Văn minh phong bì, vệt nối của văn
minh lúa nước
Thứ Bảy, 09/24/2022 -
10:02 — VietTuSaiGon
https://www.rfavietnam.com/node/7352
Người ta sẽ hỏi với nhau
rằng đến bao giờ người Việt thoát khỏi tai ách phong bì? Bởi với kẻ giàu có, lắm
tiền nhiều của, cái thứ văn hóa phong bì là cơ hội để thể hiện sức mạnh, để chiếm
chỗ đứng tối ưu trong xã hội, nhưng với người nghèo, đó là tai ương, là nỗi khổ.
Người ta sẽ tự hỏi rằng
cái thứ văn hóa phong bì nó có từ bao giờ, cụ thể là từ thời người Việt có đồng
tiền giấy đầu tiên của nhà Hồ hay là đồng tiền nhuốm đầy vị chua chát và bất chấp
của những kẻ sống trên mồ hôi và nước mắt tha nhân?
Những câu hỏi mãi mãi là
câu hỏi, ngay cả việc tự hỏi có phải đây là thứ văn hóa, hay là thứ văn minh, một
nền văn minh do người Cộng sản mang lại, nó tiếp nối văn minh lúa nước và nó
nghiễm nhiên đóng vai trò bản lề, đóng vai trò chuyển tiếp nhưng chẳng biết cái
đích là đâu, nó cũng giống như chế độ Cộng sản xã hội chủ nghĩa vừa mơ hồ vừa
lãng mạn lại vừa khốc liệt đã đẻ ra nó vậy.
Và cho đến lúc này, dù muốn
hay không muốn nhìn nhận, người ta cũng phải thừa nhận rằng phong bì là một thứ
văn minh phát triển rực rỡ nhất trong thời đại Cộng sản xã hội chủ nghĩa, nó
chưa được chính qui hóa nhưng chắc chắn một điều, giả sử làm một thống kê nhỏ,
có lẽ, số lượng vàng mã được tiêu thụ trong năm là cao nhất, sau đó đến phong
bì, rồi sách giáo khoa, báo Nhân Dân, các báo nhà nước dù đọc hay không thì các
cơ quan nhà nước phải nhận nó mỗi ngày, thứ nữa là giấy vụn gói các thứ đồ linh
tinh, rồi đến thơ của các nhà thơ hưu trí in ra biếu tặng, kính thưa các loại
thơ ca một lần nữa rồi mới đến các loại sách khoa học, tác phẩm văn học nước
ngoài và một số tạp chí… Nói cho cùng, về mặt tiêu thụ giấy, nhất và nhì thường
lắc lư giữa vàng mã và phong bì.
Điều đó để thấy rằng đây
là một loại văn minh hình thành bởi người Cộng sản, kể từ thời đất nước này thống
nhất hai miền và có những biến chuyển đáng nhớ về miếng ăn, cái mặc và chỗ ở,
đó cũng là thời khắc mà thứ văn minh này phôi thai, thứ văn minh gắn kết với
phong bì, hay nói khác đi là thứ văn minh hối lộ, bất chấp cõi dương hay cõi
âm, đều phải dùng đến phong bì. Hay nói khác đi, phong bì là một thứ vàng mã của
cô hồn sống trên ghế quyền lực và vàng mã là thứ phong bì khác của người cõi
âm. Cả hai tuy khác nhau về tính chất nhưng lại cùng công năng và bản chất.
Nhưng, giả sử đặt tiếp
câu hỏi rằng cái thứ văn minh quái gở, chẳng giống ai này chính thức rực rỡ từ
giây phút nào? Từ đại hội đảng mấy? Bởi thời kim tiền thì các vấn đề hối lộ mới
mạnh, chứ thời kinh tế tập thể, tập trung bao cấp thì đói sặc máu, lấy đâu ra
tiền để phong bì, hối lộ? Có vẻ như cách đặt vấn đề tưởng có lý này lại rất ầu
ơ và vô lý, bởi kỳ thực, không có thứ chế độ nào nhanh cho ra đời loại văn minh
này hơn chế đệ Cộng sản. Cái sự thật trần trụi này được chứng minh bởi hàng triệu
cái bụng lúc nào cũng sôi óc ách vì đói nhưng cái miệng thì luôn nói về đạo đức,
lý tưởng, lòng tự trọng, liêm sỉ và sự cao thượng. Tuy nói cao thượng như vậy
nhưng cái tay của họ luôn thò dưới gầm bàn, để làm gì chắc không cần kể thêm! Bởi
chính hàng triệu cái miệng đói hóp và đau khổ phải trông chờ từng hạt thóc, lát
sắn sau khi cống nạp toàn bộ tài sản của mình vào kho nhà nước để các quan, các
lãnh đạo có những bữa ăn cao lương mỹ vị cũng đủ nói lên tất cả!
Và cái giá để trả cho thời
đoạn này là hàng triệu số phận trở nên tham lam, phàm ăn tục uống và bất chấp.
Để đạt được mục đích bất chấp, không ai khác ngoài chính những nạn nhân này
quay trở lại cống nạp thêm lần nữa để đạt mục đích sau khi đã tính toán, đã có
được từ kinh nghiệm xương máu của kẻ bị bóc lột, vòng tuần hoàn tội ác và man
trá bắt đầu. Đương nhiên sự bắt đầu này chỉ có tính tương đối, bởi nó đã bắt đầu
từ trước đó rất lâu, từ sau đại hội Tua ở thành Ba Lê nữa kia. Và cái thứ văn
minh chui gầm bàn ấy được hình thành bởi sự soán công, bởi sự cướp cạn mồ hôi
và chất xám của đồng đội cũng như sự trình diễn đạo đức bất tận bằng nước mắt để
che đi tội giết người không gớm tay của nhà lãnh đạo.
Cũng có lẽ từ chỗ đó, thứ
thói quen man di mọi rợ được chính qui hóa bằng những cái áo ngôn từ mỹ miều và
rườm rà để che đậy mắt nhân dân, mắt tập thể, mắt cần lao, mắt số đông khốn khổ…
Thứ văn hóa của kẻ không quen lao động nhưng ưa chửi bông hồng (Đụ mẹ bông hồng/
Mày không lao động/ Sao mày trổ bông? - Thơ Nguyễn Đức Sơn), một thứ người miệng
xoen xoét nói đạo đức nhưng tay không từ cầm bất kì thứ gì của người khác, miễn
nó có thể xài được và giúp mập thêm, từ cái táp mỡ ráng cho đến con tôm, ký
khoai, thậm chí miếng bèo hoa dâu… Mọi thứ hình thành từ đó. Cho đến khi kinh tế
mở cửa, miếng ăn, cái mặc và nhà cửa không còn là nỗi thao thức của kẻ có quyền
hành, nó chỉ là ước mở của người nghèo. Lúc này, kẻ có quyền hành lại có những
thú vui mới và đương nhiên, phong bì là thứ văn minh đến sau văn minh lúa nước.
Từ cái phong bì kẹp trong
hộp bánh trung thu - Tết thiếu nhi cho đến cái phong bì kẹp trong chai rượu biếu
ngày tết cổ truyền hoặc giả cái phong bì dúi vào tay thầy cô giáo nhân dịp ngày
Hiến chương nhà giáo, hoặc giả cái phong bì của bệnh nhân mừng rỡ vì được cứu sống
sau ca bệnh thập tử nhất sinh và để được chạy chữa, họ phải nợ chồng nợ chất… một
cái phong bì cho vừa lòng bác sĩ, y tá, cái phong bì chưa chắc tự nguyện mà nó
mang tính qui ước ngành nghề, thật tế nhị và khó nói!
Nhất là thời bây giờ, đi
đâu cũng nhìn thấy camera an ninh và nhất cử nhất động của người ta trong bệnh
viện hay cơ quan nhà nước đều được ghi lại, thế nhưng vẫn xảy ra tình trạng
phong bì hối lộ, thậm chí còn bạo hơn trước. Bởi thay vì cái phong bì bình thường
như trước thì giờ cái phong bì qui đổi bằng món đồ gì đó hoặc nó được giấu khá
kĩ bên dưới giỏ trái cây hoặc giả nó được chuyển khoản như một khoản tiền trả nợ…
Mọi thứ đều diễn ra một cách tốt đẹp và camera an ninh vẫn cứ hoạt động tốt. Bởi
camera an ninh ngay từ đầu cũng được dạy cho tinh thần hiếu quan, hiếu phong
bì.
Thử nhìn lại, tại Việt
Nam, chỗ nào không dùng phong bì? Xin thưa là hoàn toàn không có chỗ nào như vậy,
ngay cả chùa chiền, nơi dành cho tu hành tôn nghiêm cũng dùng phong bì một cách
táo bạo, đến chốn quan trường hay chốn giảng đường, rồi nơi giường bệnh… Có nơi
nào không đụng đến phong bì không? Thật là khó để tìm ra nơi nào đó còn thanh sạch,
cho dù chút đỉnh!
Và một con rắn ngậm phong
bì, nó xoắn hình chữ S, hình ảnh trong cơ quan trực thuộc Bộ Y tế, rõ ràng
không hề ngẫu nhiên chút nào. Bởi chắc người ta vẫn chưa quên con rắn ngậm
phong bì rất lớn, nó ngậm đến độ hóa rồng như Nguyễn Thanh Long, nó ngồi chễm
chệ trên vị trí cao nhất để điều tiết hàng trăm ngàn con rắn khác cùng ngậm
phong bì. Rõ ràng, ở đây tinh thần thầy thuốc trở nên trơ trọi và chẳng có gì để
tìm thấy nhân cảm. Bởi họ đã được cài đặt để ngậm phong bì, thứ thức ăn thời
thượng trong nền văn minh phong bì xã hội chủ nghĩa, thứ văn minh tiếp nối nền
văn minh lúa nước mà người Cộng sản đã có công tạo dựng và phát triển!
No comments:
Post a Comment