Sunday, 15 July 2012

SỰ VÔ CẢM & HỮU CẢM CỦA BÁO CHÍ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM (Đào Tiến Thi)




Đào Tiến Thi
Tác giả gửi cho Nguyễn Tường Thụy blog
15/07/2012
. 15/07/2012
Lâu nay rồi báo chí “lề phải”, hễ đưa tin, bài về Trung Quốc gây hấn, vi phạm chủ quyền thường chỉ có mấy dòng ngắn ngủi và không có bình luận gì, cái tiêu đề cũng thường rất “hiền lành” như “Trung Quốc bắt giữ tàu cá của ngư dân Việt Nam”, “Tàu cá Trung Quốc vi phạm…”, nghĩa là rất vô cảm, như câu chuyện ở một xứ sở xa lạ, chẳng có quan hệ gì với đất nước mình. Trong khi đó tin, bài về những người “bất đồng chính kiến” – mà hầu hết là những trí thức bình dân vô danh chứ đâu đã phải là những nhân vật gì ghê gớm – thì đầy một giọng mạt sát, bôi nhọ, và đặc biệt là quy chụp những tội tày đình, mặc dù chưa hề có phán quyết của tòa án. Loại tin bài này thì cảm xúc lại dạt dào lai láng làm sao.

Ta hãy so sánh hai cách đưa tin, bài gần đây nhất: sự kiện 30 tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng biển Trường Sa của Việt Nam, một quy mô đánh bắt phi pháp lớn nhất từ trước đến nay và sự việc LS. Lê Quốc Quân “gây rối trật tự công cộng”. Cả hai vừa mới diễn ra mấy ngày qua.

Xin độc giả lưu ý tôi dùng chữ “sự kiện” cho việc thứ nhất và chữ “sự việc” cho việc thứ hai để thấy quy mô, tính chất rất khác nhau: việc trước là một sự kiện lịch sử đánh dấu bước leo thang nghiêm trọng trên bước đường xâm lược nước ta, nó cho thấy sự láo xược của nhà cầm quyền Trung Quốc, là mối nguy hiểm đối với quốc gia xã tắc chúng ta và trước mắt là nỗi nhục quốc thể của 90 triệu con người, còn việc sau là việc của một cá nhân với chính quyền cấp phường xã và trên bình diện pháp lý chưa thể kết luận ông Lê Quốc Quân sai trái điều gì.

Về sự kiện Trung Quốc đưa đoàn tàu quy mô chưa từng thấy ra vùng biển Trường Sa của Việt Nam, tôi tìm mãi xem báo An ninh thủ đô (là tờ báo đưa tin bài về Lê Quốc Quân) xem thế nào nhưng không thấy. Hay là họ không đề cập sự kiện này? Cho nên tạm lấy tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 14/07/2012 làm đại diện cho báo “lề phải”.

Nguyên văn bài:

Trung Quốc đưa 30 tàu cá đến vùng biển Trường Sa
Báo Sydney Morning Herald (Úc) ngày 13-7 cho biết tàu hộ tống 560 lớp Giang Hộ của hải quân Trung Quốc bị mắc cạn ở bãi cạn Hasa-hasa (Trung Quốc gọi là Bán Nguyệt) trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cách thị trấn Rizal thuộc tỉnh Palawan 111 km.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận tàu đang tuần tra thì bị mắc cạn vào đêm 11-7.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin xác nhận vụ việc và cho biết hải quân Philippines đang điều tra lý do tàu Trung Quốc có mặt ở đó.
Trong khi đó, trang web chinanews.com (Trung Quốc) ngày 13-7 đưa tin chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã điều động đội tàu đánh cá 30 chiếc đến vùng biển đảo đá ngầm Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Lễ xuất cảng của đội tàu diễn ra lúc 8 giờ 30 sáng 12-7 theo giờ Việt Nam tại cảng Tam Á.
Trong đội tàu có một tàu hỗ trợ tổng hợp 3.000 tấn mang tên Quỳnh Tam Á F8168 có nhiệm vụ cung cấp nước, xăng dầu, thu mua hải sản đánh bắt được cho đội tàu cá, đồng thời kiêm chức năng chỉ huy đội tàu. 29 tàu còn lại là tàu thép có trọng tải từ 140 tấn trở lên chuyên đánh bắt cá. Mỗi tàu có 15-16 thuyền viên.
Các tàu xuất thân từ ngành ngư nghiệp, hợp tác xã và tàu ngư dân của tỉnh Hải Nam. Không như mô hình tác nghiệp độc lập, nhỏ lẻ trước đây, lần tác nghiệp này do hợp tác xã ngư nghiệp và doanh nghiệp ngành ngư nghiệp của TP Tam Á và tỉnh Hải Nam thống nhất tổ chức.
Đội tàu được thành lập theo hình thức phân tổ, chia thành hai tổ và sáu nhóm nhỏ, có một tổng chỉ huy, ba phó tổng chỉ huy và xác định rõ phương thức liên lạc chỉ huy giữa các tổ, nhóm.
Lần tác nghiệp này dự tính kéo dài 20 ngày và là hoạt động đánh bắt cá có quy mô lớn nhất của tỉnh Hải Nam từ trước đến nay. Theo trang web của Trung Quốc, lần tác nghiệp này nhằm ba mục đích:
- Chuyển biến từ đánh bắt cá gần bờ sang kết hợp đánh bắt cá gần và xa bờ, dần dần chuyển sang đánh bắt cá xa bờ và viễn dương.
- Tăng năng lực khai thác nguồn tài nguyên biển của tỉnh. Hiện sản lượng đánh bắt hải sản của ngành ngư nghiệp tỉnh mỗi năm khoảng 80.000 tấn.
- Tích cực thăm dò mô hình tổ chức tác nghiệp trên biển sâu.
Cục trưởng Cục Ngư nghiệp và Hải dương TP Tam Á Hoàng Hoa Trung cho biết trước đó, các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ biển và tàu ngư chính của Trung Quốc đã chuẩn bị cho công tác tuần tra và ứng phó tình huống bất ngờ tại khu vực biển Đông nhằm bảo đảm hoạt động tác nghiệp cho đội tàu trên.
HỒNG ANH – THẠCH ANH
Trước hết, ta dễ dàng nhận thấy bản tin trên đưa tin khách quan đến nỗi tưởng như sự việc xảy ra tận xứ nào và không rõ bên nào phải trái hết. Không thể tìm ra bản tin trên bất cứ một lời bình luận nào. Tuy nhiên nếu để ý kĩ hơn ta sẽ thấy vô tình hay hữu ý người viết bài này còn ủng hộ Trung Quốc. Hãy để ý từ đoạn này:
“Trong khi đó, trang web chinanews.com (Trung Quốc) ngày 13-7 đưa tin chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã điều động đội tàu đánh cá 30 chiếc đến vùng biển đảo đá ngầm Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Lễ xuất cảng của đội tàu diễn ra lúc 8 giờ 30 sáng 12-7 theo giờ Việt Nam tại cảng Tam Á”.
Như vậy từ chỗ dẫn bản tin của Trung Quốc, người viết bài (tác giả Hồng Anh và Thạch Anh) đã chuyển sang lời của chính mình. Vì bản tin của Trung Quốc không thể viết “vùng biển đảo đá ngầm Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam”. Câu tiếp theo, nếu là bản tin của Trung Quốc cũng không thể viết “theo giờ Việt Nam” được. Và từ đây trở đi cho đến trước khi trở lại “Theo trang web của Trung Quốc…”, hoàn toàn là lời của người viết bài (phần chúng tôi đánh chữ đỏ). Ta thấy người viết đưa tin này một cách trang trọng, như là rất ngưỡng mộ đội tàu Trung Quốc, coi đội tàu này là chính danh và hùng mạnh.
*
*

Một vài báo khác có bày tỏ thái độ bất bình bình nhưng cũng không phải mạnh mẽ như nó cần phải có. Ví dụ báo Giáo dục Việt Nam thứ sáu 13/07/2012, sau khi đưa tin có thêm được một mẩu bình luận nhưng cũng chủ yếu là các từ ngữ mang tính thuật ngữ chính trị, hơn là bày tỏ một thái độ:
“Có thể thấy đây là một trong những động thái leo thang, có tính toán, làm phức tạp thêm tình hình của phía Trung Quốc trên biển Đông ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Cùng với việc tăng cường hoạt động của tàu Ngư chính và Hải giám trên thực địa, Trung Quốc đang cổ súy và trợ giúp ngư dân của họ tranh thủ vơ vét, đánh bắt trộm tối đa tài nguyên trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam”.
*
*
Còn sau đây là tin, bài về sự việc Lê Quốc Quân “gây rối trật tự” của báo An ninh thủ đô thứ bảy ngày 14/07/2012 (chúng tôi tô đỏ những chỗ cần chú ý):

Kích động gây rối trật tự, xuyên tạc chủ trương của Nhà nước
ANTĐ - Đó là những nét khái quát, cụ thể nhất về hành vi của Lê Quốc Quân, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam, nhà ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Thời gian gần đây, Trung Quốc có nhiều hoạt động xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam như thành lập thành phố Tam Sa, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; mời thầu 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam… Những hành động trên đã gây tâm lý bức xúc trong dư luận nhân dân.
Chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng phương pháp đối thoại, hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đảm bảo môi trường ổn định để phát triển đất nước. Nhằm đảm bảo và duy trì ANTT địa bàn Thủ đô, giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, giữ gìn hình ảnh Thủ đô Hà Nội – Thành phố vì hòa bình, UBND thành phố Hà Nội đã có những chủ trương, tuyên truyền để người dân hiểu, chấm dứt mọi hoạt động biểu tình, tuần hành tự phát; khuyến khích mọi công dân hăng hái tham gia phong trào thi đua yêu nước, đảm bảo quốc phòng, an ninh bằng những hoạt động thiết thực trong khuôn khổ pháp luật.
Tuy nhiên, vẫn có một số cá nhân lợi dụng quyền tự do, dân chủ để lôi kéo, kích động người dân. Một trong số những cá nhân luôn đứng ra kích động, lôi kéo người dân tụ tập, tuần hành trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng, là Lê Quốc Quân.
Lê Quốc Quân là ai? Sinh năm 1971, được xem là “có học”, với bằng cử nhân ngoại ngữ và thạc sỹ Luật, nhưng lâu nay, Lê Quốc Quân thông qua blog cá nhân, thường xuyên có những bài viết, trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin sai sự thật cho các trang tin, báo đài nước ngoài để nói xấu chế độ, xuyên tạc chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và kích động người dân. Chỉ trong tháng 5 và 6-2012, trên blog của mình, Lê Quốc Quân đã viết và đăng tải rất nhiều bài xuyên tạc, bôi nhọ chế độ.
Song song với việc xuyên tạc sự thật, kích động người dân thông qua mạng Internet, Lê Quốc Quân còn trực tiếp “xuống đường”, gây rối trật tự công cộng. Năm 2008, Lê Quốc Quân tham gia tụ tập đông người, kích động gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ tại 42 Nhà Chung, Hoàn Kiếm và 180 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa. Tháng 4-2011, Quân gây rối trật tự công cộng bên ngoài phiên tòa xét xử vụ án Cù Huy Hà Vũ, và bị CAQ Hoàn Kiếm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo. Tháng 11- 2011, Quân tiếp tục tham gia tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng tại khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ. CAQ Hoàn Kiếm đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo.
Căn cứ Nghị định 163/NĐ- CP và 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của CAQ Hoàn Kiếm trong năm 2011 đối với Lê Quốc Quân về hành vi gây rối trật tự công cộng, ngày 13-1-2012, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy đã ra Quyết định số 16/QĐUB đưa Lê Quốc Quân vào giáo dục tại xã, phường trong thời hạn 6 tháng để chính quyền và nhân dân giáo dục, giúp đỡ Quân tiến bộ. 20h ngày 20-1-2012, UBND phường Yên Hòa tổ chức họp tổ dân phố để công bố quyết định trên, nhưng Lê Quốc Quân vắng mặt, mặc dù đã được thông báo về cuộc họp.
Đáng chú ý, trong thời hạn áp dụng quyết định giáo dục tại phường theo Nghị định 163/NĐ-CP, Lê Quốc Quân tiếp tục có các vi phạm sau: không thực hiện trách nhiệm của người được giáo dục. Hàng tháng không làm bản kiểm điểm, không báo cáo bằng văn bản với người được phân công trực tiếp giúp đỡ về sự tiến bộ của mình. Hai lần đi khỏi nơi cư trú nhưng không khai báo tạm vắng, vi phạm Luật Cư trú đối với người đang thuộc diện quản lý, giáo dục tại xã, phường theo Nghị định 163/ NĐ-CP…
Từng theo học ngành Luật, có lẽ, Lê Quốc Quân có đủ nhận thức về hành vi của anh ta, song, vẫn cố tình đi ngược lại tâm ý của đại bộ phận người dân yêu nước, yêu chuộng hòa bình. Con người này dường như không hề tỉnh ngộ.
Cần có biện pháp quản lý, giáo dục nghiêm khắc hơn nữa
Tối 13-7, UBND phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy đã tổ chức họp tổ dân phố 64 để công bố quá trình 6 tháng thực hiện quyết định giáo dục tại xã, phường theo NĐ 163/ NĐ – CP đối với công dân Lê Quốc Quân. Gần 10 ý kiến của đại diện Mặt trận Tổ quốc, Cựu chiến binh, Chi bộ và người dân đều thống nhất ý kiến: phải có biện pháp nghiêm khắc hơn nữa để quản lý, giáo dục Lê Quốc Quân sớm nhận thức lại, dừng mọi hành vi vi phạm quy định pháp luật, trở thành công dân có ích đối với xã hội. Bác Nguyễn Duy Khoắc – trưởng ban công tác Mặt trận cụm dân cư số 30 phường Yên Hòa nhận xét: “Việc áp dụng NĐ 163 đối với Lê Quốc Quân chính là cơ hội tốt để anh ta sửa mình. Tuy nhiên, trong quá trình bị áp dụng quản lý theo NĐ 163, Lê Quốc Quân thường xuyên có thái độ không chấp hành các quy định. Điều này chứng tỏ anh ta thiếu tôn trọng pháp luật, thiếu tôn trọng mọi người”.
Đồng quan điểm với bác Khoắc, ông Nguyễn Đức Dũng, trú tại khu No9 Trung Kính cho biết: “Ở cùng khu nhà với Lê Quốc Quân, tôi đã từng nhiều lần được mời tham gia giáo dục, khuyên nhủ anh ta. Thông qua các phương tiện thông tin và qua thông báo của UBND phường, tôi cũng được biết những hành vi vi phạm của Lê Quốc Quân và không hề ủng hộ những hành vi đó. Không những cố tình vi phạm quy định pháp luật, Lê Quốc Quân còn thể hiện sự thiếu tôn trọng bà con trong khu phố. Tôi mong muốn Lê Quốc Quân suy ngẫm lại…”.
Kết thúc cuộc họp, bà Trần Hải Yên – Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa khẳng định sẽ tập hợp các ý kiến đóng góp của các đoàn thể, người dân, và trong thời gian tới, sẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền biện pháp quản lý, giáo dục cần thiết đối với Lê Quốc Quân.
PV Nội chính

Ta thấy thực chất bài báo trên chỉ là bản tin về việc ông Lê Quốc Quân không đến kiểm điểm thường kỳ theo quyết định của Chủ tịch UBND phường Yên Hòa – quyết định số 16/QĐUB đưa Lê Quốc Quân vào giáo dục tại xã, phường. Thế nhưng phần bình luận của nó lại dài hơn phần đưa tin và toàn một thái độ quy chụp, phỉ báng, hằn học đối với ông Lê Quốc Quân.
*
*
Báo Kinh tế và đô thị ngày 14/07/2012 cũng một giọng trên. Ngay cái tiêu đề cũng sặc mùi dao búa: Cần nghiêm khắc với hành vi kích động, gây rối trật tự công cộng. Mời độc giả xem ở đây.
*
*
Tóm lại, thái độ quy chụp của cả hai bài báo đã thể hiện ngay từ tiêu đề và phần tóm tắt. Còn trong bài thì lôi ra đủ thứ tội với một giọng điệu mắng nhiếc nặng nề. Mà thực ra một số sự việc mà hai bài báo nêu về Lê Quốc Quân chỉ quan sát “bằng mắt thường” cũng không thể thấy tội lỗi ở chỗ nào. Chẳng hạn không thể coi việc nhân dân đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược là do Lê Quốc Quân “luôn đứng ra kích động, lôi kéo người dân tụ tập” và làm sao có thể kết luận 2 cuộc biểu tình ngày 1 và ngày 8-7-2012 là “tuần hành trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng” được? Càng không thể kết tội ông Lê Quốc Quân như trên khi chưa có sự phán xử của tòa án.

Lẽ ra cả hai bài báo trên chỉ đưa tin sự việc tối 13-7, UBND phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy đã tổ chức họp tổ dân phố 64 để công bố quá trình 6 tháng thực hiện quyết định giáo dục tại xã, phường đối với công dân Lê Quốc Quân, và nhân sự việc đó nhắc lại một vài sự việc trước đây về Lê Quốc Quân. Người viết chỉ có thể trích dẫn lời người nọ người kia nói về ông Quân chứ không được phép đóng sống tội người ta như phán quyết của tòa án được.

Than ôi, nhìn vào hai thái độ này của “lề phải” – một đối với giặc cướp đang lộng hành trắng trợn và một đối với công dân yêu nước đang chống lại giặc đó – cũng đủ thấy số phận dân tộc này đã đến hồi mạt vận như thế nào.

ĐTT






No comments:

Post a Comment

View My Stats