Saturday, 12 April 2025

TRONG CUỘC THƯƠNG CHIẾN MỸ - TRUNG, VIỆT NAM CÓ LỰA CHỌN NÀO? (Hiếu Chân/Người Việt)

 



Trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung, Việt Nam có lựa chọn nào?

Hiếu Chân/Người Việt

April 11, 2025 : 6:43 PM

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/trong-cuoc-thuong-chien-my-trung-viet-nam-co-lua-chon-nao/  

 

Cuộc thương chiến càng lúc càng quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc đang đẩy kinh tế Việt Nam tới bờ vực sụp đổ. Chính quyền CSVN sẽ làm gì để thoát ra khỏi tình thế hiểm nghèo này?

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/04/BL-Viet-Nam-May-Mac-1536x1024.jpg

Một xưởng may gia công xuất cảng tại Sài Gòn. (Hình minh họa: Huu Kha/AFP via Getty Images)

 

Diễn biến mới nhất là Trung Quốc quyết định đánh thuế 125% lên toàn bộ hàng hoá nhập cảng từ Mỹ có hiệu lực từ Thứ Bảy, 12 Tháng Tư. Hành động của Bắc Kinh là phản ứng trả đũa mạnh nhất sau khi Tổng Thống Donald Trump tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 145% vào Thứ Tư, trong khi thông báo tạm dừng đánh thuế đối ứng lên tất cả các nước khác trong vòng 90 ngày, chỉ áp dụng mức thuế nhập cảng căn bản 10%.

 

Một số nhà phân tích cho rằng, quyết định của ông Trump hoặc là dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn nương tay với các nước để cùng hợp tác chống Trung Quốc, hoặc là dấu hiệu cho thấy ông Trump “quay xe” sau khi chứng kiến đà suy thoái trầm trọng của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, và nỗi bất mãn trong giới kinh doanh. Tòa Bạch Ốc thì cho biết ông Trump thay đổi ý kiến, tỏ ra khoan nhượng sau khi nhiều chính phủ thể hiện “ý định tốt,” chẳng những không trả đũa mà còn tìm cách đàm phán các thỏa thuận thương mại với Mỹ. Ông Trump đàm phán trực tiếp với một số quốc gia trong khi các giới chức cấp cao trong nội các chia nhau đón tiếp và thương thảo với đại diện một số quốc gia khác.

 

                                                              ***

 

Việt Nam nổi lên như một quốc gia “thức thời,” sớm có những biện pháp lấy lòng ông Trump với mong muốn được Mỹ “chiếu cố” cho giảm mức thuế đối ứng 46% mà ông công bố hôm 2 Tháng Tư. Reuters cho biết Hà Nội muốn mức thuế này giảm xuống còn 22%-28%. Trước khi Mỹ chính thức công bố thuế, Hà Nội đã quyết định giảm thuế hàng loạt sản phẩm nhập cảng từ Mỹ, cho phép hãng Starlink của tỷ phú Elon Musk – cố vấn thân cận của ông Trump – được thử nghiệm dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam và thúc đẩy chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho dự án đầu tư của Trump Organization ở tỉnh Hưng Yên.

 

Sau khi ông Trump nói “Tôi rất yêu Việt Nam” nhưng vẫn đưa Việt Nam vào nhóm nước bị đánh thuế nặng nhất – thì Tổng Bí Thư Tô Lâm đã gọi điện thoại, rồi gửi thư riêng cho ông Trump đề nghị “hoãn đánh thuế trong 45 ngày trong thời gian hai bên thương lượng.” Ông Bùi Thanh Sơn, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng, còn đưa đề nghị áp dụng mức thuế nhập cảng 0% đối với hàng hoá của Mỹ. “Việt Nam sẵn sàng đàm phán để đưa thuế nhập cảng hàng hoá Mỹ xuống 0%, tăng mua sản phẩm của Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu và đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Mỹ làm ăn, đầu tư tại Việt Nam,” ông Sơn nói, Newsweek dẫn lại.

