Friday, 27 July 2012

KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ THẬT ĐAU LÒNG ! (Hoàng Việt - Danlambao)





Đất nước đã chấm dứt chiến tranh 37 năm bao người con của nước Việt đã ngã xuống mục đích cuối cùng cũng là sự thống nhất đất nước và hòa hợp dân tộc.

Trong cuộc chiến rồi cũng phải có bên thắng bên thua nhưng xét cho cùng một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn cũng là một nỗi đau cho một giai đoạn lịch sử dân tộc, mà nỗi đau mất mát lớn nhất là nhân dân chứ không phải kẻ thù hay bên nào cả. Nguyên nhân sâu xa ngẫm ra nguồn gốc cũng là do những kẻ cầm quyền, sự mù quáng từ ý thức hệ, cho đến khát vọng quyền lực đã đẩy nhân dân vào chỗ chết của vòng lửa đạn hận thù.

Mấy chục năm qua đi đáng lẽ nỗi đau của chia cắt, của hận thù trong lòng dân tộc phải được hàn gắn, tình thương phải được vun đắp để con trong một nhà không còn phải xót xa trong cảnh kẻ thắng người thua như kẻ thù, con người phải yêu thương đùm bọc lẫn nhau cùng sát cánh bên nhau để xây dựng một đất nước giàu mạnh hùng cường.

Nhưng trớ trêu thay lễ kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sỹ 27/7/2012 được truyền hình trực tiếp trên VTV1 đã làm tan nát bao con tim của người dân Việt.

Hình ảnh và lời bình tố cáo sự tàn bạo của chế độ "Mỹ, và Ngụy quân, ngụy quyền" tra tấn các tù binh Bắc Việt tại nhà tù Phú Quốc được nhắc đi nhắc lại như một mối thù không bao giờ được quên cho các thế hệ mai sau đã như muối xát vào lòng những người có lương tri của bao thế hệ đã cố gắng quên đi trong cuộc sống đầy đọa của chế độ CS cầm quyền.
Trong khi đó tại đầu cầu Hà Nội, ở nghĩa trang Mai Dịch bốn nữ tướng Nguyễn Thị Kim Ngân, Doãn Thanh, Hải Truyền, Thị Hòa đại diện cho đảng, nhà nước nhân dân thắp hương cho các liệt sỹ anh hùng, mà ai cũng biết nghĩa trang Mai Dịch chôn những ai. Có lẽ nào Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng... và các vị chóp bu của đảng, nhà nước CSVN được chôn tại đây là các liệt sỹ, anh hùng khi không có vị nào ngã xuống trong khói lửa chiến tranh và ai phong cho họ là anh hùng liệt sỹ. Thật lố bịch cho các cuộc tri ân như vậy. Sự tri ân này chỉ có ý nghĩa của những kẻ còn sống đối với kẻ đã chết từng nâng đỡ, sát cánh ăn nằm với nhau trong các quan hệ cá nhân của quá khứ thối nát, cùng hội cùng thuyền không thể là tri ân của nhân dân với anh hùng liệt sỹ nào cả.

Việc nhắc đi nhắc lại tội ác của "ngụy quân, ngụy quyền" có phải như nhắc nhở các thế hệ mai sau là Mỹ, và chế độ VNCH như là những kẻ thù đáng sợ nhất tàn ác nhất mà không bao giờ có thể thỏa hiệp, làm bạn, và tha thứ. Chỉ có những người CS mới là những kẻ chân chính, là người Việt đàng hoàng còn tất cả những người dân chiến tuyến bên kia không bao giờ còn tồn tại trong lòng dân tộc.

Trong khi Trung quốc đang xâm chiếm từng phần đất nước, việc khơi dậy quá khứ đau thương trong lòng dân tộc cũng hiểu như một sự khước từ liên minh với Mỹ vì tội ác của Mỹ ngụy không bao giờ được quên cả. Thà rằng làm nô lệ cho Tầu cộng còn hơn là tay sai cho Mỹ có thể hiểu như vậy. Vì Trung Quốc vẫn là bạn tốt, đồng chí tốt, láng giềng tốt, đối tác tốt. Có phải ban lãnh đạo CSVN đang truyền đi thông điệp này đến toàn dân không, đừng nghi ngờ gì nữa đó chính là thông điệp của họ.




