Friday, 27 July 2012

HIỂM HỌA MẤT NƯỚC & NHU CẦU DÂN CHÚ HÓA (Lê Kim Song - Danlambao)




28-7-2012

Với những động thái ngày càng hung hăng và có hệ thống trên Biển Đông, Trung Quốc đang biểu lộ dã tâm biến Biển Đông thành ao nhà của mình một cách trắng trợn bất chấp công luận và pháp luật quốc tế (Công Ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS, 1982) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên (DOC, 2002)). Vấn đề Biển Đông và hàng loạt những vấn đề khác trong quan hệ với Trung Quốc (kể cả hai hiệp định trên đất liền (1999) và lãnh hải (2000), vấn đề bauxite Tây Nguyên và việc cho Trung Quốc thuê hàng chục ngàn mẫu rừng đầu nguồn) đang đặt ra cho dân tộc Việt Nam một đe dọa rất lớn đối với sự mất còn của đất nước chúng ta.

Đối với tranh chấp Biển Đông về mặt đối ngoại, chính phủ Việt Nam lên án Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam và tìm kiếm sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế nhưng về mặt đối nội, giới lãnh đạo Việt Nam đã tỏ ra mâu thuẫn trong chính sách của mình.

Chính phủ Việt Nam hay nói cho đúng hơn, Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) cần hiểu rằng cái vũ khí vạn năng để chống ngoại xâm chính là tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam. Điều này đã được minh chứng một cách hùng hồn qua lịch sử của đất nước. Bắt bớ, sách nhiễu những người dân đi biểu tình chống Trung Quốc là chà đạp tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam, là tự mình từ bỏ một thứ vũ khí mà kẻ xâm lược e sợ. Đây là một chính sách đang tạo ra nhiều bất mãn trong xã hội và đồng thời thể hiện một lập trường nhiều mâu thuẫn và không nhất quán trong việc chống ngoại xâm.

Sự an nguy của tổ quốc đang đặt ra nhu cầu dân chủ hóa đất nước để có thể vận dụng sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong cuộc đối đầu với Trung Quốc - một hiểm họa thường trực đối với dân tộc Việt Nam.

Vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, khi nhân loại đã không còn luyến tiếc và quăng vào sọt rác Chủ Nghĩa Cộng Sản, một chủ nghĩa không tưởng cả về mặt lý thuyết và hiện thực, thì hiện nay ở đất nước chúng ta ĐCSVN vẫn còn cố gắng vực dậy cái thây ma nhiều tội lỗi để biện minh cho độc quyền lãnh đạo đất nước của họ. Cho đến giờ phút này, ĐCSVN vẫn cương quyết bám víu vào quyền lực, không chấp nhận Tam Quyền Phân Lập (Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp) - một cơ chế điều hành xã hội hữu hiệu đã được kiểm chứng bởi thực tiễn chính trị của hầu hết các quốc gia văn minh và tiến bộ trên thế giới, và đồng thời tiếp tục từ khước quyền lựa chọn những người tài đức để phục vụ đất nước của nhân dân Việt Nam.

Ở một đất nước mà những người lãnh đạo thiếu hẳn sự can đảm để nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc điều hành đất nước (như từ sự vỡ nợ của Vinashin đến sự chồng chất nợ nần của Vinalines và sự làm ăn lỗ lã của nhiều tổng công ty khác) thì sự cần thiết của dân chủ hóa và thực thi một chế độ tam quyền phân lập là một nhu cầu cấp bách hơn bao giờ hết. Khi hàng trăm ngàn tỉ đồng tiền thuế của nhân dân bị lãng phí bởi khả năng quản lý tồi tệ của những người được chính phủ Việt Nam bổ nhiệm thì người đứng đầu chính phủ phải chịu trách nhiệm trực tiếp với nhân dân. Ở các nước có một chế độ dân chủ thì không những ông Tổng Trưởng mà luôn cả ông Thủ Tướng chính phủ củng phải từ chức!

Hệ thống tập đoàn và tổng công ty của Việt Nam hiện nay coi trọng việc thực hiện nhiệm vụ chính trị (duy trì độc quyền chính trị của ĐCSVN) hơn là nhiệm vụ kinh tế. Các tập đoàn và tổng công ty này được ưu đãi về mọi mặt trong kinh doanh (từ ưu đãi về vốn đấu tư đến quyền sử dụng đất đai và các ưu đãi về thuế khóa khác) nhưng vẫn làm ăn kém hiệu năng và hầu hết là lỗ lã. Tính trong sáng và khả năng quy trách nhiệm (transparency and accountability) của hệ thống kinh doanh và hạch toán là điều chưa bao giờ được thực hiện một cách nghiêm chỉnh đối với các tổng công ty và tập đoàn kinh doanh của nhà nước mặc dù đủ thứ quy định và chính sách đã được ban hành. Trên nguyên tắc người đứng đầu các bộ liên hệ của chính phủ cần phải trả lời trước nhân dân về những thất bại trong việc quản lý nền kinh tế và can đảm chấp nhận từ chức vì mình đã không có khả năng thực hiện vai trò lãnh đạo của mình. Nhưng điều này không dễ gì xảy ra tại Việt Nam. Văn hóa từ chức chưa bao giờ được hiểu và thực hành khi đặc quyền đặc lợi quá lớn. Do đó đây là một lý do khác cho việc thực hiện dân chủ hóa guồng máy điều hành đất nước. ĐCSVN luôn viện cớ cần ổn định chính trị để phát triển kinh tế. Không ai phủ nhận điều này. Nhưng như luật gia Lê Hiếu Đằng nhận định: “Đấu tranh mà không phá vỡ sự ổn định xã hội, đó là bài toán phải giải quyết, nhưng quyết không thể nhân danh ổn định mà kìm hãm cuộc đấu tranh để xây dựng nền dân chủ” (http://www.boxitvn.net/bai/13488). Và càng không thể nhân danh ổn định chính trị để duy trì một hệ thống ban phát đặc quyền đặc lợi cho những người trung thành với Đảng và guồng máy kém hiệu năng như hiện nay bằng tiền thuế của nhân dân.

Một trí thức khác tại quốc nội, luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định: “Bên trong, giặc nội xâm là các tập đoàn tham nhũng, các nhóm lợi ích đang ngày đêm tàn phá đất nước. Chúng liên kết với nhau vơ vét của cải, tham nhũng tiền thuế của nhân dân, khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên, hủy hoại môi trường, hủy hoại và làm tha hóa chuẩn mực đạo đức xã hội… Bên ngoài giặc bành trướng đang rình rập chờ cơ hội để xâm chiếm biển đảo của Tổ quốc”

Trở lại vấn đề đối sách với Trung Quốc, chúng ta không thể đối phó với mưu đồ Hán hóa của Trung Quốc trong trường kỳ nếu chúng ta không xây dựng được một nước Việt Nam giàu mạnh và văn minh. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi giới lãnh đạo của đất nước biết đặt quyền lợi của đất nước lên trên quyền lợi vị kỷ của cá nhân và đảng phái của mình. Điều này cũng chỉ có thể thực hiện được khi dân tộc Việt Nam là một khối đại đoàn kết dân tộc, trong ngoài như một. Tinh thần đoàn kết này sẽ có tác dụng răn đe đối với tất cả mọi âm mưu thôn tính đất nước của chúng ta.

Đất nước Việt Nam là đất nước của toàn dân Việt Nam, không phải của riêng của ĐCSVN. Mọi công dân Việt Nam đều có quyền có tiếng nói vào việc điều hành quốc gia thông qua các dân biểu do chính họ bầu ra. Và điều này chỉ có thể xảy ra khi có một chế độ dân chủ thực sự ở Việt Nam.

Khách quan mà nói, một dân tộc tự tạo cho mình những phiền toái không cần thiết về mặt chính trị và xã hội cũng như những rào cản khác trên con đường phát triển sẽ luôn tụt hậu và không thể tránh khỏi lệ thuộc nặng nề vào ngoại bang chưa nói đến ảnh hưởng của những di sản khách quan của lịch sử. Đây chính là hoàn cảnh của đất nước chúng ta hôm nay.

Hãy noi gương Miến Điện, một quốc gia láng giềng của Việt Nam. Các tướng lãnh của họ đã giác ngộ và ý thức được tầm quan trọng của việc dân chủ hóa đất nước của họ và hãy nhìn xem cộng đồng nhân loại đã đáp ứng như thế nào đối với đất nước này! Những đất nước tôn trọng nhân quyền và tự do là những đất nước dễ dàng hòa đồng vào cộng đồng quốc tế.

Từ những nhận định nêu trên, chúng ta có thể tái khẳng định rằng chìa khóa để giải quyết mọi vấn nạn của đất nước - kể cả việc xây dựng sức mạnh chống ngoại xâm, chính là dân chủ hóa việc điều hành đất nước! Không thể tiếp tục tình trạng Đảng cử Đảng bầu cực kỳ vô lý như hiện nay.

Dân chủ hóa để việc vận hành nền kinh tế được tuân theo những quy luật của thị trường, là để việc sung dụng tài nguyên quốc gia được hợp lý và mang lại những hiệu quả kinh tế tối ưu cho xã hội. Dân chủ hóa để thực sự hòa hợp hòa giải dân tộc. Hơn ba triệu người Việt tại hải ngoại sẽ không còn lý do gì để không tích cực đóng góp vào việc xây dựng và phát triển đất nước. Dân chủ hóa để hội nhập với trào lưu tiến hóa của nhân loại và góp phần vào việc gìn giữ hòa bình trên thế giới. Và quan trọng hơn hết trong giai đoạn lịch sử khó khăn của đất nước hiện nay, dân chủ hóa để bảo vệ sự tồn vong của đất nước!

Dù ĐCSVN muốn hay không muốn, dân chủ hóa là con đường phát triển tất yếu của dân tộc Việt Nam và nhân loại!

Tây Úc, 22 Tháng Bảy 2012


No comments:

Post a Comment

View My Stats