Sunday, 22 July 2012

BẮC HÀN ĐẤU ĐÁ QUYỀN LỰC THƯỢNG ĐỈNH (Hà Tường Cát / Người Việt)




Hà Tường Cát (tổng hợp)
Saturday, July 21, 2012 2:10:36 PM

Báo Nam Hàn: Cựu tham mưu trưởng bị bắn chết

BẮC HÀN (NV) -Nhật báo Choson Ilbo ở Nam Hàn hôm 19 tháng 7 đưa tin Tướng Ri Yong-ho, cựu tham mưu trưởng quân đội Bắc Hàn bị thương hoặc có thể đã chết trong một cuộc đụng độ giữa các quân nhân cảnh vệ trung thành với ông và quân chính phủ sau khi Chủ Tịch Kim Jong-un loan báo bãi nhiệm ông ta hồi đầu tuần.

Tướng Ri Yong-ho đã là người luôn có mặt bên cạnh lãnh tụ Kim Jong-il. Hình nhỏ bên góc là tân Tổng Tham Mưu Trưởng Hyon Yong-chol. (Hình: Getty Images)

Mặc dù tin trên chưa được kiểm chứng xác nhận, điều này thể hiện sự quan tâm của dư luận và từ đó có nhiều đồn đại xung quanh vụ tranh chấp quyền lực trong nội bộ đảng và chính quyền Bắc Hàn. Sự vắng mặt dù mới chỉ mấy ngày của Tướng Ri Yong-ho cũng đã đủ để có những tin đồn kiểu như vậy.

Julian Ryall, phóng viên thường trú ở Tokyo của nhật báo Anh The Telegraph, khẳng định là “không có dấu hiệu nào chứng tỏ Tướng Ri Yong-ho đau yếu như lời giải thích chính thức và đơn giản đây là chuyện tranh giành quyền lực.”

Người ta nhớ rằng khi cầm đầu một phái đoàn đến thăm Lào hồi tháng 5 năm nay, Ri Yong-ho rõ ràng còn rất khỏe mạnh ở tuổi 69. Theo Ryall, chỉ vì Kim Jong-un tới lúc cần xác định ảnh hưởng tuyệt đối trong đảng và chính quyền, còn nếu quả thật Ri Yong-ho có ý định chống đối hay âm mưu đảo chính thì rồi người ta sẽ thấy ông ta bị thủ tiêu hoặc cùng gia đình bị đưa đến trại tập trung cải tạo.

Những quan sát viên khác dự đoán, việc đột ngột bãi chức Ri Yong-ho nhằm dẹp bỏ sự chống đối cho những cải cách kinh tế quan trọng mà Kim Jong-un muốn thực hiện.

Tờ New York Times dẫn tin trong một website của một giới chức Bắc Hàn đào tị ở Seoul, cho rằng Kim Jong-un khởi sự tước bỏ quyền lợi béo bở của giới quân sự về độc quyền xuất cảng, và đây là một đường lối táo bạo nhằm hai mục tiêu: phục hồi sinh khí cho nền kinh tế trì trệ và giảm thiểu quyền lực quá mạnh của giới tướng lãnh quân đội.
Thông tấn xã Reuters phụ họa điều này, dẫn nguồn tin không nêu danh từ các giới thân cận chính quyền ở Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, nói rằng Ri Yong-ho bị loại vì chống lại kế hoạch thu hồi quyền nắm giữ kinh tế của quân đội. Ri Yong-ho đã là tiêu biểu của chính sách “songun” (tiên quân) do cố lãnh tụ Kim Jong-il đề ra.

Kim Jong-un muốn thay thế Ri Yong-ho, một tư lệnh quân đội kỳ cựu phái diều hâu, bằng một tướng lãnh trẻ hơn, thân cận với ông ta hơn và chịu sự chi phối của đảng nhiều hơn. Tân tổng tham mưu trưởng vừa được bổ nhiệm, Tướng Hyon Yon-chol, được giới quan sát quốc tế xem là một “ẩn số” vì có rất ít thông tin về thân thế, sự nghiệp cũng như khó thấy hình ảnh của ông đăng tải trên báo chí, các trang mạng ở Bắc Hàn và nước ngoài. Người ta không biết gì về xuất xứ, quê quán, tuổi tác của Hyon Yong-chol nhưng thông tấn xã Nam Hàn Yonhap dự đoán khoảng 60 tuổi. Hyon Yong-chol lên trung tướng năm 2002 và 8 năm sau, tháng 9 năm 2010, được phong cấp đại tướng cùng với 5 người khác, trong đó có Kim Jong-un.

