Fri, 08/10/2012 - 16:32 — canhco
Trong bài viết "Sinh viên - bạn nghĩ
gì?" đăng trên trang Bauxit Vietnam (http://www.boxitvn.net/bai/40154)
TS Nguyễn Thị Từ Huy đã phân tích rất sâu về hội chứng "Cái nước mình nó
thế" và chị đã đưa ra nhiều hình ảnh đáng buồn cho cái tư duy đang ngày
càng thống trị một cách khó hiểu trong giới sinh viên, những người thường được
xã hội kỳ vọng về nhiều mặt, nhất là trên phương diện lãnh đạo giới trẻ trong
khi đất nước có các hiện tượng tha hóa về chính trị kéo theo sự sụp đổ tận nền
móng các giá trị đạo đức của xã hội.
Bài viết hay và lắng lại nhiều điều.
Tuy nhiên mình có một chia sẻ khác, nhằm
làm rộng ra tinh thần bài viết này. Mình không tin sinh viên Việt Nam hiện nay
là giới nồng cốt của xã hội sẵn sàng nhận những trọng trách thường thấy của hầu
hết sinh viên các nước trên thế giới đảm nhận.
Lý do: họ không đủ sức.
Thế giới trang bị kiến thức cho sinh viên
của họ một nền giáo dục tự làm mới và hoàn thiện trong khi tìm tòi sáng tạo cái
cần thiết cho xã hội nhưng vẫn đồng hành cùng với cộng đồng. Trách nhiệm của
người sinh viên được định hình rõ rệt trong các bài học thông qua sự tranh đua
với ý thức tăng tiến năng lực của chính mình để đủ sức làm việc khi ra đời. Đời
sống dân chủ mở rộng cho phép sinh viên cơ hội tranh luận với giảng viên khi
gặp một vấn đề và sự tranh luận ấy không hề ảnh hưởng tới số điểm mà họ đạt
được trong các bài thi giữa hay cuối học kỳ.
Sinh viên thế giới thu được kiến thức
"thật" và do đó rất tự tin khi đặt những câu hỏi khó cho người giảng
viên trên bục giảng. Giảng viên cũng dùng năng lực "thật" của họ để
trả lời những câu hỏi của sinh viên. Cả hai chấp nhận đối thoại với nhau trong
giảng đường nhằm tìm cho ra lời giải đáp sòng phẳng cho cả hai, tức cho nền
giáo dục của đất nước họ.
Giảng đường đại học Việt Nam thiếu cả hai mặt: năng lực
hỏi và trả lời.
Thông tin báo chí cho biết có 9.000 giáo sư
không có bài viết nghiên cứu là câu trả lời hùng hồn cho sự thiếu năng lực của
giới trí thức cao nhất trong nước. Nói không quá, sinh viên có thể xem là đang
ký sinh trên những cổ thụ giả danh ấy. Họ chấp nhận câu nói "Cái nước mình
nó thế" như một lý sự cùn để chống chế cho thân phận của họ và có lý do để
đi tiếp con đường vô định tìm kiếm tương lai sau khi lấy xong một mảnh bằng nào
đó. Cả hai, cổ thụ giả và ký sinh bất đắc dĩ yên tâm sống và làm việc theo cái
khuôn mẫu được xã hội đồng lõa trong một thời gian quá dài, đủ làm cho sự phi
lý trở thành bình thường và hơn thế nó sẽ bất thường nếu có ai chống lại.
Để
lý giải tại sao hiện tượng tê liệt giác quan trong giới sinh viên người ta có
nhiều cách trả lời. Thứ nhất họ bị áp lực bài vở của trường học. Thứ hai
"tiền lương và việc làm" chi phối quá nhiều vào mục tiêu đi học.
Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là họ bị chính quyền khống chế.
