Saturday 7 July 2012

PUTIN HÓA MỄ TÂY CƠ (Denise Dresser)




Denise Dresser

Bài dịch của Nguyễn Ngọc Khánh - BS Hồ Hải hiệu đính
Thứ bảy, ngày 07 tháng bảy năm 2012

Bài viết của bà Denise Dresser, là Giáo sư Khoa học chính trị, của Viện Công nghệ tự trị của Mễ Tây Cơ(Instituto Tecnológico Autónomo de México).


MEXICO CITY - Trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mễ Tây Cơ vừa kết thúc, tình hình bất mãn xã hội công khai trong nước rõ như ban ngày. Dân chúng Mễ Tây Cơ từ tất cả các tầng lớp xã hội đời sống dường như đã lo ngại về việc leo thang bạo lực, tăng trưởng kinh tế èo uột và vai trò quyền lực mờ nhạt của Đảng Hành động quốc gia (PAN). Với 60.000 người thiệt mạng trong các cuộc chiến chống ma túy, nhân dân Mễ Tây Cơ - giống hệt nhân dân Nga trong việc theo đuổi quá trình chuyển đổi dân chủ sau những năm đầu hỗn loạn dưới thời Boris Yeltsin - đã lựa chọn sự thoái lui về chính trị, nó được củng cố bằng nỗi luyến tiếc quá khứ thống trị bởi tập đoàn độc tài, tham nhũng.

Lúc này, với nền dân chủ gắn liền với tình trạng vô chính phủ, hỗn loạn và mất an ninh, Đảng Cách mạng Thể chế (PRI), chính đảng cầm quyền ở Mễ Tây Cơ trong suốt 7 thập niên qua cho đến tận năm 2000, đã được hưởng lợi. Đảng PRI đã hứa hẹn khôi phục lại trật tự xã hội, khả năng dự báo và giảm thiểu tình trạng bạo lực gây ra bởi các tập đoàn ma túy, cho dù việc đảng PRI phải làm là đạt được sự thỏa hiệp với các tập đoàn ma túy.

Do đó người dân Mễ tây Cơ đã phản ứng lại bằng một hành động thích đáng, không bỏ phiếu ủng hộ đảng cầm quyền PAN vì một nền kinh tế tăng trưởng trung bình hằng năm chỉ có 1.5% trong suốt 12 năm vừa qua, cũng như mức độ mất an ninh chưa từng có ở Mễ Tây kể từ cuộc cách mạng của nước này 100 năm trước. Song, quan trọng nhất có lẽ là, đảng PRI gặt hái những thuận lợi tốt nhất: chiến dịch quảng bá trường kì biến ứng cử viên của đảng mà bây giờ là Tổng thống đắc cử, Enrique Peña Nieto, thành một chính khách được lòng dân nhất của Mễ Tây Cơ.

Peña Nieto là sản phẩm của hai mạng lưới truyền hình đã chuẩn bị chu đáo cho ông ta trở thành người nắm quyền lực và sau đó đưa ông lên làm Tổng thống. Chiến lược chính trị của đảng PRI là hình tượng của "cậu bé vàng": khuôn mặt tài tử, tiền bạc rủng rỉnh, cùng sự hỗ trợ của mạng lưới truyền hình và giới tinh hoa một thời của Mễ Tây Cơ đang khao khát trở lại con đường quyền lực. Nói cách khác, sự trỗi dậy của Peña Nieto đại diện cho một khối liên minh các nhà tài phiệt kinh tế chính trị, sở hữu những lợi ích độc quyền, các lực lượng giữ gìn trật tự, và quần chúng nhân dân đã bị vỡ mộng về thể thức bầu cử dân chủ.

Đối với nhiều người dân Mễ Tây Cơ, sự khôi phục quyền hành của một đảng phái đã điều hành theo lối độc đoán quay lại mà không tự đổi mới chính mình, không là một nguyên nhân khiến họ quan tâm hay mất ăn mất ngủ. Họ coi việc trở lại của đảng PRI như thể nó là một dấu hiệu bình thường của nền dân chủ, của cái gọi là “tống cổ những tên vô tích sự ra ngoài”. Những câu sấm truyền dành cho sự lạc quan của người dân tiên đoán rằng đảng PRI sẽ buộc phải ban hành các cải cách về cơ chế mà các cải cách này đã bị hẹn lần lữa trong nhiều năm qua bỡi đảng PAN.

Sẽ thực sự là may mắn cho Mễ Tây Cơ nếu như một kỷ nguyên mới trong những nhiệm kỳ tổng thống của đảng PRI là một biểu hiện của sự luân chuyển lành mạnh trong việc nắm quyền thay vì là một bước thụt lùi đáng tiếc. Song bất kỳ sự phân tích hợp lý nào về đảng PRI hiện tại lại không ủng hộ dự đoán đó, mà lại nghiêng về một mơ tưởng hảo huyền của người dân Mễ Tây Cơ.

