Thứ ba, tháng tám 14, 2012
Lâu nay dân tình hay được nghe câu phê phán từ chính
quyền: “Đây là những phần tử bất mãn”; “Những người tham gia là những
kẻ bất mãn”; “Xuất phát từ sự bất mãn nên…”… Tóm lại những người bất
mãn việc gì đó liên quan đến họ hay xã hội khiến họ có hành động phản ứng để
biểu thị sự bất mãn đó đều bị xem xét và cáo buộc là nguyên nhân tội lỗi, cho
dù sự bất mãn là chính đáng. Tại sao không được bất mãn khi không hài lòng với
sự điều hành của chính phủ? Tại sao không được bất mãn về cách giải quyết bất
công, thiếu minh bạch với quyền lợi của họ? Tại sao bắt con người phải đồng
lòng nhất trí với những việc mà họ thấy không đáng được sự tin tưởng ấy? Tại
sao những người bất mãn bị coi là xấu xa trong mắt chính quyền? Tại sao sự bất
mãn do không được chia sẻ, cảm thông và giải quyết thấu đáo từ chính quyền dẫn
đến việc người dân bất tuân phục lại bị coi là tội lỗi, tội phạm? Nếu cứ tiếp
tục vòng xoáy vô lý này thì giữa người dân và chính quyền chắc chắn không thể
giải quyết những vấn nạn của xã hội, chính trị, kinh tế…hiện nay. Cả xã hội nơi
gần 90 triệu dân đang sống đồng hành với quá nhiều bất mãn, bất an và bất tuân
phục. Liệu xã hội có thể phát triển được không với tâm lý bất an đến mức gần
như tâm thần hiện nay? Liệu đây có phải là nguyên nhân khiến tội phạm nhiều hơn
bao giờ hết, tàn độc hơn bao giờ hết, khó hiểu hơn bao giờ hết? Tình trạng này
kéo dài đến khi nào? Mời bạn bè đọc tham khảo bài viết dưới đây mà TL sưu tầm được.
* * *
Cảm giác bất an trong Tâm Lý Học
Bất an là một cảm giác, một trạng thái tâm lý bình thường
của con người. Sẽ chẳng có gì là đáng bàn nếu nó xuất hiện ở một hoặc một vài
cá nhân. Vấn đề cần nghiên cứu là cộng đồng, hay nói rộng hơn, xã hội sẽ đi về
đâu khi bất an trở thành một trạng thái tâm lý phổ biến.
Trên tinh thần đó, chúng tôi sẽ tiếp cận và phân tích cảm
giác bất an từ một góc độ khác – đó là cảm giác bất an như là tín hiệu về sự
xuất hiện của các rủi ro trong đời sống. Hy vọng nó sẽ cung cấp cho các nhà
khoa học những gợi ý về việc xây dựng một lý thuyết có ý nghĩa thực tiễn – lý
thuyết quản lý rủi ro trong xã hội hiện đại.
Cảm giác bất an như một hiện tượng xã hội phổ biến
Nhằm làm rõ đối tượng nghiên cứu trong bài viết này,
chúng ta hãy cùng nhau trả lời các câu hỏi cảm giác bất an là gì? Là khủng
hoảng niềm tin, là rối loạn nhận thức, là những nghi ngờ về tính hợp pháp của
hành vi hay là nỗi lo sợ vô hình, thường trực và khó cắt nghĩa?
Trước hết, bất an là một cảm giác, và giống như bất kỳ
trạng thái cảm xúc nào của con người, nó mang đậm sắc thái trừu tượng. Chính
bởi vậy, thật khó để xây dựng một định nghĩa cụ thể và tuyệt đối chính xác về
cảm giác bất an. Bài viết này sẽ nghiên cứu cảm giác bất an trên tư cách là một
nỗi lo sợ vô hình, thường trực và khó cắt nghĩa bởi nó là hệ quả mang tính chất
tổ hợp của sự khủng hoảng niềm tin, rối loạn về nhận thức và những nghi ngờ về
tính hợp pháp của hành vi. Ba loại cảm giác trên tựa như những mạch nước ngầm
khác nhau trong tâm hồn mỗi con người và cùng đổ về một dòng suối - đó chính là
cảm giác bất an.
Từ góc độ phân tâm học, bất an là năng lực cảm biến của
con người về những rủi ro có thể xảy đến với mình (hoặc liên quan đến mình), và
vì thế, nó phần nào giống như bản năng sinh tồn hay một loại phản ứng của con
người trước những tín hiệu về sự xuất hiện của rủi ro. Vì vậy, không bao giờ
cảm giác bất an bị triệt tiêu, nếu con người không cảm thấy bất an thì chắc
chắn, anh ta đã bị thoái hóa cả về tâm hồn lẫn nhận thức. Tuy nhiên, khác với các
loại cảm giác khác, ngay cả khi được chia sẻ, cảm giác bất an vẫn không tăng
lên hay vợi đi bởi nó là tín hiệu thông báo sự xuất hiện của một rủi ro nào đó,
trong khi rủi ro là có thực và nằm ngoài ý muốn của con người. Vì lý do đó, cảm
giác bất an phải trở thành một đối tượng nghiên cứu quan trọng của ngành xã hội
học.
Như trên đã phân tích, bất an là một trạng thái tâm lý
bình thường và phổ biến của con người; nó, thậm chí, còn nói lên sự lành mạnh
(về mặt sinh học) của con người, thể hiện sự nhạy cảm của con người trước cả
những rủi ro chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, khi bất an trở thành trạng thái
tâm lý phổ biến của cộng đồng hay của xã hội thì quả thực rất đáng lo ngại bởi
nó nói lên sự không lành mạnh của cộng đồng hoặc xã hội. Nói cách khác, nếu bất
an trở thành một hiện tượng xã hội phổ biến, chúng ta sẽ phải đối mặt với một
rủi ro cực lớn trên phạm vi toàn xã hội - đó là sự khủng hoảng tâm lý có tính
chất toàn diện và sâu sắc.
Trước khi đi vào những nghiên cứu sâu hơn, chúng ta hãy
bắt đầu với việc lý giải tính phổ biến của cảm giác bất an. Tại sao cảm giác
bất an lại trở thành một hiện tượng xã hội phổ biến?
Trong quan điểm của chúng tôi, điều này xảy ra khi và chỉ
khi xã hội tiềm ẩn đầy đủ các tín hiệu về rủi ro và điều kiện xảy ra rủi ro. Trên
thực tế, con người cảm nhận về sự bất an rất khác nhau vì cảm giác không chỉ
đơn thuần là một kích thích mà nó còn là hệ quả của quá trình nhận thức. Nói
cách khác, con người nhận thức về các lĩnh vực cụ thể của đời sống khác nhau
(chẳng hạn kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục) nên có cảm giác về sự bất an
rất khác nhau. Do đó, sự xuất hiện phổ biến và triền miên của cảm giác bất an
cho phép đi đến kết luận: gần như hết thảy các lĩnh vực khác nhau của xã hội
đang tiềm ẩn rủi ro. Một nền kinh tế không chuyên nghiệp, các giá trị không
được xác lập một cách minh bạch, con người không còn năng lực tin vào sự trong
sạch của chính mình, các giới hạn về mặt nguyên lý, về đạo đức không được kiểm
soát và những điều tương tự như thế chính là nguyên nhân của sự xuất hiện phổ
biến của cảm giác bất an.
Các phân tích trên cho thấy chúng ta không thể dừng lại ở
việc xem xét cảm giác bất an như một hiện tượng tâm lý phổ biến mà phải coi nó
như là tham số quan trọng nhất của lý thuyết quản lý rủi ro trong xã hội hiện
đại. Chừng nào làm được như vậy, chúng ta sẽ biến xã hội Việt Nam trở thành một
đối tượng có thể dự báo trong mắt cộng đồng quốc tế.
Từ cảm giác bất an đến ý tưởng về lý thuyết quản lý rủi ro
Nhiệm vụ của xã hội là phát hiện tính phổ biến của cảm
giác bởi tính phổ biến của cảm giác là một thông điệp quan trọng về các trạng
thái khác nhau của xã hội. Tính phổ biến của cảm giác bất an cho thấy xã hội
đang tiềm ẩn những rủi ro khác nhau trong các lĩnh vực của đời sống. Vì vậy, đi
từ tính phổ biến của cảm giác bất an, chúng ta có thể xây dựng lý thuyết quản
lý rủi ro trong xã hội hiện đại.
