Tuesday, 14 August 2012

CÁI GIÁ PHẢI TRẢ CỦA HUY CHƯƠNG VÀNG TRUNG QUỐC (Ngô Ngọc Văn - BBC)




Ngô Ngọc Văn
Biên tập viên, BBC Tiếng Trung
Cập nhật: 12:09 GMT - thứ hai, 13 tháng 8, 2012

Trong bối cảnh thế vận hội Olympics đã khép lại với Trung Quốc ở thứ hạng hai trên bảng huy chương, có những ý kiến khác nhau xut phát t ni b v s thành công ca th thao nước này.
Trong lúc báo chí ra sức tán dương những vận động viên huy chương vàng trước sự thành công của họ, cư dân mạng và các trang xã hội đang đặt ra câu hỏi về một hệ thống bị ám ảnh với việc sản sinh ra các ngôi sao Olympics.

Ngày thứ hai của cuộc thi đấu. Vận động viên cử tạ Ngô Cảnh Bưu, một ứng cử viên sáng giá cho huy chương vàng hạng cân 56kg, thua Om Yun Chol của Nam Hàn chỉ với 4kg.
Anh đã gục xuống sàn sau khi thi đấu và khóc một cách mất kiểm soát trong lúc cúi xuống khán giả ra dấu xin lỗi.
Dụ Đan, người đạt huy chương đồng bộ môn súng hơi 10m nữ, hoàn toàn bị phớt lờ bởi hàng chục phóng viên tại buổi họp báo, trong lúc tất cả các câu hỏi đều hướng về phía người đồng hương của cô, vận động viên huy chương vàng Dịch Tư Linh.
Đến khi cuối cùng Dụ Đan được nhắc đến, cô nói: “Rất xin lỗi, nhưng tôi đã cố gắng hết sức có thể.”
Những bi kịch sau trận đấu đã làm lan tỏa sự đồng cảm và giận dữ giữa những độc giả Trung Quốc, đồng thời câu hỏi “Huy chương bạc thì có gì sai?” đã trở thành một chủ đề nóng hổi trên Weibo, một phiên bản tiếng Trung của Twitter.
Điều này đồng thời cũng nhấn mạnh sự kì vọng khổng lồ đè nặng lên vai những vận động viên Olympics từ một đất nước điên cuồng với thành tích thể thao, cũng như sự thất vọng to lớn nếu một người nào đó không thể đáp lại được kì vọng đó.

Quốc gia, thể thao, huy chương vàng.

Trung Quốc đầu tư rất nặng vào thể thao, với quyết tâm đảm báo một nguồn nhân sự ổn định cho đội ngũ vận động viên Olympics được qua đào tạo.
Tầm quan trọng của việc mang về huy chương vàng lâu nay vẫn không chỉ đơn thuần dừng ở ý nghĩa thể thao, mà còn bởi lẽ Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và đang cảm thấy họ phải làm mọi cách để giữ vững hình ảnh cường quốc đó.
Trang web của Tân Hoa Xã đăng tải một bài viết ngày 31/7 với tựa đề “Chi phí cho một huy chương vàng”.
Dựa vào bài viết này, giữa năm 2000 và 2004, ngân sách thường niên cho các bộ môn thể thao chuyên nghiệp là vào khoảng 785 triệu đôla.
Trung Quốc thắng 32 huy chương vàng tại Athens, có nghĩa là chi phí cho mỗi huy chương vàng là khoảng 94 triệu đôla, đắt nhất trên thế giới theo tác giả bài viết.
Có ba cấp độ huấn luyện trong hệ thống: Trường thể thao cho các trẻ em có năng lực, nơi chúng dành hàng giờ huấn luyện sau khi tan trường; những viện thể thao, là những trường thể thao chuyên nghiệp để đào tạo những vận động viên sáng giá có tiềm năng đi theo con đường chuyên nghiệp; và cuối cùng là các đội thể thao chuyên nghiệp.
Hầu hết những nhà vô địch Olympics đều được đào tạo qua hệ thống này.
Trường thể thao Trần Kinh Luân tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang phía Đông Trung Quốc là nơi sản sinh ra các vận động viên mang về 3 huy chương Olympics trong đó có hai vận động viên huy chương vàng bơi lội Tôn Dương và Diệp Thi Văn.
Ngày nay, vì danh tiếng của trường này, phụ huynh phải xếp hàng để gửi con cái họ vào huấn luyện ở đây.
Cứ 100 trẻ em đăng kí thì chỉ khoảng 20 tới 30 sẽ được chọn, sau hơn một năm, chỉ dưới 10 người còn lại.
Sau sáu đến bảy năm huấn luyện, những ứng cử viên sáng giá nhất sẽ tham gia thi đấu tại cấp tỉnh, nơi họ chính thức đi theo con đường chuyên nghiệp.
Có khoảng 400 trẻ em tại trường này chỉ tính trong bộ môn bơi lội, khắp tỉnh Chiết Giang, vẫn có khoảng hơn 3.000 tài năng bơi lội khác chờ đợi, cho Trung Quốc một nguồn cung cấp dồi dào để lựa chọn những nhà vô địch Olympic tương lai.

Vượt giới hạn

Trong thời gian Olympics, những câu chuyện đằng sau từng huy chương vàng đạt được luôn là một chủ đề nóng hổi; thế giới nhìn vào tâm huyết và quyết tâm của những vận động viên, sự huấn luyện mà họ phải trải qua, chấn thương mà họ phải chịu đựng và những đánh đổi khác mà họ phải trải qua.
Các vận động viên Olympics Trung Quốc cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, thậm chí họ còn phải chịu đựng nhiều hơn vì môi trường cạnh tranh gay gắt nơi quê nhà cũng như sự kì vọng khổng lồ đặt trên vai.
Vượt qua những giới hạn đồng nghĩa với việc tập luyện hết sức có thể đồng thời chấp nhận những hi sinh mà người thường không thể hình dung ra.
Những hi sinh này hoàn toàn có thể thấy được chỉ với một cái liếc nhìn qua những báo cáo của giới truyền thông Trung Quốc.

Ngô Mẫn Hà, vô địch cả hai bộ môn bật ván 3m và bật ván 3m phối hợp, là một câu chuyện điển hình đối với những vận động viên thể dục và lặn: Cô bắt đầu chương trình huấn luyện khi chỉ mới 5 tuổi.
Được biết rằng khi cô mới 10 tuổi, chân cô bị 10 vết bỏng dộp vì một triệu chứng xuất nguồn từ việc mang giày và vớ ướt vì mưa.
Khi cô đứng trên ván bật với đôi chân này, bố mẹ cô đã không muốn cô bị đau và yêu cầu dừng lại nhưng cô kiên quyết không chịu và chưa một lần bỏ qua một buổi tập huấn nào.

Trần Nhược Lâm, huy chương vàng bộ môn lặn phối hợp 10m tại cả Thế vận hội Bắc Kinh và London, chịu đựng một cách khác.
Báo cáo cho biết để kiềm chế cân nặng của mình trước Thế vận hội Bắc Kinh, cô đã kiêng đồ ăn nhẹ đồng thời ít khi ăn bất cứ gì trong cả năm.
Mặc dù cảm thấy không dễ để thích nghi với điều này những cô nói không có cách nào khác.
Trong trường hợp quá đói, cô lại tìm đến giấc ngủ, nguồn tin cho biết.

Trần Nhất Băng, vô địch bộ môn thể dụng đồng đội, bắt đầu huấn luyện khi mới 5 tuổi.
“Trong lúc những đứa trẻ khác còn nằm trong vòng tay bố mẹ, tuổi thơ của tôi gắn với ánh sáng mập mờ của những căn phòng huấn luyện, với sàn đấu và xà ngang.”

Chu Lộ Lộ, huy chương vàng bộ môn cử tạ hạng 75kg sinh ra trong một gia đình nông dân.
Cô bắt đầu huấn luyện khi mới 11 tuổi, và tự lực vươn lên tầm quốc gia.
Để chuẩn bị cho Olympics, cô đã phải ở cùng với đội của mình và không được nhìn thấy gia đình trong hơn hai năm.
Ngày đoàn tụ của cô với gia đình tại một trường quay truyền hình tại London tràn ngập trong những cái ôm và nước mắt.

Lin Dan, nhà vô địch bộ môn cầu lông đơn năm tại cả Thế vận hội Bắc Kinh và London, được đào tạo tại một trường thể thao khi mới năm tuổi.
Anh viết trong cuốn tự truyện của mình rằng phần khó nhất và đáng sợ nhất của chương trình đào tạo đó là “Căng dây chằng”.
“Dây chằng của tôi chưa được giãn ra hết mức, vì thế tôi không thể nào cúi thấp. Chúng tôi được huấn luyện viên yêu cầu đứng với hai chân dang ngang, vuông góc với phần trên người và huấn luyện viên thường xuyên đặt hai tay lên vai tôi, nhấn mạnh xuống.
Sự đau đớn thường xuyên làm tôi phải khóc. Thế nhưng đó chỉ là chuyện trong ngày; đến lúc về nhà tôi lại nhờ mẹ giúp tôi tập luyện để mình có thể trải qua buổi huấn luyện dễ dàng hơn ngày hôm sau.”
Từ góc nhìn của báo chí Anh Quốc qua các bài viết về chế độ huấn luyện hà khắc tại những trung tâm huấn luyện Trung Quốc, với hình ảnh các bé gái đang khóc lóc trong bài tập giãn chân, cùng với các bé trai đầm đìa nước mắt khi bị treo trên những thanh sắt.
Chế độ huấn luyện này bị gọi là tra tấn và dã man, đồng thời dẫn đến lời kết luận rằng tất cả những điều này không đáng xảy ra, cần phải bị lên án.
Tuy nhiên đối với phụ huynh Trung Quốc, mặc dù không ai muốn con cái của họ phải chịu đựng đau đớn, họ cũng hiểu ý nghĩa của câu châm ngôn “không đau đớn, không thành công” đồng thời cầu nguyện cho sự thành công trong tương lai của con cái mình để bù đắp xứng đáng lại cho sự đau đớn ấy.
Đối với những vận động viên Olympics, khi họ nhìn vào những thành tích của mình một cách đầy tự hào, có lẽ những gì phải trải qua ở tuổi thơ cũng không đến nỗi tệ nữa.

Có đáng hay không ?
Tuy nhiên ngoài những nhà vô địch Olympic ra, đối với những người khác không đến được với ngôi vô địch vì chấn thương hoặc vì những nguyên nhân khác, cái giá phải trả là quá cao.
Báo chí trong nước thừa nhận rằng dưới hệ thống hiện tại, rất nhiều vận động viên thể thao đang phải hi sinh quyền lợi được đi học và hậu quả là nhiều nhà vô địch quốc gia cũng như thế giới đã phải đi giúp việc sau khi nghỉ hưu vì họ không có đủ trình độ.
Các thông số thống kê cho thấy mỗi năm, có khoảng 10.000 vận động viên nghỉ hưu và chính phủ chỉ có thể trợ giúp cho khoảng 10% trong số họ.
Điều này có nghĩa là hơn 90% những người khác không có hướng ra.
Một cuộc tranh luận quan trọng nữa đó là mục đích của khóa đào tạo được vận hành bởi chính phủ.
Trong lúc rất nhiều người cảm thấy được truyền cảm hứng bởi thành công Olympics, số khác cho rằng mặc dù hệ thống thể thao Trung Quốc có thể sản ra những nhà vô địch nhưng lại thất bại trong việc mang thể thao đến với người dân thường hay việc cải thiện tình trạng sức khỏe cho đất nước.

Bài báo của Tân Hoa Xã được nhắc đến ở trên đả kích vào hệ thống của chính phủ Trung Quốc:
“Một mặt, Trung Quốc đang đạt được ngày càng nhiều huy chương hơn trong tất cả các cuộc thi đấu, nhưng mặt khác, thể lực của những học sinh trung học của chúng ta ngày càng đi xuống, những bộ môn thể thao truyền thống đang đình trệ, những người dân thường không đủ điều kiện đến với các cơ sở thể thao và không được tập luyện đàng hoàng, vậy việc thắng được nhiều huy chương vàng có ý nghĩa gì?”
Sự phê phán mạnh mẽ này đã lan tỏa ra trên trang Weibo, nơi tâm điểm của những cuộc thảo luận như vậy.
Thế vận hội Olympics đã được đặt biệt danh là trò chơi mạng xã hội vì tất cả mọi người đều có thể bày tỏ quan điểm của mình ngay tức khắc, ngay cả khi cuộc tranh tài trong các sàn đấu còn chưa chấm dứt.
Trang Weibo của Trung Quốc đã cho phép hàng triệu người Trung Quốc bày tỏ quan điểm của mình về xu hướng thể thao tại Trung Quốc.
Rất có thể ý kiến của họ đã được nhìn thấy bởi các quan chức thể thao cũng như các vân động viên Trung Quốc và có lẽ một vài sự thay đổi đang trên đường đến?

-----------------------------------------

TIN LIÊN QUAN :














No comments:

Post a Comment

View My Stats