Wednesday 8 August 2012

CHUYỆN BÊN LỀ OLYMPIC LONDON 2012 (Nguyễn Khanh - RFA)




Nguyễn Khanh viết từ London
2012-08-08

Trước ống kính truyền hình, trước gần 20,000 khán giả có mặt tại chỗ và cả chục triệu người xem qua TV, tay vợt Andy Murray của Anh Quốc giơ 2 tay lên trời, miệng nở nụ cười sung sướng khi vừa đánh đường banh tuyệt chiêu để kết thúc trận chung kết môn tennis ở Olympic London 2012.

Tay vợt Andy Murray của Anh với huy chương vàng quần vợt đơn nam Olympic London hôm 05/8/2012.  AFP photo

Chiến thắng này đem lại cho anh chiếc huy chương vàng đầu tiên, giúp nước chủ nhà đến gần với mục tiêu phải lấy được 20 chiếc huy chương vàng và đồng thời cũng giúp anh phục thù trận thua tay vợt Thụy Sĩ Roger Federer cũng trên sân Wimbledon một tháng trước đây.

Sau thủ tục bắt tay nhận lời chúc mừng của đối thủ và của trọng tài, Andy Murray vội vã chạy lên khán đài đến chỗ người yêu là cô Kim Sears đang đứng chờ. Hình ảnh được chiếu trên truyền hình là cảnh 2 người ôm hôn nhau thắm thiết, trong lúc tất cả khán giả có mặt trong sân không ai bảo ai, tất cả đứng dậy vừa vỗ tay vừa reo hò.

Hình ảnh Andy Murray ôm hôn người yêu sau khi chiến thắng là hình ảnh khá quen thuộc ở Olympic London 2012. Hầu như các vận động viên sau khi thành công đều ôm hôn người yêu, kể cả những người không may mắn cũng tìm đến người yêu của mình để nhận lời an ủi. Chính vì thế nên cánh nhà báo ưa tò mò mới đặt ra câu hỏi: sẽ có bao nhiêu đám cưới diễn ra sau khi cuộc tranh tài kết thúc?

“Tôi vẫn còn trẻ, chưa tình đến chuyện đó”, tay vợt mới 25 tuổi trả lời câu hỏi mà chính anh cũng phải nói là “hóc búa” của báo chí. “Ngay chuyện ôm hôn bạn gái cũng không phải là chuyện tôi định trước, nhưng sau khi thành công thì tự nhiên thấy mình phải chia sẻ niềm vui này với người mình yêu, nhất là ước mơ chiếm huy chương vàng là ước mơ cả 2 đưa tôi đã ấp ủ ngay từ ngày biết sẽ đại diện cho quốc gia để tranh tài”.

Cô Kim Sears và Murray gặp nhau lần đầu ở giải French Open 2005, được báo chí thế giới gọi là “người cổ vũ trung thành nhất” của tay vợt nổi tiếng nhất nhì thế giới. Hai người từng chia tay nhau hồi 2009 vì cô Kim không chịu nổi cảnh người yêu xách vợt đi tranh tài khắp nơi bỏ cô thui thủi một mình, nhưng chỉ sáu tháng sau đó lại thấy họ xuất hiện trên đường phố London trước khi mua chung căn nhà trị giá gần 10 triệu dollars. Dọn về nhà mới, “chàng” mua tặng “nàng” 2 con chó để làm bạn cho đỡ buồn “những lúc tôi xa nhà”, anh kể trên đài truyền hình BBC.

Kình ngư Michael Phelps cũng nói chưa biết bao giờ sẽ lập gia đình. Trong cuộc họp báo để chính thức loan tin giải nghệ, anh cho hay “trang sách bơi lội” đã kết thúc sau chiếc huy chương thứ 22 lấy được ở bể bơi London, nhưng không biết lúc nào chuyện lập gia đình sẽ được ghi ở “trang sách mới”. Người yêu của anh hiện giờ là là cô người mẫu kiêm tài tử Megan Rossee, xuất thân từ Los Angeles. Báo chí Anh Quốc đưa tin từ ngày thông báo giải nghệ đến giờ, thường thấy hai anh chị dẫn nhau đi chơi khuya, có khi đến 4 giờ sáng mới về lại khách sạn.

Với nữ lực sĩ Jessica Ennis, cô gái cưng của nước Anh vừa làm chủ chiếc huy chương vàng môn heptathlon, chiến thắng, tên tuổi, lẫn những giao kèo thương mại trị giá hàng chục triệu dollars không ảnh hưởng gì đến chuyện tình cảm giữa cô và hôn phu là anh Andy Hill. Trong buổi tiếp xúc với khán giả ủng hộ ở Olympic Park, cô nhắc lại lúc còn đi học “tôi thường nói với bạn bè mục tiêu lớn nhất trong đời là lập gia đình, cùng chồng chăm sóc con cái”.
Nói xong, cô nhìn người yêu bảo thêm “sẽ không có gì thay đổi về chuyện của chúng mình phải không cưng?”, điều đó có thể hiểu là 2 người đã tính đến chuyện làm đám cưới nhưng không vội tiết lộ chuyện riêng tư cho thế giới biết.

Đáng yêu nhất là chuyện cô Holly Bleasdale của môn nhảy sào. Từng nằm trong danh sách những vận động viên có triển vọng chiếm huy chương, nhưng cô chỉ về hạng 6 trong cuộc thi chung kết tối thứ hai vừa rồi. Sau cuộc thi, cô ngồi thừ người ở sân trước khi đứng lên vừa đi vừa khóc, bất kể lời an ủi của ông huấn luyện viên là cô mới 20 tuổi, “sẽ có cơ hội chiến thắng ở Olympic Rio 2016”.

Chỉ vài giờ đồng hồ sau đó, các fans của cô nhìn thấy hình ảnh cô cười thật tươi trên Facebook, báo tin người yêu là anh Paul Bradshaw mới ngỏ lời cầu hôn. Lời báo tin của cô như sau: “đứng hạng 6 trong cuộc thi Olympic và Bradshaw mới ngỏ lời cầu hôn. Không có ngày nào tuyệt diệu cho bằng ngày hôm nay”.

Hai ngày hôm sau, cô Holly Bleasdale cho biết vẫn còn “choáng” vì những chuyện “quá quan trọng dồn dập xảy ra”, nhưng cũng không quên bảo ngay sau London 2012 “sẽ bắt đầu lo chuyện sửa soạn cho đám cưới”, bảo thêm “ngày giờ và địa điểm sẽ được thông báo sau”.

Chuyện bên lề để thúc bài viết hôm nay: Ban Tổ Chức Olympic London 2012 cho hay sẽ cố gắng bằng mọi cách để giúp các vận động viên muốn làm lễ cưới ngay trong sân vận động, Ủy Ban Olympic Quốc Tế cũng thế, cho biết thêm xưa này chưa hề nhận được yêu cầu xin giúp đỡ của các vận động viên muốn làm lễ cưới ngay trong sân họ từng tranh tài.

*
*

Nguyễn Khanh viết từ Luân Đôn
2012-08-06

“Mãi đến tối hôm qua tối mới nói với mẹ rằng con sẽ giải nghệ kể từ ngày hôm nay”, anh lực sĩ đang giữ kỷ lục Olympic với 22 chiếc huy chương đủ loại nói với mọi người.
Cả phòng im lặng nghe anh nói chuyện, với giọng thật nhẹ nhàng bảo thêm “đêm qua tới 4 giờ sáng tôi mới đi ngủ, cũng chỉ ngủ có đúng 4 tiếng rồi thức dậy và lúc nào trong đầu cũng nghĩ hôm nay là ngày đầu tiên mình không phải làm gì cả”.

BTV Nguyễn Khanh trong buổi họp báo với Michael Phelps ở Olympic London 2012. RFA photo.