 

Việt Nam còn cử đoàn đại diện do Phó Thủ Tướng Hồ Đức Phớc cầm đầu sang thủ đô Washington, DC gặp ông Jamieson Greer, đại diện thương mại Mỹ, Bộ Trưởng Tài Chính Scott Bessent, và Bộ Trưởng Thương Mại Howard Lutnick tìm cách giảm thuế cho hàng hoá Việt Nam và thảo luận cơ hội đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương giữa hai nước. Hà Nội cũng cấp tốc thành lập tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ, do Phó Thủ Tướng Bùi Thanh Sơn làm tổ trưởng để chuẩn bị đàm phán với Mỹ.

 

Tuy vậy những lời đề nghị ngọt ngào của Hà Nội đã không thuyết phục được chính quyền của ông Trump nương tay. Ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của ông Trump, nói rằng thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đã ra ngoài tầm kiểm soát và không chỉ liên quan tới thuế quan. Ông nêu lên tình trạng phá giá đồng tiền, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, và đặc biệt tố cáo Việt Nam cho hàng hoá Trung Quốc núp bóng để tránh thuế khi xuất cảng sang Mỹ mới là những điểm đen trong quan hệ thương mại Việt – Mỹ.

 

Trên Fox News hôm 6 Tháng Tư, ông Navarro không đưa ra bằng chứng nhưng dữ kiện thương mại chính thức cho thấy xuất cảng của Việt Nam sang Mỹ trong những năm gần đây tăng mạnh nhờ lượng hàng nhập cảng từ Trung Quốc. Năm 2018 khi ông Trump phát động cuộc thương chiến lần thứ nhất Việt Nam xuất siêu sang Mỹ $39.5 tỷ, đến năm 2024 đã lên tới $125 tỷ, tăng hơn ba lần. Biểu đồ giao dịch ngoại thương của Việt Nam trong giai đoạn này cho thấy giá trị hàng hoá Việt Nam nhập cảng từ Trung Quốc gần như ngang bằng và biến động song song với giá trị hàng xuất cảng sang Mỹ. “Trung Quốc sử dụng Việt Nam để chuyển hàng nhằm tránh thuế quan,” ông Navarro nói. Nói cách khác, Việt Nam là trung gian lấy tiền từ Mỹ để chuyển cho Trung Quốc.

 

                                                      ***

Để đưa thặng dư thương mại với Mỹ về mức chấp nhận được, theo các chuyên gia, Việt Nam phải thực hiện cùng lúc nhiều chính sách như gia tăng mua hàng Mỹ, ngăn chặn tình trạng hàng Trung Quốc “tạm nhập tái xuất,” đồng thời phải cải cách căn bản cơ cấu nền kinh tế giảm phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ nước láng giềng phía Bắc. Nhưng nói thì dễ, làm mới khó. Cả ba việc này đều ngoài khả năng của Việt Nam.

 

Trong năm 2024, Việt Nam chỉ mua của Mỹ $13.1 tỷ giá trị hàng hoá và và chỉ có thể nâng con số này nếu mua các mặt hàng có giá trị lớn như dầu khí, máy bay, hoặc vũ khí phòng vệ. Cựu Tổng Thống Barack Obama đã bãi bỏ chính sách cấm vận và cho phép Việt Nam tiếp cận nguồn cung cấp vũ khí của Mỹ nhưng trong nhiều năm qua, Việt Nam hầu như không mua vũ khí Mỹ. Có nhiều nguyên nhân, theo các nhà phân tích, một là vũ khí Mỹ không tương thích với tiêu chuẩn vũ khí của Nga mà Việt Nam đang sở hữu, hai là vũ khí Mỹ giá đắt mà không có khoản “lót tay” cho các quan chức phụ trách mua sắm, và ba là lãnh đạo Việt Nam không dám làm phật lòng Trung Quốc – nước láng giềng to xác luôn muốn kiềm chế Hà Nội trong vòng ảnh hưởng của mình. Từ năm ngoái, Việt Nam đã để lộ ý định muốn mua tiêm kích F-16 của Mỹ thì ngay lập tức Trung Quốc cất tiếng răn đe. Lần này, liệu Việt Nam có dám bước qua “lằn ranh đỏ” để tiếp cận vũ khí Mỹ hay không?

