Thomas Việt, VRNs
Đăng bởi cheoreo1
lúc 7:08 Sáng 20/07/12
VRNs (20.07.2012) – Sài Gòn – Để phát triển xã
hội, đa số nhân dân Việt Nam nhìn nhận phải có đa nguyên và chấm dứt độc tài.
Với tư cách là tổ chức truyền thông, VRNs kể từ nay sẽ thường xuyên đăng những
ý kiến đa nguyên, từ nhiều phía nhằm giới thiệu đến độc giả những ý kiến đa
chiều về mọi vấn đề xã hội, văn hoá, tôn giáo, chính trị.
Mở đầu chương trình này, chúng tôi kính mời quý vị lắng nghe cuộc thảo luận
giữa Thomas Việt, VRNs với ông Lý Thái Hùng, tổng bí thư đảng Việt Tân, một
đảng tuy chưa có nhiều hoạt động nhiều so với những đảng phái chính trị khác
tại Việt Nam, nhưng đã được nhà cầm quyền Công sản mặc nhiên công nhận là đảng
đối lập. Bằng chứng là bất cứ ai liên quan đến Việt Tân thì đều bị nhà cầm
quyền bắt.
Thomas Việt (PV): Chào ông Lý Thái
Hùng, như Ông biết vào đầu tháng 7 này có 3 cuộc biểu tình ủng hộ Luật Biển
Việt Nam và chống sự xâm lăng của Trung Quốc, sau đó phủ Chủ tịch Việt Nam đã
công bố chính thức Luật biển vào ngày 16 tháng 7. Trung Quốc vừa thành lập Nhóm trù bị Hội đồng Nhân dân
thành phố Tam Sa – chính thức khởi động thành lập chính quyền Tam Sa.
30 tàu đánh cá hạng lớn đang đánh bắt quanh các hòn đảo
Trường Sa của Việt Nam với sự bảo vệ của các tàu Ngư chính. Mới đây,
một quan chức ngành công nghiệp đánh bắt cá đã thúc giục chính phủ cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cho 100.000 ngư dân
ở vùng biển này. Xin Ông có thể cho Truyền Thông Chúa Cứu Thế chúng tôi cuôc
phỏng vấn về Luật Biển và những phản ứng.
Với tư cách là Tổng Bí Thư của một đảng đối lập với đảng
đang cầm quyền tại Việt Nam thì Ông Lý Thái Hùng có thể nói gì về việc luật biển Việt Nam vừa được công bố
vào ngày 16 tháng 7 vừa qua.
Lý Thái Hùng (LTH): Thưa anh, việc Quốc
Hội CSVN biểu quyết thông qua Luật Biển với tỷ số áp đảo 495/496 đại biểu là
một kết quả đáng ca ngợi. Tuy Luật Biển đã ra đời quá muộn, nhưng ít ra kể từ
nay, đối với công luận thế giới, Việt Nam không chỉ xác nhận chủ quyền của mình
trên hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa đang bị Trung Quốc xâm chiếm, mà còn
phủ nhận cái gọi là “đường lưỡi bò chín khúc” của Bắc Kinh, xác định quyền làm
chủ Thềm lục địa 200 hải lý theo Công Uớc của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm
1982. Nói cách khác, Luật Biển Việt Nam là văn kiện chính thức phủ nhận tất cả
những gì mà các quốc gia khác như Trung Quốc, Đài Loan… đã và đang vi phạm đến
chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Mặc dù Luật Biển Việt Nam dựa theo nền tảng chung của
Công Uớc Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 nhưng đây cũng chỉ là văn kiện mang
tính lý thuyết. Muốn bảo vệ chủ quyền biển, đảo một cách thực tế và hiệu quả
phải dựa trên ý chí tự chủ và đoàn kết chiến đấu của toàn dân. Nhà cầm quyền
không thể núp đàng sau những lý cớ như an ninh, trật tự xã hội, hay dựng ra cái
gọi “sự xúi giục của những thế lực phản động” để đàn áp, khống chế quyền bày tỏ
lòng yêu nước của người dân.
