Tuesday, 17 July 2012

CHUYỆN TRÒ VỚI NHẠC SĨ TRÚC HỒ về "ĐẠI NHẠC HỘI CẢM ƠN ANH" KỲ 6 (Huy Phương / Người Việt)




Bài và hình: Huy Phương/Người Việt
Monday, July 16, 2012 6:23:26 PM


Hội H.O. Cứu Trợ TPB & QP/VNCH, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Nam California, Trung Tâm Asia, đài SBTN và SET, với sự yểm trợ của nhiều hội đoàn, đoàn thể, các cơ quan truyền thông báo chí hải ngoại, sẽ tổ chức Ðại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH” Kỳ 6” tại sân vận động trường trung học Bolsa Grande HS vào ngày Chủ Nhật 12 tháng 08 năm 2012, từ 12:00PM đến 07:00PM, nhằm mục đích gây quỹ giúp thương binh và quả phụ tử sĩ VNCH.
Nhân dịp này chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với nhạc sĩ Trúc Hồ, Trung Tâm Asia, người đã, trong sáu năm nay, tận tụy với công việc tổ chức các buổi đại nhạc hội gây quỹ quy mô từ năm 1996, trong 5 kỳ tổ chức vừa qua, thu được số tiền gần 4 triệu đô la (chưa kể chi phí), để giúp cho các thương binh VNCH ở quê nhà.

* Liên hệ giữa người thương binh ở lại và người tị nạn ra đi

Huy Phương: Phải nói rằng nếu không có Trung Tâm Asia và đài SBTN thì sẽ không thể nào tổ chức được 5 kỳ gây quỹ quy mô giúp thương binh VNCH trong 6 năm qua. Ðộng lực nào đã thúc đẩy Trúc Hồ cũng như ban giám đốc Trung Tâm Asia, đài SBTN tham gia vào các cuộc gây quỹ này, đem lại hàng triệu đồng để giúp cho các thương binh VNCH đang sống cuộc đời cơ cực ở quê nhà?

N.S.Trúc Hồ: Phần đông chúng ta đến đây là những người tị nạn Cộng Sản, nhờ những người lính mình mới có đủ tư cách tị nạn, đến đây để làm lại cuộc đời từ đầu, đi học, đi làm, có một đời sống tương đối ổn định, lo cho các con các cháu của chúng ta. Chúng ta không thể nào quên được những người lính đã hy sinh một phần thân thể để bảo vệ tự do cho miền Nam Việt Nam, từ đó chúng ta có đủ nền tảng, nguyên nhân, lý do để có tư cách làm người tị nạn chính trị. Chúng ta, có mấy triệu người ở hải ngoại, lúc nào cũng nên nghĩ là chúng ta có một quốc gia mà không có chính phủ, không quân đội nhưng có tầm cỡ về kinh tế, do đó chúng ta có khả năng gây dựng được một ngân khoản như ngân sách của Bộ Cựu Chiến Binh trước năm 1975 để giúp các thương binh, quả phụ, mà sau biến cố tháng 4 năm 1975, không còn ai giúp họ nữa.
Những người Việt Nam tị nạn Cộng Sản phải nghĩ vì đâu, tại sao, nhờ ai mà chúng ta có được căn cước tị nạn, gia đình chúng ta có được ngày hôm nay. Những người thương binh ở lại phải chịu bao nhiêu nỗi thiệt thòi, là những người xứng đáng được những người may mắn hơn, là chúng ta, giúp đỡ, trả ơn theo đúng với đạo lý con người Việt Nam.
Trúc Hồ là một người mới lớn lên sau này, năm 1975 mới có 11 tuổi, nhưng đã thấy, đã nghe những gì xảy ra cho đất nước chúng ta sau tháng 4 năm 1975, và đã chọn con đường vượt biên ra khỏi đất nước để có một cuộc sống tự do, hạnh phúc và để có được quyền làm người. Ðược có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay, Trúc Hồ luôn luôn, mang ơn các bác các chú, người lính VNCH, và nhất là ngày nay với các thương binh bất hạnh, nên mong mỏi làm được một điều gì đó, trong khả năng và tấm lòng của mình. Thế hệ của Trúc Hồ không phải đi lính, nhưng phải biết ơn những người lính.
Trong tinh thần đó, trong 5 kỳ nhạc hội gây quỹ vừa qua, Trung Tâm Asia và đài SBTN đã không lấy một số tiền đóng góp nào của quý ân nhân để bồi hoàn cho những tốn phí tổ chức.

Huy Phương: Những cuộc gây quỹ vừa qua, cao nhất là lần thứ hai năm 2008, ban tổ chức thu vào được 1 triệu đồng, những lần khác mỗi năm, chúng ta kiếm được 5, 7 trăm nghìn, những con số đó, theo Trúc Hồ đã đạt được kết quả mong muốn của chúng ta chưa?

N.S. Trúc Hồ: Anh nghĩ sao, mỗi năm hải ngoại tị nạn gửi về trong nước 8 tỉ đồng, mà chúng ta chỉ vận động được bà con đóng góp mỗi năm 5, 7 trăm nghìn cho thương binh VNCH?
Nhiều khi nghe đến con số triệu, chúng ta thấy quá lớn, nhưng so với con số hồ sơ thương binh hiện nay chúng ta đang có (khoảng 20,000- theo số liệu của Hội H.O. Cứu Trợ TPB-QP/VNCH) thì số tiền này không thấm vào đâu, mỗi năm, thương binh nhận chưa đến $100. Số tiền này thật quá ít ỏi, so với đời sống đắt đỏ hiện nay và so với nỗi đau đớn mất mát to lớn của các thương binh, cho nên Trúc Hồ đã nói nhiều lần, đây chỉ có tính cách tượng trưng, mà đồng hương hải ngoại chúng ta cần nỗ lực cứu giúp thêm trong khả năng của mình, để phần nào xoa dịu được nỗi đau của những người thương binh.
Mặc dầu sự đóng góp của hải ngoại có phần khiêm nhường, nhưng có một giá trị tinh thần rất to lớn, vì các thương binh của chúng ta luôn luôn nghĩ bên kia bờ đại dương, rất nhiều đồng bào đã luôn luôn nghĩ đến họ. Ðó là niềm an ủi, tia sáng của lòng nhân ái soi rọi vào cuộc đời tối tăm, vô vọng của họ.

* Mỗi gia đình tị nạn bảo trợ cho một thương binh

Huy Phương: Ngoài việc tổ chức gây quỹ hàng năm, liệu chúng ta có tìm ra phương thức nào để giúp anh em thương binh bên quê nhà một cách hữu hiệu và rộng lớn hơn không?

N.S.Trúc Hồ: Lâu nay Trúc Hồ có nghĩ đến một phương cách nào đó để chúng ta có thể giúp các thương binh một cách hữu hiệu hơn. Hiện nay tại Mỹ, chúng ta có 80,000 gia đình mua chương trình của đài SBTN, chúng tôi xin tha thiết kêu gọi mỗi gia đình bảo trợ cho một hồ sơ thương binh, con số này đủ lo cho tất cả hồ sơ thương binh chúng ta đang có hiện nay. Trúc Hồ cũng xin kêu gọi mỗi gia đình tị nạn Việt Nam trên khắp thế giới giúp cho một người thương binh, bảo trợ cho họ bằng cách giúp mỗi tháng $10.00, một năm $120. Số tiền này tuy không nhiều, nhưng chắc chắn người thương binh biết rằng có một gia đình đang lo lắng và chăm sóc cho họ. Món quà hằng năm đều đặn, người bảo trợ có thể gửi về vào những ngày lễ Tết chắc chắn sẽ đem lại chút niềm vui cho các gia đình thương binh.
Về tinh thần, chúng ta có thể theo dõi đời sống của người thương binh mình bảo trợ, với việc thăm hỏi (qua những người thân ở Việt Nam), thư từ, điện thoại, để tạo một tình thân an ủi, gần gũi, hiểu biết gia cảnh, cũng như theo dõi tình trạng thương tật một cách xác thực hơn để từ đó có sự giúp đỡ sẽ hữu hiệu hơn. Hai gia đình, người bảo trợ và thương binh sẽ trở thành thân thuộc, tình cảm, điều này an ủi rất nhiều cho những người thương binh hiện nay, một phần đã sống cơ cực, phần khác lại mang mặc cảm là những người bị bỏ rơi sau chiến tranh.
Mặt khác, gia đình người bảo trợ ở hải ngoại có thể chọn lựa theo tình cảm, một thương binh thuộc binh chủng TQLC, BÐQ, một thương binh ở địa phương tỉnh nhà Vĩnh Long hay Quảng Nam, một người có những thương tật mà mà người bảo trợ muốn chọn như mù hai mắt, bại liệt toàn thân, cụt tay chân để giúp đỡ, bảo trợ dài hạn.

Huy Phương: Làm thế nào để tạo sự liên lạc, kết nối giữa gia đình nhận bảo trợ và các thương binh VNCH?

N.S. Trúc Hồ: Hội H.O. Cứu Trợ TPB-QP/VNCH hiện nay đang lưu giữ gần 20,000 hồ sơ thương binh VNCH đã chọn lọc và kiểm tra, kèm theo đầy đủ hình ảnh, chứng từ, sẽ là nơi cung cấp cho đồng bào số hồ sơ thương binh mà đồng bào muốn bảo trợ. Ðài SBTN cũng như các nhật báo hiện nay đang có trang đặc biệt về thương binh VNCH sẽ nhận nhiệm vụ vận động và loan báo danh sách các gia đình bảo trợ. Ðây là chuyện giúp đỡ dài hạn, nếu sau này, gia đình bảo trợ gặp khó khăn muốn chấm dứt hay muốn đổi người mình bảo trợ, Hội H.O. Cứu Trợ TPB-QP/VNCH sẽ giúp quý vị làm việc này.
Gia đình Trúc Hồ sẽ nhận 3 hồ sơ thương binh để bắt đầu giúp đỡ trong tinh thần bảo trợ này và Trúc Hồ tin rằng, mỗi gia đình tị nạn hiện nay ở hải ngoại có thể có khả năng nhận một hai hồ sơ để quan tâm theo dõi, giúp đỡ như là đối với một người thân thuộc, quen biết trong gia đình của mình.

Huy Phương: Xin cám ơn nhạc sĩ Trúc Hồ đã dành cho Nhật báo Người Việt cuộc phỏng vấn bổ ích hôm nay và mong rằng Ðại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH” sắp đến sẽ thành công cũng như chương trình “Mỗi gia đình tị nạn hải ngoại bảo trợ cho một thương binh VNCH” gặt hái được kết quả mỹ mãn.

Ðiện thoại liên lạc với Hội H.O. Cứu Trợ TPB-QP/VNCH: (714) 590-8534; (714) 230-9602.

Liên lạc tác giả: huyphuong37@gmail.com.





No comments:

Post a Comment

View My Stats