Friday, 20 July 2012

BÁO NGƯỜI VIỆT THIẾU CAN ĐẢM & SỢ BIỂU TÌNH (Bùi Văn Phú)




Nhà báo tự do Bùi Văn Phú
Gửi đến BBC Tiếng Việt từ Mỹ
Cập nhật: 11:22 GMT - thứ sáu, 20 tháng 7, 2012

Nhật báo Người Việt ở Hoa Kỳ là tờ báo lớn và có tiếng nhất của người Việt hải ngoại. Ra đời từ năm 1978, báo này đã có được thế đứng vững vàng và trước nay chứng tỏ không bị áp lực từ phe nhóm hay tổ chức nào.

Tôi đã có một thời gian dài cộng tác với Người Việt qua nhiều bài phóng sự và bình luận.
Vài năm qua, một vài thử thách về cách đưa ra những quan điểm khác biệt trên mặt báo này đã gây ra chuyện chà đạp lên quyền tự do báo chí.

Tự do báo chí ở đây là phản ánh những quan điểm trái nghịch trên mặt báo và quyền bảo vệ ký giả, bảo vệ nguồn tin. Trong một xã hội tự do, dân chủ, người làm báo cũng như người dân trân trọng sự tự do này, cho dù những quan điểm đưa ra nghe rất chói tai, nhức óc.

Tư duy cuộc chiến
Nói về quan điểm trái nghịch nhau thì tương phản nhất là quan điểm về cuộc chiến Việt Nam và hệ lụy của nó. Đề tài này luôn gây tranh cãi giữa người Việt với nhau, giữa những điều gọi là thắng thua, giữa thất bại và thành công. Cũng như người dân Hoa Kỳ là quốc gia đã có những can dự sâu đậm vào Việt Nam và đến nay cũng vẫn có những tranh cãi do bởi hệ lụy của cuộc chiến này.

Người dân Việt trong nước vì thiếu tự do phát biểu quan điểm, ý kiến riêng nên không thể tranh luận về nguyên ủy và hệ lụy của cuộc chiến cũng như về tự do dân chủ cho Việt Nam.
Trong khi tại hải ngoại, nhất là từ sau khi Internet bùng phát, trên nhiều diễn đàn, các cơ sở thông tin báo chí đều có những quan điểm trái nghịch nhau.

Mới đây, khi Người Việt cho đăng ý kiến của độc giả Sơn Hào về hệ quả của chiến tranh Việt Nam trên số báo ngày 8-7-2012, như một phản biện cho bài viết của ông Nguyễn Gia Kiểng, viết cho diễn đàn Thông Luận từ tháng 5-1999, được Người Việt cho đăng lại vào ngày 16-4-2012 về cách nhìn của tác giả về ngày 30-4-1975.
Ông Kiểng viết: “Ngày 30 tháng 4, 1975 đã không đến trong niềm vui thống nhất đất nước, hòa giải và hòa hợp dân tộc mà mọi người mong ước.”
Theo ông, đất nước Việt Nam sau đó là những trại học tập cải tạo giam hàng trăm nghìn cựu quân cán chính Việt Nam Cộng hoà, trí thức bị đàn áp, bỏ tù, các quyền tự do căn bản bị chà đạp và ngay những người đã từng ủng hộ chế độ Hà Nội như Nguyễn Thanh Giang, Tiêu Dao Bảo Cự vì lên tiếng phản kháng với nhà nước mà bị canh chừng, quản chế.

Về các hệ lụy của ngày 30-4-1975, ông Kiểng viết:
 “Các xí nghiệp tư cũng được ‘tiếp thu.’ Thanh thiếu niên diện ‘ngụy quân ngụy quyền’ bị đuổi khỏi trường học. Các đường phố, trường học mang tên những danh nhân miền Nam được đổi thành những đường mang tên liệt sĩ cộng sản, có khi chỉ là những tay khủng bố rất tầm thường.”

Ông nhận định: “Hòa giải và hòa hợp dân tộc được hiểu một cách giản dị là tha chết cho kẻ chiến bại.”

Nhìn chung, ông Kiểng coi này 30-4 là một ngày đau buồn của dân tộc Việt Nam.

Phản bác lại cách nhìn của ông Nguyễn Gia Kiểng, Sơn Hào cho rằng những người lính Việt Nam Cộng hoà chỉ là thành phần tay sai, có nợ máu cần được cải tạo.
Theo độc giả này thì 30-4 là ngày vui của cả dân tộc và “… chỉ có đội quân xâm lược Mỹ và bè lũ Việt gian tay sai của Mỹ là thất thủ, là mất miền Nam, mất Sài Gòn, còn dân tộc Việt Nam, cả Nam lẫn Bắc là người thắng trận, thu giang sơn về một mối, chấm dứt ách thống trị của thực dân mới.”