Hôm Thứ Tư, 18 tháng 7 vừa qua, Kim Jong-un được phong lên chức nguyên soái, chỉ huy tối cao quân đội nhân dân Triều Tiên, một lực lượng 1.2 triệu binh sĩ tại một quốc gia chỉ có 24 triệu dân. Như vậy lãnh tụ 29 tuổi này đã có hàng loạt các danh vị và cùng lúc nắm giữ tất cả các chức vụ lãnh đạo. Bốn phó nguyên soái là Hyon Yong-chol, tổng tham mưu trưởng; Choe Ryong-hae, tổng cục trưởng Tổng Cục Chính Trị quân đội; Kim Jong-gak, bộ trưởng các lực lượng vũ trang (tức là Bộ Quốc Phòng) và Kim Yong-chun, phó chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng.

Giáo Sư Toshimitsu Shigemura Ðại Học Waseda ở Tokyo và là tác giả nhiều cuốn sách nói về ban lãnh đạo Bắc Hàn, tin rằng sự bổ nhiệm Hyun Yong-chol chỉ có tính tượng trưng và sự ra đi của Ri Yong-ho mới có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều. Ông cho rằng Hyun được chọn dù không có thế lực trong quân đội vì ông ta không là mối đe dọa cho chế độ và chỉ là người thi hành mệnh lệnh của Kim Jong-un. Theo ông, Choe Ryong-hae, người không có quá trình quân sự nắm chức vụ tổng cục trưởng Tổng Cục Chính Trị quân đội chứng tỏ đảng tìm cách thu hồi lại một số quyền lực đã lọt vào tay quân đội trong quá khứ. Giáo Sư Shigemura nói là chắc chắn giới quân đội sẽ không hài lòng với những thay đổi này, “tuy nhiên sẽ không có sự sụp đổ chế độ trong tương lai gần.”

Kim Jong-un hiểu rõ rằng duy trì sự ủng hộ của quân đội là yếu tố căn bản của chế độ, nhưng có lẽ ông ta cho rằng cải cách kinh tế là cần thiết. Quân đội không tán thành cải cách theo chiều hướng kinh tế thị trường kiểu Trung Quốc và đường lối đối ngoại hòa dịu, vì sẽ làm hạ vai trò của quân đội trong chế độ. Phối hợp những mâu thuẫn ấy, phải tiến tới từng bước. Những chuyển biến đầu tiên này có lẽ thực hiện bằng sự hỗ trợ của ông dượng rể Jang Song-thaek, chồng cô em gái của Kim Jong-il, người đã được Jong-il đặt hoàn toàn tin tưởng có đủ khả năng và thế lực nâng đỡ cho Kim Jong-un. Ðiều này phần nào đã được chứng minh trong giai đoạn nhà lãnh tụ trẻ tuổi tiếp thu quyền lực êm thấm và vững vàng sau khi ông bố qua đời tháng 12 năm ngoái. Tình báo Nam Hàn cũng xác nhận là việc loại Ri Yong-ho có sự cố vấn và hỗ trợ từ Jang Song-thaek và Choe Ryong-hae.

Như vậy, ở một chế độ độc tài và với chủ trương tôn sùng cá nhân mạnh mẽ như Cộng Sản Bắc Hàn, những thủ đoạn thâu tóm quyền lực vào tay một lãnh đạo duy nhất không phải là chuyện mới lạ, sớm muộn cũng có lúc phải xảy ra dưới hình thức này hay hình thức khác. Cái mà người ta chờ đợi là phải chăng những chuyển động này sẽ mở đường cho Bắc Hàn đi đến cải cách kinh tế và theo đuổi một đường lối đối ngoại bớt hung hăng gây hấn hơn, từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí nguyên tử và người dân Bắc Hàn sẽ có cuộc sống tốt đẹp bình an hơn. (HC)




No comments:

Post a Comment

View My Stats