Khánh An, phóng viên RFA
2012-07-25
Là
một trong số những thanh niên Công Giáo bị cáo buộc vi phạm điều 79 Bộ Luật
Hình Sự - “tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” – blogger Paulus Lê Sơn đã bị
bắt đi điều tra kể từ tháng 8 năm ngoái và bị giam ở trại tạm giam B14.
Paulus Lê Sơn cùng
bà con phản đối phiên tòa xét xử Gíáo dân Thái Hà . Photo courtesy of thanhnienconggiao
Không
được gặp người thân
Thông
tin từ người thân của blogger này cho biết anh vừa bị chuyển sang trại giam số
1 của thành phố Hà Nội trong khi các bạn bị bắt cùng đợt vẫn ở trại B14. Điều
này khiến cho gia đình anh hoang mang và lo lắng.
Khánh An hỏi chuyện
ông Đỗ Văn Phẩm, cậu ruột của blogger Lê Sơn và được ông cho biết:
"Hôm
thứ Bảy là đến lịch ra để gửi đồ cho cháu đấy. Hôm đó ra đến nơi mua đồ xong
xuôi đâu đấy rồi vào trại làm sổ thì trại bảo là chuyển ra trại tạm giam số 1
rồi, nên lại bắt xe ôm mất 360.000 tiền để ra chỗ trại mới cháu ở. Mua đồ rồi
lại không được gửi vào, lại bắt mua đồ ở trong trại. Mà mua đồ ở trong trại thì
đắt gấp hai, gấp ba so với ở ngoài. Không biết lý do tại sao mà lại chuyển
một mình Sơn đi nên gia đình cũng rất lo về chuyện đấy."
Ông
Phẩm cho biết trước đó ông không nhận được bất cứ giấy tờ gì thông báo về việc
chuyển trại của blogger Lê Sơn nên mới đến trại B14 để thăm cháu như thường lệ.
Cùng đi thăm thân nhân với ông vào ngày thứ Bảy có gia đình của anh Hồ Đức Hòa
và Nguyễn Văn Oai. Hai anh này cũng nằm trong nhóm những thanh niên Công Giáo bị
bắt cùng đợt với Paulus Lê Sơn.
Ông Phẩm kể lại: "Hôm đó là
gia đình ra sau so với các gia đình kia vì đi xe không cùng chuyến. Các gia
đình kia gửi đồ xong về thì tôi mới ra tới nơi. Xe hôm đấy bị xịt lốp nên tôi
ra tới nơi thì đã hơn 10 giờ."
Khi
đến trại tạm giam số 1, còn gọi là trại Hỏa Lò, ông Phẩm cũng không được gặp
mặt blogger Lê Sơn vì cán bộ trại giam yêu cầu phải có đơn xin gặp mặt. Theo
ông Phẩm, tất cả các gia đình đi thăm thân nhân trên cùng với ông ngày hôm đó
đều không được gặp mặt người thân mà chỉ được gửi đồ rồi về.
Ông Đỗ Văn Phẩm nói: "Không được
gặp mặt, chỉ gửi đồ vậy thôi chứ không được gặp. Thí dụ mình muốn gặp mặt phải
làm đơn từ đủ các kiểu rồi gửi ra Bộ Công An và các nơi. Hắn đồng ý hắn mới cho
gặp, không thì không cho gặp."
Chưa
biết tin mẹ mất
Ông
Phẩm cũng cho biết so với trại B14, điều kiện ở trại tạm giam số 1 rất tệ. Trại
này là nơi giam giữ nhiều phạm nhân mắc án hình sự. Đây cũng là trại tạm giam
mà nhiều người biểu tình chống Trung Quốc đã bị bắt vào đây:
"Điều
kiện ở B14 thì hơn ở ngoài này nhiều. Nói chung là B14 thì đẹp đẽ, sạch sẽ,
ngon lành nhất của tất cả các trại tam giam. Ra ngoài nhìn thì cũng thấy B14
sạch sẽ thật, nhưng trại số 1 thì bệ rạc và không được thoáng mát cho
lắm."
Với
phương châm “Hãy sống cho đến chết, đừng chết khi còn sống” treo ngay trên
trang blog cá nhân của mình, blogger Paulus Lê Sơn đã được biết đến như là một
cây bút trẻ rất hăng say trong việc tường trình những vụ việc các giáo điểm tôn
giáo bị đàn áp bất công hay những buổi biểu tình chống Trung Quốc của người dân
Hà Nội.
Vào tháng 2 vừa qua,
tổ chức Ký giả Không Biên Giới (RSF) đã đề cử blogger này cùng với 5 blogger
khác trên thế giới vào giải cư dân mạng.
Bị
bắt giam đến nay đã gần một năm nhưng thân nhân của Paulus Lê Sơn chỉ mới được
gặp mặt anh có một lần vào tháng 5. Trước đó, ngay cả khi mẹ bị bệnh nặng và
qua đời, Paulus Lê Sơn cũng không được phép về gặp mẹ, dù gia đình đã có đơn
xin phép.
Ông Đỗ Văn Phẩm kể:
"Nhà
có hai mẹ con mà mẹ cháu mất cũng không cho cháu về. Gia đình cũng đã viết đơn
đề nghị cho về để thăm mẹ lần cuối vì mẹ gần đất xa trời như thế mà cũng không
được về. Không biết nhà cầm quyền VN tính chuyện gì thì cái đó không biết được.
Tôi là dân thì thích ép kiểu gì thì ép hay sao cũng không rõ nữa."
Ông Phẩm cho biết thêm
hiện nay, Paulus Lê Sơn vẫn chưa biết tin mẹ mình đã qua đời.
"Không
dám cho cháu biết vì tôi biết tính của cháu rồi. Cháu chỉ có hai mẹ con, tình
cảm xúc động của cháu kinh lắm nên sợ rằng cho cháu biết thì cháu gục ngã trong
đấy nên không dám cho cháu biết."
Với
việc bắt giữ blogger Paulus Lê Sơn và nhiều blogger khác, Việt Nam đã bị Ủy Ban
Bảo Vệ Ký giá (CPJ) và quốc tế lên án trong việc đàn áp những tiếng nói tự do
bày tỏ quan điểm trên internet. Nhiều tổ chức quốc tế và công giáo đã lên tiếng
đòi trả tự do cho các trường hợp những thanh niên Công Giáo bị bắt để điều tra
nhưng hầu hết trong số họ vẫn bị giam giữ mà chưa biết ngày nào sẽ ra tòa.
Copyright
© 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
No comments:
Post a Comment