Thứ tư, ngày 18 tháng bảy năm 2012
Dân
tàn vì nước mạt
Chúng ta đang chứng kiến một thực tế
là đất nước ta đang lụn bại: từ kinh tế đến chính trị, từ giáo dục đến y tế, từ
xã hội đến văn hóa. Điều này thì rõ như ban ngày, không thể chối cãi hoặc ngụy
biện, trừ khi nhắm mắt, bịt tai vì hưởng lợi, hoặc lấy triết lý AQ ra chống chế mà thôi.
Vấn đề là chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem, nguyên nhân nào
đưa đến thảm cảnh trên?
Có nhiều góc nhìn để kiến giải cho
thực trạng bi đát hiện nay: lãnh đạo sai lầm hoặc không có tâm, bị biến chất,
Đảng bị thoái hóa, mất lý tưởng chiến đấu, tình hình đất nước chịu hậu quả
chiến tranh, xuất phát điểm thấp, dân trí thấp, pháp luật chưa nghiêm, quản lý
còn nhiều kẽ hở, nền giáo dục kém,….cho đến qui trách nhiệm cho những phẩm chất
kém của người Việt: làm ăn chụp giựt, toan tính cá nhân,…(Xem bài viết người Việt xấu xí).
Tiếp tục với góc nhìn từ hai bài viết
trước “không thoát khỏi bàn tay Phật Tổ” và “nhân dân khốn khổ vì đâu”, tôi xin
kiến giải thực trạng đất nước hiện nay qua góc nhìn của sự vận hành cỗ máy kinh
tế.
Từ một thực tế: là các công ty nhà
nước gây ra khoản nợ nần lên đến 2 triệu tỷ (nếu chia bình quân 90 triệu dân
thì mỗi người dân gánh khoản nợ 22 triệu-bằng thu nhập trong 1 năm). Để cứu
khoản nợ này, chính phủ phải in tiền. Đó là một giải pháp rút ruột mọi người
như các bạn đã biết. Khi lạm phát xảy ra thì kinh tế đình đốn, phá sản. Tất cả
người dân đều thiệt hại, không ai thoát được; đến buôn bán ổn định như nhà buôn
bán gạo cũng bị mất mát tài sản như đã ví dụ ở trước. Càng làm ăn qui mô càng
lỗ nặng vì không thể xoay sở được. Lạm phát như những trận lụt tàn phá tất cả,
khi đó ai gọn nhẹ mới thu dọn và tránh kịp. Mà lạm phát ở Việt Nam thì thường
xuyên xảy ra. Khoảng 3-4 năm lại có một lần trầm trọng. Bạn đọc hãy suy nghĩ xem
tại sao Việt Nam lại có lạm phát thường xuyên và khốc liệt đến vậy? (Xin đoán
đọc bài viết “tiền tệ và nô lệ” để
có góc nhìn về vấn đề này).
Sau một lần “lụt” vậy là trắng tay
nên người làm ăn họ rút kinh nghiệm, họ không đầu tư kinh doanh nghiêm túc mà làm
ăn nhỏ lẻ mang tính chụp giựt, đầu cơ là chính. Đó là lý do vì sao Việt Nam
không có nền sản xuất mạnh, có những công ty lớn như Hàn Quốc, thậm chí đến tăm
xỉa răng cũng không muốn làm. Nền kinh tế liên tục sốt mặt hàng này, sốt mặt
hàng kia rồi vỡ tung làm cho dân tình khốn đốn. Đó là một nét lớn chi phối nền
kinh tế chúng ta.
