-8 ha/dự án.

Có người nói những khó khăn về kinh tế khiến các đại gia, các chủ đầu tư gần như cạn túi. Và đó là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng đất vàng bị bỏ hoang. Nhưng, với bất cứ lý do gì, thì nạn nhân khốn khổ nhất phải là những người nông dân mất đi bờ xôi ruộng mật cho các dự án giờ hàng ngày phải dương mắt dõi cảnh bãi bể nương dâu.

Sự hoang hóa không chỉ ở những dự án đất vàng, đất kim cương. Toàn thành phố hiện có 6.000ha đất lúa bị bỏ hoang, hậu quả trực tiếp của tình trạng “quy hoạch treo” khiến không một người nông dân nào dám “xuống tiền”.

Tuần trước, cơ quan ngôn luận của chính quyền Thành phố dẫn lời một nông dân ở Đại Mỗ mô tả tình trạng “phần lớn đàn ông trong gia đình đi ra ngoài làm thuê” sau khi đất ruộng bị đưa vào quy hoạch.

Sự hoang hóa không phải chỉ ở Hà Nội. Ở Hậu Giang, nông dân “trưng dụng” lại đất trong KCN Sông Hậu, bất chấp tình trạng “cỏ cao quá đầu người” phải đầu tư rất tốn kém. Ở Sóc Trăng, KCN An Hiệp biến thành ruộng khoai, nương ớt khi những người nông dân “khai hoang” lại mảnh đất từng là đất lúa năng suất cao đã bị thu hồi và bỏ hoang từ 2007.

Một điều tra về tình trạng khu công nghiệp cho thấy có tới 50% khu công nghiệp và 26,4% cụm công nghiệp, trên tổng số hơn 112.000 ha khu, cụm công nghiệp của cả nước hiện là nơi “trồng cỏ dại”. Trong khi đó, theo quy hoạch đến năm 2020 đã được phê duyệt, cả nước sẽ có tới 558 KCN chiếm diện tích hơn 200.000 ha. Sự hoang hóa, hóa ra sinh ra từ tầm nhìn.

Sự hoang hóa trên đất vàng ở Thủ đô hay đất lúa cả nước nói giản dị thì là sự lãng phí khổng lồ trong khi chính xác thì phải nói là cơ quan chức năng đang “mắc tội” trước sự thất nghiệp của người nông dân.

Tuần trước, ở Long An, chính quyền vừa chính thức thu hồi khoảng 500ha đất bỏ hoang của 3 dự án, trong đó có 1 dự án sân golf rộng tới 280ha đất lúa,để trả lại cho nông dân trồng lúa. Nhấn mạnh là thu hồi để trả lại cho nông dân trồng lúa, chứ không phải để chuyển cho một chủ đầu tư, thực hiện một dự án phi nông nghiệp khác. Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Hữu Lâm thậm chí còn nói đến việc “xóa hẳn” những dự án bỏ hoang đất. Một tờ báo thậm chí còn đưa những bức hình “nụ cười Thủ thừa”. Điều này không có gì lạ khi mảnh đất với người nông dân là cả quá khứ, hiện tại, tương lai. Đất tạo nên nông dân. Và mất đất đẻ ra một lớp người thất nghiệp.

Có điều, Long An là tỉnh đầu tiên, nhưng cũng là duy nhất.


--------------------------------
“Có tội với nông dân” nhưng ai là kẻ có tội? Và nông dân được được đền bù như thế nào?













No comments:

Post a Comment

View My Stats