Friday, 20 July 2012

XÃ HỘI ĐEN SỐNG CHUNG VỚI NHÀ NƯỚC ĐỎ (Phạm Trần)





Phạm Trần
Đăng bởi cheoreo1 lúc 1:37 Sáng 21/07/12

VRNs (21.07.2012) – California, USA – Ở Việt Nam thời “Đổi Mới”, văn hoá, đạo đức tụt hậu, tội ác thăng hoa, xã hội đen và côn đồ thoải mái sống chung với Nhà nước đỏ có luật nhưng không hành.

Trước tiên hãy nghe Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Trần Đại Quang nói về tình trạng tội phạm xã hội của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2012 :Theo tổng kết thì mức gia tăng tội phạm của chúng ta ở mức trung bình. Nhưng qua phân tích tình hình tội phạm trong 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng, có một số vấn đề đáng chú ý.
Cụ thể: Hoạt động của tội phạm có tổ chức, tội phạm đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, trộm cướp sử dụng vũ khí nóng gia tăng;
Tội phạm giết người do mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, nhất là những vấn đề có liên quan đến tranh chấp tài sản đất đai, mâu thuẫn trong sinh hoạt, nợ nần kinh tế, bệnh tật. Trong số những vụ giết người 707 vụ có 652 vụ có liên quan đến những nguyên nhân ta vẫn gọi là nguyên nhân xã hội chiếm 90%;
Tội phạm do người chưa thành niên gây ra xẩy ra là 3601 vụ, trong đó có nhiều vụ việc đặc biệt nghiêm trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng;
Tội phạm xâm phạm trẻ em cũng gia tăng, cụ thể là những vụ hiếp dâm trẻ em, hành hạ trẻ em; Tội phạm chống người thi hành công vụ cũng gia tăng, xẩy ra 457 vụ chủ yếu là chống lại lực lượng cảnh sát đang thi hành công vụ là 125 vụ, các lực lượng khác như kiểm lâm, hải quan… một loại tội phạm mới nảy sinh trong những năm gần đây, đặc biệt năm 2011 và 6 tháng đầu năm nay đó là tội phạm sử dụng công nghệ cao, trộm cắp tiền trong tài khoản, sử dụng thẻ tín dụng giả, trộm cắp cước viễn thông, đánh bạc, cá độ qua internet. Năm 2011, chúng ta phát hiện xử lý 128 vụ, 6 tháng đầu năm nay phát hiện và xử lý 111 vụ.”

Quang còn cho biết thêm:Trước đây chúng ta thường nói tội phạm có yếu tố nước ngoài nhưng bây giờ tội phạm là người nước ngoài ở Việt Nam cũng gia tăng. Năm 2011, chúng ta đã phát hiện bắt giữ xử lý 440 đối tượng và 6 tháng đầu năm nay đã bắt và xử lý 165 đối tượng. Ngoài ra, các loại tội phạm khác như tội phạm tham nhũng cũng gia tăng. Trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng công an đã thụ lý điều tra 243 vụ, 559 bị can, trong đó khởi tố mới 115 vụ, 212 bị can tăng 12 vụ, tức là 11,7%, tăng 32 bị can 17,8% so với cùng kỳ năm 2011.
Bên cạnh đó, tội phạm về ma túy cũng diễn biến phức tạp, năm 2011 đã phát hiện, bắt giữ 17.417 vụ, 24.933 đối tượng nhiều hơn 15,4% so với số vụ và 14% về đối tượng so với cùng kỳ năm 2010. Trong 6 tháng đầu năm nay đã phát hiện bắt giữ 7.797 vụ và 11.143 đối tượng, so với cùng kỳ năm 2011 thì giảm đi 12,98% số vụ và 6,51% về đối tượng…
Theo phân tích của Bộ trưởng Bộ Công an, về nguyên nhân của tội phạm, có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm nêu trên, nhưng chủ yếu có một số nguyên nhân như sau. Trước hết, do tác động tình hình kinh tế-xã hội khó khăn nhiều doanh nghiệp phá sản, lao động mất việc làm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân nảy sinh tội phạm.
Điểm thứ hai là sự xuống cấp về đạo đức xã hội, nhất là trong thanh niên và thiếu niên trước tác động ảnh hưởng của những văn hóa phẩm phản động, đồi trụy ở nước ngoài. Một vấn đề nữa là tác động tiêu cực của văn hóa phẩm đồi trụy, trò chơi trực tuyến trên mạng internet như game o­nline chưa có giải pháp ngăn chặn….” (Theo VnMedia, ngày 17-06-2012)

TỘI PHẠM KHÁC

Đó là về mặt tội phạm trong xã hội mà nước nào cũng có, ít hay nhiều tùy vào luật pháp trừng trị của mỗi quốc gia.
Ở Việt Nam còn có các lọai tội phạm khác làm băng họai nhân phẩm con người nghiêm trọng hơn, đang ăn sâu, bám rễ trong các lĩnh vực chính trị, tôn giáo, tham nhũng, học đường và luân lý, nhưng không thể đếm bằng con số vì chúng do các tổ chức “xã hội đen” hay “côn đồ” có bảo kê bởi các “nhóm lợi ích” trong chính quyền.

Tội ác do Công an, Cảnh sát, Lực lượng Biên phòng và Cán bộ, đảng viên có chức có quyền gây ra được thực hiện qua các kiểu cách “bôi trơn”, “dưới gầm bàn”, “tại các qúan nhậu”, “sau giờ làm việc”, “ tại nhà cán bộ”, “quà cáp sinh nhật”, “ăn thôi nôi con”, “ăn mừng nhà mới, sửa nhà”, “kỷ niệm ngày cưới”, “ăn mừng thăng chức”, “chận xe kiểm soát dọc dường, trên đường phố”, hay tại “các cửa khẩu, bến đậu” v.v… thì có trời mà đếm được !

Trong lĩnh vực chính trị, việc lãnh đạo bao che tội ác cho cấp dưới, hay chỉ xử nhẹ các lỗi lầm, thuyên chuyển kẻ phạm tội đi nơi khác, thậm chí còn thăng quan, tiến chức dù đã gây ra tai họa nặng nề cho dân đã được chứng minh rõ như ban ngày trong 3 vụ cưỡng chế đất đai và tài sản của gia đình anh em ông Đoàn Văn Vươn- Đoàn Văn Qúy ở Tiên Lãng (Thành phố Hải Phòng) ngày 05/01 (2012); vụ lấy đất xây đô thị Ecopark của Nông dân Văn Giang (Tỉnh Hưng Yên) ngày 24/04 (2012) và vụ cưỡng chế đất của dân ở Vụ Bản (Tỉnh Nam Định) ngày 09/05 (2012).

Ngọai trừ vụ Tiến Lãng có cả Quân đội tham gia đàn áp dân, hai vụ Văn Giang và Vụ Bản đều dính đến tham nhũng, cửa quyền và tùy tiện của giới cầm quyền để thủ lợi. Trong khi dân mất đất thì khốn đốn, bị thiệt hại tay trắng vì số tiền bồi thường rẻ mạt thấp hơn cả trăm lần trị giá thị trường đất đai khi thuộc về tay chủ nhân mới.
Hai vụ đàn áp ở Văn Giang và Vụ Bản còn có sự tham dự của các nhóm “xã hội đen” và “côn đồ” được thuê bao bởi các chủ đầu tư có võ trang dao, gậy đã “sát cánh” cùng với lực lượng Công an, Cảnh sát “tham chiến” truy kịch đánh dân dã man chưa bao giờ thấy.

Riêng tại Văn Giang, Công an và bọn “xã hội đen-côn đồ” còn đánh cả hai Nhà báo của Đài Tiếng Nói Việt Nam, Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long, mà Phó Chủ tịch thường trực Ủy Ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào còn vênh váo nói khống ngày 02/05 (2012) rằng: ”Những người lợi dụng dân chủ, móc nối với những phần tử tiêu cực, bất mãn, phản động trong nước và nước ngoài, cố tình chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, kìm hãm sự phát triển, thì nhất định phải có biện pháp xử lý kiên quyết.
Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các thông tin thậm chí còn được tường thuật tại chỗ, từng giờ, để tuyên truyền xuyên tạc, dàn dựng những video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền.” (Báo cáo với Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng)

Nghịch cảnh của dân mất đất ở Văn Giang và Vụ Bản là khi họ trắng tay, chưa biết tương lai sẽ đưa họ về đâu khi không còn đất canh tác thì các chủ đầu tư do nhà nước nối giáo lại giầu thêm.

Nhưng thảm cảnh chưa dừng tại đây.

Một số người dân có liên hệ đến vụ mất đất ở thôn 1, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, Hưng Yên còn bất ngờ bị 20 tên côn đồ tấn công bằng gậy vào chiều ngày 12/7 (2012).

Báo Việtnamnet viết ngày 14/7 (2012): “3 nạn nhân bị côn đồ hành hung đã đưa vào Bệnh viện đa khoa Sông Hồng (xã Đa Tốn, Huyện Gia Lâm, Hà Nội) cấp cứu rồi chuyển tiếp lên Bệnh viện Việt Đức được xác định là ông Đàm Văn Đồng (52 tuổi), ông Đàm Văn Nghiệp (54 tuổi) và cụ ông Lê Thạch Bàn (73 tuổi).
Theo các bác sĩ, các nạn nhân nhập viện trong tình trạng trên cơ thể dính nhiều vết thương nặng ở vùng đầu, vùng chân, tay có nhiều vết sưng tím.”

Trước đây vào tháng 1/2010, theo VietNamnet, cụ Lê Thạch Bàn cũng đã bị gần 20 người lạ mặt đã xông vào nhà đe dọa và dùng bình xịt hơi cay tấn công.
Vụ việc lần này xảy ra khiến nhiều người dân trong khu vực vô cùng hoang mang và sợ hãi.

VietNamnet viết thêm ngày 16-07 (2012) rằng: “Sau đó, cụ Bàn đã có báo cáo lên chính quyền địa phương và cơ quan công an để làm rõ, nhưng từ đó cho đến nay vẫn chưa xác định được các đối tượng gây rối?
Vụ việc xảy đến lần này đã khiến người thân trong gia đình cụ Bàn hoang mang và sợ hãi.
Trước đó, cụ thường xuyên nhận được các lời đe dọa, khủng bố từ nhiều số máy lạ. Đến lần này, khi bị “truy sát” giữa ban ngày, người thân của cụ càng hoang mang. “Mấy ngày nay, người nhà không ai dám ra đường, đi lên viện trông bố thì phải đi 2 người đề phòng bất trắc”- chị Hoài, con gái cụ Bàn cho biết.

Trao đổi với Phóng viên, vẫn theo ViệtNamnet, ông Phạm Phú Chù, Trưởng thôn 1 xã Xuân Quan cho biết: “Trước khi xảy ra sự việc trên, người dân trong thôn nhiều lần bị các đối tượng lạ mặt hung hãn vào khu dân cư, hành hung người dân giữa ban ngày nhưng đến nay vẫn chưa xác định được các đối tượng gây rối.”

Liên quan đến vụ việc, ngày 14/7, báo ViệtNamnet viết tiếp: “Phía Ecopark đã chính thức có công văn gửi các cơ quan chức năng và báo chí, khẳng định không liên quan đến vụ hành hung và đề nghị công an điều tra, sớm công bố kết quả trước dư luận.
Phía Ecopark cho biết, vụ việc người dân thôn 1, xã Xuân Quan bị đánh không xảy ra trên phần diện tích dự án Khu đô thị Ecopark, nhóm đối tượng tham gia hành hung cũng không phải là bảo vệ dự án.
Những thông tin nghi ngờ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, thương hiệu của công ty và dự án”, phía Ecopark nhấn mạnh.”
Công an huyện Văn Giang đã tiến hành khởi tố vụ án. Bước đầu vẫn chưa xác định được nhóm đối tượng hành hung là người địa phương hay ngoại tỉnh. (VietNamNet, 15-07 (2012)

Lạ nhỉ?

Tại một Nhà nước mà Lãnh đạo cứ ra rả ngày đêm nói “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền” mà các vụ việc xẩy ra cho người dân ở Văn Giang giữa ban ngày như thế mà Công an vẫn không tìm ra những kẻ phạm tội hành dân từ năm 2010 đến nay thì nguy to!

Hèn chi mà những dân Tầu Bắc Kinh được gọi là “thương lái” hay “chuyên gia nuôi trồng thủy sản” không sao chứng minh được thật, gỉa đã được một số Công ty nuôi trồng thủy sản “người Việt gốc Hoa” hoặc “người Việt buôn bán với Thương lái Trung Quốc” thuê mướn “có giấy lao động bất hợp pháp” hoặc “làm chui” đã ngang nhiên ăn ở, có người lấy vợ Việt, đẻ con (có kẻ đã ở Việt Nam 3 năm) mà lực lượng Công an không biết.

Nhiều thương lái Tầu Bắc Kinh đã vào Việt Nam như “đi chợ” để thu vét nhiều lọai hàng, hàng đặc sản, cây kiểng hiếm có,gỗ qúy, móng trâu, trái cây non, vải thiều,làm giá, đánh lừa đánh đảo nông dân và ngư dân khắp hang cùng ngõ hẻm, hoặc còn xúi dại nộng dân trộn bùn vào trà để cân nặng ký giúp họ kiếm lời khi bán lại, hoặc trộn hóa chất vào thực phẩm ăn hại sức khỏe để hại sản phẩm sản xuất từ Việt Nam mà Công an cũng không làm gì được.

Thậm chí đến khi bị báo chí phát giác có nhiều người Tầu Bắc Kinh đội lốt “chuyên gia” làm việc ở hai vị trí biển chiến lược quốc phòng quan trọng Cam Ranh (Nha Trang) và Vũng Rô (Phú Yên) thì đã có “kẻ nào đó” mật báo, tiếp tay giúp họ bỏ trốn mất tăm, hoặc về nước trước khi Cảnh sát và Công an có thể ra tay.

Thế mà, đối với việc những người yêu nước tổ chức hội thảo về Trường Sa-Hoàng Sa, như Câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình của Trí thức Công giáo ở Sài Gòn hay tổ chức các cuộc xuống đường biểu tình chống Tầu xâm lăng lãnh thổ và lấn chiếm biển đảo thì chả cần phải ai chỉ điểm mà lực lượng Công an chìm, nổi đã “ngửi trước” biết những đối tượng có thể sẽ tham gia ở Sài Gòn và Hà Nội để đến nhà “khuyên bảo” đừng đi, hay đạt “giấy mời” đến đồn Công an hay ra Phường “làm việc” với những lý do viển vông trước vài ngày đến giờ biểu tình.

Trong nhiều trường hợp, như đã xẩy ra với Cuộc biểu tình ngày 01/07 (2012), nhiều anh chị em trẻ đã bị ngăn chận không được ra khỏi nhà, hay Công an đã cho “mọc ra” nhiều chốt trước ngõ, trước nhà từ đêm hôm trước ngày biểu tình. Những ai trốn đi dược thì liền bị các tóan “côn đồ” bám theo theo dõi, kiếm chuyện, cản trở lưu thông, gò ép để gây gỗ kiếm cớ vu oan để tấn công, đập xe, khủng bố.

Ngay khi không xuống đường biểu tình yêu nước mà nhà nước gọi là “tụ tập biểu tình do các phần tử xấu lợi dụng, xúi giục” thì những người từng có mặt trong các cuộc xuống đường vẫn bị những nhóm người “lạ mặt côn đồ” tấn công giữa thành phố như đã xẩy ra cho Bà Bùi Thị Minh Hằng và bạn hữu tại Sài Gòn tối ngày 13/07(2012).

Nhưng những nhóm “côn đồ” này là ai mà dám nói :”Cho mày gọi công an đi, tao là công an này!”, theo lời kể lại của Bà Hằng, khi có người dân muốn rat ay cứu nhóm Bà Hằng khỏi tay “côn đồ” ?

LÁNG GIỀNG CÔN ĐỒ

Chuyện “côn đồ” sống chung với Công an và Nhà nước còn xẩy ra với cả người dân lương thiện.

Hãy đọc chuyện kể của báo ViệtNamnet ngày 09/07 (2012) : “Muốn xây nhà phải nộp tiền sửa ngõ, muốn sửa sang nhà cửa phải nộp tiền rơi vãi vật liệu. Giữa trưa mở nhạc inh ỏi, gõ cửa nhắc thì lôi hình xăm rắn rết ra dọa. Ở những con ngõ nhỏ, chung cư cũ ngay giữa lòng Hà Nội vẫn có những cách hành xử “côn đồ” như thế.
Nộp 10 triệu ra đây!
Đó là cái giá mà hàng xóm của chị T. Quỳnh (Phú Mỹ, Mỹ Đình) đưa ra khi chị muốn chở vật liệu xây dựng về sửa sang nhà cửa. Chị Quỳnh không đồng ý, hàng xóm liền lôi bàn ghế ra ngõ chặn không cho xe chở vật liệu vào.
Chị Quỳnh kể: “Nhà mình nằm gần cuối ngõ, các nhà xung quanh thì không sao nhưng cái lão ngay cạnh nhà mình thì xấu tính thôi rồi. Hồi mình chuẩn bị sinh thêm bé nữa, hai vợ chồng quyết định sửa lại ngôi nhà cấp 4 đang ở lên 3 tầng. Thủ tục với chính quyền xong hết rồi nhưng cái lão hàng xóm lại làm khó dễ. Lão bắt nộp cho lão 10 triệu, lão mới cho xây lên.
Lão bảo nhà mình ngay sát nhà lão, xây lên kiểu gì cũng không tránh khỏi rơi vãi vật liệu xây dựng, rồi tiếng ồn, rồi đụng chạm làm lung lay tường nhà lão, vân vân và vân vân. Nói chung muốn xây lên thì phải nộp phí tổn 10 triệu.
Hai vợ chồng mình thấy vô lý nên không chịu. Vẫn tiến hành xây mà không đưa tiền cho lão. Ấy thế mà khi xe chở vật liệu đi vào ngõ, lão lôi hết bàn ghế nhà lão ra để đó chặn không cho vào. Thợ nhà mình ra chuyển vật liệu toàn bị lão dọa đánh, cứ thỉnh thoảng lão lại hú lên: “Chúng mày không có mắt hả, rơi hết đá sỏi vào nhà tao rồi”.
Chị Quỳnh bảo, lúc đầu thấy vô lý nên hai vợ chồng chị quyết không đưa tiền cho lão hàng xóm. Nhưng vì lão cản trở, việc xây dựng bị đình trệ nhiều nên chồng chị sang “đưa trước” cho lão 3 triệu bảo mấy nữa đưa nốt thì lão mới chịu để yên.
“Cái này báo với chính quyền cũng không có ích gì, càng khiến lão hậm hực rồi sinh sự thêm. Thôi thì muốn được việc mình thì nhắm mắt nhắm mũi chịu ấm ức một tí”, chị Quỳnh nói.
Cũng có hàng xóm “vòi tiền” như chị Quỳnh, chị Mai (Thanh Trì, Hà Nội) ấm ức kể lại: “Vợ chồng tích cóp mãi mới đủ tiền mua một mảnh đất bé bé trong làng rồi xây nhà. Trong ngõ nhỏ chỉ có hai nhà là nhà mình và nhà hàng xóm tên K. Trước khi xây, chồng mình đã đến nói chuyện và đưa K. 5 triệu góp chút tiền đổ bê tông ngõ. Nhưng lão không đồng ý, đòi nhà mình đưa 20 triệu mới cho vào ngõ. Vợ chồng mình không chịu thì ngày nào hai bố con lão cũng ra chặn xe chở vật liệu, công trình chậm cả tuần liền”.
Không chọn biện pháp “dĩ hòa vi quý” như chị Quỳnh, chồng chị Mai liền nhờ “đầu gấu” đến nói chuyện với anh hàng xóm. Mấy ông đầu gấu chỉ nói có đúng 8 từ “đứng gọn gọn cho người ta làm việc”, công trình nhà chị không còn bị chậm tiến độ nữa.”

CÔN ĐỒ CHỐNG TÔN GIÁO

Sang lĩnh vực Tôn giáo, đặc biệt đối với Giáo hội Công giáo, nhiều vụ Tu sĩ, Linh mục bị đánh, bị chính quyền ngắn cấm hành đạo là chuyện thường, nhưng còn có cả “côn đồ” và “xã hội đen” cũng tự do tham gia chống những người theo đạo trước mắt chính quyền mới đáng sợ.

Tỷ dụ như chuyện kể đã được Ủy ban Công lý và Hòa bình của Giáo hội Cộng giáo loan tin ngày 05/03/2012 : “ Lm. Nguyễn Quang Hoa gửi Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kon-tum ghi:
Ngày 22 tháng 2 năm 2012, tại làng Turia Yốp (thôn 6, xã Đăk Hring, Huyện Đăk Hà), gia đình ông A Ven có người vợ là bà Y Kun qua đời. Gia đình và dân làng đã mời con đến dâng lễ an táng (lễ tang) để tiễn đưa người quá cố là bà Y Kun đến nơi an nghỉ cuối cùng. Lễ an táng đã diễn ra vào lúc 10 giờ, ngày 23 tháng 2 năm 2012.
10 giờ 45 phút, lễ an táng kết thúc, con trở về lại xứ. Trên đường về ngang qua khu rừng cao su của làng Kon Proh (thôn 9, xã Đăk Hring), con đã bị ba thanh niên chạy xe môtô đuổi theo và đánh một nhát rất mạnh phía sau lưng. Bị đánh bất ngờ, con loạng choạng dừng xe môtô lại. Lập tức hai tên thanh niên cầm hai thanh sắt dài khoảng một mét nhảy xuống xe tiếp tục đánh con túi bụi. Con bỏ xe ngã xuống đường và dùng 2 tay để chống đỡ những đòn chí tử, vì sợ trúng đầu và mặt nên hai tay phải chịu trận, con vừa đỡ đòn vừa chạy thụt lùi và sau đó cắm đầu chạy vào vườn cao su, chúng tiếp tục đuổi theo đánh vào lưng, vào tay, vào chân và vào bụng con rất nhiều nhát chí mạng. Rượt đuổi đánh khoảng 200 mét chúng hô “thôi rút”, và chúng quay lại đập phá xe môtô của con. Sau đó, hai thanh niên đó đã phi tang 2 thanh sắt xuống đập nước gần đó. Trong lúc hai thanh niên đánh con, một thanh niên còn lại ngồi sẵn trên xe môtô. Sau khi xong việc, ba thanh niên đó đã phóng xe bỏ chạy về hướng quốc lộ 14”.
Bản tin viết tiếp : “Các Cha tại Giáo xứ Kon Hring nói với Đức cha Micae là người dân trong khu vực đã cho biết “ba côn đồ” này vừa mới từ trại tù về, độ tuổi hơn 20, đang được “giáo dưỡng” bởi chính quyền địa phương. Người dân còn cho biết trước khi hành động, bọn chúng đã đến một cơ sở làm cửa sắt gần đó để mua cắt hai thanh sắt.”

Vậy ra những tên “côn đồ” được “chính quyền địa phương giáo dưỡng” là thủ phạm tấn công Cha Nguyễn Quang Hoa nhưng Cha Hoa đã làm gì để bị tấn công dã man như thế ?

Đến ngày 15/04 (2012), Tòa Tổng Giám mục Hà Nội cũng ra thông báo nói về vụ Cha Giuse Nguyễn Văn Bình bị “côn đồ” hành hung như sau:”Văn Phòng Tòa TGM Hà Nội xin thông báo về vụ việc cha Giuse Nguyễn Văn Bình bị côn đồ hành hung như sau:
Cha Giuse Nguyễn Văn Bình, chính xứ Yên Kiện, đã mua một mảnh đất 500m2 ở ngoài giáo xứ của mình (thuộc giáo xứ Gò Cáo, thôn Xuân Sen, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) và xây một nhà cấp 4 trên đó với ý định nuôi trẻ mồ côi.
Vào lúc 9g00 sáng ngày 14/4/2012, sau khi nhận được tin ngôi nhà cấp 4 của mình bị dỡ bỏ lúc rạng sáng, cha Bình đã đến hiện trường. Tại đây, bất ngờ cha Bình đã bị một nhóm côn đồ hành hung đánh đấm và ngất xỉu (trích bản tường trình của Cha Bình). Hiện nay cha Bình bị rách màng nhĩ, đọng máu bên trong tai, sưng mặt, đau nhức ở đầu và vùng bụng, sức khỏe suy yếu.
Cha Bình đã được Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội và Hội đồng Giáo xứ Yên Kiện và Tân Hội đưa đi cấp cứu và khám tại các bệnh viện chuyên khoa ở Hà Nội. Hiện nay cha Bình đang được chăm sóc tại Tòa TGM Hà Nội. Tình trạng sức khỏe của cha đã khá hơn.Những hành vi đánh người dã man vô cớ của nhóm côn đồ trên là hành vi phạm pháp, xúc phạm thô bạo đến phẩm giá con người và không thể được chấp nhận. Hành động bất nhân này khiến cho linh mục và giáo dân rất búc xúc, gây hoang mang bất ổn định trong các cộng đoàn giáo dân tại Chương Mỹ.
Đức Tổng Giám Mục Phêrô đã gửi một văn thư đề nghị Công an huyện Chương Mỹ mau chóng điều tra và làm sáng tỏ vụ việc này để những hành động đánh người dã man sẽ không còn xảy ra với bất kỳ người dân nào, phẩm giá con người luôn được tôn trọng.” (Lm. Alphongsô Phạm Hùng, Chưởng ấn)