Một nét nữa là: với cương lĩnh xây
đất nước lấy kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể làm chủ đạo có vai trò định
hướng XHCN trên nền kinh tế thị trường. Cái tên: kinh tế thị trường định hướng
XHCN được lý luận là khắc phục mặt trái kinh tế thị trường mang lại công bằng
cho dân, nhất là tầng lớp nghèo; khi nghe gây cảm giác rất tốt đẹp. Nếu người
dân ít có kiến thức kinh tế (như phần lớn dân Việt Nam) chắc chắn sẽ ủng hộ. Họ
không biết rằng họ đã ủng hộ một mầm mống
tai
họa không chỉ cho họ mà cho đời con cháu họ nữa. Đến hôm nay
thì việc đã rõ như ban ngày. Một nguyên lý lớn “tiền có làm mới tiếc” rất đơn
giản mà cả xã hội đã bỏ qua. Tiền mình làm ra mới quý trọng, từ đó mới tính
toán, dè dặt trong đầu tư làm ăn làm sao nó sinh lợi. Kinh tế nhà nước tức là
lối làm ăn bằng tiền chùa. Từ lối làm ăn này bao nhiêu hệ quả tồi tệ xảy ra:
lãng phí, vô trách nhiệm, rút ruột, tham nhũng,….. Doanh nghiệp, công ty, tập
đoàn nhà nước như những đứa con có tên rất đẹp “quả đấm thép” nhưng lại là
những cậu ấm, cô chiêu ăn diện phá nát tiền của bố mẹ-tiền của nhân dân. Sau
một thời gian vừa ăn vừa phá vừa nói dối vừa đánh bóng, cuối cùng thì điều gì
đến cũng phải đến. Những tai tiếng vang rền mang tên Vina: Vinashine,
Vinaline.. EVN, Sông Đà, PetroVietNam liên tiếp nổ ra với những con số nợ nần
mà ngay cả chuyên gia cũng phải lúng túng mới đọc được: hàng triệu tỷ. Khác với
sự sòng phẳng: lời ăn, lỗ chịu của nền kinh tế mà ngày đêm ta bêu riếu là xấu
xa: tư bản; thì ta lại phải chi tiền ra cứu những đứa con hư hỏng này. Tiền đâu
phải từ trên trời rơi xuống, nó là mồ hôi, nước mắt lao động để tạo nên: tiền
thuế, tiền cướp đoạt qua lạm phát, tiền đủ thứ phí, tiền vay nợ, tiền bán tài
nguyên xương máu cha ông. Cuối cùng thì hình tượng sau lại rất đúng: những quả
đấm thép đó đã đấm vào bụng nhân dân vốn đã xẹp lép để buộc nhân dân phải nôn
tiền ra.
Đó là một hệ quả xấu đã chứng thực ở
kiểu tiêu tiền chùa, còn một hệ quả mang tính hiểm họa nữa là nạn tư bản thân
hữu. Hàng loạt doanh nghiệp được gọi là tư nhân thì lại chính xác là sân sau
của vợ con, dòng họ, bạn bè những người đang nắm những đại công ty, những tập
đoàn nhà nước, những chức vụ lớn có quyền ban phát trong bộ máy chính quyền.
Chúng cấu kết nhau, bắt tay nhau để ảo thuật những khoản đầu tư, đẩy những
khoản này lên trời để chia chác nhau một cách hợp pháp qua hệ thống hóa đơn,
chứng từ.
Khi chúng ta trao sự chủ đạo của nền
kinh tế vào tay nhà nước, đồng nghĩa với việc chúng ta dành những nguồn lực to
lớn của đất nước cho chúng: đất đai, khoáng sản, tài nguyên, tài chính, vay
nợ,….đây thật sự là những nguồn lực căn bản để một đất nước xây dựng nền kinh
tế mang lại thịnh vượng cho dân tộc. Nó là những nguồn máu quí giá cho toàn
dân, nhưng thực tế nó được sử dụng thế nào? Nó bị dùng lãng phí, bị chia chác
nhau vì đó là của chùa, hoặc bắt tay với người ngoại quốc để bán rẻ, hoặc cùng nhau nâng giá mua
đồ quá đát của nước ngoài với giá cắt cổ.
