Sunday 22 July 2012

BIỂU TÌNH, PHẢN KHÁNG & LẬT ĐỔ (Hùng Tâm / Người Việt)




Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, July 11, 2012 6:21:01 PM


LTS: Thời sự dồn dập hàng ngày trên cả địa cầu có thể giúp chúng ta biết được là chuyện gì đang xảy ra trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta không hiểu được vì sao lại xảy ra một biến cố như vậy, và hậu quả sau này sẽ ra sao... Cũng vì lý do ấy, nhật báo Người Việt mở thêm một tiết mục và lưu trữ trên trang mạng Người Việt Online để quý độc giả tham khảo. Ðó là mục “Hồ Sơ Người-Việt”, xuất hiện Thứ Năm mỗi tuần, với nội dung trình bày khung cảnh khách quan của một vấn đề và, nếu có thể, một số dự báo về tương lai hầu độc giả khỏi ngỡ ngàng khi sự biến xảy ra. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả...

-----------------------------

Hàng ngày, thời sự thường loan tải tin tức và đôi khi hình ảnh về các cuộc biểu tình phản kháng xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Người Việt chúng ta, ít ra là những ai quan tâm theo dõi, có nghe nói hoặc chú ý đến các cuộc biểu tình trong nước để phản đối sự bành trướng ngang ngược của Trung Quốc. Nhà cầm quyền tại Hà Nội kiểm soát và đàn áp khá triệt để vì e ngại là các cuộc biểu tình ấy có thể chuyển mục tiêu là đấu tranh cho dân chủ và nhắm vào chế độ độc tài.

Tại các quốc gia khác, mục tiêu và đối tượng của biểu tình thường tập trung vào chế độ, như tại Tunisia, Egypt, Libya, Yemen, Sudan. Cũng có trường hợp biểu tình của một đảng đối lập và quần chúng của mình để phản đối đảng cầm quyền, như đã thấy tại Thái Lan giữa hai phe áo vàng áo đỏ từ năm 2007. Hiền hòa như xứ Na Uy cũng có nhiều vụ biểu tình của công nhân dầu khí. Tự do như nước Mỹ cũng có biểu tình của phong trào “Tea Party” bên cánh hữu hoặc “Chiếm đóng Wall Street” bên cánh tả.

Trong các biến động này, ta có thể thấy nét chung là sự phản kháng của người yếu chống lại kẻ mạnh. Nhưng về mục tiêu hoặc phương thức thì lại có nhiều khác biệt.

Từ biểu tình, người ta có thể vận động một cuộc nổi dậy, hoặc tổng nổi dậy để lật đổ nhà cầm quyền mà không dùng giải pháp quân sự. Người ta cũng có thể biểu tình để hỗ trợ một đòi hỏi, hoặc tác động vào một tiến trình thương thuyết. “Hồ Sơ Người-Việt” sẽ trình bày khung cảnh của hiện tượng này.

Ðịnh nghĩa và phân biệt

Hàng tuần, chúng ta chứng kiến các cuộc biểu tình hay lãng công (từ chối làm việc) để đòi hỏi điều kiện sinh hoạt trong một tập thể, như lương bổng hay quy chế lao động trong doanh nghiệp, hoặc luật lệ về môi sinh của một thị xã. Ra khỏi tập thể hay địa phương này, các cuộc biểu tình ấy đều ít được chú ý và chẳng có ảnh hưởng. Nhưng thế giới lại có những cuộc biểu tình phản kháng nhằm đưa tới một thay đổi chính trị. Chúng ta sẽ tìm hiểu riêng về hiện tượng đó.

Trong mục tiêu “thay đổi chính trị”, người ta lại thấy nhiều biểu hiện hoặc biến thái khác.

Ban đầu, dân chúng Syria biểu tình chống chế độ cầm quyền của hệ phái Allawite tập trung vào gia đình hoặc vây cánh của Tổng Thống Bashar Al-Assad. Khi bị đàn áp, phong trào phản kháng lan rộng thành phong trào nổi dậy và dâng cao thành đấu tranh võ trang. Một năm sau, cuộc đấu tranh võ trang ấy đã trở thành cuộc vận động quốc tế, tức là có ảnh hưởng đến tính toán về ngoại giao và an ninh của nước khác. Ðáng chú ý nhất là Iran và Turkey, ở vòng ngoài là Liên Bang Nga, Hoa Kỳ, Trung Quốc hay Liên Hiệp Quốc.

Một trường hợp tương tự Syria nhưng đã phần nào ngã ngũ, là chuyện Libya.

Ban đầu cũng là biểu tình phản kháng rồi chuyển thành đấu tranh võ trang cho đến khi quốc tế can thiệp qua một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Sự tham gia quân sự của bốn thành viên Minh Ước NATO (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ý) đã kết thúc chế độ cai trị của Ðại Tá Muammar Ghaddafi.

