Sunday, 25 September 2022

PUTIN ĐẠP GA TĂNG TỐC, NGA TIẾN GẦN ĐẾN ĐÓI NGHÈO (Phó Đức An)

 



Putin đạp ga tăng tốc, Nga tiến gần đến đói nghèo

Phó Đức An

25/09/2022

https://thuymyrfi.blogspot.com/2022/09/pho-uc-putin-ap-ga-tang-toc-nga-tien.html

 

Nếu ông cha bạn để lại một tài sản khổng lồ cho bạn, nhưng bạn không biết giữ, không biết làm ăn thận trọng, hợp pháp.

 

Suốt ngày tung tiền ăn chơi phá phách, cờ bạc rượu chè vô độ không kiềm hãm, trong khi đó bạn bị mọi người ruồng bỏ. Không còn cơ hội làm ăn kiếm thêm tiền, đồ vật quý giá đem bán lấy tiền cũng chẳng ai đoái hoài. Bạn rơi vào tình cảnh ngồi ăn núi lở, nhưng vẫn phải chi nhiều tiền để chữa trị bệnh tật dai dẳng bám trên người.

 

Thử hỏi, với tình cảnh như vậy, bạn chống cự được bao lâu? Đấy chính là khái niệm rõ nét diễn giải mộc mạc nhất về ý đồ cấm vận, phong tỏa, bầy binh bố trận của mấy cái đầu Do Thái Mỹ hòng bóp chết kinh tế Nga.

 

Kể từ đầu thế kỷ này, chúng ta đã chứng kiến hai ví dụ về hai quốc gia đang từ giàu sang chuyển sang đói nghèo. Một là Zimbabwe, chỉ sau chục năm siêu lạm phát, nước này như viên ngọc quý đã rơi khỏi vương miện của Vương quốc Anh, từ một nước giàu nhất ở Châu Phi, trở thành  một nước đói nghèo. Tiếp theo là Venezuela, đất nước mà hầu hết mọi người đều quen thuộc. Ban đầu đây là một quốc gia giàu có sản xuất dầu mỏ, đồng thời cũng là quốc gia có phúc lợi xã hội tốt nhất trong số các quốc gia sản xuất dầu mỏ trên thế giới. Nhưng siêu lạm phát trong thập kỷ qua đã biến quốc gia này thành một nước bần cùng và nghèo đói.

 

Tên gọi của hai quốc gia này đồng nghĩa với đói nghèo, đại diện cho những quốc gia thất bại nhất trên thế giới. Cả hai đều là những ví dụ điển hình cho sự trở lại nghèo hèn, như rơi xuống từ vách đá thẳng đứng.

 

Siêu lạm phát là "con đường cao tốc" dẫn đến bần cùng và đói nghèo cho bất kỳ quốc gia nào.

 

Một số quốc gia thông qua khống chế kiểm soát tỉ giá hối đoái của đồng tiền và giá cả hàng hóa của họ để che lấp lạm phát, nhưng cuối cùng dẫn đến khan hiếm vật tư hàng hóa, đây là một hình thức siêu lạm phát khác.

 

Câu hỏi đặt ra bây giờ là: Nga liệu có thể sẽ là nước tiếp theo trở thành nghèo đói?

 

Một số người chắc chắn sẽ nói không, và lý do chính bởi Nga là một quốc gia giàu tài nguyên. Trên thực tế, lý do này không đáng để bác bỏ chút nào, bởi Zimbabwe và Venezuela đều là những quốc gia cực kỳ giàu tài nguyên, xét về tài nguyên bình quân đầu người thì thậm chí họ còn vượt trội hơn cả Nga. Vì vậy, nguồn tài nguyên dồi dào không bao giờ là lý do để đánh giá một quốc gia là giàu và không bao giờ nghèo, trước đây không phải, bây giờ không phải, và tương lai cũng không phải.

 

Ngược lại, có quá nhiều quốc gia với nguồn tài nguyên cực kỳ hiếm hoi mà lâu nay vẫn đứng trong hàng ngũ các nước phát triển giàu có. Điển hình nhất là Thụy Sĩ, một quốc gia với nguồn tài nguyên vô cùng hạn chế nhưng lại là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới. Ngoài ra, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan và Singapore...