Hệ quả vẫn chưa dừng lại ở đó thưa
quí bạn hữu. Chủ thuyết Mác-Lênin lấy doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo. Đây
thật sự là một sai lầm có tính hệ thống và nó tạo ra những cái sai tiếp theo
một cách logic. Hãy lấy vấn đề giáo dục ra phân tích. Giáo dục VN hiện tại rất
be bét. Một hệ thống khổng lồ với nhiều lực lượng hưởng lương, một vỏ bề ngoài
đến 9.000 giáo sư, tiến sĩ nhưng sự sáng tạo gần như bằng không. Tầng tầng lớp
lớp sinh viên ra trường nhưng gần như không có kỹ năng làm việc, không có trình
độ chuyên môn phù hợp. Đây thực sự là một vấn nạn: một sự lãng phí tiền của,
một sự khập khiễng cho nền kinh tế. Nhiều cuộc hội thảo, nhiều chuyên gia phân
tích để tìm ra nguyên nhân yếu kém của nền giáo dục và sự sáng tạo của trí thức
VN. Đã có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, đã có nhiều cải cách được tiến hành,
đã có nhiều phong trào được phát động, nhiều khẩu hiệu được hô lên vô cùng mạnh
mẽ nhưng kết quả thì như quí bạn đã biết. Một con số không to tướng, chưa nói
là ngày càng xấu hơn với minh chứng ở sự bắt tay nhau để gian dối có hệ thống ở
trường PTTH Đồi Ngô. Vì sao vậy? Vì nhiều người chưa thấy được là giáo dục cũng
là một ngành nghề, một bộ phận trong hệ thống nền kinh tế. Sản phẩm nó làm ra
được trao đổi qua một thị trường được gọi là thị trường lao động. Sản phẩm của
ngành giáo dục là đầu vào quan trọng của tất cả ngành nghề còn lại: nguồn nhân
lực. Cũng như những sản phẩm khác, nếu được chế tạo trong các xí nghiệp nhà
nước thì cực kỳ kém chất lượng (hãy nhớ thời bao cấp với xà phòng nhão và vải
bục) vì nó không có động lực để cải tiến để làm tốt, để giữ thương hiệu. Từ
đông sang tây, từ thời bao cấp đến nay đã chứng minh cho nhận định này.
Điều tồi tệ cho giáo dục vẫn chưa
dừng ở đó. Một nền kinh tế mà phần lớn do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ kết hợp
với một nền chính trị toàn trị thân thế thì ở đó người tài hay có năng lực
không được xem trọng vì tính cạnh tranh không có. Điều này dẫn đến người học
cần bằng cấp hơn là thực học. Chính điều này lại chi phối ngược lại nền giáo
dục, cho nên bệnh hình thức, sính bằng cấp, học giả bằng thật, chạy chức là
điều tất yếu. Như vậy hai gọng kiềm “giáo dục công” và “doanh nghiệp nhà nước,
chính trị toàn trị” đã phá nát nền giáo dục của chúng ta, đã tận diệt khả năng
sáng tạo của dân tộc Việt Nam.