Trước hết, phải thức tỉnh con người một chân lý là cảm
giác bất an của mỗi cá nhân phản ánh các nguy cơ, các rủi ro và các cơ hội
trong cuộc đời anh ta và do đó, phải nhận ra nó trong đời sống của mình và phải
nghiên cứu nó một cách cẩn thận. Cảm giác bất an là cảm giác ban đầu của quá
trình con người nhận ra rủi ro, nó chính là tham số quan trọng nhất của lý
thuyết quản lý rủi ro. Nếu không nghiên cứu các nguyên lý cơ bản hình thành cảm
giác bất an, chúng ta sẽ không thể nghiên cứu rủi ro, chưa nói đến việc dự báo
và tìm ra các giải pháp để ứng phó với chúng. Khi chúng ta nghiên cứu, điều tra
và thống kê một cách có hệ thống cảm giác bất an của các cá nhân và sau đó,
điểm cảm giác bất an trên những khía cạnh khác nhau của cuộc sống, chúng ta sẽ
phát hiện ra các rủi ro, những rủi ro đó là rủi ro cộng đồng chứ không chỉ là
rủi ro của một cá nhân.
Điều tra xã hội học cảm giác bất an là nghiên cứu các rủi
ro của xã hội. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà cảm giác bất an rất rõ
rệt và phổ biến nhưng không có bằng chứng thống kê hay phát hiện xã hội học nào
chứng minh sự tồn tại khoa học của những cảm giác bất an mang tính phổ biến.
Điều này cho thấy xã hội không nhận ra rằng điều tra về cảm giác bất an của con
người là một nhiệm vụ cần được pháp chế hóa. Nói cách khác, tiến hành các điều
tra xã hội về cảm giác bất an và dùng các kết quả đó để dự báo các rủi ro, phát
hiện tính phổ biến cũng như nguy cơ của các rủi ro và giải pháp ngăn chặn chúng
là nhiệm vụ quan trọng của nhà nước.
Các phân tích trên chỉ ra rằng tính phổ biến của cảm giác
bất an là cơ sở để phát hiện rủi ro và nghiên cứu các giải pháp ứng phó. Tình
trạng tha hóa về đạo đức, kinh tế, văn hóa và giáo dục đều thể hiện một cách rõ
ràng qua cảm giác bất an của con người. Do đó, nó là phương tiện khoa học và
hữu hiệu nhất để các chính phủ có thể đo đạc tâm lý xã hội phổ biến và từ đó
quản lý xã hội của mình. Thật đáng tiếc là các chính phủ vẫn chưa ý thức được
hết tầm quan trọng của công cụ này, dẫn đến tình trạng chính phủ không hiểu rõ
đối tượng mà mình quản lý. Điều này không chỉ là hệ quả của tình trạng lạc hậu
về nhận thức của chính phủ mà còn nói lên sự xơ cứng của xã hội trước các hiện
tượng gây ra cảm giác bất an phổ biến. Đây mới chính là điều đáng sợ nhất bởi
nó báo hiệu một sự thoái hóa về nhận thức, về cảm giác và về trách nhiệm trên
phạm vi toàn xã hội.
Xây dựng quy trình quản lý rủi ro trên nền tảng những nghiên cứu về Cảm
giác bất an
Một xã hội dân chủ là môi trường lý tưởng nhất đảm bảo sự
thành công của việc xây dựng quy trình quản lý rủi ro. Sở dĩ có thể kết luận
như vậy là bởi xã hội dân chủ cho phép con người bày tỏ cảm xúc của mình một
cách chân thật và chính xác; trên cơ sở đó, con người mới có thể nói một cách
công khai về cảm giác bất an của mình, nghĩa là cung cấp cho nhà nước những
linh cảm hoặc dự báo mang tính chất cá nhân và cụ thể về một loại rủi ro nào
đó. Bất an là một cảm giác bản năng, nhưng mô tả cảm giác bất an lại là một
hành vi văn hóa. Do đó, để mô tả cảm giác của mình một cách chính xác, con
người cần phải có những kinh nghiệm văn hóa, hay nói cách khác, con người cần
phải được giáo đục về tính chính đáng trong việc mô tả cảm giác của mình, nghĩa
là phải giúp con người nhận ra rằng mô tả cảm giác của mình là một quyền mang
chất lượng văn hóa. Dường như, nhân loại luôn luôn khủng hoảng cái mà mình
không biết và vụng về trong việc mô tả những linh cảm của mình về rủi ro, điều
này góp phần tạo nên sự rối loạn về thông tin - nguyên nhân căn bản của sự bất
lực trong việc nhận thức thế giới.
Nhà nước dân chủ cho phép con người mở rộng không gian
văn hóa; trên cơ sở đó, con người sẽ ra làm phong phú mình với việc trải nghiệm
những kinh nghiệm văn hóa khác nhau – đây chính là tiền đề để biến cảm giác nói
chung và cảm giác bất an nói riêng, trở thành những tham số mang tính chất
thống kê và dự báo. Từ trước đến nay, các mô hình nhà nước khác không chú trọng
lắm đến việc đảm bảo tự do của con người trong việc mô tả khát vọng cũng như
cảm giác của mình. Trong khi đó, tự do trong mô tả cảm giác là thành tố đầu
tiên và quan trọng nhất tạo nên khái niệm tự do. Nếu con người không tự do
trong nhận thức và bắt đầu bằng hình thức sơ khai nhất là tự do trong cảm nhận
hay tự do trong việc mô tả cảm giác, thì con người không bao giờ đạt tới trạng
thái tự do. Việc khoác lên mình những cảm xúc không có thật của những thành
viên khác nhau tạo ra một xã hội không có năng lực dự báo bởi phần lớn các
trạng thái cảm xúc - trên tư cách các tham số dự báo - đều giả tạo, và do đó,
tham vọng đo đạc cảm xúc nói chung và đo đạc cảm giác bất an nói riêng là không
thể thực hiện được.
Một trong những điểm ưu việt của chế độ dân chủ là thừa
nhận biểu tình như là phương thức mô tả cảm giác của nhân dân nhằm thông báo
cho chính phủ biết về cảm giác bất an của họ. Con người chỉ biểu tình khi họ
cảm thấy sự xuất hiện của rủi ro hay nói cách khác biểu tình là công cụ giải
tỏa cảm giác bất an của con người, và do đó, nó là một phương tiện để xúc tiến
sự hiểu biết lẫn nhau giữa chính phủ và đối tượng mà chính phủ quản lý, tức
nhân dân. Vì vậy, chính phủ phải tôn trọng nhân dân, phải đo đạc cảm giác bất
an của họ một cách chân thực và chính xác. Đó chính là biểu hiện của một xã hội
văn minh.
Để có thể đo đạc chính xác cảm giác của con người, cần
xây dựng phương pháp luận khoa học trên cơ sở kết hợp giữa hai loại khoa học là
thống kê và dự báo. Thống kê để chỉ ra tính phổ biến của cảm giác bất an trên
những lĩnh vực khác nhau, để có con số cụ thể về tỉ lệ và tần suất xuất hiện
của từng loại cảm giác bất an cụ thể và qua đó phản ánh chân dung của xã hội.
Dự báo kết hợp với các khoa học xã hội khác nhằm chỉ ra loại rủi ro nào có khả
năng xuất hiện nhiều nhất trong tương lai, trên cơ sở đó, có tâm lý chuẩn bị và
ứng phó một cách chủ động.
Trong những năm gần đây, nhiều học giả đã bắt đầu phân
biệt hai khái niệm an ninh con người và an ninh quốc gia, cho rằng an ninh con
người quan trọng hơn an ninh quốc gia. Kết luận này hoàn toàn không có tính
chất pháp chế hay tính chất khoa học nhưng cũng là một mô tả về cảm giác bất
an. Điều này cho thấy đã đến lúc phải chuyển trọng tâm nghiên cứu từ an ninh
quốc gia sang an ninh con người. Nghiên cứu về cảm giác bất an chính là tìm
cách xác lập mối quan hệ biện chứng giữa an ninh con người và an ninh quốc gia.
Rõ ràng, an ninh quốc gia chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở đảm bảo an ninh
con người tức là khắc phục những cảm giác bất an cho con người - đó chính là
quá trình tiệm cận đời sống lý tưởng của con người.
Kết luận
Xã hội nào cũng có sự dịch chuyển - đó là kết quả của hai
khuynh hướng, thứ nhất là khát vọng của con người hướng tới những điều tốt đẹp
hơn, thứ hai là phản ứng của con người trước sự bất an. Nếu sự dịch chuyển của
xã hội bị chi phối bởi cảm giác bất an là chủ đạo, nó sẽ rơi vào trạng thái bị
động, báo hiệu sự xuất hiện của tình trạng suy thoái ở những lĩnh vực khác
tượng xã hội phổ biến, chúng ta sẽ phân tích được cội nguồn của nếu không đi từ
gốc, mọi ứng phó tiếp theo để giải quyết các vấn đề sẽ là không có cơ sở đến
lượt mình, điều này sẽ dẫn đến một xã hội hoảng loạn và khủng hoảng toàn diện.
Nguồn: Sách Suy tưởng
Chungta.com
Chungta.com
No comments:
Post a Comment