---------------------------------------------------

CHỨNG TỪ  :

Tình hữu nghị Việt – Trung
Phương Bảo  -  Quân Đội Nhân Dân
QĐND - Thứ Sáu, 27/07/2012, 23:29 (GMT+7)

QĐND - Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia núi liền núi, sông liền sông, đậm nét tương đồng về văn hóa và sớm có quan hệ gắn bó, đặc biệt, kể từ khi Đảng Cộng sản ở mỗi nước ra đời, lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng, thì quan hệ đó có bước phát triển mới.

Trong những năm 1948 – 1949, khi sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân Trung Quốc chưa thành công, theo yêu cầu của cách mạng Trung Quốc, Việt Nam đã chủ động giúp lương thực, thực phẩm và súng đạn cho biên khu Điền Quế (Vân Nam – Quảng Tây). Từ tháng 1-1948 đến cuối năm 1948, mỗi tháng Việt Nam gửi giúp riêng quân và dân biên khu Điền Quế 50 tấn muối, một số lượng đáng kể đạn cối 81mm, máy ngắm của súng cối 81mm, đạn AT… Việt Nam cũng đ­ưa lực lượng, trên hướng biên khu Điền Quế gồm: Tiểu đoàn 73 thuộc Trung đoàn 74 Liên khu I, Tiểu đoàn 35 thuộc Trung đoàn 308 chủ lực Bộ Tổng tư­ lệnh, Đại đội 506 sơn pháo, một đại đội trợ chiến, bộ phận thông tin và quân y, 2 đại đội địa phương huyện Văn Uyên và Thoát Lãng; hướng biên khu Việt Quế có: Tiểu đoàn 426 thuộc Trung đoàn 59, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn độc lập Hải Ninh, Đại đội độc lập 1448, cùng phối hợp với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc chiến đấu mở rộng, củng cố Khu giải phóng biên khu Điền Quế (Vân Nam – Quảng Tây) và Việt Quế (Quảng Đông – Quảng Tây) Trung Quốc.

Những việc làm nói trên của quân và dân Việt Nam đã được Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đánh giá rất cao. Ngày 5-1-1950, trong buổi tiếp xúc với đại diện Đảng, Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa, đồng chí Chu Ân Lai xúc động nói: “Trong lúc Việt Nam vừa nghèo, vừa phải gian khổ kháng chiến, lẽ ra phải được Trung Quốc giúp đỡ, thế mà các đồng chí đã hết lòng giúp đỡ Trung Quốc”. Nghĩa cử cao đẹp này của phía Việt Nam góp phần vào việc xây đắp tình đoàn kết giữa Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân hai nước Việt – Trung trong quá trình lịch sử đấu tranh cách mạng của mỗi nước.

Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập (ngày 1-10-1949), ngày 18-1-1950, Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Và cũng từ năm 1950, Trung Quốc đã trở thành cầu nối giữa Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa và cũng đảm nhiệm vai trò là một trong những nước xã hội chủ nghĩa viện trợ chủ yếu cho quân và dân Việt Nam kháng chiến.

Trên lĩnh vực giáo dục đào tạo cán bộ, Trung Quốc đã nhận đào tạo cho Việt Nam hàng nghìn cán bộ quân sự. Tính đến tháng 6-1950, Trung Quốc đã giúp Việt Nam đào tạo, bồi dưỡng được 3.100 cán bộ các cấp, trong đó có 650 cán bộ trình độ trung sơ cấp, 1.200 cán bộ chỉ huy bộ binh sơ cấp, số còn lại thuộc về các binh chủng công binh, pháo binh. Từ giữa năm 1953, Trung Quốc giúp Việt Nam xây dựng khu học xá Quế Lâm (Quế Lâm dục tài học hiệu) để giúp đào tạo hàng nghìn học viên Việt Nam.

Ngoài trang bị vũ khí, giúp huấn luyện quân sự, đào tạo cán bộ, chi viện lương thực, thực phẩm, Trung Quốc còn cử đoàn cố vấn quân sự và chính trị sang giúp cách mạng Việt Nam. Đoàn cố vấn quân sự gồm tổng cộng 79 người với bí danh là Đoàn công tác Hoa Nam do đồng chí Vi Quốc Thanh làm Trưởng đoàn đã có mặt tại Quảng Uyên, Cao Bằng ngày 12-8-1950. Ngoài Đoàn cố vấn quân sự, Trung Quốc còn cử đồng chí Trần Canh cùng một số cán bộ quân sự, trực tiếp làm cố vấn cho Việt Nam trong Chiến dịch Biên giới Thu đông 1950. Các cố vấn Trung Quốc đã sát cánh cùng với quân và dân Việt Nam tham gia chiến đấu trên chiến trường; tham m­ưu giúp quân đội Việt Nam xây dựng lực lượng, xây dựng kế hoạch tác chiến, làm công tác chuẩn bị chiến trường, công tác hậu cần, giúp huấn luyện kỹ chiến thuật, truyền đạt những kinh nghiệm hay của Quân giải phóng Trung Quốc. Ghi nhận và đánh giá cao công lao và đóng góp của đoàn cố vấn, ngày 2-9-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn cán bộ cao cấp Việt Nam đến nơi ở của Đoàn cố vấn Trung Quốc để trao Huân chương Hồ Chí Minh cho các đồng chí La Quý Ba và đồng chí Vi Quốc Thanh, cảm ơn sự giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Trung Quốc đã dành cho nhân dân Việt Nam.

Khối lượng vật chất Trung Quốc giúp Việt Nam chiếm khoảng 20% tổng số vật chất mà bộ đội chủ lực Việt Nam đã sử dụng trên chiến trường Bắc Bộ trong những năm 1950 – 1954 là hết sức quý báu, phát huy tác dụng tích cực, góp phần giúp cho quân và dân Việt Nam làm nên chiến thắng trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954, nhất là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong những năm 1954 – 1975, kế thừa và phát huy quan hệ tốt đẹp vốn có từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng, Chính phủ, nhân dân và Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tiếp tục giúp đỡ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ trên nhiều phương diện. Trung Quốc cùng với Liên Xô là hai nước viện trợ quân sự không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam, chủ yếu là các loại vũ khí, trang bị, vật tư hậu cần như các loại súng, pháo, xe tăng, lương thực, thực phẩm, thuốc men, y cụ... Tổng khối lượng viện trợ quân sự của Trung Quốc cho Việt Nam lên tới hơn một triệu tấn, ước trị giá hàng tỷ nhân dân tệ. Quân đội Trung Quốc tích cực giúp Quân đội Việt Nam thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất về xây dựng các mặt, trang bị kỹ thuật cũng như huấn luyện đào tạo cán bộ. Hàng trăm chuyên gia quân sự của Trung Quốc đã có mặt tại các học viện, nhà trường, tổng cục, nhà máy, xí nghiệp quốc phòng Việt Nam trong những năm 1954 – 1964 để tư vấn, tham mưu giúp xây dựng quân đội Việt Nam theo hướng chính quy, hiện đại.

Cũng trong những năm tháng khói lửa chiến tranh, Quân đội Trung Quốc phối hợp chặt chẽ với một số cơ quan chức năng khác của bạn, giúp vận chuyển, bốc dỡ một khối lượng lớn các loại vật tư hậu cần, kỹ thuật do các nước xã hội chủ nghĩa anh em viện trợ cho Việt Nam quá cảnh qua lãnh thổ Trung Quốc; sử dụng tàu vận tải của mình giúp Việt Nam vận chuyển hàng chục nghìn tấn vật chất các loại chi viện cho miền Nam. Một số địa điểm, kho tàng, bến bãi trên đất bạn được dùng làm nơi cất giữ, trung chuyển hàng hóa các loại. Ngoài ra, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam được gửi sang công tác, học tập, đạo tạo tại các trường của Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Nguồn nhân lực này, đã kịp thời bổ sung phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Phương Bảo








No comments:

Post a Comment

View My Stats