Chủ nghĩa hiện thực
trong chính sách nhân quyền - Kỳ 2: Đài Loan
April
01 2025 4:27 PM
https://www.luatkhoa.com/2025/04/chu-nghia-hien-thuc-trong-chinh-sach-nhan-quyen-ky-2-dai-loan/
Xem
xét nhân quyền tại Đài Loan như là một công cụ của lý thuyết hiện thực sẽ khó
thực hiện hơn Trung Quốc. Nhìn nhận khách quan, “nhân quyền” (human rights),
“dân chủ” (democracy) và “chủ nghĩa tự do” (liberalism) nói chung đã trở thành
một phần danh tính của thực thể chính trị này.
Trong
bài diễn văn nhậm chức hồi năm 2016 của Tổng thống Thái Văn Anh, bà tự tin khẳng
định Đài Loan là “một công dân điển hình trong không gian dân sự toàn cầu”. [1]
Vị tổng thống cũng khẳng định thêm Đài Loan đã và sẽ tiếp tục “kiên trì giữ vững
các giá trị phổ quát của hòa bình, tự do, dân chủ, và nhân quyền”. Bài diễn văn
nhậm chức năm 2020 của bà tiếp tục nhắc lại các giá trị nói trên.
Thậm
chí trong Hiến pháp của Trung Hoa Dân quốc, Điều 141 cũng đã khẳng định rõ các
chính sách đối ngoại của Đài Loan sẽ luôn tôn trọng các giá trị và nguyên tắc
được đặt ra trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, bao gồm việc thúc đẩy dân chủ và
nhân quyền. [2] Nhiều đời ngoại trưởng của Đài Loan cũng đã khẳng định điều này
trên các diễn đàn quốc tế.
Có
thể nói, nhân quyền và việc thực hành nó đúng nghĩa đã là một phần căn tính
(identity) đương đại của Đài Loan. Các lý thuyết chính trị về quyền tự nhiên
(natural rights) hay thuyết kiến tạo (constructivism) đều có thể được sử dụng để
lý giải danh tính mới được hình thành của Đài Loan sau nhiều thập niên cải
cách.
Tuy
nhiên, điều này cũng không hẳn loại trừ khả năng của lý thuyết hiện thực trong
việc lý giải nhân quyền như một chính sách đối ngoại quan trọng của Đài Loan.
Theo đó, có thể cho rằng việc Đài Loan dân chủ hóa và biến nhân quyền trở thành
một phần không thể thiếu của căn tính của mình cũng chính là cách để họ duy trì
sự tồn tại của một quốc gia de facto có tên gọi Đài
Loan.
Một
trong những lý giải mà người viết có thể đưa ra là Đài Loan có thể tận dụng
nhân quyền như một phương tiện để tăng cường không gian hoạt động của
họ trên trường quốc tế, và từ đó là khả năng sinh tồn lẫn kêu gọi ủng hộ trong
các tình huống hiểm nghèo cho sự sống còn của “quốc gia”.
Ví
dụ, trong năm 2009, sau khi phê chuẩn và chính thức áp dụng hai công ước nhân
quyền cơ bản về dân sự chính trị và về kinh tế, văn hóa, xã hội (ICCPR và
ICESCR), Đài Loan đã thuyết phục được nhiều cơ quan nhân quyền quốc tế lẫn cơ
các tổ chức phi chính phủ quốc tế xem xét và đánh giá tình hình nhân quyền quốc
gia như thể họ là một quốc gia được công nhận bình đẳng với Trung Quốc.
Chúng
ta có báo cáo của Freedom House, vốn xếp tình hình nhân quyền của Đài Loan ở thứ
hạng rất cao là 13 trên toàn thế giới (giai đoạn 2019-2020); [3] hay của EIU
Democracy Index với Đài Loan ở thứ hạng 11 trên toàn thế giới; [4] và thậm chí
là của Reporters Without Borders với Đài Loan xếp thứ hai ở toàn châu Á (chỉ
sau Hàn Quốc). [5] Việc Đài Loan là “quốc gia” châu Á đầu tiên công nhận hôn
nhân đồng tính cũng kéo theo hàng loạt tiêu đề, trang nhất của báo chí thế giới,
một lần nữa nhắc nhở thế giới về sự tồn tại và thành công của nền dân chủ tôn
trọng nhân quyền ở Đài Loan.
Ngoài
ra, khác với Trung Quốc vốn có tham vọng “xuất khẩu” khái niệm nhân quyền và
các diễn ngôn của riêng họ sang các quốc gia thế giới thứ ba hay thậm chí là
Âu-Mỹ, Đài Loan thường xuyên dùng các thành tựu nhân quyền, dân chủ, lẫn phát
triển kinh tế của mình để giúp giới chính khách các quốc gia khác phân biệt
danh tính rất khác biệt của hai thực thể. Trung Quốc “dân chủ” cũng sẽ đầu tư
tiền của và các dự án phát triển kinh tế tương tự như Trung Hoa “đại lục”. Song
Trung Hoa “dân chủ” - tức là Đài Loan - ít khi chỉ trích, trừng phạt, hay khuyến
khích các quốc gia khác áp dụng khái niệm dân chủ của mình.
Một
khía cạnh rõ ràng hơn mà nhiều bạn đọc có thể cũng đã biết, là với việc xác lập
danh tính dân chủ và nhân quyền vô cùng thành công của mình, Đài Loan đặt các nền
dân chủ cấp tiến trên thế giới (như Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu) vào thế lưỡng
nan giữa ý chí và lý tưởng của họ với lợi ích kinh tế của
họ.
Chủ
nghĩa tự do và dân chủ trên toàn thế giới đang thoái trào. Có một người bạn như
Đài Loan, với căn tính, chính sách, và tầm nhìn tương đồng… không phải là một
điều dễ dàng. Để Đài Loan biến mất đồng nghĩa với việc châu Á sẽ mất đi một ngọn
đuốc thành tựu kiểu mẫu cho các nền dân chủ trong khu vực, dẫn đến sự thoái
trào hơn nữa của chủ nghĩa tự do, nhân quyền, cũng như tầm ảnh hưởng của các
khái niệm này ở châu Á.
Liên
minh Châu Âu và Hoa Kỳ nhận thấy điều này.
Trong
hai bài phát biểu quan trọng của cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vào năm 2018
và 2019 về chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, ông nhấn mạnh các giá trị
mà Hoa Kỳ và Đài Loan chia sẻ. Ông cùng khẳng định một câu trong cả hai diễn
văn: “Hoa Kỳ sẽ luôn tin tưởng rằng hình mẫu dân chủ Đài Loan cho người Trung
Quốc thấy họ luôn có một lựa chọn tốt hơn.” [6]
Tương
tự, Liên minh Châu Âu cũng khẳng định: “EU và Đài Loan chia sẻ các giá trị
chung về tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền, cũng như các vấn đề về bình
đẳng và tôn trọng sự đa dạng. Những giá trị tương đồng này sẽ tiếp tục là nền tảng
cho mối quan hệ giữa hai bên.” [7]
Trên
cơ sở đó, Đài Loan không chỉ là một đối tác kinh tế được tin tưởng mà còn là một
đối tác quân sự được ưu tiên trong nhiều vấn đề chiến lược. Nếu tiến trình dân
chủ hóa và bảo vệ nhân quyền ở Đài Loan không thành công như ngày nay, khó có
thể nói Hoa Kỳ và châu Âu có thể lý giải một cách thuyết phục với quốc dân lý
do họ cần phải ủng hộ Đài Loan đến vậy.
Ở
khía cạnh nghiên cứu của chủ nghĩa hiện thực, cũng có thể nói Đài Loan đã thành
công lớn (trong phạm vi nguồn lực và tính chính danh mà họ có) trong việc sử dụng
nhân quyền như là một công cụ để đạt được các mục tiêu chính yếu của chủ nghĩa
hiện thực: sự sinh tồn của quốc gia, tự cường, và quyền lực về kinh tế - chính
trị trong mối tương quan với các cường quốc trên thế giới.
***
Người
viết không phải là một học giả ủng hộ lý thuyết hiện thực trong pháp luật và
quan hệ quốc tế vì nhiều lý do. Tuy nhiên, chủ nghĩa hiện thực đã và vẫn sẽ là
một trong những lý thuyết được săn đón, ủng hộ nhiều nhất, bởi cả giới học giả lẫn
công chúng. Sử dụng nó trong bối cảnh chính sách nhân quyền đối ngoại giữa Đài
Loan và Trung Quốc có thể cho thấy một số góc nhìn mới mẻ đáng để bạn đọc tham
khảo.
Độc
giả có thể tham khảo bài viết “Chủ nghĩa hiện thực
trong chính sách nhân quyền - Kỳ 1: Trung Quốc.”
No comments:
Post a Comment