Từ giả thao trường
Trước mặt anh em nhà báo chúng tôi là kình ngư Michael Phelps, người trong nhiều năm trời một mình làm chủ bể bơi thế giới. Dáng cao và gầy, dưới chân đi đôi giầy quá khổ, anh quyết định mở cuộc họp báo chỉ một ngày sau khi đoạt chiếc huy chương vàng bơi lội cuối cùng ở Olympic London 2012. Trước khi anh xuất hiện, mọi người đều nghe lời đồn đãi nói London sẽ là cuộc thi cuối cùng của anh, và hôm nay chính anh nói điều đó với mọi người.

“Từ ngày đầu mẹ tôi đã hết lòng ủng hộ mọi điều tôi làm, do đó khi nghe tôi bảo mình sẽ giã từ bể bơi, mẹ tôi bảo vậy thì con đóng trang sách cũ lại và mở một chương mới”, anh kể tiếp cho khoảng 600 nhà báo ngồi chật phòng báo chí của Olympic London. “Thật tình tôi chưa biết mình sẽ làm gì, nhưng chắc sẽ có nhiều thì giờ hơn để đi du lịch, sẽ nhận lời tham dự những buổi nói chuyện để động viên giới trẻ, nhất là những người trẻ yêu thể thao, muốn trở thành vận động viên olympic như  ước mơ của tôi lúc bé”.

Câu chuyện của cậu bé sinh trưởng và lớn lên ở thành phố Towson, tiểu bang Maryland, có thể được xem là câu chuyện của huyền thoại. Làm quen với bể bơi năm lên 7 “vì được chị em trong nhà khuyến khích”, dẫn cậu đi một tiệm bán quần áo thể thao “mua cho chiếc áo bơi để ủng hộ tinh thần”. Không ai ngờ cậu được chọn vào đội bơi của Hoa Kỳ dự Olympic Sydney 2000 năm mới 15 tuổi, không chiếm được chiếc huy chương nhưng vào tới chung kết môn bơi bướm 200 mét và về hạng 5.

Một năm sau đó, thế giới thật sự biết đến Michael Phelps khi anh xuất hiện ở đường đua của cuộc thi Bơi Lội Thế Giới tổ chức tại Fukuoka, Nhật Bản, khi anh chiếm huy chương vàng và tạo kỷ lục thế giới ở môn thi 200 mét bơi bướm và 400 mét bơi hỗn hợp. Tất cả những thành tích này anh tạo được lúc mới 16 tuổi, trở thành vận động viên bơi lội trẻ tuổi nhất vừa chiếm huy chương vừa ghi kỷ lục mới cho thế giới.

Thành công tại Nhật Bản chỉ khởi đầu cho một chuỗi thành công của Michael Phelps, đặc biệt sau ngày anh chiếm chiếc huy chương vàng đầu tiên ở Olympic Athen 2004. “Đó là chiếc huy chương vàng tôi quý nhất, chẳng bao giờ tôi quên chuyện mình thành công ngay ở cuộc tranh tài đầu tiên ở Hy Lạp”, anh vừa cười vừa trả lời câu hỏi của một nhà báo. Sau chiếc huy chương vàng đó là một loạt những chiếc huy chương vàng và kỷ lục thế giới khác, cho đến khi anh quyết định chia tay với thao trường và với khán giả ủng hộ khắp nơi.

 “Cứ nghĩ đến chuyện tối hôm qua mình bơi thi lần cuối cùng là tôi như thấy điên. Khi nghe tôi loan báo tin giải nghệ, bạn bè tôi đứa nào cũng bảo đừng cố gắng quá mức, cứ bày tỏ tâm tư riêng, cứ việc khóc nếu thấy cần phải khóc”, anh bặm môi nói với chúng tôi. “Đến giờ tôi vẫn cố gắng hết sức để đừng khóc, đừng lộ nỗi buồn cho bất cứ ai biết”.