Tại Egypt, phong trào phản kháng xuất phát đầu tiên từ giới trẻ và những người khát khao dân chủ. Nhưng các cuộc biểu tình đã dẫn đến kết quả khác. Ðó là làm cho các tướng lãnh chấm dứt vai trò lãnh đạo của Tổng Thống Hosni Mubarak nhưng lại tạo điều kiện cho sự lớn mạnh của Lực lượng Huynh Ðệ Hồi Giáo rồi biến thái thành đấu tranh chính trị, bầu cử và đấu trí giữa Thượng Hội Ðồng Quân Lực và tổng thống vừa đắc cử Mohammed Mursi.

Ra khỏi thế giới Á Rập Hồi Giáo, người ta được biết Trung Quốc cũng có hơn một trăm ngàn vụ biểu tình ở khắp nơi. Ngoài ra còn những vụ phản đối có bạo lực hay không của dân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương còn có hơn hai chục vụ tự thiêu của dân Tây Tạng từ các tỉnh Tứ Xuyên, Cam Túc hay Thanh Hải vào đến thủ đô (cũ) của Tây Tạng, là Lhasa. Người ta cũng muốn có “thay đổi chính trị”, thí dụ như hoàn cảnh lao động, giải trừ tham nhũng hoặc quy chế tự trị cho dân thiểu số.

Nhưng kết quả vẫn chỉ là đàn áp mà không có thay đổi.

Ðịnh nghĩa của đề mục chúng ta tìm hiểu lần này là 1) một phong trào phản kháng của người yếu thế chống cường quyền, 2) để tiến tới thay đổi chính trị, 3) với hậu quả có thể là bạo lực, 4) hoặc sự can thiệp ngoại giao, 5) hay quân sự của xứ khác; 6) làm cường quyền sụp đổ; hoặc 7) người biểu tình bị đàn áp mà không đạt kết quả.

Trong bảy bước chuyển hóa thật ra rất khác biệt như vậy, người dân biểu tình nghĩ sao, làm gì, có chiến lược hay tổ chức không? Một câu hỏi bên lề mà cũng có ảnh hưởng là truyền thông nhìn sự thể ra sao và tường thuật thế nào?

Chiến thuật, chiến lược và tổ chức

Tổng kết kinh nghiệm và hậu quả hay kết quả của nhiều vụ biểu tình phản kháng, người ta có thể thấy ra một số đặc tính hay điều kiện chung của hiện tượng này.

Khởi đầu là sự bất mãn và ước vọng thay đổi. Khi ước vọng không thành, người ta mới biểu tình phản đối và thật ra chỉ là một nhóm thiểu số yếu ớt trước quyền lực và trước khả năng trấn áp của hệ thống đương quyền. Hệ thống đó có thể là một đảng, một chính quyền có bạo lực công an hay quân sự để đàn áp.

Ban đầu thì chế độ chính trị này tìm hiểu vấn đề và có thể chấp nhận vài hình thái phản đối nhỏ để xả bớt sức ép của quần chúng bất mãn và chứng tỏ họ biết nghe ý dân hoặc tôn trọng dân chủ. Với điều kiện là người biểu tình chỉ có yêu cầu giới hạn chứ không đe dọa sự tồn tại của chế độ.

Nhưng nếu biểu tình vẫn lan rộng và lớn mạnh vì những đáp ứng còn giới hạn của chế độ, người ta bắt đầu có phong trào phản kháng. Phong trào là một tập thể tự phát, có quần chúng tham gia. Khi đối diện với một phong trào, chế độ bèn tính lại về rủi ro và có thể vận động các thành phần ủng hộ chế độ tổ chức biểu tình chống phản kháng, hoặc ra tay đàn áp.

Trong trường hợp thứ nhất là biểu tình chống biểu tình, yếu tố thành bại vẫn là tổ chức, là nghệ thuật biểu tình và tranh thủ hậu thuẫn của đa số vẫn còn vô tư hoặc đứng ngoài vòng tranh chấp. Chính quyền thường có ưu thế trong cách phản ứng vì có tay chân và tổ chức, từ “mặt trận tổ quốc” đến nghiệp đoàn hay các “đoàn thể quần chúng” do chế độ lập ra và nuôi dưỡng.

Trong trường hợp đàn áp, chế độ truy tìm thành phần nhân sự có ảnh hưởng trong trào để vừa triệt hạ hoặc mua chuộc, vừa tấn công quần chúng biểu tình. “Cầm tặc cầm vương”, hoặc diệt trừ lãnh tụ phản kháng và xoa dịu quần chúng là những giải pháp cổ điển.

