Wednesday 8 August 2012

ĐỪNG ĐEM CHIẾN QUỐC VÀO OLYMPIC (Thạch Tảo)




Thạch Tảo
06-08-2012
http://dcvonline.net/modules.php?name=News&file=article&sid=9273

Vụ 8 vận động viên cầu lông (hay lực sĩ “vũ cầu” – badminton) Olympic London 2012 bị loại vì những trận đấu đêm thứ Ba 31/7 đã làm rất nhiều người bàng hoàng. Ngay cả những ai không theo dõi các trận đấu mà chỉ đọc tin qua báo, đài đều cũng sửng sốt, không hiểu nổi tại sao một chuyện tệ hại như vậy lại có thể xảy ra ngay trên sân đấu lớn nhất thế giới.

Tóm tắt sự việc

Sự việc bắt đầu từ khi cặp đôi nữ Đan Mạch [Danmark – DCVOnline] Kamilla Rytter Juhl - Christinna Pedersen bất ngờ thắng cặp đôi nữ Trung Quốc Tian Qing - Zhao Yunlei trong vòng loại với tỉ số 22-20, 21-12. (1).

Cú thua này tạo ra sự lúng túng cho đội Trung Quốc vì trong vòng loại của tua thi đấu theo cách “xoay vòng” (round-robin) nếu cặp đôi nữ Wang Xiaoli – Yu Yang mà thắng thì các vận động viên Trung Quốc sẽ phải chạm trán với chính đồng đội mình trong trận bán kết.

Để tránh điều này xảy ra thì cặp Wang-Yu phải thua.

Khán giả dường như không tin vào mắt mình khi thấy đương kim vô địch Olympic Wang Xiaoli – Yu Yang đấu với cặp Jung Kyun-eun - Kim Ha-na của Nam Hàn quá mức vụng về. Người ta thấy những sơ xảy hết sức ấu trĩ đến mức không hiểu nổi như đập cầu vào lưới hay giao cầu ra ngoài. Đám đông la ó giận dữ “Out! Out ! Out!” Ai lại đi trả một vé từ 40 đến 120 đôla để ngồi coi một trò “đấu xiếc” (nguyên văn “circus match”).

Dù bị trọng tài cảnh cáo nhiều lần kể cả cho thẻ đen (black card) nhưng tình hình vẫn không khá hơn. Cuối cùng, cặp Wang-Yu đã thua với tỉ số 21-14, 21-11.

Thái độ “tự làm thua” kỳ quái ấy sau đó lại diễn ra với cặp Ha Jung-eun - Kim Min-jung của Nam Hàn đấu với cặp Meiliana Jauhari - Greysia Polii của Indonesia. Cả hai đội cùng muốn “được” thua vì như thế sẽ tránh đối đầu với cặp Wang-Yu trong trận tứ kết. Cả hai đội đều bị cảnh cáo cố tình mất điểm. Cuối cùng đội Nam Hàn thắng với tỉ số 18-21, 21-14, 21-12.
Trưa thứ Tư, Tổ chức Badminton World Federation (BWF) tuyên bố loại cả 8 vận động viên nói trên ra khỏi cuộc thi. Lý do phạt là vì “không cố gắng hết sức để giành chiến thắng trong một trận đấu” và “cung cách thi đấu rõ ràng là một sự bôi nhọ và phá hoại tinh thần thể thao”.

Phái đoàn Indonesia lên tiếng tố cáo rằng chuyện các tay vợt Trung Cộng “cố tình thua” ở vòng loại đã thường xảy ra nhiều lần trước đó. Ông Erick Thohir (Trưởng phái đoàn Indonesia) nói với AP, “Họ đã làm như vậy rất nhiều lần và họ chưa bao giờ bị BWF phạt. Trong trận đấu đầu tiên ngày hôm qua, khi các vận động viên Trung Hoa cố tình thua, đáng lẽ BWF nên phản ứng ngay lúc đó và tuyên bố họ bị loại thì đã có thể gửi lời cảnh cáo (warning) đến tất cả mọi người rồi”.

Là chiến thuật hay mưu gian?

Vụ “Badmingate” (một cách chơi chữ với gốc từ “Watergate”) vừa rồi không phải là lần đầu tiên. Cách tự làm cho thua để gặp đối thủ khác không phải chưa từng xảy ra. Người ta nhân đó nhắc tới việc Ivan Lendl (bộ môn quần vợt - tennis) đã cố tình thua Jimmy Connors trong 17 phút cuối để sau đó có thể đấu với Gene Mayer thay vì đụng độ với Bjorn Borg năm 1980.
Theo đánh giá của tờ Telegraph của Anh, thì thái độ thi đấu “tự ý thua” như vậy bị coi là xấu xa ngang với việc ăn tiền dàn xếp tỷ số. Tờ báo này còn lật lại lịch sử và chỉ ra những vụ việc nổi cộm trong vòng 10 năm qua, có thể thấy năm ngoái các vận động viên Trung Quốc đã bỏ đến 20 trận khi gặp đồng hương, hoặc trắng trợn bỏ thi đấu hoặc xin thua giữa chừng. Tuy nhiên, kiểu thi đấu này hiện nay không chỉ có trong đội tuyển Trung Quốc nhân danh tinh thần dân tộc, mà đang lan sang các đội tuyển khác (2).

Một số dư luận chỉ trích rằng thể thức đấu “xoay vòng” (round-robin) thay vì “loại trực tiếp” (knock-out) đã đưa đến việc các đội tìm cách tính toán sao cho kết quả có lợi cho mình nhất trong các vòng đấu tiếp theo, kể cả việc thua trận.