Khống chế ngay trong khuôn viên trường học
bằng biện pháp hành chánh nhưng đủ cứng rắn để triệt tiêu ngay lập tức cơn khát
vọng bày tỏ ý thức của sinh viên về các vấn đề mang tính quốc gia. Nhà trường
sẵn sàng đuổi học sinh viên nào có thái độ bất đồng ý kiến chính trị, hay tệ
hơn, đi biểu tình chống Trung Quốc được đồng hoá với những ý đồ lật đổ chính
quyền.
Khống chế bằng báo chí truyền thông là dạng thức quen
thuộc và hiệu quả nhất.
Không có báo tư nhân nên hơn 700 tờ báo lề
phải mặc tình thao túng tư duy, nhận thức cộng đồng trong đó sinh viên là một
thành phần bị ảnh hưởng nặng nhất. Họ không có nơi để bày tỏ chính kiến nên lâu
ngày những chủ đề khiến họ suy tư trở thành chai cứng vì không có đất để phát
triển. Báo chí tiếp tay đầu độc họ bằng những bài viết cổ động sự giàu có của
giới trẻ thông qua kinh doanh hơn là các bài học về sự tìm kiếm và phát triển
năng lực, trong đó trách nhiệm của thanh niên trước cộng động, xã hội và đất
nước không có có hội tranh luận trên các diễn đàn.
Cơ quan tuyên truyền của nhà nước không cảm
thấy sai lầm khi dựng câu nói "Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội"
thành một thứ “Tứ thư ngũ kinh” trong sinh hoạt chính trị. Mặc dù không thanh
niên nào tin câu cửa miệng này nhưng nỗi ám ảnh về đảng, về đoàn vẫn ngáng chân
họ trước những dự định có tính kế hoạch cho tương lai. Từ ngại ngần, dẫn tới
phủi tay chỉ là một bước ngắn.
Yêu nước không còn là khái niệm cao cả như
vốn có khiến nhiệt huyết sinh viên học sinh lạnh ngắt phát sinh từ câu khẩu
hiệu tuy trống rỗng nhưng hết sức nguy hiểm này. Ban đầu bạn trẻ cười. Quen dần
thấy mặc kệ. Cuối cùng thả liều cho "Cái nước này nó thế".
Khi chỉ biết yêu mình thì chỉ số yêu nước
quay theo chiều ngược lại là tất yếu. Mọi sinh hoạt hay ý kiến có liên quan đến
vấn đề nước mất hay còn không nằm trong phạm vi suy tư của họ nữa. Họ đã quá
lâu bị định hướng theo chủ trương ru ngủ: cứ lo học, mọi việc khác có nhà nước
lo.
"Cái nước mình nó thế" nếu may,
chỉ được thay đổi sau khi họ ra trường và đụng chạm với những gì từ thực tế
cuộc sống.
Có quá nhiều thí dụ nhưng trong bài viết
này mình chỉ nhận dạng ở lĩnh vực giáo dục. Khi cầm mảnh bằng tốt nghiệp hạng
ưu hay giỏi, sinh viên sư phạm đến một trường tốt xin việc làm họ sẽ thấy cái
được gọi là đạo đức xã hội chủ nghĩa hiện nguyên hình thành một chuỗi "hối
mại quyền thế".
Từ một trăm ba chục triệu trong năm 2008
hôm nay giá ấy đã trượt theo thị trường lên đến hai trăm mười triệu cho một chỗ
đứng lớp tại một trường cấp thành phố. Sự thật này có thể làm cho những người
chăm chỉ trong nhiều năm ngỡ ngàng đi đến bất mãn và ngạc nhiên với những gì họ
đã từng theo đuổi. Một số người từ bất mãn ngầm, biến thành hành động tiêu cực
trong cung cách dạy. Một số khác chọn cho mình con đường chống đối ra mặt. Một
số đông hơn chấp nhận đồng lương bị bóc lột và lấy chuyện dạy thêm làm cứu cánh
cho nghề nghiệp thay vì huấn luyện cho học trò trở thành người có ích cho xã
hội.