Ý kiến tương tự như của Sơn Hào trước đây đã có trên các báo trong nước và ngày nay được thấy qua những phản hồi trên mạng thông tin điện tử, kể cả những diễn đàn quốc tế như VOA, BBC hay RFA.
Quan điểm này giống như quan điểm chính thống của nhà nước Việt Nam.

Hai quan điểm trái nghịch này có được sự tán đồng của nhiều người hay không thì không thể biết rõ vì không có những thăm dò, nghiên cứu khách quan và khoa học.
Quan trọng nhất là hơn 80 triệu dân Việt trong nước hiện không được tự do biểu lộ nên không biết được đa số nằm ở đâu.

Lo sợ phản ứng
Là một tờ báo lớn đã làm đúng chức năng thông tin khi cho những quan điểm trái nghịch được thể hiện, nhưng ban chủ trương báo Người Việt sau đó lại lo sợ phản ứng của một số người và đã phải xin lỗi cộng đồng, đuổi người trách nhiệm.
Nếu có người kéo đến biểu tình thì đó cũng là quyền của người dân để lên tiếng nói bất đồng. Tuy nhiên việc đưa ra quan điểm trái nghịch là việc phải có trong một xã hội tự do dân chủ. Vấn đề là cách đưa ra lá thư độc giả rất nhạy cảm này. Và có kiểm chứng được độc giả này là ai chưa trước khi đăng?

Không phải đến nay báo chí Việt ngữ ở hải ngoại mới trình bày những quan điểm khác nhau về cuộc chiến hay đưa ra những cái nhìn khác nhau về đất nước Việt Nam.

Đầu năm 1998 tôi thực hiện cho nhật báo Thời Báo ở San Jose cuộc phỏng vấn hai người với hai quan điểm trái nghịch.

Tờ Thời Báo đã từng bị phản đối sau bài phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Phong

Tổng Lãnh sự Nguyễn Xuân Phong đưa ra quan điểm của nhà nước Việt Nam và Thẩm phán Phan Quang Tuệ đưa ra quan điểm của người quốc gia chống cộng sản.

Sau khi Thời Báo Xuân Mậu Dần 1998 với chủ đề “Việt Nam Nhìn Từ Hai Phiá” với các bài phỏng vấn được phát hành thì sóng gió và tranh cãi nổi lên trong cộng đồng người Việt.

Nhiều người đã kéo tới biểu tình trước toà soạn để phản đối. Các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng trời, tổng cộng 86 lần, đòi hỏi chủ bút xin lỗi và nêu danh tính phóng viên thực hiện phỏng vấn nhưng người chủ trương tờ báo không nhượng bộ vì đã không làm gì sai khi cho cả hai phiá có tiếng nói.

Sau này cũng đã có một số báo khác ở California phỏng vấn quan chức cộng sản Việt Nam và những nhân vật bất đồng với chính sách cai trị của Hà Nội.
Cũng có báo đã đăng những bài viết đưa ra những quan điểm trái nghịch về Việt Nam và đã có biểu tình phản đối nhưng không lớn và kéo dài như đã xảy ra với nhật báo Thời Báo ở San Jose.

Đưa ra những quan điểm trái nghịch nhau là phản ánh sinh hoạt tự do báo chí trong một xã hội dân chủ. Đây là điều mà báo chí trong nước không có được.

Trong một nền dân chủ pháp trị, biểu tình là quyền của người dân nhưng tự do báo chí không thể giới hạn.

Theo Thomas Jefferson: “Tự do của chúng ta tùy thuộc vào nền tự do báo chí và giới hạn tự do đó tức là làm mất nó” (Our liberty depends on the freedom of the press, and that cannot be limited without being lost.)

Vụ việc báo Người Việt đuổi nhân viên liên quan đến thư độc giả mới đây cho thấy Người Việt không vững tin và can đảm để thể hiện quyền tự do báo chí.

Bên trong trụ sở của báo Người Việt có treo một bức tranh phản ánh tu chính án thứ nhất. Những người làm việc ở toà soạn mỗi ngày có nhìn vào đó và hiểu được ý nghĩa của nó không?

Tác giả hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco. Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả.

-------------------------------------------






No comments:

Post a Comment

View My Stats