Monday, 20 August 2012

CẢI CÁCH TIẾP THEO CỦA TRUNG HOA (Trầm Liên Đào- Andrew Sheng và Cảnh Tây Áo - Geng Xiao)




Trầm Liên Đào(联涛: Andrew Sheng) và Cảnh Tây Áo(耿西澳: Geng Xiao)

Bài dịch của Trang La
BS Hồ Hải  hiệu đính
Thứ hai, ngày 20 tháng tám năm 2012

Trầm Liên Đào(Andrew Sheng) là Chủ tịch của Global Fung Institute, là một cựu chủ tịch của Hong Kong Securities and Futures Commission và hiện đang là một giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh. Cuốn sách mới nhất của ông là Từ châu Á đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu(From Asian to Global Financial Crisis).

Cảnh Tây Áo(Xiao Geng) là giám đốc nghiên cứu tại Global Fung Institute.

HONGKONG – Trong suốt ba thập niên với các điều kiện thuận lợi của kinh tế toàn cầu, Trung Hoa đã tạo ra một hệ thống sản xuất tích hợp toàn cầu chưa từng có về quy mô cũng như tính phức tạp. Nhưng giờ đây các nhà hoạch định chính sách của nó phải đương đầu với một lúc ba thách thức bao gồm cuộc khủng hoảng nợ Châu Âu đang lan rộng, sự phục hồi chậm chạp ở Hoa Kỳ, và sự chững lại trường kỳ của tăng trưởng kinh tế Trung Hoa. Cả ba thách thức này đều có liên quan đến nhau, và bất cứ sai lầm nào của một trong ba yếu tố này đều có thể nhấn chìm nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái khác.

Để đánh giá các rủi ro và các phương án cho Trung Hoa và thế giới, người ta phải hiểu hệ thống sản xuất “công xưởng toàn cầu” của Trung Hoa, vốn dựa trên bốn trụ cột khác nhau nhưng phụ thuộc lẫn nhau.

Trụ cột đầu tiên, “công xưởng thế giới” đặt tại Trung Hoa, được tạo ra phần lớn bởi các tập đoàn đa quốc gia và các nhà cung cấp cùng các nhà thầu phụ ngoại quốc, với nhiều lao động gia công và lắp ráp bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) mà các doanh nghiệp này có sự tiếp cận trực tiếp tới các thị trường toàn cầu thông qua mạng lưới phức tạp các hợp đồng. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ này bắt đầu khiêm tốn ở các khu vực ven biển và các đặc khu kinh tế, chuỗi cung ứng “công xưởng thế giới” này đã mở rộng khắp Trung Hoa, sản xuất mọi thứ từ thú nhồi bông tới máy tính bảng - iPad.

Công xưởng thế giới đã không thể xây dựng được nếu không có trụ cột thứ hai: “mạng lưới cơ sở hạ tầng Trung Hoa”, được xây lắp và vận hành phần lớn bởi các tập đoàn nhà nước đa ngành trong các lĩnh vực logistic, năng lượng, đường sá, viễn thông, vận tải và cảng biển. Trụ cột này chủ yếu dựa vào lập kế hoạch, đầu tư cố định quy mô lớn, và kiểm soát hành chính, và chất lượng, quy mô và tính hiệu quả so sánh là chiến lược để Trung Hoa tạo ra tính cạnh tranh và năng suất.

Trụ cột thứ ba đó là “hệ thống cung ứng tài chính Trung Hoa”, vốn cung cấp tài chính cần thiết cho việc xây dựng và duy trì mạng lưới cơ sở hạ tầng. Chuỗi cung ứng này đặc trưng bởi sự thống trị của các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, với tỷ lệ tiết kiệm nội địa cao, thị trường tài chính kém phát triển so với mặt bằng chung, và tài khoản vốn (tư bản) khép kín.

Trụ cột cuối cùng đó là “chuỗi cung ứng dịch vụ chính phủ”, qua đó các quan chức trung ương và địa phương gây ảnh hưởng tới toàn bộ liên kết sản xuất, cung ứng, và mạng lưới tài chính thông qua các quy định, thuế, hoặc giấy phép. Phần lớn các nhà quan sát nước ngoài bỏ qua quy mô và mức độ của sự đổi mới thể chế và quy trình trong chuỗi cung ứng này, vốn dĩ được điều hành (chủ yếu) nhằm bảo vệ quyền sở hữu, giảm chi phí giao dịch và tối thiểu hóa rủi ro bằng cách sắp xếp các dịch vụ của chính phủ phù hợp với lợi ích thị trường. Vi dụ, chính quyền địa phương Trung Hoa đã rất xuất sắc trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bằng cách cung cấp cơ sở hạ tầng hấp dẫn và cung ứng dịch vụ mà qua đó tạo thuận lợi cho việc mở rộng chuỗi sản xuất toàn cầu.

Với sự khởi đầu của cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay, và những thay đổi đáng kể trong truyền thông xã hội, nhân khẩu học, đô thị hóa, và hạn chế nguồn lực, cả bốn trụ cột đang chịu áp lực. Các chuỗi sản xuất đối mặt với sự thiếu hụt lao động, gia tăng lương, và các nguy cơ về việc di dời tới những quốc gia chi phí thấp hơn. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt câu hỏi về khả năng thanh toán của các chính quyền địa phương.

Các chuyên gia Trung Hoa hiện đang tranh luận một câu hỏi then chốt về quản trị: kiến trúc thượng tầng nào sẽ cho phép quốc gia này chấp nhận những cải cách cần thiết trước áp lực toàn cầu và nội địa? Các nhà đầu tư đang quan ngại về diễn biến thất thường của chứng khoán Trung Hoa, vấn đề quản lý rủi ro, và sự không ổn định chính sách, cũng như sự không chắc chắn bắt nguồn từ biến động giá tài sản lớn hơn, bao gồm cả giá bất động sản, lãi suất và tỷ giá hối đoái.

Điều khiến nền kinh tế Trung Hoa trở nên khó dự báo hơn đó là sự tác động qua lại ngày càng phức tạp của bốn thành phần trong hệ thống sản xuất của nó với nhau và với phần còn lại của thế giới.

Đầu tiên, các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của “công xưởng thế giới” đã bắt đầu tiêu tan. Chi phí sản xuất – bao gồm chi phí lao động, tài nguyên, quy định, và hạ tầng – đã tăng lên trong nước, trong khi bong bóng tiêu dùng ở phương Tây đang vỡ.

Thứ hai, thành công ban đầu của “hạ tầng Trung Hoa” đã được xây trên đất đai, nguồn vốn và lao động giá rẻ. Nhưng, mặc cho hạ tầng hiện đại, chi phí cung ứng hậu cần ở Trung Hoa lại chiếm tới 18% chi phí sản xuất, so với 10% ở Hoa Kỳ, do một loạt sự thiếu hiệu quả trong điều hành nội bộ.

Thứ ba, thành công của hệ thống tài chính Trung Hoa được xây dựng trên cơ sở các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước tài trợ cho các dự án hạ tầng và tài trợ tài chính nước ngoài cho việc sản xuất (hàng hóa) xuất khẩu thông qua FDI và thương mại. Hệ thống tài chính chưa giải quyết đầy đủ những thách thức của thể chế tài chính, đặc biệt là tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực nông thôn, và rủi ro đối với phần năng lực sản xuất dư thừa trong các ngành công nghiệp được lựa chọn.

Điểm cuối cùng, nhưng không phải là không quan trọng, cả ba trụ cột nói trên có lẽ không thể đứng vững nếu không có cái mỏ neo là trụ cột thứ tư. Đến nay, thành công của nó vẫn dựa vào cạnh tranh tích cực giữa chính quyền địa phương và các bộ ngành khác nhau, được đánh giá dựa trên các chỉ số kết quả như là GDP và doanh thu tài khóa. Không may, điều này lại dẫn tới các vấn đề về công bằng xã hội và sự bền vững môi trường, đòi hỏi sự hợp tác phức tạp giữa các “lô cốt” quan liêu để chống lại các nhóm lợi ích quyền lực.

Có một sự công nhận và đồng thuận rộng rãi rằng một phần của việc cải tổ đòi hỏi tái thiết lại cả 4 trụ cột nói trên. Đầu tiên, chuỗi sản xuất phải dịch chuyển từ phụ thuộc xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa. Tái thiết cơ sở hạ tầng có nghĩa là đề cao chất lượng hơn số lượng, và giảm thiểu sở hữu nhà nước và để giá cả vận hành theo tác động thị trường. Bộ máy nhà nước thay vào đó nên tập trung vào chống tham nhũng, giảm chi phí giao dịch, thúc đẩy cạnh tranh, hạ thấp các rào cản hành chánh và loại bỏ công suất dư thừa.

Đối với chuỗi cung ứng tài chính, vấn đề cốt lõi là giải quyết rủi ro hệ thống và phân bổ lại các ưu đãi nhằm khuyến khích các nhà đầu tư hỗ trợ các công cụ tăng trưởng kinh tế thực sự thay vì tạo ra bong bóng tài sản.

Sự kỳ diệu Trung Hoa được tạo ra bởi cải cách thể chế và quy trình ở mọi cấp độ trong chuỗi cung ứng dịch vụ chính quyền. Không gì khác, Trung Hoa cần một cuộc cải cách toàn diện để trở thành một nền kinh tế cân bằng, công bằng xã hội và ổn định hơn. Quá trình này thực sự đã bắt đầu với một vòng thử nghiệm tại ba đặc khu kinh tế mới tại Hengquin, Tiền Hải (Qianhai: 前海), và Nam Sa (Nansha: 南沙) để thí điểm sự nổi lên của một nền kinh tế dịch vụ dựa trên tri thức sáng tạo.

Tất nhiên, nền kinh tế như vậy chủ yếu dựa vào chất lượng quản trị. Thách thức thực sự của các quan chức Trung Hoa là làm sao để cân bằng giữa sáng tạo và đổi mới thể chế trong trật tự, qua đó đảm bảo tính toàn vẹn cho cả bốn trụ cột của nền kinh tế.

@Project Syndicate 2012





No comments:

Post a Comment

View My Stats