Vì thế, khi bị đàn áp, phong trào chỉ tồn tại với hai điều kiện là còn lãnh đạo và quần chúng. Việc đàn áp có thể dẫn đến hai kết quả trái ngược. Hoặc là gây ra sợ hãi khiến quần chúng biểu tình phải rút lui, hoặc gây căm phẫn khiến thành phần đa số còn thờ ơ đứng ngoài bèn bước vào vòng tranh chấp. Yếu tố thành bại ở đây là bảo toàn được lực lượng (từ lãnh đạo biểu tình đến quần chúng phản kháng) và thuyết phục được người khác tham gia hoặc từ bỏ phương tiện đàn áp. Thuyết phục được quân đội đừng bắn vào dân là điều cần thiết, thuyết phục được quân đội bảo vệ người dân mà chống lại công an võ trang mới là thành quả quyết định.

Và càng tiến dần đến chỗ đe dọa chế độ thì rủi ro bị tiêu diệt lại càng cao, bạo lực càng dữ dội.

Then chốt là thông điệp

Từ giai đoạn thai nghén đến khi dàn trận đối đầu, yếu tố quan trọng nhất chính là “thông điệp”.

Ðó là trình bày nguyện vọng của người phản kháng một cách mạch lạc, không mâu thuẫn trong đòi hỏi, mà phải có tác dụng rộng lớn cho nhiều thành phần và địa phương khác nhau. Trí thức thành phố mà biểu tình thì thông điệp thường trừu tượng và cao xa nên khó vận động quần chúng ở thôn quê, hoặc các thành phần xã hội khác cùng tham gia. Chúng ta có thể thấy ra điều ấy trong cuộc biểu tình tại Iran sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 6 năm 2009.

Yếu tố thứ hai đáng chú ý là thành phố dễ có báo chí quốc tế. Dân biểu tình thường nhắm vào đối tượng này nên trưng biểu ngữ bằng tiếng ngoại quốc để truyền bá thông điệp. Khi truyền thông bị đẩy ra ngoài hoặc không loan tải, chuyện phản kháng bị yếu thế, chẳng có tác dụng vào quần chúng ở nơi khác. Với thế giới, hình như là quốc gia đó đã hết phản kháng - là chuyện oan uổng.

Yếu tố thứ ba là tổ chức, hoặc kỹ thuật tổ chức để kiểm soát kỷ luật. Trong cảnh tối sáng của phản ứng tự phát, người biểu tình chỉ nghĩ đến mục tiêu của mình là bày tỏ sự bất mãn. Những ai tổ chức biểu tình thì phải nghĩ xa hơn vậy, là làm sao điều hướng sự phẫn nộ vào một điểm chính của thông điệp “vì sao chúng tôi biểu tình”.

Nhưng ngoài thành phần tham gia vì lý tưởng cũng còn nhiều người khác. Ðương khi hỗn loạn thì nhảy ra cướp bóc là cách suy tính của những kẻ bị gọi là thổ phỉ. Cũng nhân dịp hỗn loạn mà còn gây loạn nhiều hơn và có những hành động khiêu khích làm thông điệp bị hiểu sai. Du đãng côn đồ có thể phá vỡ biểu tình vì hành động đốt nhà để hôi của. Tay chân của chế độ cũng có thể hủy diệt chính nghĩa của thông điệp phản kháng qua hành động quá khích.

Vì vậy, tổ chức, thông điệp và kỷ luật trong hành động là những tiêu chuẩn thành bại then chốt.

Nghệ thuật gây ấn tượng

Khi khơi mào biểu tình và nhất là khi biểu tình để lật đổ một hệ thống chính trị, những người khởi xướng đều phải nhớ một chuyện nằm lòng là “gây ấn tượng để làm thay đổi cách suy nghĩ và phản ứng của người khác”. Chữ “ấn tượng” ở đây là cảm quan sâu đậm có thể vượt qua sự hãi sợ mà chi phối hành động.

Khởi đầu là một nhóm người thiểu số trong một cộng đồng đông đảo. Nhóm thiểu số này nhìn xa trông rộng và muốn cộng đồng ấy thay đổi để gây áp lực thay đổi trong hệ thống chính trị. Tạo ra sự thay đổi ấy bằng thế cô lực kém là khó khăn phổ biến và chỉ có thể thành công nếu gây ấn tượng đủ mạnh để những người khác sẽ vì quyền lợi của họ mà tham gia vào việc công ích.

Gây ấn tượng có thể là chuyện “lượng”. Ðó là số người tham gia biểu tình trong mục tiêu làm cho quần chúng thờ ơ thấy ngày càng có nhiều người bất mãn và phong trào biểu tình thật ra đông đảo hơn là những gì được truyền thông báo chí hay lời đồn của thiên hạ nói tới. Nghệ thuật biểu tình có khi là nghệ thuật nhiếp ảnh. Chụp hình thể nào để gây cảm giác là có rất nhiều người bất mãn và phản kháng.