Nói tóm lại, việc Quốc hội CSVN thông qua Luật Biển chỉ
mới đạt về mặt lý thuyết, hay đúng hơn là hình thức, các đại biểu còn phải xác
định quyền hành động yêu nước của ngưòi dân qua Luật biểu tình chống xâm lược,
luật lập hội bảo vệ biển đảo vân, vân… Việc Quốc hội thông ra Luật Biển trong
khi chính quyền thì lại đàn áp người dân đi biểu tình ủng hộ Luật biển, rõ ràng
là một nghịch lý chỉ thấy ở Việt Nam.
PV: Việc trì hoãn ban hành luật biển nhiều lần nói lên điều
gì?
LTH: Nếu chúng ta theo dõi quá trình soạn thảo kéo dài trong
nhiều năm và sự kiện Quốc hội CSVN bất ngờ biểu quyết thông qua Luật Biển hôm
21 tháng 6, cho thấy là lãnh đạo CSVN đã bị rất nhiều áp lực từ phía Trung Quốc
để trì hoãn việc đáng ra phải làm từ lâu, nhưng cuối cùng thì không thể không
làm trước cao trào phản đối của người dân. CSVN luôn nơm nớp lo ngại Trung Quốc
khó chịu và có thể dẫn đến những xung đột làm mất chỗ dựa kinh tế và chính trị
hiện nay. Bằng chứng là trong chuyến viếng thăm Trung Quốc hồi tháng 8/2011,
ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã không nhắc gì đến chủ quyền hai quần đảo
Hoàng sa và Trường sa trong bản Nguyên tắc ứng xử về biển Đông giữa CSVN và
Trung Quốc.
PV: Thưa ông tại sao CSVN lại chọn thời điểm bây giờ để cho
thông qua Luật Biển?
LTH: Thưa anh theo tôi thì có ba yếu tố:
Thứ nhất là do cường độ chống đối của người dân ngày một gia tăng
từ sau 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc và làn sóng bất mãn của các cựu cán
bộ đảng CSVN về thái độ yếu kém của lãnh đạo đối với Bắc Kinh đã làm cho 14 uỷ
viên Bộ chính trị lo ngại rằng họ có thể bị mất quyền lực khi làn sóng chống
Trung Quốc dâng cao. Do đó, việc thay đổi thái độ cho thông qua Luật Biển của
nhà cầm quyền CSVN không đến từ lòng yêu nước, từ ý chí bảo vệ độc lập mà vì lo
sợ quyền lực bị lung lay trước những phẫn uất của người dân.
Thứ hai là với quá nhiều vấn đề đang đe dọa sự ổn định và tồn
tại của chế độ như vấn đề dân oan bị cướp đất, kinh tế suy thoái trầm trọng,
tham ô những lạm … thì việc ra Luật Biển để giảm bớt làn sóng bất mãn từ người
dân là điều chế độ cần làm. Tuy nhiên, hình thức mị dân này sẽ không làm dịu đi
tình hình khi mà những người yêu nước vẫn bị trấn áp, bắt bớ một cách phi lý
như hiện nay.
Thứ ba là với khuynh hướng chống Trung Quốc đang gia tăng trong
khu vực, CSVN không thể tiếp tục giữ thái độ hén kém với Bắc Kinh nên phải có
một số phản đối hình thức. Nhưng quan trọng nhất là yếu tố can dự của Hoa Kỳ
vào vấn đề Biển Đông và sự cứng rắn của Phi Luật Tân, đã phần nào tạo ra sự
phân hóa chính trong hàng ngũ lãnh đạo đảng về cách ứng xử với Trung Quốc trong
suốt hai thập niên vừa qua.