 “Tôi đã làm được tất cả những gì mình muốn làm”, anh tiếp tục câu chuyện. “Lúc tôi mới bắt đầu, hầu như bể bơi là của nước Mỹ, nhưng bây giờ mặt hồ đã thuộc về thế giới chứ không phải chỉ của một mình tôi”. Anh nhắc lại chuyện không thể ngờ chứng kiến được hình ảnh vận động viên Trung Quốc phá kỷ lục thế giới ngay tại Olympic London 2012, và lấy làm tiếc khi thua Chad de Clos của Nam Phi ở cuộc thi chung kết 200 mét bơi bướm, là môn sở trường của anh. “Nếu có dịp làm lại, có lẽ đó là cuộc thi mà tôi sẽ tham dự”, vừa nói anh vừa cười và bảo ngay “tôi nói đùa đấy thôi, tôi sẽ không trở lại bể bơi nữa đâu. Tôi không bao giờ thay đổi quyết định mà tôi vừa thông báo cho các bạn”.

Không trở lại bể bơi thì kình ngư Michael Phelps sẽ làm gì? “Chắc chắn tôi sẽ đi bơi, nhưng hồ bơi của tôi bây giờ là đại dương. Bao nhiêu năm rồi tôi không có dịp đùa nghịch với sóng biển vì ngày nào cũng 6 giờ sáng phải rời nhà chạy đến sân tập, nhảy ùm xuống hồ bơi nước lạnh cóng. Từ hôm nay trở đi tôi không phải dậy sớm như thế nữa, tha hồ đi tắm biển” và “có thể đi đánh golf”.

Điều đó có nghĩa là mọi người sẽ không thấy Michael Phelps ở Olympic Rio de Janeiro 2016? “Chắc chắn là không. Tôi tự hứa với mình là sẽ không dự bất cứ cuộc thi nào sau năm 30 tuổi. Tôi chẳng có ý chê bai tuổi 30, mà chỉ đặt ra mục tiêu cho chính mình thôi. Từ bây giờ đến đó còn 3 năm nữa, nhưng tôi nghĩ đã đủ rồi, tôi sẽ không dự bất kỳ cuộc thi nào nữa cả”.

Tôi đưa tay xin đặt câu hỏi, muốn biết điều gì quan trọng nhất mà anh muốn viết trên chương sách mới của một vận động viên lừng danh, rất trẻ, nhưng đã giải nghệ. Liệu đó có phải là chuyện anh sẽ lập gia đình hay có ý định làm huấn luyện viên cho một đội bơi nào đó chăng? Anh cùng với mọi người phá lên cười sau câu hỏi của tôi. Ngẫm nghĩ một lúc, anh trả lời “bây giờ tôi chưa tính gì hết, ngày hôm nay mới ngày đầu tiên tôi giải nghệ mà”.

Cuộc họp báo của Michael Phelps kết thúc ở đó. Theo yêu cầu của mọi người, anh đứng lại cho các ông phó nhòm làm việc, trên tay cầm chiếc huy chương vàng cuối cùng mà anh mới chiếm được buổi tối hôm trước. Chừng 2 phút sau, anh và các thành viên Ban Tổ Chức Olympic London 2012 rời phòng họp báo bằng chiếc cửa bên hông.

Michael Phelps với chiếc huy chương thứ 22.   RFA photo

*
*

Nguyễn Khanh viết từ London
2012-08-08

Tổng cộng sẽ có khoảng gần 3,000 chiếc huy chương được trao cho những vận động viên thắng cuộc ở Olympic London 2012.

Xem như báu vật

Với tất cả những người khuôn mặt rạng rỡ, hãnh diện cầm chiếc huy chương trên tay khoe với mọi người, đó là bằng chứng của những ngày tháng tập dượt không ngừng nghỉ. Điều họ cũng sẽ nghĩ trong đầu là sẽ chẳng bao giờ để mất chiếc huy chương cao quý đó, bất kể đó là huy chương vàng, bạc hay đồng, và đã từng có vận động viên bảo khi nào muốn lấy vợ “sẽ dùng chiếc huy chương làm lễ vật cầu hôn”.

Ai ai cũng bảo sẽ mãi mãi xem chiếc huy chương Olympic là vật “không thể rời”, nhưng chuyện vận động viên mất “vật báu” là chuyện rất thường xảy ra. Chỉ cần một sơ hở nhỏ là đã đủ để chiếc huy chương … biến mất, có người may mắn tìm lại được và cũng có người đến giờ vẫn còn thắc mắc không hiểu tại sao chiếc huy chương yêu quý nhất của mình “không cánh mà bay”.