Thua trận đầu để thắng trận sau là một trong những mưu chước thường thấy trong lịch sử Trung Quốc, điển hình nhất là truyền thuyết “Tôn Tẫn giúp Điền Kỵ đua ngựa” trong sách Xuân Thu.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Tôn Tẫn được đại tướng nước Tề là Điền Kỵ đón làm thượng khách. Vào lúc đó vua quan nước Tề rất mê môn đua ngựa và lấy làm cược cá độ. Điền Kỵ nhiều lần đua ngựa với Tề vương những đều bị thua. Tôn Tẫn thấy vậy bèn nói: “Lần sau đua ngựa, dẫn tôi đến sân ngựa xem, biết đâu giúp được gì chăng.”

Thế là Tôn Tẫn theo Điền Kỵ đến sân đua ngựa. Từ đó thấy các con ngựa đua được chia theo tốc độ thành ba cấp: thượng, trung và hạ; cấp nào trang trí theo cấp ấy. Ngựa đua theo đẳng cấp, đua ba lần, ăn hai lần sẽ thắng.

Sau khi quan sát, Tôn Tẫn bảo Điền Kỵ: “Cứ yên tâm, tôi có cách thắng cuộc.” Điền Kỵ nghe rồi lập tức lấy nghìn vàng làm tiền đánh cược mời vua Tề đua ngựa. Vua chưa bao giờ thua bởi vậy vui vẻ nhận lời mời của Điền Kỵ.

Trước khi đua ngựa, Điền Kỵ theo mưu kế của Tôn Tẫn, lấy yên của ngựa hạng nhất trang trí cho ngựa hạng ba, giả mạo ngựa thượng đẳng. Bắt đầu cuộc thi, ngựa của vua Tề chạy rất nhanh ở đằng trước, ngựa của Điền Kỵ cách rất xa ở đằng sau, vua cười ha hả, vẻ đắc ý. Điền Kỵ thua trận đầu tiên.

Trận thứ hai, vẫn theo sắp xếp của Tôn Tẫn, Điền Kỵ lấy ngựa hạng nhất của mình đua với ngựa hạng nhì của vua. Ngựa của Điền Kỵ chạy trước ngựa của vua, Điền Kỵ thắng trận hai.

Trận thứ ba, ngựa hạng nhì của Điền Kỵ đua với ngựa hạng ba của vua. Ngựa Điền Kỵ một lần nữa chạy trước ngựa vua. Thắng trận ba. Kết quả là 2:1, Điền Kỵ thắng!

Bài học rút ra từ câu chuyện trên là: “Khi gặp đối thủ mạnh hơn phải biết vận dụng thời cơ và nguồn lực một cách khôn ngoan. Kẻ mạnh cỡ nào cũng có nhược điểm hay có lúc yếu thế, phải biết lấy thế mạnh của ta đối chọi với thế yếu của địch.”

Nhưng trong đời thường, nếu đem áp dụng chuyện “Điền Kỵ đua ngựa” i xì theo nghĩa đen thì đó lại là hành vi lừa đảo để trục lợi.

Ở trang blog cá nhân trên mạng Vi Bác (Weibo), Yu Yang (Ư Dương) viết:
“Chúng tôi đã bị chấn thương trước trận đấu. Và chúng tôi chỉ xử dụng luật lệ cho phép được thua để giữ sức cho các trận loại bỏ xắp tới. Đây là lần đầu tiên cách thi đấu round-robin được áp dụng vào Olympics. Bạn có hiểu được cơn đau mà các vận động viên phải chịu đựng hay không?”
Những khán giả la ó phản đối Yu Yang không hiểu!

Họ chỉ hiểu một điều rằng Olympic là nơi quy tụ những tinh hoa thể thao của thế giới, nơi tất cả đều hướng về một và chỉ một tôn chỉ, “Citius, Altius, Fortius” nghĩa là “Nhanh hơn, Cao hơn, Khỏe hơn”. Ai không đủ sức thì phải chấp nhận thua cuộc.

Tác dụng ngược

Trung Quốc ngày càng tỏ rõ thái độ tranh thắng trơ trẽn và lộ liễu trên các sân vận động quốc tế. Người trên thế giới bắt đầu thắc mắc và tìm hiểu tại sao Trung Quốc phải thèm khát ngôi vị vô địch đến thế, từ đó khám phá ra nhiều điều kinh hãi về chế độ huấn luyện vận động viên tại quốc gia cộng sản đông dân nhất này.

Khi Wu Jingbiao đoạt huy chương bạc môn cử tạ, thay vì vui mừng thì anh lại khóc. Báo chí phương Tây tỏ tình thông cảm với Wu vì biết rằng “The government do NOT care about any other things except Gold Medal”. Nhằm đoạt được “Vàng” chứ không là thứ khác, nhiều trẻ em Trung Quốc bị buộc phải rời bỏ gia đình và chịu sự rèn cặp hết sức tàn nhẫn dù có em chỉ mới lên 5. (3).

Ngạn ngữ Anh có câu “All is fair in love and war” ý nói tất cả mọi thủ đoạn dù đê tiện hèn hạ đến đâu cũng đáng được tha thứ trong chiến tranh và tình yêu. Thế nhưng thi đấu thể thao không phải là cuộc chiến giành huy chương, tình yêu thể thao không bao giờ được tách rời khỏi danh dự và tình người.

Sự kiện “bad badminton” vừa qua chính là hậu quả tất yếu mà lực sĩ vũ cầu Trung Quốc tự gây ra khi dám đem mưu mô xảo trá làm hoen ố tinh thần thượng võ của Olympic.

© DCVOnline



No comments:

Post a Comment

View My Stats