Từ đó, theo tôi nghĩ Luật Biển được CSVN đưa ra như một
bước chân rụt rè mang tính thời cơ, chưa phải là bước tiến vững chắc để khẳng
định chủ quyền của dân tộc, nên mới có những nghịch lý như tôi trình bày bên
trên.
PV: Trước đó ngay trong ngày 21 tháng 6, ngày mà Quốc Hội
Việt Nam Thông Qua Luật Biển, Trung Quốc cực lực lên án Luật Biển
Việt Nam. Họ nói luật biển của Việt Nam ‘vi phạm nghiêm trọng chủ
quyền Trung Quốc’ tại Biển Đông. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh
Luật Biển của Việt Nam ‘vô giá trị, không có hiệu lực’ và Trung Quốc mạnh mẽ
phản đối, kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình. Ông có thể nói gì về việc phản
đối rất mạnh của Trung Quốc đối với Luật Biển của Việt Nam?
LTH: Tôi nghĩ rằng những phản đối của Trung Quốc đối với sự
ra đời của Luật Biển Việt Nam biểu hiện sự bực tức của Bắc Kinh vì cho là lãnh
đạo CSVN đã dám qua mặt họ. Từ sự tức giận này, Trung Quốc đã làm một điều khá
ngang ngược để trả thù ngay sau đó, khi để cho Tập Đoàn Dầu Khí Trung Quốc kêu
gọi các quốc gia vào đấu thầu, khai thác dầu tại 9 lô nằm trong thềm lục địa
của Việt Nam.
Hành động này của Trung Quốc đã cho thấy là Bắc Kinh
không có một thái độ nào tôn trọng tình hữu nghị hay ứng xử theo 16 chữ Vàng
trong quan hệ Việt – Trung mà họ đã đưa ra. Đã đến lúc, lãnh đạo Hà Nội phải
nên coi lại sự phục tùng của mình đối với tập đoàn Bắc Kinh, khi mà Trung Quốc
đã không còn biết những giới hạn cần thiết trong quan hệ của 16 chữ Vàng để
dừng lại trong vấn đề biển Đông.
PV: Sau khi Luật Biển được Quốc hội thông qua, đã có hai cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội
và một cuộc biểu tình tại Sài Gòn vào đầu tháng 7. Cuộc biểu tình tại Sài Gòn vào ngày 1 tháng 7
thì bị đàn áp rất dã man. Ngày 13/7 ông Nguyễn Thế
Thảo chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ra lệnh cho các cơ quan
chức năng cấm người dân đi biểu tình vì đã bị các phần tử xấu lợi dụng, xúi
giục gây rối trật tự công cộng. Cách hành xử này của nhà cầm quyền CSVN cho
thấy họ đã quá coi thường lòng yêu nước của người dân VN. Ông nhìn vấn đề này
như thế nào?
LTH: Thưa anh, cách hành xử này một lần nữa đã cho thấy lãnh
đạo CSVN coi việc giữ chặt quyền lực độc tôn cao hơn việc bảo vệ chủ quyền của
đất nước. Việt Nam và Phi Luật Tân cùng ở trong hoàn cảnh bị Trung Quốc xâm
phạm biển đảo một cách trắng trợn. Nhà cầm quyền Phi Luật Tân không những không
ngăn cản mà còn khuyến khích dân chúng đi biểu tình chống Trung Quốc. Chính
quyền Phi còn kêu gọi dân chúng đoàn kết sẵn sàng chiến đấu, trong khi nhà cầm
quyền CSVN thì tìm cách ngăn cản và đàn áp người đi biểu tình… ủng hộ Luật
Biển.
Do đó, chúng ta đừng bao giờ chờ đợi đảng CSVN thay đổi
hiến pháp hay ban một văn bản luật nào đó cho phép người dân không những được
đi biểu tình mà còn được bảo vệ như Phi Luật Tân. Chúng ta phải tạo điều kiện
để có những phản kháng tập thể bằng phương thức đấu tranh bất bạo động và giành
lại quyền được bày tỏ lòng yêu nước của mình cũng như quyền được chung sức để
bảo vệ giang sơn.