Gây ấn tượng sâu xa hơn chính là chuyện “phẩm”.

Ðó là nội dung của thông điệp, mẫu số chung của nhiều thành phần khác biệt. “Còn một người thiếu tự do là toàn thể chúng ta chưa có tự do” là loại thông điệp phổ biến, được cô đọng thành khẩu hiệu dễ nghe dễ nhớ. Nếu lại tìm ra một vài hình ảnh về nạn nhân tiêu biểu, một bé gái, cụ già hay một thiếu nữ hiền lành tử tế mà tan thây mất mạng, hoặc bị đánh đập tàn tệ là loại ấn tượng có thể làm chế độ sụp đổ.

Nhưng, nghệ thuật “gây ấn tượng” này đòi hỏi một điều kiện then chốt: Phải có cử tọa, phải có người biết, tức là phải có tường thuật.

Trăm người tự thiêu trong rừng không có ảnh hưởng bằng một người ở giữa ngã tư đông dân. Ống kính của báo chí vì thế cũng là một phương tiện biểu tình và gây ấn tượng. Các chế độ độc tài đều kiểm soát được báo chí và gây ấn tượng ngược. Phong trào biểu tình phải vượt qua chướng ngại ấy mà không nên chỉ trông cậy vào truyền thông ngoại quốc.

Nghệ thuật gây ấn tượng cao cấp nhất là khả năng tổ chức ra biến cố và chuẩn bị trước sự tường thuật của truyền thông về biến cố đó. Mà phải làm sao để truyền thông không có cảm tưởng là họ bị sai khiến!

Hồ Sơ Người-Việt vừa trình bày một số khái niệm và phương thức có vẻ trừu tượng về hiện tượng biểu tình và phản kháng. Nhưng mục tiêu đó là gì?

Với người quan sát và tường thuật, mục tiêu là để ta ý thức được là có sự bất mãn, tuyệt vọng. Nhưng cách bày tỏ lại không đơn giản và thống nhất. Thí dụ như có phong trào dân chủ nổi dậy để lật đổ cường quyền ở nơi nào đó. Sự đời không đơn giản như vậy. Chuyện Egypt là thí dụ.

Với người lý tưởng có ước vọng thay đổi, mục tiêu là để nhắc nhở về chiến lược, chiến thuật, tổ chức và phát triển khả năng gây ấn tượng. Truyền thông không thể làm việc tuyên truyền và truyền thông càng tự do thì càng có khả năng phán đoán cao. Tranh thủ được truyền thông để người ta thấy rằng một chế độ xấu xa sẽ không thể tồn tại được là một điều cần thiết.

------------------------------

Bài liên quan :

Kimhoangnguyen
Saturday, July 14, 2012 5:00:31 PM

Về “Biểu tình, phản kháng và lật đổ,” báo Người Việt ngày 11 tháng 7

Những điều ông nêu ra trên nguyên tắc biểu tình chỉ có giá trị ở các nước Tây phương không dễ dàng áp dụng ở TQ hay VN. Ở TQ và VN cơ cấu tổ chức chính quyền giống y chang nhau, không để sơ hở cho các cuộc biểu tình phản kháng.

Ở các nước khác quân đội là của quốc gia nhưng ở TQ và VN quân đội là của đảng cộng sản. Tất cả sĩ quan các cấp, hạ sĩ quan thậm chí binh sĩ đều là đảng viên, mà hễ là đảng viên chỉ phục vụ cho quyền lợi của đảng mà thôi. Nếu công an không đủ khả năng bảo vệ, họ dùng lực lượng quân sự để đè bẹp, điển hình là vụ Thiên An Môn.

Vụ Thiên An Môn xảy ra, thế giới có lên án TQ chiếu lệ, sau đó các nhà tư bản phương Tây cùng với Nhật và Nam Hàn ồ ạt tranh nhau đổ tiền của vào đầu tư ở TQ, kẻo chậm tay sẽ mất phần. Chỉ trong vòng 20 năm TQ trở thành cường quốc kinh tế chỉ tạm thời xếp sau Mỹ, chờ một thời gian ngắn sẽ qua mặt Mỹ. Mô hình chính trị kiểu TQ có hiệu quả cho nên trong thời gian ngắn đã đưa đất nước TQ trở nên giàu có. VN đã theo con đường của TQ cho nên sắp lọt vào tay TQ. Dân chúng thì bất mãn nhưng đảng tỉnh bơ.

Kimhoangnguyen





No comments:

Post a Comment

View My Stats