Và điều cuối cùng tôi nhìn thấy
nguyên nhân nước ta tàn mạt là những điều trên đã có từ lâu nhưng không thể sửa
chữa hay khắc phục được. Vì sao vậy? Thông thường ở các nước khi phát hiện ra
sự sai trái, sự bất cập thì họ sẽ khắc phục để đất nước vươn lên. Họ làm được
điều đó vì họ có ngôn luận tự do, có nền chính trị đa nguyên. Cơ chế này cho
phép xã hội phát hiện ra hiểm họa và tập trung quyền lực từ nguyện vọng của
người dân để giải quyết và mọi người tránh được tai họa. Chúng ta thì bất lực
nhìn chiếc xe chở sinh mạng mình và người thân lao dốc mà không ngăn được. Tại
sao có nghịch lý này? Tại vì quyền lực xã hội chúng ta không phải hình thành
nên từ hành khách đi xe mà từ những tên tài xế, những tên lê xe, chính xác là
như vậy. Chúng có thể tăm tối hoặc tham lam mà lái chiếc xe này xuống vực thì
hành khách cũng phải chấp nhận. Lịch sử đã cho ta bài học cay đắng là vào những
năm 1980s nhân dân khốn khổ, đói kém vàng cả mắt vì ý tưởng đưa chiếc xe VN lên
thiên đường qua kinh tế bao cấp, qua chính sách ngăn sông cấm chợ. Thật là hãi
hùng, thật là khủng khiếp, nhân dân kiệt quệ gục ngã, van xin chúng để làm ăn,
để “xé rào” nhưng chúng nhất quyết không chịu. Chúng đánh đập, chúng bỏ tù,
chúng tử hình những ai chống lại ý chúng. Nhiều trí thức tinh hoa của dân tộc
đã thấy ra sai lầm dù mới chỉ nhỏ nhẹ khuyến nghị, năn nỉ chúng thay đổi là
cũng đi tù mục xương. Gây ra bao tai họa vậy, cuối cùng chúng viết vào sử sách
một dòng đơn giản “sai lầm do nóng vội, duy ý chí”. Còn gì khốn nạn hơn điều
này không?
Giới cầm quyền luôn nói với dân chúng
rằng họ hành động, họ chiến đấu, họ đại diện cho dân nghèo nhưng kỳ thực họ đã
làm một điều tồi tệ là đẩy đất nước đến lụn bại, kinh tế kiệt quệ, nhân dân lầm
than. Giống nòi suy kiệt phải làm thân tôi đòi, nô lệ kinh tế cho ngoại bang.
Chúng ta đã thua cuộc, chúng ta đã
bật máu và nước mắt trên cánh đồng khô cằn, trơ trọi. Chúng ta đã bất lực, đã
gục ngã trên chính quê hương mình, chúng ta đã bị cai trị ngu dốt, tàn bạo bỡi
chính đồng bào mình (từ ngoài nhìn vào hẳn không ai tự hào khi nước nhà độc lập
mà được cai trị dưới tay nhà họ Kim như ở Bắc Triều Tiên). Một lần nữa giới cầm
quyền lại huyễn hoặc những phẩm giá còn sót lại của dân tộc ta: trẻ, lao động
chăm chỉ, giá rẻ, khả năng thích nghi tốt, con gái VN đẹp, ngoan hiền (lời
Nguyễn Minh Triết khi giới thiệu tìm năng Việt Nam cho giới đầu tư “Con gái
Việt Nam đẹp lắm!”) để mời gọi ngoại quốc đến làm ăn, đầu tư. Họ đến và lấy đi
những gì là tinh hoa của của đất nước từ tài nguyên cho đến con người và trả
lại cho ta ít xương thừa trên mảnh đất bạc màu, ô nhiễm.
Kết quả hôm nay ta thấy ở một dân tộc
được cho là anh hùng, sáng tạo là gì? Hàng triệu nông dân chân lấm tay bùn,
còng lưng trên những mảnh ruộng manh mún bạc màu quanh năm mà không đủ ăn. Hàng
trăm ngàn người trẻ phải vào các nhà máy do người ngoại quốc mở ra để tận dụng
sức lao động rẻ mạt của dân ta, hàng ngàn người nghèo khổ lặn lội kiếm ăn ở các
mỏ đá để rồi đá sập chết thảm. Vẫn chưa hết, hàng triệu
người phải ra nước ngoài để bán sức lao động trong các nhà máy, làm các công
việc mà người bản xứ họ không thèm làm. Nhìn sự nghèo nàn, chậm tiến, thua kém,
trì trệ, của dân tộc thật là nghiệt ngã, cay đắng. Chúng ta đã gục ngã mà chưa
từng thấy được sự thịnh vượng phú cường, chưa thấy được sự văn minh, tự do của
một xã hội tiến bộ dân chủ đúng nghĩa.
Viết tiếp bài:
(bài do tác giả gửi đến)
No comments:
Post a Comment