Như Tom Friedman đã chỉ rõ, ba băng đảng đang cùng tồn tại ở Mễ Tây Cơ ngày nay: “băng Narcos, băng No, và băng NAFTA.”(1). Những băng đảng này, tương ứng với, các ông trùm ma túy, những kẻ trục lợi từ tình hình hiện tại, và tầng lớp trung lưu khao khát sự thịnh vượng.

Đảng PRI, theo định nghĩa, là đảng của “Băng đảng No”. Băng đảng này phản đối những cải cách cơ chế cần thiết nhằm để bảo vệ các việc làm trục lợi (rent-seeking practices); từ chối những ứng cử viên vì dân để ủng hộ giới tinh hoa thuộc đảng phái vô trách nhiệm; chùn bước trong việc hiện đại hóa nghiệp đoàn, theo thông lệ của chủ nghĩa nghiệp đoàn(2) mà thi hành; và từ chối dỡ bỏ sự độc quyền mà đảng thiết lập. Đảng PRI và Peña Nieto là “Những kẻ nắm quyền phủ quyết”, bởi vì chúng tạo nên một sự chống cự chủ yếu nhất tới bất kì sự thay đổi nào mà sẽ đưa Mễ Tây Cơ đến với đổi mới, tư nhân hóa, đương đầu với thách thức, hoặc tu sửa lại hệ thống mà chúng đã thai nghén và bây giờ, một lần nữa, băng đảng No giành lại quyền kiểm soát.

Đảng PRI đã chứng tỏ trong kì bầu cử lần này rằng nó có nhiều tiền hơn, đoàn kết hơn, kỷ luật hơn, và khao khát thành công hơn so với bất kì đối thủ nào. Nhưng thật không may rằng, nó vẫn duy trì việc đi theo chủ nghĩa bảo vệ lợi ích phe nhóm, chủ nghĩa nghiệp đoàn, tổ chức tham nhũng mà không tin vào sự tham gia của nhân dân, sự giám sát và cân bằng quyền lực, tính cạnh tranh, tinh thần trách nhiệm, hoặc giám sát công đoàn nhà nước.

Tuy nhiên, đất nước mà PRI giờ đây sẵn sàng lãnh đạo trở lại đã thay đổi từ từ, chậm nhưng chắc. Thanh niên của đất nước này giờ đây ít hưởng thụ và đòi hỏi nhiều hơn, bớt thụ động và đa chiều hơn. Bây giờ là nhiệm vụ của tất cả người dân Mễ Tây Cơ, những người đã diễu hành và hành động và gần đây đã xuống đường ăn mừng Peña Nieto phải đảm bảo Quá trình Putin hóa chỉ là một hiện tượng của người Nga chứ không phải ở Mễ Tây Cơ.

Ghi chú:

1. Narcos, No’s and Nafta: là tựa đề của một bài viết của Tom Friedman trên New York Times. Nó nói lên 3 tầng lớp tinh hoa của Mễ Tây Cơ đã và đang thao túng chính trường nước này. Trong đó tầng lớn Nafta xuất thân từ những trí thức yêu nước từ những trí thức thành thị và tầng lớp trí thức lớn lên từ tỉnh lẻ là thực sự muốn gầy dựng Mễ Tây Cơ. Còn tầng lớp Narcos là băng đảng mafia kiểu Ý chuyên buôn lậu, kể cả heroin, cần sa và thuốc phiện. Tầng lớp No là tầng lớp chính trị thủ cựu, độc tài và trục lợi từ những chính sách công và kẻ hở của luật pháp Mễ Tây Cơ.

2. Chủ nghĩa nghiệp đoàn: Cha đẻ của Công đoàn thế giới xuất nguồn từ tổ chức nghiệp đoàn bến cảng Chicago nước Mỹ từ năm 1883. Nó cũng là tổ chức khai sinh ra ngày quốc tế lao động 01/5 trên toàn cầu. Ban đầu là đấu tranh của đại diện giai cấp vô sản là công nhân với giới thợ thuyền chống lại bóc lột của giới chủ. Nhưng sau đó, có những giai đoạn nó nhuốm mùi mafia, khi giới lãnh đạo này bắt đầu thao túng các ông chủ tập đoàn và ăn chia để giàu sang. Câu chữ của tác giả bài viết ý muốn nói chủ nghĩa nghiệp đoàn ở đây là kiểu các công đoàn trong nước Mễ Tây Cơ bắt tay với tầng lớp No để bảo vệ chiếc ghế của đảng PRI hơn là vì quyền lợi của người dân.







No comments:

Post a Comment

View My Stats