Liên quan đến vụ này, Hãng tin Công giáo “Việt Catholic” ở Hoa Kỳ viết thêm : “ Tin tức cập nhật lúc 12 giờ trưa ngày 14/4 cho biết: Vì chấn thương nghiêm trọng, hiện tại linh mục Nguyễn Văn Bình đã được chuyển lên cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức – Hà Nội. Theo quan sát, công an Quận Hoàn Kiếm xuất hiện ngay cạnh cáng cứu thương. Đồng thời, đại diện tòa Tổng Giám Mục Hà Nội cũng đã có mặt.
Phía Công An chỉ đạo nhân viên bảo vệ của bệnh viện ngăn chặn không để mọi người được đến thăm linh mục Nguyễn Văn Bình, đồng thời ngăn cản những ai đến gần chụp ảnh.”

Tại sao Công An Hà Nội lại cấm không cho ai đến thăm Linh mục bị quân “côn đồ” đánh và cấm luôn cả việc chụp ảnh nạn nhân? Chẳng lẽ những việc làm này “có hại” cho uy tín của Cộng An hay sao mà lại che giấu tội phạm cho “côn đồ”?

CON CUÔNG VÀ GIÁO PHẬN VINH

Nạn nhân người Công giáo từ tháng 06/2012 của Cộng An, Quân đội và Côn đồ đã xẩy ra tại giáo điểm Con Cuông của Giáo phận Vinh do Đức cha Nguyễn Thái Hợp cai quản.

Thông Báo của Tòa Giám mục Vinh ngày 04/07 (2012) cho biết:Liên tục trong những ngày qua, giáo dân tại giáo điểm Con Cuông (thuộc xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) luôn chịu sự kìm kẹp, phân biệt đối xử và vu khống bởi chính quyền địa phương. Chính quyền liên tục cho người đe dọa, ngăn cản, khủng bố linh mục và bà con giáo dân.
Gần đây nhất là sự kiện hàng trăm cán bộ, công an, quân đội và côn đồ đến quấy rối, ngăn cản không cho linh mục GB. Nguyễn Đình Thục cử hành Thánh lễ mừng Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy giả ngày 24.6.2012.
Sự kiện xảy ra ngày 1.7.2012 vừa qua là cao trào và là kết quả những mưu tính lâu dài, được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng của các thế lực đen tối.
Trước tình hình đó, Tòa Giám mục có những quan điểm và ý kiến sau đây:
1. Cực lực lên án hành vi phạm Thánh, hành hung linh mục và giáo dân của chính quyền huyện Con Cuông, xã Yên Khê.
2. Anh chị em giáo dân tại giáo điểm Con Cuông đã bị đánh đập trọng thương, có những người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, và toàn bộ giáo dân hiện đang sống trong nơm nớp lo sợ bị trấn áp, hành hung bất cứ lúc nào của côn đồ, công an và quân đội.
Gia đình ông Phạm Thế Trận và một số gia đình khác luôn bị đe dọa khủng bố và gây khó khăn trong mọi công việc. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông của tỉnh Nghệ An lại đưa tin xuyên tạc, sai sự thật nhằm kết án các linh mục, giáo dân.
3. Để chia sẻ với những đau thương của anh chị em Con Cuông, xin quý Cha, quý Chủng sinh, quý nam nữ Tu sĩ và toàn thể anh chị em trong ngoài giáo phận, thắp nến cầu nguyện tại các
giáo xứ vào tối thứ Bảy và dâng lễ hiệp ý cầu nguyện cho các giáo hữu tại Con Cuông hiện đang phải sống trong bạo lực và bất công vào sáng Chúa nhật XIV (ngày 8/7/2012);
Cầu cho các cấp lãnh đạo chính quyền sớm nhận ra những nhu cầu chính đáng của giáo dân tại Con Cuông để những quyền lợi cơ bản của họ được đảm bảo thực hiện. Xin những người có thiện chí lên tiếng bênh vực anh chị em tại Con Cuông.
4. Để biểu tỏ sự đồng lòng phản đối những hành vi xúc phạm đến nơi thánh, đồ thánh, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của giáo dân Con Cuông, xin quý Cha căng băng-rôn tại giáo xứ với nội dung “Phản đối hành vi phạm thánh và đánh đập linh mục, giáo dân của chính quyền tại Con Cuông”.

TẠI SAO CON CUÔNG ?

Đáp lời kêu gọi của Tòa Giám mục, tất cả các xứ đạo của Địa phận Vinh đã treo biểu ngữ, nhưng nhiều nơi đã bị Công an và thành phần được gọi là “người dân tự phát” và “côn đồ” bắc thang gỡ xuống.

Tuy nhiên, tấm biểu ngữ nào bị gỡ xuống thì lập tức biểu ngữ khác được treo lên như một thái độ quyết liệt của Giáo dân địa phận Vinh.

Đến ngày 15/07 (2012) hàng trăm ngàn giáo dân đã quy tụ về Nhà Thờ các Hạt của Giáo phận dâng thánh lễ hợp thông và cầu nguyện cho giáo dân Con Cuông. Nhiều biểu ngữ phản đối chính quyền đàn áp tôn giáo, phá tượng thánh hoặc lên án hành vi mà một biểu ngữ của Giáo xứ Trang Cảnh viết là “Thiếu nhân tính của chính quyền Con Cuông” đã được trưng ra.

