Nguyễn Xuân Châu
Thay mặt Nhóm Vì Dân
Đăng bởi cheoreo1
lúc 12:23 Sáng
21/07/12
VRNs (21.07.2012) – Melbourne, Australia - Trong
nỗ lực tranh đấu, vận động dân chủ hoá Việt nam, nhiều tổ chức, hội đoàn, phong
trào đã dành thì giờ suy nghĩ, soạn thảo những đề cương chính trị, tư tưởng
nòng cốt, nguyên tắc chỉ đạo cho sinh hoạt của tổ chức. Đó là những nỗ lực đáng
khuyến khích và nằm trong lãnh vực tự do tư tưởng, quan niệm tổ chức, lập hội
và phương thức hoạt động của mỗi đoàn thể.
Nhóm Vì Dân quan niệm rằng trong mấy trăm năm
qua, nhân loại đã giới thiệu nhiều ý thức hệ về sinh hoạt xã hội với sự đúc kết
thành những thể chế chính trị, tức “chính thể”, để hệ thống hoá việc quản trị
công đồng, từ các làng xã, cho đến đô thị, và sau đó là nhà nước, quốc gia.
Nhân loại trong mấy trăm năm qua cũng đã trải nghiệm nhiều chính thể và đã trả
giá khá đắt về nhân mạng, tài sản cho những thử nghiệm đó nhằm tiến đến một
chính thể lý tưởng.
Nhóm Vì Dân nhận định rằng một xã hội lý tưởng
là không tưởng vì nó phải thể hiện tính “con người” của nhân loại; và vì con
người vốn bất toàn nên chính thể con người nghĩ ra và tạo thành cũng chỉ tương
đối về hiệu quả và hiệu năng. Sau khi tìm hiểu, so sánh, và phân tích các chính
thể, chúng tôi cho rằng ở
thời điểm thế kỷ 21 hiện nay, một chính thể tương đối hoàn thiện có thể được
kiến tạo dựa trên 3 đặc tính chính yếu sau:
- Chính trị dân chủ (Democratic politics): Người dân quyết định hệ thống quyền lực chính trị thông qua bầu cử định
kỳ, thực sự thể hiện tính chất “của dân, do dân, vì dân” của chính quyền; chính
thể có sự phân lập giữa lập pháp, hành pháp, và tư pháp; có những biện pháp
kiểm tra lẫn nhau để đạt được sự cân bằng quyền lực chính trị. Thể chế dân chủ
bảo đảm nhân quyền căn bản của mọi người được hiệu quả nhất.
- Kinh tế thị trường (Market economy): Sinh hoạt thương mại, buôn bán trong xã hội được đặt trên cơ sở thị trường
tự do; chính quyền chỉ có chức năng điều hành để bảo đảm bình đẳng trong cơ
hội, khuyến khích tự do cạnh tranh lành mạnh trong thương trường; và đảm bảo
đảm tính công bằng xã hội và an sinh của mọi công dân.
- Xã hội cởi mở (Open society): Quan hệ giữa
các thành viên trong xã hội phải dựa trên sự tôn trọng nhân phẩm và tự do của
mọi người; loại bỏ mọi hình thức đối xử phân biệt vì sắc tộc, giai cấp, phái
tính, tuổi tác, tôn giáo, v.v… Nghiêm cấm “đấu tranh giai cấp” và hành xử bạo
lực trong xã hội.
Dựa trên 3 đặc tính này, quốc hội sẽ soạn thảo hiến pháp
và các bộ luật thích hợp để thực hiện cụ thể những chương trình, chính sách
phục vụ nhân dân theo những lý tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền phổ quát của
nhân loại.
Do đó, Nhóm Vì Dân xem 3 đặc tính nêu
trên là mục tiêu, là kim chỉ nam cho tất cả mọi hoạt động trong nỗ lực chung để
kiến tạo một xã hội Việt nam tự do, dân chủ, hậu cộng sản. Ngoài ra, hai tiêu chí hoạt động là “trung thực” (không dối trá) và “liêm
chính” (không tham nhũng) cũng là giá trị cốt lõi của các thành viên.
Những điều trên là tổng quan về quan điểm chính trị và
phương thức hoạt động của Nhóm Vì Dân. Thời điểm này chính là giai đoạn quyết
định sự sống còn của dân tộc và đất nước chúng ta. Chúng tôi kêu gọi người Việt
nam trong và ngoài nước hãy cùng nhau đoàn kết, nghĩ đến tương lai, và thực sự
dấn thân cho nỗ lực cứu nước.
Melbourne, Australia, ngày 20 tháng 07 năm 2012
(Đúng 58 năm sau ngày Hiệp Định Geneva chia đôi đất nước,
hôm nay sẽ là ngày hàn gắn lại đất nước)
Nguyễn Xuân Châu
Thay mặt Nhóm Vì Dân
No comments:
Post a Comment