Số bất mãn, chống đối ra mặt lâu dần sẽ tự
thấy mình có trách nhiệm thay đổi tư duy xã hội. Con số này tăng hay giảm do
cách sửa sai và nhận thức trách nhiệm của nhà nước. Tuy nhiên tình hình nhiều
năm qua cho thấy sự chờ đợi này là vô ích vì càng ngày giới chức thẩm quyền
càng sa đà vào quyền bính. Họ tự khoanh vùng mình trong một tập thể đồng loại
tương cận. Tiền bạc và quyền hành vẫn là những thú vui bất tận không cho phép
họ một giây phút nào nhìn lại bản thân để thấy rằng họ rất giống với những viên
quan lại của các triều đại nhà Thanh không thích nói chuyện phục Minh mặc dù họ
là người Hán.
Tuy nhiên dù gì thì mình cũng không tin
rằng tâm thức "Cái nước mình nó thế" sẽ vĩnh viễn nằm trong óc của
tuổi trẻ Việt Nam.
Nhìn lại các biến cố lịch sử từ trước tới
nay, giới trí thức dẫn dắt các cuộc cách mạng đến thành công là một con số khá
khiêm nhượng. Thành công luôn đến từ giai cấp thứ hai: Tiểu tư sản. Những sinh
viên dang dở trong sự nghiệp và nhận ra được sự bất công của chính quyền là
nguyên nhân tạo các nếp gấp xả hội sẽ là động lực chính thúc đẩy họ vào con đường
cách mạng. Những thanh niên thành công trong thương trường cũng vậy. Sau khi
thỏa mãn với đồng tiền cũng như vai vế xã hội do tài năng của chính họ kiếm
được, trong một lúc nào đó, nhìn lại chung quanh thấy bao lầm than, bất công,
vật vã của người dân, những người trẻ thành đạt này tận đáy lương tâm của họ sẽ
nảy sinh những đòi hỏi khác. Khi ấy bằng nhiều cách những con người này sẽ tiếp
tay thay đổi nếp nghĩ của xã hội để có một phản biện khác trong tư duy
"cái nước mình vốn không phải
như thế".
Mệnh đề này không cần kiến thức của một
giáo sư nhưng nó cần tinh thần khai phóng của những người trẻ tuổi.
Mệnh đề này rồi sẽ được cộng hưởng bởi
nhiều thành phần khác nhưng cuối cùng sẽ đưa ra một nguyên lý khó từ chối: đất
nước hư và xấu đi do một nhóm người thao túng nhưng đất nước không thể bị nhóm
người nhỏ bé ấy khống chế mãi.
"Vốn không phải như thế" sẽ là
tiền đề cho một cuộc cách mạng mềm có khả năng thay đổi tư duy của những ai
thường sợ hãi và an phận. Nó cũng thay đổi cách viết của các nhà báo vốn không
xem bút danh của mình quan trọng hơn đồng tiền nhuận bút được ban phát từ nguồn
tiền nhà nước nhưng bị toa rập và khống chế bởi các nhóm thế lực mà người ta
quen gọi là nhóm lợi ích.
"Cái nước mình vốn không phải như
thế" sẽ khiến xã hội bừng tỉnh và đứng dậy hỏi cho được tại sao "nước
mình vốn không như thế sao nay lại trở thành thê thiết đến vậy?"
Người dân khắp nơi sẽ cần sự trả lời cho
câu hỏi đúng và "sát sườn" này. Nếu không ai trả lời như từ trước tới
nay thì lúc ấy sẽ nảy sinh nhiều vấn đề khác nhưng ít ra thành phần tán thành
câu thần chú "cái nước mình nó thế" sẽ ngày càng ít đi và xu thế an
phận sẽ tự diễn biến theo chiều ngược lại.
Lúc ấy sự lo âu mất nước của TS Nguyễn Thị
Từ Huy sẽ được giải mã: "cái nước mình nó vốn không như thế"
là chìa khóa mở được mọi cánh cửa, kể cả những cánh cửa thờ ơ và vô cảm.
No comments:
Post a Comment