PV: Ở trong nước thì cấm dân biểu tình chống xâm lược Trung
Quốc, còn ở bên ngoài, qua Hội nghị diễn đàn nan ninh khu vực của khối ASEAN
hôm 12/7 tại Nam Vang, thì Bộ ngoại giao CSVN đã thất bại trong việc vận động
một số quốc gia ASEAN đồng thuận và ủng hộ việc mang vấn đề xung khắc biển Đông
vào nghị trình và nhất là không ra được một bản Tuyên Bố Chung. Đây là điều rất
lạ, ông nghĩ sao về hiện tượng này?
LTH: Theo dõi những diến tiến của Hội Nghị ASEAN và nhất là
cách sắp xếp Hội Nghị An Ninh Khu Vực của Khối ASEAN vào ngày 12/7 vừa qua tại
Nam Vang, tôi có hai nhận xét:
Thứ nhất là Bắc Kinh đã hoàn toàn khống chế chính quyền
Cam Bốt để làm theo những chủ trương của Bắc Kinh. Đó là tìm mọi cách không đưa
chủ đề biển Đông vào trong Hội nghị.
Thứ hai là Bắc Kinh đã dùng tiền và các điều kiện kinh tế
khuynh loát một số thành viên ít có quyền lợi trực tiếp ở biển Đông như Thái
Lan, Lào, Cam Bốt để không tán đồng các đề nghị của CSVN và Phi Luật Tân liên
quan đến biển Đông. Rốt cuộc là lần đầu tiên trong 45 năm của ASEAN, một Hội
nghị cấp Bộ trưởng ngoại giao đã không có tuyên bố chung, mặc dù đã có hơn 18 bản
dự thảo được đề nghị.
Sự thất bại của CSVN trong việc thuyết phục Cam Bốt – một
nước từng nhận những cưu mang của đảng CSVN trong quá khứ – cho thấy là nhà cầm
quyền Hà Nội cần phải nhận thức cho đúng nền tảng bảo vệ chủ quyền không nằm
nơi các bàn Hội nghị mà chính là sức mạnh và ý chí tự chủ của toàn dân.
PV: Theo Ông thì người Việt trong và ngoài nước nên làm gì
để bảo vệ giang sơn nước Việt, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa,
thưa Ông?
LTH: Sáng kiến kêu gọi biểu tình bất bạo động để bày tỏ sự
ủng hộ Luật Biển vừa được Quốc hội thông qua hôm mồng 1 và mồng 8 tháng 7,
không chỉ nhằm biểu dương một quyết định đúng và cần thiết mà còn chuyển tải
thông điệp một cách chính thức rằng người Việt Nam có chủ quyền rõ rệt trên
biển Đông.
Tôi thiết nghĩ rằng qua hai cuộc biểu tình vừa rồi, người
Việt ở trong và ngoài nước đã làm một công việc hợp tình và hợp pháp, và không
một chế độ nào có thể ngăn nổi lòng yêu nước của người dân. Do đó, chúng ta
phải tiếp tục hành xử quyền yêu nước trong ôn hòa bất bạo động.
Riêng về việc tranh đấu giành lại chủ quyền hai quần đảo
Hoàng sa và Trường sa, tôi cho rằng không có gì cụ thể hơn là chính người Việt
Nam ở trong và ngoài nước phải lưu truyền câu HS.TS.VN như một lời nguyền trong
mọi gia đình và nỗ lực vận động chính giới và các NGO đứng về phía dân tộc Việt
Nam, liên tục áp lực Trung Quốc.
PV: Cảm ơn ông Lý Thái Hùng.
Thomas Việt, VRNs
No comments:
Post a Comment