Tám năm trước đây ở Olympic Athens 2004, tòa đại sứ Hòa Lan tổ chức bữa tiệc để chào mừng những lực sĩ chiếm được huy chương. Trong số khách danh dự có anh Diederik Simon, người mang chiếc huy chương bạc đầu tiên về cho quốc gia nổi tiếng với những con bò sữa màu đen chấm trắng. “Đến nơi tôi mới biết mình mất chiếc huy chương bỏ trong túi và chẳng biết mất ở đâu”, anh Simon kể lại. Trong lúc các bạn đồng đội khoe những chiếc huy chương họ đạt được, “mỗi mình tôi tươi cười bắt tay mọi người, và may quá, chẳng ai hỏi tại sao không thấy tôi đeo chiếc huy chương”.

Tiệc xong, anh một thân một mình đến bót cảnh sát khai báo mất vật quý nhất trong đời, nhưng “chẳng hy vọng gì chuyện sẽ tìm thấy”. Không ngờ vài ngày sau đó, “ông tài xế xe tắc xi chở tôi đến sứ quán đem chiếc huy chương trả cho cảnh sát, hóa ra tôi làm rớt trên xe mà không biết”. Ông tài xế này được Ban Tổ Chức Olympic Athens 2004 mời chụp hình với Simon và thành phố Athens tặng cho ông một bộ tem thư Olympic để làm kỷ niệm.

Anh vận động viên chèo thuyền của Hòa Lan may mắn, nhưng cũng chưa may bằng anh thợ chèo Davide Tizzano của Italy. Sau khi lãnh huy chương vàng toàn đội ở Seoul 1988 và theo đúng truyền thống, anh cùng với mọi người nhảy xuống nước ăn mừng. Kết quả: chiếc huy chương anh đeo trên cổ chìm dưới lòng sông, đến khi mọi người được ông phó nhòm gọi đứng chung để chụp hình “tôi mới biết mất chiếc huy chương rồi”. May cho anh: trong số khán giả có một vận động viên khác mang theo chiếc huy chương vàng mới lãnh ngày hôm trước, đồng ý cho mượn để chụp hình, và may hơn nữa, “toán hải quân giữ an ninh cho thợ lặn mò tìm” chỉ vài giờ sau đó tìm lại được cho anh chiếc huy chương mà chính anh nghĩ “sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy lại”.

Ủy Ban Olympic Quốc Tế (IOC) để cho Ban Tổ Chức Olympic toàn quyền quyết định vẽ kiểu huy chương trao cho các vận động viên thắng giải, nhưng kèm theo đó là một số điều kiện đi kèm chẳng hạn như mặt trước của huy chương luôn luôn phải là hình nữ thần chiến thắng Nike tung cánh rời Vận Động Trường Panathinaiko ở Athens để bay về thành phố được tỏa sáng bằng ngọn đuốc thiêng thế vận hội, và mặt sau là chỗ để Ban Tổ Chức ghi lại những biểu tượng của thành phố và của những điểm đặc biệt hay mục đích của cuộc tranh tài. Một trong những điều kiện không thể thiếu: khuôn đúc huy chương phải được trao cho IOC để giữ trong viện bảo tàng Olympic đặt tại Lausanne, Thụy Sĩ, và dựa theo khuôn này, IOC sẽ đúc những chiếc huy chương “giả” cho các vận động viên không may mất chiếc huy chương “thật”.

