Thu, 07/19/2012 - 03:46 — Kami
Thất bại của hội nghị các bộ trưởng
Asean tại Diễn đàn khu vực tại Campuchia tuần vừa qua được coi là cái tát
của PhnomPenh đối với các nước Asean nói chung và các lãnh tụ Việt nam, vốn
từng là người đồng chí thân thiết của Thủ tướng Hunsen nói riêng. Điều này được
thể hiện qua việc Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh công khai
bày tỏ sự thất vọng về kết quả hội nghị này, cho dù cũng dự đoán
tình hình như vậy, và cũng không bất ngờ lắm khi nói rằng “Chúng tôi đã nỗ lực
hết mình để có một tuyên bố chung, vì thế rất là thất vọng.”, khi hội nghị
không ra được một bản Tuyên bố chung cuộc để đúc kết tiến trình đàm phán, thảo
luận.
Nguyên nhân chính việc các bộ trưởng
ngoại giao Asean không ra được tuyên bố chung là vì Campuchia, nước chủ
tịch luân phiên năm nay của Asean, không đồng ý đưa vào phần nói tới
tranh chấp biển Đông với Trung Quốc của một vài nước Asean. Trong lúc chính
quyền Philippines muốn ghi tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc tại bãi
đá Scarborough, còn Việt Nam cũng yêu cầu ghi vào cáo buộc Trung Quốc vi phạm
vùng đặc quyền kinh tế vào trong bản Tuyên bố chung. Đáng tiếc những đề nghị
của các bên nói trên đã bị Campuchia, trong tư cách là chủ tịch luân phiên
ASEAN bác bỏ. Bất chấp các đề nghị thỏa hiệp, khi Philippines và Việt Nam không
thể thuyết phục Campuchia, đến lượt Indonesia và Singapore kêu gọi có thỏa
hiệp, song các hai bên đều không thay đổi ý kiến, và cuối cùng Campuchia quyết
định là Hội nghị sẽ không có được tuyên bố chung. Sự việc này được đánh giá
không chỉ là một đòn nghiêm trọng đánh vào vị thế và uy tín quốc tế của ASEAN,
mà nó đã lộ mặt Campuchia như là một “con ngựa kìm bước” giúp Trung Quốc trong
vấn đề biển Đông. Điều này sẽ làm cho đàm phán về một bộ Quy tắc Ứng xử COC
chung cuộc với Trung Quốc sẽ càng khó khăn hơn. Và đây cũng là dấu hiệu bó lúa
(biểu tượng của) Asean không còn chặt chẽ nữa, nhưng nếu xem xét kỹ thì mới
hiểu đó là bản chất thực của bó lúa ASEAN, và do vậy chúng ta nên coi chuyện
này là bình thường.
Không chỉ ở Việt nam, dư luận tại
Campuchia hiện nay về hội nghị Asean vừa qua, trừ các báo chí do Nhà
nước kiểm soát, hầu hết đồng ý với quan điểm của các nước Asean khác
rằng Campuchia đã làm hỏng việc của Asean. Hành động đứng hoàn toàn
về phía Bắc Kinh của Phnom Penh trong hội nghị Asean vừa qua ‘là một
phản ứng rất mạnh của Campuchia đã khiến Việt Nam sửng sốt. Người
Campuchia nhận xét “Chính quyền đã quay một vòng 360 độ đối với Việt Nam”
và họ cho rằng “Đây là thất bại ngoại giao của Việt Nam đối với Campuchia.”
với lý do Campuchia đã bị Trung quốc nắm đầu. Lo ngại về gánh nợ cho thế hệ
tương lai, nghị sĩ đảng đối lập Campuchia Sam Rainsy nhận định Phnom Penh đang
phải trả giá cho gánh nặng nợ nần ngày càng cao này khi Phnom Penh thường phải
phát ngôn như một người phát ngôn của Bắc Kinh.
Báo chí nước ngoài cũng cho rằng Trung quốc
cậy có tiền để gây sức ép lên nước chủ nhà Campuchia, đồng thời họ phê phán chủ
tịch hội nghị đã bán danh dự của mình như thế là không chấp nhận được. Nhưng
những người tham gia đàm phán thì cho rằng, họ cũng dự đoán tình hình như vậy,
và họ cũng không bất ngờ lắm. Đáng chú ý là trong quá trình đàm phán, lần đầu
tiên vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa các thành viên Asean và một nước thứ ba
gặp sự cố như vây. Tuy nhiên tại hội nghị, Campuchia đã không cản được các nước
nói về Biển Đông và Trung quốc cũng không cản được việc sẽ phải nói chuyện với
tất cả các bên về vấn đề này. Nhưng chủ tịch của hội nghị thì đã có thể làm
được một việc gì đó, đó là sự chọn lựa giữa hai cái xấu, một là ngăn cản việc
các nước khác nói về tranh chấp hoặc bẻ cong cuộc họp (theo ý TQ), hai là không
đề cập đến tranh chấp trong thông cáo chung (ý của chủ nhà), thì nước chủ nhà
Campuchia đã chọn cái xấu ít hơn là cái xấu thứ hai.
Trên thực tế, mặc dù trước hội nghị
Asean thì cả Việt Nam và Trung Quốc đều có những cuộc tiếp xúc với
Campuchia ở cấp cao, nhưng phía Trung Quốc ngoài việc đã gửi các phái
đoàn quân sự cấp cao sang nói chuyện trực tiếp ở Phnom Penh mà còn đi
kèm đó là viện trợ vài chục triệu USD, không kể tới khoản viện trợ
không điều kiện khoảng 2 tỷ USD trước đó cho chính quyền PhnomPenh. Mặt khác
ban lãnh đạo đảng CSVN và chính quyền của họ đã dự liệu trước về động thái này
của nước chủ nhà Campuchia. Nhưng kết quả hội nghị Asean vừa qua như một
cử chỉ cho thấy chính quyền Campuchia rõ ràng chọn đi với Bắc Kinh chứ
không đi với Hà Nội. Hay nói một cách khác, khi tình thế quốc tế đã thay đổi
và bây giờ chính quyền Campuchia đã rất thực tế, khi quyết định chỉ ngả theo
ai giàu mạnh mà thôi. Điều đó đã làm cho không ít người Việt nam tức giận và
cho rằng chính quyền Campuchia đã bộc lộ bản chất thật của người Kh’mer là ăn
cháo đá bát, họ đã quên công lao của người Việt nam đã hy sinh biết bao nhiêu
máu xương để giải thoát người Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
Tôi là một trong hàng trăm ngàn người lính
tình nguyện Việt nam đã đổ máu và để một phần thân thể trên chiến trường
Campuchia, bởi cái gọi là chủ nghĩa quốc tế vô sản trong quá khứ. Cái mà cho
tới giờ lâu lâu, đôi khi còn hiện về trong giấc mơ của mình, nhưng mà khi giật
mình tỉnh dậy tuy mồ hôi vã như tắm, nhưng thở phào nhẹ nhõm. Vì biết cái địa
ngục ấy, khi mình và các đồng chí của mình khi đó trong vai trò của một đội
quân xâm lược, giày xéo đất nước của họ chỉ còn là trong mơ. Tuy vậy, nhưng tôi
vẫn cho rằng những suy nghĩ kiểu đó là sản phẩm của đường lối ngoại giao mang
tính chất thôn tính, nuốt chửng nước láng giềng vốn nằm trong máu của người Đại
Việt từ muôn đời nay, có khác gì chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Điều đó tồn tại
không chỉ dưới thời cộng sản kiểu khi tốt thì tình sâu như nước Hồng hà – Cửu
long, khi dở thì chê trách họ.
Ai đã từng tiếp xúc với người dân Campuchia
sẽ hiểu nỗi ưu tư, tự ti vì bất lực của một dân tộc Kh’mer yếu ớt trước gọng
kìm của Việt nam và Thái lan. Đặc biệt là các lãnh tụ Campuchia, không phải họ
không có cảm giác nhục nhã khi đóng vai trò một lãnh tụ quốc gia kiểu “hình
nộm”, khi mà trước đây tại tổng hành dinh của quân đội Việt nam tại Campuchia
tướng Chu Huy Mân mặc áo lót để tiếp các vị lãnh tụ hàng đầu của nhà nước
Campuchia. Và chuyện ông Pen Soval từng là lãnh tụ số một trước Hunsen đã bị
“tạm giữ” ở Bắc Việt nam với lý do bị bệnh tâm thần trên đường qua NewYork. Hay
chuyện vụ thảm sát hàng loạt tướng lĩnh người Campuchia ở Siêm Riệp đó là những
nỗi đau, nỗi nhục khó thể nào quên trong ký ức của người Kh’mer. Với họ thì
Trung quốc hay Việt nam đều phải cảnh giác, nhưng Việt nam chắc chắn là phải
cần cảnh giác cao hơn.
Phải nói thật, có thể nói bản tính của
người Kh’mer là thiếu sự trung thành, chung thủy, hay ham lợi trước mắt mà dễ
quên đi tình nghĩa cũng có thể đúng. Nhưng chuyện cho rằng Campuchia vốn là
người bạn chung chiến hào chống thực dân, đế quốc, và suốt gần nửa thế kỷ chúng
ta chẳng những giành độc lập cho dân tộc mình mà còn đem xương máu giúp
Campuchia, Lào giành độc lập, đặc biệt đã giúp nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt
chủng. Để dựa vào đó cho rằng chính quyền Campuchia đã bộc lộ bản chất thật của
người Kh’mer là ăn cháo đá bát là những tư duy đáng bị lên án. Vì thực sự bản
chất của sự giúp đỡ chí tình của Việt nam đó là vì một mục tiêu lớn hơn không
thể chối bỏ, đó là Liên bang Đông dương. Một trong những tư duy mang tính thôn
tính và bành trướng lãnh thổ, điều đó không còn phù hợp với bối cảnh quan hệ
quốc tế trong thời đại ngày nay.
Một câu hỏi được đặt ra là “Tại sao người
Việt cho mình quyền được tìm mọi cách thoát Trung để tránh hiểm họa lâu dài của
Trung quốc, mà không cho phép người Kh’mer được quyền thoát Việt? Vì đơn giản,
nó chính là vấn đề mỗi quốc gia cần phải có sự sáng suốt, tỉnh táo để nhận ra
được cần phải du nhập điều gì, tránh cái gì hay cần phải đồng minh với quốc gia
nào, giữ khoảng cách với quốc gia nào trong quan hệ vì lợi ích của dân tộc
mình.
Hơn nữa, nếu chúng ta ở vị trí của Campuchia thì chúng ta sẽ hành xử thế nào trong một vấn đề tương tự không liên quan tới lợi ích của Việt nam? Đây đúng ra phải là bài học cho những nhà lãnh đạo Việt nam trong chính sánh ngoại giao đu dây hiện nay. Đã đến lúc họ cũng phải có các hành động dứt khoát, theo kiểu Campuchia trong việc lựa chọn bạn cho mình trên cơ sở quyền lợi dân tộc. Xin đừng quên, không chỉ riêng Campuchia hay Lào, mà kể cả Thái lan đã bị Trung quốc lôi kéo mua chuộc. Việc chính quyền Thái lan từ chối cho cơ quan NASA sử dụng căn cứ quân sự Utapao cuối tháng 6.2012 vừa rồi cũng là kết quả của chuyến thăm Thái lan của các quan chức quân sự Trung quốc. Điều đó cho thấy việc hy vọng tranh thủ sự ủng hộ của các nước thành viên Assean trong việc đòi hỏi đa phương hóa cho vấn đề tranh chấp trên biển Đông là xa vời và hơi hoang tưởng. Cũng bởi không thể thắng một thằng chuyên đi phá, khi mình làm nhiệm vụ xây. Do đó đã đến lúc chính quyền Việt nam phải tìm một giải pháp cứng rắn và hữu hiệu hơn, có thể là nâng mức quan hệ mang tính đồng minh chiến lược với một cường quốc có khả năng làm đối trọng với Trung quốc.
Ngoại giao của thế kỷ 21, thì xin hãy bỏ
ngay đi các khái niệm “đồng chí”, “kẻ thù”, “bạn hữu”… đó là những điều xa vời
và vô nghĩa, do vậy chính cái quan điểm ngoại giao thực dụng của Campuchia lại
là hợp thời. Như lời của Thủ tướng Anh Winston Churchill “Không có kẻ thù vĩnh
viễn, không có bạn hữu vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi quốc gia là vĩnh viễn”
Hà nội, ngày 18 tháng 7 năm 2012
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
--------------------------------
HUNXEN
không “bám đít đảng VN” như “đảng VN vẫn cứ khư khư bám vào Trung Cộng” - Blog Huỳnh Ngọc Chênh
No comments:
Post a Comment