 

Hãng tin Reuters trong bản tin độc quyền phát đi ngày 11 Tháng Tư cho biết Hà Nội chuẩn bị “trấn áp” hành vi cho phép hàng Trung Quốc núp bóng “Made in Vietnam” để tránh thuế. “Với hy vọng tránh được mức thuế trừng phạt của Mỹ, Việt Nam đang chuẩn bị trấn áp hàng hoá Trung Quốc xuất sang Mỹ đi qua lãnh thổ của mình,” Reuters cho biết theo một tài liệu mà hãng tin này có được. Reuters cũng cho biết “các giới chức Bộ Công Thương và Hải Quan có hai tuần để đưa ra kế hoạch ngăn chặn tình trạng chuyển hàng Trung Quốc bất hợp pháp, có thể được gia hạn đến cuối Tháng Tư, đồng thời Hà Nội muốn cẩn thận để không khiêu khích Trung Quốc.” Tuy vậy, việc trấn áp này không dễ dàng.

 

Có hiện tượng hàng Trung Quốc núp bóng để tránh thuế, theo ông Navarro là khoảng 30% tổng lượng hàng hoá Việt Nam bán vào Mỹ, nhưng cũng có chuyện các công ty đa quốc  gia – như Apple – mở nhà máy ở Việt Nam rồi nhập cảng nguyên vật liệu từ Trung Quốc để sản xuất. Các công ty Trung Quốc – như Luxshare chuyên sản xuất hàng cho Apple – cũng mở nhà máy ở Việt Nam để gia công hàng hoá cung cấp cho thị trường Mỹ. Một số tài liệu cho biết, tỉ lệ nguyên vật liệu và phụ tùng Trung Quốc trong các sản phẩm “Made in Vietnam” – trừ nông lâm hải sản – có khi lên tới 70% giá trị món hàng. Nếu “trấn áp” luồng hàng hóa từ Trung Quốc thì chắc chắn ngành sản xuất công nghiệp của Việt Nam sẽ sụp đổ, hàng loạt nhà máy phải đóng cửa và hàng triệu công nhân bị mất việc. Ông Navarro nhận định “về mặt kinh tế, Việt Nam là thuộc địa của Trung Quốc,” nghe ra thật là cay đắng nhưng có phần đúng về sự phụ thuộc nặng nề của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

 

Sự phụ thuộc đó cho thấy ước vọng “cải cách căn bản cơ cấu nền kinh tế” Việt Nam là hoàn toàn bất khả thi. Sau những chiến dịch “đánh tư sản” ở trong nước và thù địch với cộng đồng người Việt ở nước ngoài suốt nửa thế kỷ qua, Hà Nội đã thành công trong việc thủ tiêu tinh thần và tiềm lực kinh doanh của người dân, đặt 70% hoạt động sản xuất công nghiệp vào tay các công ty của tư bản ngoại quốc (FDI), còn đông đảo người dân chỉ là lao động làm thuê ngay trên đất nước mình. Gần đây Tổng Bí thư Tô Lâm hô hào “phát triển kinh tế tư nhân,” nhưng lấy đâu ra tiềm lực vốn liếng, năng lực kỹ thuật và quản trị để tư nhân phát triển sản xuất công nghiệp ngoài những “công ty sân sau,” lợi dụng quan hệ với quan chức lãnh đạo để kinh doanh đất đai, ngân hàng, viễn thông, điện lực… trong mô hình kinh tế tư bản bè phái quen thuộc ở các nước hậu cộng sản?

 

Một số bình luận gia trong nước nhận định đòn thuế quan của ông Trump là “cú hích” để Việt Nam lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc sao cho giữ được thị trường xuất cảng quan trọng nhất. Nhưng xem ra đây chỉ là một ước vọng chứ không phải là thực tế, ít nhất là cho đến khi Việt Nam có sự thay đổi về thể chế chính trị và đường lối kiến quốc. [đ.d.]

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats