Sunday 4 September 2022

UKRAINE : MỐI NGUY Ở NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN LỚN NHẤT CHÂU ÂU (Bình Phương / Saigon Nhỏ)

 



Ukraine: Mối nguy ở nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu

Bình Phương  -  Saigon Nhỏ

3 tháng 9, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/

 

Các vụ pháo kích làm cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị mất nguồn cung cấp điện từ bên ngoài và gặp nguy hiểm

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/09/GettyImages-1242418488.jpg

Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine, có nguy cơ bị trúng bom hoặc đạn pháo, hoặc bị cắt nguồn điện, dẫn tới sụp đổ các lò phản ứng và gây thảm họa phóng xạ. Ảnh chụp đầu tháng Tám 2022 của Victor/Xinhua via Getty Images.

 

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho biết hôm thứ Bảy 3 Tháng Chín, một nhà máy điện hạt nhân quan trọng ở Ukraine lại mất kết nối với nguồn điện bên ngoài, đặt ra rủi ro rò rỉ phóng xạ, giữa lúc cuộc chiến năng lượng giữa Moscow và phương Tây diễn ra gay gắt.

 

Hãng tin Reuters tường thuật, các quan chức Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết nhà máy điện Zaporizhzhia của Ukraine – nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu – đã bị cắt đứt đường dây điện chính nối với bên ngoài và đang phải dùng đường dây dự trữ.

Nhà máy điện hạt nhân phát ra điện nhưng cần được cung cấp điện từ bên ngoài để làm mát các lò phản ứng hạt nhân; nếu nguồn điện từ bên ngoài bị cắt thì nhà máy phải dùng các máy phát điện dự phòng chạy bằng dầu diesel. Nếu việc cung cấp điện bị cắt hoàn toàn thì các lò phản ứng có nguy cơ phát nổ và tung phóng xạ ra môi trường do các lõi hạt nhân không được làm mát đúng mức.

 

Nguy cơ của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

 

Nhà máy Zaporizhzhia cung cấp điện cho mạng lưới điện quốc gia của Ukraine, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho khoảng 4 triệu gia đình. Nhưng nhà máy đã bị quân đội Nga chiếm đóng từ khi chiến tranh nổ ra cuối Tháng Hai 2022, dù các nhân viên kỹ thuật của Ukraine vẫn tiếp tục làm việc điều hành nhà máy. 

 

Gần đây nhà máy Zaporizhzhia và khu vực lân cận liên tục bị pháo kích mà hai bên Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau; nếu chẳng may lò phản ứng hạt nhân bị trúng hỏa tiễn hoặc đạn pháo thì tai họa sẽ rất khủng khiếp.

 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trước đó cho rằng các cuộc pháo kích của Nga là nguyên nhân khiến nhà máy hạt nhân ngừng hoạt động vào tuần trước nhằm tránh một sự cố rò rỉ phóng xạ.

 

Tuần trước, Zaporizhzhia đã bị cắt điện lưới quốc gia lần đầu tiên trong lịch sử sau khi đường dây tải điện bị trúng pháo kích khiến nhà máy phải tạm ngừng hoạt động, dẫn đến việc cắt điện trên khắp Ukraine, nhưng may là các máy phát điện khẩn cấp đã hoạt động để duy trì việc làm mát lò phản ứng.

 

Một phái bộ của IAEA đã đến thị sát nhà máy vào thứ Năm 1 Tháng Chín và một số chuyên gia vẫn ở đó trong khi chờ cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc công bố báo cáo trong những ngày tới. Liên Hiệp Quốc hy vọng sự hiện diện thường xuyên tại nhà máy của hai chuyên gia IAEA sẽ khiến các bên xung đột phải kiềm chế, không có hành động gây nguy hiểm cho các lò phản ứng hạt nhân.

 

Trong khi đó, IAEA hôm thứ Bảy cho biết các thanh tra viên ghi nhận một lò phản ứng trong sáu lò phản ứng hạt nhân của nhà máy “vẫn đang hoạt động và sản xuất điện cho cả việc làm mát và các chức năng an toàn thiết yếu khác tại địa điểm và cho các gia đình, nhà máy và những lò phản ứng khác thông qua lưới điện.”

 

Ban quản lý nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, trong một tuyên bố, cho biết lò phản ứng thứ 5 đã bị tắt “do các cuộc pháo kích liên tục của lực lượng chiếm đóng Nga”“không đủ công suất từ ​​dây chuyền dự trữ cuối cùng để vận hành hai lò phản ứng.”

 

Các điều kiện xấu đi trong bối cảnh các cuộc pháo kích đã làm dấy lên lo ngại về một thảm họa phóng xạ mà Hội Hồng Thập Tự Quốc tế cho rằng sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn. 

 

Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga cất giữ vũ khí hạng nặng trong khuôn viên nhà máy nhằm ngăn cản Ukraine tấn công. Nga phủ nhận sự hiện diện của vũ khí ở đó nhưng cho đến nay vẫn chống lại các lời kêu gọi của quốc tế về chuyển quân ra khỏi nhà máy và phi quân sự hóa khu vực này.

 

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Bảy cáo buộc các lực lượng Ukraine thực hiện một nỗ lực chiếm lại nhà máy Zaporizhzhia nhưng không thành công. Thông tin đó chưa kiểm chứng được. 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1242152397.jpg

Trạm tiếp nhận và chứa khí đốt nhập cảng từ Nga theo đường ống Nord Stream 1 ở bang Saxon, Đức. Tập đoàn quốc doanh Gazprom của Nga thông báo ngưng cung cấp khí đốt qua đường ống này, đe dọa gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện ở EU khi mùa đông đang đến. Ảnh Klaus-Dietmar Gabbert/dpa (Photo by Klaus-Dietmar Gabbert/picture alliance via Getty Images.

 

Gazprom ngưng cung cấp khí đốt cho châu Âu

 

Trong một diễn biến liên quan, hôm thứ Sáu 2 Tháng Chín, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga thông báo họ sẽ không tiếp tục chuyển khí đốt tới châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 như dự kiến do trục trặc kỹ thuật.

 

Gazprom cho biết hôm thứ Bảy rằng công ty Siemens Energy sẵn sàng giúp sửa chữa các thiết bị bị hỏng nhưng đã không thực hiện công việc. Phía Siemens cho biết họ chưa được ủy nhiệm thực hiện công việc bảo trì đường ống.

 

Đường ống Nord Stream 1, chạy dưới Biển Baltic, chuyển khí đốt từ Nga đến Đức để cung cấp cho Đức và các nước khác, lẽ ra đã phải hoạt động trở lại vào lúc 0100 GMT, Thứ Bảy 3 Tháng Chín, sau ba ngày tạm dừng để bảo trì. Tuy nhiên, Gazprom đã đơn phương ngừng cung cấp khí đốt vô thời hạn và điều đó sẽ gây khó khăn rất lớn cho châu Âu trong việc bảo đảm nhiên liệu cho mùa đông với chi phí sinh hoạt đã tăng cao, dẫn đầu là giá năng lượng.

Cuộc chiến năng lượng là hậu quả từ cuộc xâm lược kéo dài đã sáu tháng của Tổng thống Vladimir Putin vào Ukraine, và biện pháp trừng phạt Nga của Phương Tây.

 

“Nga (đang) chuẩn bị một đòn năng lượng quyết định đối với tất cả người dân châu Âu trong mùa đông này”, Tổng thống Ukraine Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu hàng đêm vào tối thứ Bảy, viện dẫn sự kiện đường ống Nord Stream 1 tiếp tục bị đóng.

 

Moscow nói các biện pháp trừng phạt và các vấn đề kỹ thuật của phương Tây làm gián đoạn việc cung cấp năng lượng, trong khi châu Âu cáo buộc Nga vũ khí hóa nguồn cung cấp như một phần của cuộc xâm lược quân sự.

 

--------------

Đọc thêm:

·         Cuộc chiến của Putin

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats