Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa,
RFA
2012-07-18
Kỳ
trước, khi đề cập đến những ưu điểm của chủ nghĩa tư bản, chuyên gia kinh tế
Nguyễn-Xuân Nghĩa nói ra điều có vẻ nghịch nhĩ rằng nhà nước và cả các doanh
nghiệp cũng không có nhiệm vụ tạo ra việc làm.
Ông
nhấn mạnh là nhà nước phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm lợi nhuận và
chính nhu cầu kiếm lời mới khiến doanh nghiệp tuyển người, nâng cao lợi tức cho
xã hội và góp phần giảm bớt nguy cơ thất nghiệp.
Diễn đàn Kinh tế xin
trở lại đề mục này qua phần thực hiện của Vũ Hoàng.
Vũ Hoàng: Xin kính chào
ông Nghĩa. Thưa ông, doanh nghiệp có thể giải quyết nạn thất nghiệp như thế nào
là đề tài mà chúng ta có gián tiếp nói tới qua chương trình phát thanh tuần
trước. Hôm nay, chúng tôi xin đề nghị là ta sẽ đi sâu hơn vào lĩnh vực có thể rất
sơ đẳng nhưng cũng là cơ bản của bộ môn kinh tế. Ông nghĩ sao về đề nghị này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước khi trình bày
bối cảnh để xác định là chúng ta trao đổi về chuyện gì, tôi xin được kể lại một
giai thoại có thật.
Sau
năm 1975, tôi được biết là một ông lãnh đạo Hội Việt Kiều Yêu Nước tại Paris kể
cho một người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, rằng giai cấp công nhân Pháp đấu
tranh thành công đến độ nhân viên bị thất nghiệp vẫn hưởng trợ cấp bằng 70% mức
lương cuối cùng nên nhiều người khỏi cần tìm việc nữa! Nghe thấy vậy thì tôi
giật mình cho kinh tế Việt Nam nếu người ta tiếp tục lý luận theo kiểu đấu
tranh giai cấp vì ai sẽ sản xuất cho người khác tiếp tục hưởng trợ cấp dồi dào
như vậy! Sau này, mình cũng chẳng mấy ngạc nhiên về tỷ lệ thất nghiệp quá cao
tại Pháp.
Đó
là cái chuyện được và mất trong kinh tế học là người ta chỉ nhìn thấy cái được
của một thành phần này mà không thấy cái mất của cả nền kinh tế quốc dân trong
lâu dài. Giai thoại năm xưa cũng phần nào giải thích vấn đề hiện tại của Âu
Châu với nạn thất nghiệp quá cao khi thị trường lao động được bảo vệ như vậy.
Bây giờ, mình mới nói qua phần bối cảnh.
Vũ Hoàng: Theo thói quen,
khi trình bày về bối cảnh thì ông cũng có ý xác định là ta đang nói về chuyện
gì, ở đâu. Có phải vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng đúng như
vậy vì trước hết, tôi đề nghị dùng chữ "nhân dụng", là vận dụng nhân
lực, thay vì chữ "lao động" với hàm nghĩa tiêu cực. Lý do là nhân
loại nói chung đã tiến lên trình độ sản xuất khác, khi bắp thịt không còn vị thế
quan trọng bằng kiến thức, kể cả kiến thức của người thợ mà ta gọi là "tay
nghề".
Tiến
trình tích lũy kinh nghiệm, tay nghề hay kiến thức nó giải thích vì sao mà
người trung niên thường có lương cao dù sức khoẻ kém thanh niên và cũng giải
thích vì sao mà phụ nữ hay phái yếu tham gia ngày càng nhiêu hơn vào tiến trình
sản xuất. Yếu tố quan trọng ở đây là cái đầu, hay năng suất, hơn là cánh tay.
Mà điều kiện then chốt cho sự thăng tiến đó là quyền tự do tìm nơi làm việc và
học nghề để có mức lương cao hơn khi đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Thứ
hai là trong chế độ độc tài, công nhân viên không có quyền tự do thành lập công
đoàn hay hiệp hội độc lập để bảo vệ quyền lợi. Các công đoàn nhà nước là công
cụ chính trị của đảng độc quyền và không chỉ giới hạn quyền tự do của thợ
thuyền mà còn giúp nhà nước bóc lột công nhân và làm cơ chế lương bổng bị sai
lệch, thí dụ như với chiến lược lương rẻ. Vì thế ta mới thấy có hiện tượng biểu
tình chính đáng mà vẫn bị coi là phi pháp tại Việt Nam và Trung Quốc.
Vai
trò của Công đoàn
Vũ Hoàng: Đó là về trường
hợp của các nước độc tài, chứ công đoàn hay nghiệp đoàn trong các quốc gia có
tự do thì lại khác hẳn. Ông giải thích thế nào về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong các xã hội
dân chủ, công đoàn được tự do thành lập để bảo vệ quyền lợi công nhân đối diện
với chủ nhân và đây là một nhu cầu chính đáng để định chế hóa việc đàm phán hay
ngã giá giữa công nhân viên và doanh nghiệp. Khi người dân tại các nước độc tài
đòi được quyền tự do lập hội và sinh hoạt công đoàn thì cũng trong mục tiêu
này.
Tuy
nhiên, trong các nước dân chủ, người ta cũng chứng kiến hiện tượng không hẳn có
lợi cho quyền lợi công nhân và sinh hoạt kinh tế. Trước hết là các công đoàn tự
do có thể thành thế lực chính trị và tác động vào chính trường cho nhiều chủ
trương nằm bên ngoài lĩnh vực kinh tế. Nạn chính trị hóa công đoàn là một lý do
giải thích vì sao mà ngày càng có ít công nhân trở thành đoàn viên là hiện
tượng đã thấy từ mấy chục năm nay.
Thứ
nữa, công đoàn mà bị chính trị hóa thì dễ cấu kết với bộ máy nhà nước và làm
lệch lạc quy luật đàm phán giữa công nhân và doanh nghiệp, có khi gây vấn đề
kinh tế và dẫn đến nguy cơ thất nghiệp. Nếu trong các nước dân chủ người ta lại
theo quan điểm đấu tranh giai cấp như mình vừa nhắc tới tại Pháp thì đấy là vấn
đề. Cho nên việc phân biệt này rất quan trọng khi ta nói đến vai trò của công
đoàn ở hai thế giới trái ngược, có tự do hay không.
Vũ Hoàng: Phần bối cảnh
và định nghĩa ấy dẫn ta về một đề tài thời sự là khi tập đoàn sản xuất xe hơi
Peugeot của Pháp quyết định đóng cửa một xưởng ráp chế và sa thải tám ngàn nhân
viên. Chính phủ Pháp đã phản đối và đòi can thiệp để bảo vệ quyền lợi của công
nhân. Ông nghĩ sao và giải thích thế nào về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng tổ hợp
PSA sản xuất hai loại xe Peugeot và Citroen nổi tiếng của Pháp đã quyết định
hôm Thứ Năm vừa qua là sẽ đóng cửa một xưởng ráp chế tại Aulnay Sous Bois và
tái phối trí lại công nhân với hậu quả là cắt mất tám ngàn việc trong hai năm
tới. Lý do là nạn sản xuất thừa so với yêu cầu của thị trường, hoặc nói đúng
hơn là sức cạnh tranh sút kém khiến xe bán không được và doanh nghiệp bị lỗ.
Khi gặp một chuyện như vậy, chính quyền tất nhiên là phải tìm hiểu và can thiệp
để giúp đỡ các công nhân có thể bị sa thải.
Nhưng
then chốt ở đây là phải tìm hiểu vì sao hãng PSA không thể sản xuất nhiều hơn
và bán được nhiều hơn hầu có thêm lợi nhuận và tạo thêm việc làm cho công nhân.
Mối nguy trong vụ này là giữa công nhân và doanh nghiệp lại xuất hiện một lực
lượng thứ ba là nhà nước, với lý do chính đáng về xã hội mà gây vấn đề về kinh
tế là làm cho các hãng xưởng của PSA tại Pháp bị lỗ và mất sức cạnh tranh nếu
so với cơ sở sản xuất cũng của PSA ở một nước Âu Châu khác, thí dụ như tại Tây
Ban Nha hay Slovakia.
Chuyện
ấy cũng khiến ta nên nhớ lại là vì sao ba hãng xe hơi Hoa Kỳ bị lỗ lã và nguy
cơ phá sản cách đây mấy năm khi các hãng xe của Nhật, Đức và Nam Hàn thiết lập
tại Mỹ, tuyển dụng nhân công Mỹ lại vẫn có lời mà chẳng phải cầu cứu nhà nước.
Vấn đề là khả năng cạnh tranh.
Vũ Hoàng: Ông nhấn mạnh đến
yếu tố cạnh tranh, tức là khả năng sản xuất và bán ra có lời. Nhưng việc truy
tìm lợi nhuận như vậy có gây thiệt hại cho công nhân hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta nên nhắc lại mục
tiêu phải được xem là chính đáng chứ không là một cái tội của doanh nghiệp, đó
là lợi nhuận. Ngày nào mà sản xuất thêm vẫn còn có lãi thì doanh nghiệp còn
tuyển thêm người. Muốn có lời cao thì doanh nghiệp có thể nâng giá bán nhưng chỉ
trong một mức nào đó mà thôi vì đắt quá thì không thể cạnh tranh được và sẽ bị
lỗ.
Giải
pháp kia là giảm bớt phí tổn cho mỗi đơn vị sản xuất thêm, tức là phải nâng cao
năng suất, với công nhân có tay nghề cao hơn qua tiến trình đào tạo và huấn
luyện. Việc cân nhắc hơn thiệt như vậy phải được thảo luận với công đoàn để đôi
bên cùng thống nhất về mục tiêu có lợi cho cả hai. Trong mối quan hệ song
phương này, nhà nước phải có mặt để đảm bảo là công đoàn và công nhân có quyền
tự do chứ không bị ép. Nhưng đôi khi nhà nước không chỉ giữ vị trí trọng tài và
tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh để kiếm lời trong điều kiện lao động an
toàn.
Nhà
nước có thể gây ra hậu quả bất lường khi là lực lượng can thiệp vào tiến trình
thương thảo song phương giữa công nhân và chủ nhân, giữa công đoàn và doanh
nghiệp. Thí dụ như với lý do đẩy lui nạn thất nghiệp, nhà nước hay các chính
trị gia làm ra luật hoặc áp dụng chính sách bảo vệ để doanh nghiệp không được
sa thải công nhân viên. Hậu quả bất lường ở đây là lý tưởng công bằng lại dẫn
tới nạn thất nghiệp!
Thị
trường nhân dụng
Vũ Hoàng: Chuyện hậu quả
bất lường này quả là ly kỳ. Vì sao mục tiêu ban đầu là giải trừ thất nghiệp lại
có thể dẫn tới thất nghiệp?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta nhắc đến
một trường hợp phổ biến là các luật lệ bảo vệ quyền lao động hoặc chính sách
lương bổng gọi là "công bằng". Mục tiêu ở đây là giúp công nhân viên
đang có việc sẽ không mất việc và giữ được mức lương cao. Nhưng kết quả là làm
thị trường lao động bị sơ cứng và lương bổng quá đắt khiến doanh nghiệp bị lỗ
nên sẽ tìm giải pháp nâng cao năng suất và khỏi tuyển thêm người mới. Hậu quả
là người đã có việc thì được ngồi mát ăn bát vàng, người chưa có việc thì tìm
không ra doanh nghiệp tuyển dụng và kinh tế nói chung sa sút vì cái lý tưởng
cao quý đó.
Một
thí dụ là trước khi cải cách kinh tế quãng hai chục năm trước, xứ Ấn Độ đã có
loại luật lệ bảo vệ lao động như vậy. Cụ thể là kỹ sư trong doanh nghiệp nhà
nước về điện thoại có quy chế làm việc toàn thời và vĩnh viễn, tức là không bao
giờ bị sa thải. Kết quả là doanh nghiệp bị lỗ, nhân viên vẫn có việc có lương
mà chẳng sản xuất gì nhiều. Sau khi cải cách và phải cổ phần hóa hay tư nhân
hoá các cơ sở sản xuất này, tức là bán cho tư doanh, thì tư doanh bị kẹt vì hợp
đồng bảo vệ đó. Họ không tham gia đầu tư và không tạo thêm việc làm cho kinh tế
Ấn Độ cho tới khi xứ này phải sửa lại luật lệ. Chính là sự can thiệp của nhà
nước để đẩy lui thất nghiệp lại là yếu tố gây ra thất nghiệp.
Vũ Hoàng: Bây giờ thì
thính giả của chúng ta có thể hiểu vì sao ông nói rằng nhà nước không có chức
năng tạo ra việc làm vì đấy là vai trò của doanh nghiệp khi truy tìm lợi nhuận.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nếu không hiểu quy
luật kinh tế thông thường thì người ta có thể nghĩ lý luận đó nhuốm mùi phản
động nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp hay giới chủ nhân. Sự thật nó phức
tạp hơn thế. Tôi xin lấy một thí dụ tại Hoa Kỳ này từ ba chục năm về trước để
mình nhìn ra toàn cảnh.
Năm
1982, tạp chí chuyên đề về kinh doanh là Forbes đã lần đầu tiên trình bày danh
sách 400 người giàu nhất của nước Mỹ, trong đó có 23 người thuộc dòng họ du
Pont, 14 người thuộc dòng Rockefeller và 11 người họ Hunt, là các đại gia tỷ
phú từ nhiều đời. Hai chục năm sau, danh mục này chỉ còn ba ông Rockfeller, một
ông Hunt và chẳng còn tay du Ponts nào nữa. Điều ấy có nghĩa là xã hội thường
xuyên chuyển dịch và đào thải chứ không thể có hiện tượng con vua lại cứ làm
vua. Khi tìm hiểu thêm về các đại gia tỷ phú đó thì mình còn thấy rằng nhiều
người khởi nghiệp rất sớm, từ khi còn ở tuổi thiếu niên. Họ cứ thế mà học nghề
từ dưới lên, cho đến khi làm chủ doanh nghiệp xưa kia đã tuyển họ nên hiểu rất
thấu đáo tiến trình sản xuất và kinh doanh.
Yếu
tố then chốt ở đây là quyền tự do và khả năng thay đổi chứ không nằm trong chế
độ bảo vệ. Khi nhà nước thi hành chính sách bảo vệ, dù là vì động lực xã hội
cao đẹp, thí dụ như về lương bổng, phúc lợi và điều kiện lao động, kể cả quyền
nghỉ hè mà vẫn ăn lương, nhà nước lại góp phần gây ra tình trạng thất nghiệp
lưu cữu ở mức cao, kéo dài khá lâu cho những người mất việc. Chúng ta có thấy
hiện tượng đó tại Âu Châu nếu so sánh với Hoa Kỳ.
Vũ Hoàng: Chúng ta đi đến
đoạn kết là tính toán kinh doanh với ảnh hưởng vào lĩnh vực nhân dụng như ông
nói. Xin ông trình bày cho tiến trình này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thực tế thì doanh
nghiệp phải tính toán làm sao để mỗi khi sản xuất thêm một đơn vị thì vẫn còn
có lời và còn có lời thì còn sản xuất. Đó là hoàn cảnh chung, nhưng các tổ hợp
lớn thật ra chẳng là những cơ sở tuyển dụng nhiều nhất. Khi nghiên cứu thị
trường nhân dụng và cần giải quyết nạn thất nghiệp người ta mới thấy rằng các
doanh nghiệp loại nhỏ và trung bình mới tuyển dụng nhiều nhất trong vòng năm
năm mới được thành lập. Yếu tố ảnh hưởng đến nhân dụng chính là tính toán đầu
tư của loại doanh nghiệp này và tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư chính là
một cách thiết thực để đẩy lui thất nghiệp.
Ngược
lại, khi nhìn sự thể với nhãn quan đấu tranh theo lối hơn bù kém nghĩa là cái
được của người này là cái mất của người khác, thì nhà nước tạo ra hiện tượng
tranh ăn vì phe nào cũng muốn giành cho mình một phần bánh lớn hơn thay vì nghĩ
đến sản xuất một cái bánh to hơn. Hậu quả của tâm lý đó là làm sản xuất co cụm
và thất nghiệp kéo dài.
Vũ Hoàng: Xin cảm ơn ông
Nghĩa về những lý luận rất cơ bản này của kinh tế học.
Theo
dòng thời sự:
Copyright
© 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
No comments:
Post a Comment