Lý do Địa phận Vinh nổi giận vì giáo điểm Con Cuông không những chỉ bị Quân đội, Công An và Côn đồ tấn công, đánh người mà tượng ảnh, chén lễ còn bị xúc phạm thô bạo như một đọan tin đã viết : “Đến 13 giờ 30, một số bà con cư trú tại giáo điểm Con Cuông đã đến nhà nguyện và bắt đầu đọc kinh. Khoảng 50 người bắt đầu la ó, gào thét, xô đẩy giáo dân ra khỏi nhà nguyện. Đội ngũ cán bộ và nhóm côn đồ lúc trưa ùa vào nhạo cười, đập phá bàn ghế, hoa nến, chén đĩa. Nghiêm trọng nhất là việc đập nát tượng Đức Mẹ trên cung thánh.”

Trong Văn thư phản đối gửi Ủy ban Nhân dân Tỉnh Nghệ An, Tòa Giám mục Vinh ngày 04/07 (2012) , Linh mục Trần Văn Công tố cáo “… Từ việc ngăn cản và phá rối Thánh lễ ngày 13-11-2011, đến việc ném mìn ngày 30-11-2011, rồi đến việc dùng côn đồ và các lực lượng vũ trang đánh đập linh mục, tu sĩ và giáo dân, phá nhà nguyện, đập phá đồ phụng tự, đặc biệt nghiêm trọng là đập nát tượng Đức Mẹ trong cung thánh nhà nguyện ngày 01-7-2012, đã xúc phạm nghiêm trọng niềm tin tôn giáo, xúc phạm đến toàn thể Giáo hội Công Giáo.
Chúng tôi có đủ bằng chứng về việc chính quyền huyện Con Cuông trực tiếp hoặc tổ chức thuê người và điều động công an, quân đội, dân phòng (kể cả súng ống và chó nghiệp vụ) để ngăn cản không cho các linh mục và giáo dân dâng lễ, đánh đập giáo dân và linh mục. Nhất là hành vi cho hàng chục người chiếm đoạt nhà nguyện, tháo dỡ cửa, phá phách đồ thánh, đập phá tượng Đức Mẹ và các hành vi khác xúc phạm nặng đến niềm tin tôn giáo.”

Trong khi đó Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp của Giáo phận Vinh đã nói với thông tấn Eglises d’Asie tại Pháp rằng : “ Thật sự mà nói rằng điều đó (vụ tấn công ở Con Cuông) hoàn toàn không thể giải thích được. Người ta không thể hiểu được những lý do sâu xa của chính quyền hoặc ý định nào đã hướng dẫn họ hành động như thế. Tuy nhiên, một vài lý do có thể kể ra đây. Ỡ Việt Nam có những huyện gọi là những “huyện anh hùng” [đưọc xem như là nôi của “phong trào Cộng sản”]. Để bảo vệ vị thế “chủ nghĩa anh hùng” này, họ phải theo đuổi ba hoặc bốn tiêu chuẩn. Một trong những tiêu chuẩn này là sự vắng bóng tôn giáo và thực hành tôn giáo trong địa bàn huyện. Trong thực tế, huyện Con Cuông nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, hình thành một phần của tiêu chuẩn của những huyện có nghĩa vụ phát huy và bảo vệ truyền thống anh hùng. Người ta có thể nghĩ rằng đây là một trong những lý do của tính tàn bạo của những hành vi của chính quyền trong vụ việc này. Người ta cũng có thể nói đến động cơ của sự ổn định chính trị, là điều có vẻ hợp lý trong xã hội Việt Nam hôm nay.” (Bản dịch của ViệtCatholic News)

Sự ngạc nhiên của Đức cha Hợp được Ngài giải thích thêm rằng :Các Kitô hữu đã hiện diện tại huyện Con Cuông từ lâu. Bắt đầu năm 1970, các linh mục đến địa phương để cử hành Thánh Lễ và để giúp đỡ người thiểu số. Một linh mục đến nơi đó thường xuyên vào ngày Chúa nhật để cử hành Thánh Lễ.
Chúng tôi không hiểu được tại sao nhà chức trách lại can thiệp một cách dã man như vậy với giáo điểm Con Cuông. Năm ngoái một trái mìn phát nổ ngay trước nhà nguyện. Đó là một hành động tội ác. Chúng tôi phản đối tuy nhiên không có phản ứng nào từ phía chính quyền dân sự hoặc giới chức công an.
Chúng tôi muốn sống trong đối thoại với chính quyền. Chúng tôi không có ý định dùng sự việc Con Cuông để áp đặt các yêu sách của chúng tôi hoặc để phỉ báng Đảng và chính quyền. Nhưng sự việc ngày mồng một tháng Bảy là ngoại lệ, nó không thể nào chấp nhận được đối với đa số người Công giáo. Nhà cầm quyền đã đi quá xa! Như chúng tôi thường nói với nhau, khi một vài giới hạn đã vượt qua, chúng ta phải phản ứng. Kiên nhẫn là một nhân đức Công giáo, một đức tính nhân bản. Tuy nhiên, vì mọi việc mang tính chất con người, nó có những giới hạn của nó mà không thể vượt qua mà không bị trừng phạt. Đó là cảm nghĩ của những người Công giáo trong giáo phận chúng tôi. Trong hoàn cảnh khó khăn ưu tiên là tình liên đới với anh chị em Công giáo trong giáo phận chúng tôi.
Chúng tôi không chỉ muốn phản đối, chúng tôi còn muốn bày tỏ tình liên đới này và đòi hỏi công lý cho những nạn nhân của sự tàn bạo này.”

BỊ ĐÀN ÁP VÌ ĐỨC CHA HỢP ?

Sự kiện Con Cuông nhắc nhở người ta nhớ lại thời gian hơn hai năm về Giáo phận Vinh của Đức cha Hợp, kể từ ngày 13/05/2010.

Các hoạt động và tuyên bố của vị Giám mục này đã làm phấn khởi cộng đồng giáo dân và đưa Giáo hội Công giáo Việt Nam ra khỏi thái độ “thụ động” trước những vấn đề thời sự và biến đổi của đất nước Việt Nam.

Một trong những biến cố quan trọng này là Đức cha Hợp đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam bổ nhiệm vào chức Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa Bình đã bị bỏ trống trong nhiều năm.

Ngài đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Nguyễn Văn Bình (nguyên Tổng Giám mục Địa phận Sài Gòn) vào ngày 30 tháng 12 năm 2006 và sau đó đã tìm mọi cách đưa Câu lạc bộ lên tầm cao mới với những hoạt động thu hút nhiều Trí thức trong và ngoài Công giáo, trong đó có các Cuộc thảo luận về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sau cuộc Toạ đàm, tổ chức chung với Nhà xuất bản Tri Thức về đề tài “Biển Đông và hải đảo Việt Nam” ngày 24,25-07-2009, chính quyền Cộng sản ở Thành phố Hồ Chí Minh đã cấm không cho tổ chức cuộc thảo luận lần 2 về đề tài “Công lý và Hòa bình trên Biển Đông” dự trù tổ chức vào ngày 17 tháng 09 năm 2011.

Bản Thông báo hủy bỏ của CLB đưa ra chiều ngày 16/09/2011 cho biết họ lấy làm tiếc rằng “Một cơ hội góp phần khẳng định chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông đã bị hủy bỏ, vào lúc Trung Quốc gia tăng gây hấn ở Biển Đông.
Đức cha Nguyễn Thái Hợp cũng là vị Giám mục duy nhất của Hội đồng Gím mục Việt Nam đã ký tên ủng hộ kiến nghị yêu cầu nhà nước CSVN đình chỉ dự án khai thác Bauxite trên Tây Nguyên của trên vài ngàn Trí thức trong và ngòai nước. Ngài cũng yêu cầu trả tự do cho Tiến sỹ Luật Cù Huy Hà Vũ bị bỏ tù vì những quan điểm chính trị đòi tự do dân chủ và nhân quyền.

Trong một số trường hợp khác, Ngài cũng chỉ trích hạn chế tự do, vi phạm nhân quyền và lên án những bất công xã hội ở Việt Nam.

Mới nhất vào ngày 15-05 (2012), Ủy ban Công lý và Hòa bình công bố bản “Nhận định về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay”, trong đó có những đọan quan trọng như sau:

1.-“Định hướng kinh tế lấy quốc doanh làm chủ đạo đã tạo ra độc quyền và lạm quyền, làm méo mó sự vận hành cần có của nền kinh tế thị trường. Doanh nghiệp nhà nước đóng góp ít vào tăng trưởng kinh tế nhưng lại nhận nhiều đặc quyền đặc lợi, gây bất công và kìm hãm sự phát triển của khối tư nhân. Nợ nước ngoài và thâm thủng mậu dịch đã và đang gia tăng khiến nền kinh tế bị suy yếu và lệ thuộc. Lạm phát gia tăng cũng làm tăng đói nghèo, gây khó khăn hơn cho cuộc sống của người dân và cả các doanh nghiệp. Đình công tiếp tục tăng cao chứng tỏ quyền lợi của công nhân chưa được bảo vệ thỏa đáng. Một số chủ trương không hợp lòng dân mà vẫn được Nhà nước tiến hành như vụ khai thác bô-xit Tây Nguyên hoặc dự án xây nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận.”
2.- “Luật đất đai qui định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng do Nhà nước quản lý đã làm cho hàng triệu người cảm thấy mất đất và chẳng có quyền tự do hành xử trên “mảnh đất ông bà tổ tiên”. Trên thực tế, sở hữu toàn dân không phải là phương thức quản lý đất đai tốt nhất, còn việc Nhà nước làm chủ sở hữu đã phát sinh đặc quyền, đặc lợi của chính quyền các cấp trong việc quy hoạch và thu hồi đất cho các dự án, tước mất quyền căn bản của người dân.”
3.- “Xã hội Việt Nam đang bộc lộ nhiều hiện tượng rất đáng quan ngại. Nổi bật nhất vẫn là hai tật xấu đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam cảnh báo từ năm 2008, đó là gian dối và bạo lực. Chúng không những phô bày nơi đường phố, trên thương trường và các phương tiện thông tin đại chúng, mà còn xâm nhập vào công sở và học đường. Dư luận đang bức xúc vì hiện tượng lạ lùng là tại một số nơi, cơ quan công quyền lại sử dụng bạo lực phi pháp để giải quyết các khiếu kiện dân sự.
Bên cạnh những tệ nạn đang tác hại xã hội Việt Nam hôm nay, nhiều người âu lo vì khuynh hướng sống hưởng thụ, chụp giựt, coi trọng đồng tiền, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại… Hiện tượng này chứng tỏ tình trạng thiếu vắng các giá trị đạo đức nền tảng làm chuẩn mực cho đời sống xã hội, vì vậy một số người đã cảnh báo về một xã hội lệch chuẩn hay phi chuẩn.”
4.- “Tham nhũng đã được coi là đại họa của quốc gia, ngày càng tinh vi và nghiêm trọng hơn, nhưng cho đến nay chưa một vụ án nào xứng tầm được đưa ra xét xử để răn đe, làm giảm sút niềm tin của người dân nơi công quyền.
Các vụ khiếu kiện, chủ yếu liên quan đến đất đai, trong đó có đất tôn giáo, vẫn tiếp diễn phức tạp và ngày càng trầm trọng, gây bất an và căng thẳng xã hội. Vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng, và Văn Giang, Hưng Yên, gây xúc động mạnh mẽ trên tất cả những người Việt Nam có tâm huyết, buộc Nhà nước phải nhìn lại cách giải quyết vấn đề, mà cốt yếu là sửa đổi Luật đất đai về mặt hạn điền, thời hạn sử dụng đất và giá đền bù…, nếu chưa đi đến chỗ nhìn nhận quyền tư hữu chính đáng của công dân.”
5.-“Việt Nam có một hệ thống pháp luật đồ sộ, nhưng không hiệu quả từ lập pháp đến hành pháp, vì thiếu sự công khai, minh bạch, và nhất là thiếu sự độc lập về tư pháp.
Việc áp dụng luật pháp chưa nghiêm minh và tùy tiện, nhất là ở cấp địa phương, đã dẫn đến những oan sai và đôi khi đẩy người dân đến bước đường cùng. Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định các thủ tục bắt người; vậy mà trong một số trường hợp, vẫn có các công dân bị bắt sai trái với các quy định của bộ luật ấy, cũng như với các tuyên ngôn và công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.”
6.-“Việc giam giữ người không qua xét xử được che đậy dưới từ ngữ “đưa vào cơ sở giáo dục” có thời hạn và áp dụng cho những người bày tỏ sự bất đồng chính kiến là một hình thức vi phạm quyền cơ bản của con người.”
7.- “Vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, Biển Đông đã một vài lần nổi sóng. Nhưng trong những năm gần đây, sự căng thẳng đã lên đến mức độ nguy hiểm. Nhà cầm quyền Trung Quốc một mặt dùng lời lẽ hoa mỹ, với thông điệp rất êm tai, nhưng mặt khác, các hành động của họ về chủ quyền trên Biển Đông ngày càng phản ánh rõ rệt chủ trương Đại Hán.
Trong khi đó, bên Việt Nam, phản ứng của Nhà nước xem ra quá yếu ớt, tạo cớ cho các lực lượng thù nghịch lấn tới. Khó hiểu hơn nữa là việc chính quyền đã mạnh tay đàn áp các tổ chức và các cá nhân yêu nước phản đối hành động xâm lược trắng trợn. Thái độ lập lờ, thiếu nhất quán của các nhà lãnh đạo trong vấn đề phân định lãnh thổ vùng biên giới và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông đang gây bất bình trong dư luận. Nhiều nhân sĩ và các nhà trí thức tâm huyết đã lên tiếng cảnh báo những nguy cơ về an ninh quốc gia do một số dự án cho nước ngoài khai thác bô-xít và thuê đất, thuê rừng. Mặt khác, các thông tin về lĩnh vực này không đầy đủ, chậm chạp và thiếu công khai. Điều trước mắt đã xảy ra là “lao động phổ thông” nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam để thực hiện các dự án trên đang gây bất ổn cho xã hội hiện tại và về lâu dài.”
8.- “Gần 1000 năm trước, cùng với việc thành lập Quốc Tử Giám, tổ tiên chúng ta đã nhận thức sâu sắc rằng: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì nước yếu mà thấp hèn” (Bia Văn Miếu). Điều này vẫn luôn đúng và càng đúng hơn cho kỷ nguyên chất xám, thời đại của nền kinh tế tri thức hôm nay.
Bỏ ra ngoài hiện tượng gia tăng đột biến số lượng các tiến sĩ mà chất lượng còn đáng nghi ngại, Việt Nam còn khá nhiều hiền tài đích thực, những trí thức thực tài và có tâm huyết với nước, với dân. Chỉ tiếc rằng vai trò của họ chưa được coi trọng, có khi còn bị gạt ra bên lề hoặc bị kỳ thị, mà nguyên nhân, trong nhiều trường hợp, chỉ là do sự khác biệt về quan điểm đánh giá hiện thực xã hội hoặc về tầm nhìn tương lai của Dân tộc. Phải chăng cơ chế Nhà nước bất cập và chưa đủ mở rộng để thu hút người tài, cũng như chưa cải tổ cho phù hợp với đòi hỏi của xã hội tân tiến? Bao giờ vai trò của xã hội dân sự được nhìn nhận và thực sự có cơ hội tích cực góp phần xây dựng đất nước?”
9.-“Việt Nam đã có nhiều nỗ lực “cải cách giáo dục” nhưng không đi đến những đột phá thực chất. Vì sao? Phải đau đớn mà nói rằng vì chúng ta thiếu hẳn một triết lý giáo dục mang tính nền tảng và chiến lược lâu dài.
Hậu quả thê thảm của thực trạng trên là những gì chúng ta đang nhìn thấy trước mắt: Gia tăng các tệ nạn khủng khiếp trong học đường, tội phạm tuổi học sinh sinh viên ngày càng nhiều, gian dối trong thi cử trở thành bình thường, bằng cấp giả hay nguy hiểm hơn nữa, bằng cấp thật mà kiến thức giả. Kết quả cay đắng là Đất nước có nguy cơ bị tụt hậu về nhiều phương diện.”

Vậy phải chăng toàn bộ quan điểm của vị Giám mục can đảm Nguyễn Thái Hợp của Địa phận Vinh đã là nguyên nhân cho tất cả các vụ bắt bớ, giam cầm một số Sinh viên Công giáo của Giáo phận Vinh trong thời gian qua và bị buộc tội có hành động chống lại Nhà nước ?

Và liệu lập trường ngày 15-05-2012 của Ủy ban Công lý và Hòa bình do Ngài đứng đầu có “đổ thêm dầu vào lửa” cho kế họach đàn áp giáo dân của Ngài ở Con Cuông hay chính quyền Con Cuông còn có những lý do quái đản nào khác hơn?

Dù sao thì “quân bài Con Cuông” đã bị chính tay người Cộng sản lật ngửa lên cho mọi người thấy rõ hình thù của những tên Côn Đồ có mặt trong đội quân đi phá đạo của người Công giáo.

Sự kiện “quân dữ” đập nát Tượng Đức Mẹ và quăng chén Thánh làm lễ ở Con Cuông nghiêm trọng như vụ Công An đập phá Cây Thánh Giá ở Đồng Chiêm ngày 06/01/2010.

Những hành động này chỉ có thể gọi là “phá đạo” và “mạ lỵ tôn giáo” của những người Cộng sản Việt Nam vô thần.
Nếu đem những vụ “xã hội đen” và “côn đồ” đã tự do hoành hành trong xã hội Việt Nam, dưới sự bao che của quân đội và công an nhà nước CSVN để so sánh với các hành động khiêu khích, đánh cắp tài sản và lấn chiếm chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Cộng đang diễn ra trên Biển Đông thì “Quân đội Nhân Dân” và “Công an Nhân dân” phải biết xấu hổ với những danh xưng này vì sự nhu nhược với giặc của họ đã hiện ra.

Vậy khi người của “xã hội đen” và “côn đồ” đã được nuôi chung thoải mái với “nhà nước Đỏ” thì tất nhiên người dân đã bị loại ra ngoài xã hội và đất nước không còn là của họ nữa.

Phạm Trần
(07/2012)




No comments:

Post a Comment

View My Stats