“Nếu không kể những chiếc huy chương được trao ở London, tổng cộng chúng tôi có 34,237 người nằm trong danh sách những vận động viên được trao huy chương”, cô Marie-Ann Schuller, phát ngôn viên của Viện Bảo Tàng Olympic nói. Mỗi năm “chúng tôi nhận được thư của một hay 2 người báo tin mất chiếc huy chương gốc, yêu cầu làm cho họ chiếc huy chương thứ nhì”. Thời gian làm chiếc huy chương “mới” mất khoảng chừng 1 tháng, số tiền vận động viên hay gia đình phải trả “nằm ở khoảng từ 800 đến 1,200 dollars” và chiếc huy chương này “chúng tôi không đảm bảo sẽ giống chiếc cũ 100%, lại được khắc hàng chữ rất nhỏ: đây là chiếc được làm lại chứ không phải là chiếc huy chương thật ”. Một điểm khác cũng quan trọng không kém: IOC không cung cấp dây đeo huy chương, “mỗi Ban Tổ Chức là một dây đeo khác nhau nên dù có muốn thì chúng tôi cũng không có dây để phát”, cô Schuller nói tiếp.

Không cánh mà bay

Chiếc huy chương Olympic trị giá bao nhiêu? Câu trả lời là còn tùy. Ban Tổ Chức Olympic London 2012 cho hay chi phí làm chiếc huy chương đồng chỉ có chừng 5 dollars, chiếc huy chương bạc giá khoảng 400 dollars và chiếc huy chương vàng giá chừng 600 dollars (mang danh là vàng nhưng làm hầu hết bằng bạc, chỉ có 1.34% là vàng thôi). Nhưng hồi năm ngoái khi chiếc huy chương vàng của trận hockey lịch sử Hoa Kỳ thắng Liên Xô được đem bán đấu giá lấy tiền giúp cho một hội từ thiện, một người ẩn danh đã bỏ ra 350,000 dollars để mua chiếc huy chương này. Đến giờ chỉ biết chiếc huy chương đó là “thật”, nhưng cầu thủ hockey nào chấp thuận tặng cho hội từ thiện chiếc huy chương cao quý đó thì vẫn chưa được tiết lộ.

Tháng trước, một bài báo của tờ The Wall Street Journal cho hay phần đông chủ nhân những chiếc huy chương bị mất nhìn nhận là họ lơ đễnh, nên mất hay thất lạc “ở đâu đó, tìm không ra”. Một trong người mất huy chương nổi tiếng nhất chính là kình ngư Michael Phelps: trước ngày đến London đã chiếm được cả thảy 16 chiếc nhưng “đếm đi đếm lại nhiều lần vẫn chỉ còn có 15”. Chiếc thứ 16 ở đâu? “Tôi thật tình không biết”, anh trả lời với báo chí. “Có lẽ lúc di chuyển hay lúc đem trưng bày cho khán giả chiêm ngưỡng, có người nào đó cầm lên xem rồi quên trả lại”.
Cũng có những vận động viên không may bị trộm vào nhà đánh cắp, như trường hợp của cô Tristan Gale và chiếc huy chương vàng của môn trượt tuyết cô đạt được ở Olympic Salt Lake 2002. “Tôi ghé qua tất cả các tiệm cầm đồ trong thành phố để tìm, đồng thời báo cho cảnh sát biết là tôi mất vật quý nhất trong đời”. Ba ngày sau đó, cảnh sát tìm được thủ phạm đã lẻn vào nhà cô, tên trộm bị bắt lúc đang trên đường đi tới… tiệm cầm đồ!

Chuyện sợ mất huy chương cũng vừa xảy ra ngay tại Olympic London 2012. Anh Andy Murray, tay vợt con cưng của nước chủ nhà, là người lúc nào cũng đeo chiếc huy chương vàng giải đơn nam vừa đạt được, đồng thời cũng là người lúc nào cũng sợ mất “báu vật”. Khi ra sân tranh trận chung kết đôi nam nữ cùng với đồng đội là cô Laura Robson, anh giao chiếc huy chương vàng cho ông huấn luyện viên Dani Vallverdu với lời dặn dò “đeo trên cổ, ngồi yên một chỗ, đừng đi đâu cả”.

Trận đó, anh và cô Laura Robson lãnh huy chương bạc. Trả lời báo chí, Andy Murray cho biết “rất mừng khi có được chiếc huy chương vàng đầu tiên” nhưng anh yêu hai chiếc ngang nhau, “không chiếc nào đứng nhất cũng chẳng chiếc nào đứng nhì”.




No comments:

Post a Comment

View My Stats