 

Hai lý do sau đây, khiến Nga có thể trở thành một quốc gia tiếp theo rơi xuống vực thẳm của đói nghèo.

 

Thứ nhất, nếu một quốc gia trải qua một cuộc chiến tranh làm thấu chi quốc lực, tức làm suy giảm nghiêm trọng sức mạnh quốc gia của mình và chiến tranh kết thúc trong thất bại, thì siêu lạm phát là không thể tránh khỏi.

 

Bất kỳ cuộc chiến tranh nào mà quốc gia đó phải toàn tâm lực ứng phó đều sẽ gây ra sự thấu chi nghiêm trọng đối với sức mạnh tổng hợp quốc gia, và sẽ gây ra thâm hụt tài chính nghiêm trọng. Cường độ của chiến tranh hiện đại đã được gia tăng đáng kể. Ví dụ, chi phí của một tên lửa là hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đô la, và chi phí của một máy bay chiến đấu tiên tiến lên đến hàng chục triệu đô la hoặc thậm chí hơn 100 triệu đô la khiến chi phí cho chiến tranh hiện nay là rất lớn. Khi rơi vào một cuộc chiến tiêu hao sẽ dẫn đến thâm hụt tài khóa của đất nước rất nhanh chóng. Trong cuộc chiến Nga - Ukraina, ý đồ của Mỹ rất rõ ràng, đưa Nga vào vũng lầy của một cuộc chiến tiêu hao.

 

Theo tờ “Washington Post” dẫn lời các nhà chức trách Mỹ và Ukraine cho biết, Ukraine đã xây dựng nhiều hệ thống HIMARS giả được làm bằng gỗ, nhưng máy bay không người lái của Nga từ trên cao không thể phân biệt chúng với HIMARS thật, khiến Nga đã lãng phí 10 tên lửa hành trình Kalibr. Theo dữ liệu thì mỗi tên lửa Kalibr có giá 6 triệu rưỡi Đô La (The Russian military pays a price for the Kalibr's capabilities, since each missile costs an average of $6.5 million each). Nhẹ nhàng tiêu hủy 65 triệu đô La bằng HIMARS gỗ. Đây là một ví dụ về việc tiêu hao của cải vật chất trong chiến tranh hiện đại.

 

Tầm quan trọng của bán đảo Crimea đối với Nga là điều hiển nhiên. Sau khi Nga chiếm Crimea, có thể kiểm soát Trung và Đông Âu, Biển Đen và khu vực Địa Trung Hải, và Nga sẽ là quốc gia châu Âu có tầm ảnh hưởng đáng kể. Chính vì việc chiếm được Crimea mà Catherine II và Peter Đại đế đã trở thành những Sa hoàng được kính trọng nhất trong lịch sử nước Nga. Vì vậy, Crimea là biểu tượng của nhà nước Nga.

 

Một khi mất Crimea, nước này sẽ mất ảnh hưởng đối với châu Âu và Địa Trung Hải, và Nga sẽ không còn là một quốc gia châu Âu mà là một quốc gia châu Á (thuộc Đông Á, Trung Á và Tây Á). Vì vậy, cuộc chiến Nga-Ukraine hiện tại là cuộc chiến mà Nga cần phải quyết chiến hết sức, đồng thời cũng là cuộc chiến liên quan đến số phận chính trị của Putin, bắt buộc Putin phải rắp tâm đặt cược hết. Hiện tại, Nga đã lấn sâu vào một cuộc chiến tranh tiêu hao về mặt chiến thuật và sức mạnh quốc gia của Nga đang bị suy giảm. Cuộc chiến tiêu hao càng kéo dài thì mức thấu chi càng nghiêm trọng.

 

Thâm hụt ngân sách của Liên bang Nga trong tháng Tám là 345 tỉ rúp, và thâm hụt đã lên tới 1,36 nghìn tỉ rúp trong ba tháng liên tiếp.

 

Nguyên nhân nền tài chính của Nga vẫn có thể đối phó với thâm hụt là do Bộ Tài chính Nga đã tích lũy thặng dư tài khóa khoảng 1,5 nghìn tỉ rúp trong 5 tháng đầu năm. Đến cuối tháng Tám, thặng dư tài khóa chỉ còn 137 tỉ rúp. Một khi thặng dư cạn kiệt, xét về tình thế Nga hiện nay không có điều kiện để huy động vốn từ thị trường trái phiếu thế giới để có được tài trợ quy mô lớn, và nước này chỉ có thể lấp đầy lỗ hổng tài khóa bằng cách in tiền.

 

Trên chiến trường Nga-Ukraine hiện tại, quân đội Nga đã rơi vào tình thế bất lợi rõ ràng. Điều này buộc Nga phải huy động thêm lực lượng vào chiến trường, và quy mô thâm hụt hàng tháng sẽ càng nhanh chóng tăng lên.

 

Cũng giống như các cuộc chiến tranh trong lịch sử, bên tham chiến sẽ xuất hiện lạm phát và tốc độ lạm phát sẽ tương quan đến kết quả của cuộc chiến. Điều này xuất phát từ việc một khi chiến thắng, có thể thu được một lượng lớn tiền bồi thường chiến tranh để bù đắp thâm hụt tài khóa của chính mình, đồng thời có thể tránh được tình trạng siêu lạm phát bùng phát trong nước. Ngược lại, một khi bị đánh bại, họ không những không nhận được tiền bồi thường mà còn phải trả những khoản tiền khổng lồ cho phía bên kia, dẫn đến siêu lạm phát trong nước.

 

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng siêu lạm phát bùng phát ngay lập tức ở Đức sau Thế chiến I và Thế chiến thứ 2. Đây là kết cục phổ biến nhất của một quốc gia bại trận sau chiến tranh.

 

Vì vậy, một khi Nga cuối cùng thất bại trong chiến tranh và mất đi Crimea (đây là tiền đề), thâm hụt tài chính và các khoản bồi thường chiến tranh sẽ thúc đẩy sự bùng phát nhanh chóng của siêu lạm phát ở Nga, kinh tế Nga sẽ sụp đổ và đất nước rơi vào cảnh nghèo đói.

 

Thứ hai, sự cắt đứt năng lượng giữa châu Âu và Nga cũng có thể dẫn đến siêu lạm phát ở Nga.

 

Khí đốt tự nhiên và các sản phẩm dầu mỏ của Nga xuất khẩu sang châu Âu chiếm khoảng 74 % và 60 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga. Trong đó khí đốt tự nhiên mỗi năm khoảng 160 tỉ mét khối (khoảng 140-180 tỉ mét khối), các sản phẩm dầu (bao gồm cả dầu mỏ, khí thiên nhiên ngưng tụ, xăng, diesel, naphtha, v.v...) khoảng 4,5 triệu thùng / ngày, trong đó dầu và dầu thô 3,1 triệu thùng / ngày, dầu tinh luyện 1,3 triệu thùng / ngày. Xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc chiếm 20 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga, chỉ bằng 1/3 lượng xuất khẩu sang châu Âu.

 

Hiện tại, châu Âu đang tách rời năng lượng khỏi Nga và việc tách rời sẽ hoàn tất vào đầu năm sau. Khách hàng năng lượng lớn duy nhất như châu Âu, trên thế giới chỉ còn lại Trung Quốc. Nga chỉ có thể hy vọng bán lại số dầu và khí đốt vốn xuất khẩu sang châu Âu cho Trung Quốc, nhưng con đường này sẽ không thể thực hiện được:

 

Thứ nhất, khí đốt tự nhiên và các sản phẩm dầu mỏ xuất khẩu sang châu Âu chiếm khoảng 74 % và 60 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga, vượt xa khối lượng hiện tại xuất khẩu sang Trung Quốc. Để bán một lượng dầu và khí đốt khổng lồ như vậy cho Trung Quốc sẽ đòi hỏi đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng. Bây giờ có hai vấn đề.

 

Một là tìm nhà đầu tư. Tháng Chín năm ngoái, Putin tuyên bố rằng Nga sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí năng lượng ở châu Âu, nhưng nói lời không giữ được lời, vũ khí năng lượng đã được sử dụng ngay sau khi bắt đầu xâm chiếm Ukraine. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến việc sử dụng cơ sở hạ tầng của thiết bị dầu khí, khiến các bên góp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng bị tổn thất nặng nề.

 

Xét đến khoản đầu tư này là một khoản đầu tư lâu dài mười mấy năm đến mấy chục năm, nhiều nhà đầu tư đã lo sợ rụt vòi. Họ suy tính đến liệu Nga trong tương lai có sử dụng vũ khí năng lượng chống lại Trung Quốc hay không? Ai dám đảm bảo cho số tiền đầu tư của họ? Do đó, Nga rất khó tìm được nhà tài trợ để xây dựng các cơ sở hạ tầng này, đây là tình huống không thể tránh khỏi sau khi phá sản tín dụng.

 

Thứ hai, trên thế giới sẽ không bao giờ thiếu những kẻ ngu ngốc. Ngay cả khi Nga tìm được nhà tài trợ để xây dựng cơ sở hạ tầng thì một dự án khổng lồ như vậy cũng phải mất nhiều năm mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong một khoảng thời gian dài như vậy, các công ty dầu khí của Nga có thể đã phá sản một số lượng lớn, lúc đó sẽ xảy ra tình trạng khó xử. Đường, cầu, đường ống và các cơ sở hạ tầng khác đã được xây dựng xong, nhưng dầu và khí đã hết, và sẽ tiếp tục tái đầu tư vào khai thác dầu khí. Nói tóm lại là khó khăn vô vàn.

 

Thứ ba, việc Nga sử dụng vũ khí năng lượng chống lại châu Âu đã khiến châu Âu khốn đốn. Một khi lượng dầu và khí đốt tự nhiên khổng lồ xuất khẩu sang châu Âu được chuyển cho Trung Quốc, Nga sẽ hoàn toàn nắm được huyết mạch năng lượng của Trung Quốc, liệu có cần lo lắng về việc Nga sẽ sử dụng vũ khí năng lượng chống lại Trung Quốc trong tương lai? Những kẻ ngu ngốc chắc chắn sẽ nói không, nhưng lão tin rằng Trung Nam Hải không phải toàn thằng ngốc. Dựa hoàn toàn vào dầu khí Nga? Điều này không phù hợp với tính toán chiến lược của Trung Quốc.

 

Dầu khí của Nga tách khỏi châu Âu, rất khó để bù đắp một lượng dầu khí khổng lồ như vậy bằng cách chuyển tiếp sang Trung Quốc ngay tức thì. Quan trọng hơn, Nga không tìm được nhà tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng mới và sẽ chịu thiệt hại nghiêm trọng, sẽ ảnh hưởng nặng nề đến cán cân tài khóa và cán cân thanh toán quốc tế, từ đó sẽ đẩy Nga vào tình trạng siêu lạm phát.

 

Tổng hợp lại, cuộc chiến tranh tiêu hao đang diễn ra sẽ dẫn đến thâm hụt tài chính của Nga tăng mạnh. Một khi chiến tranh thất bại, sẽ phải chi ra một khoản bồi thường chiến tranh khổng lồ. Một khi châu Âu và Nga đi đến tách rời năng lượng toàn diện vào năm tới, lượng xuất khẩu dầu khí của Nga chắc chắn sẽ bị tổn thất nghiêm trọng. Nga sẽ bước vào một thời kỳ lạm phát kéo dài và tình trạng đói nghèo diễn ra theo dự đoán là rất cao.

 

Trên đây chỉ là quan sát cuộc chiến từ góc độ của Nga, và điều này cũng đúng từ góc độ của Ukraine. Vì những lý do gần giống nhau, một khi Ukraine chiến thắng, kinh tế của Ukraina sẽ có dịp phát triển nhanh chóng. Một Ukraine mới mẻ, độc ​​lập, thịnh vượng và có tầm ảnh hưởng về mặt địa lý sẽ xuất hiện trước thế giới.

 

Ngày 21/09, Tổng thống Putin ban hành lệnh động viên cục bộ trên cả nước và Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu thông báo sẽ tuyển 300.000 binh sĩ vào chiến trường Ukraine. Với điều này cho thấy Nga đã thấu chi thực sự về nhân lực, vật lực, tài lực vào cuộc chiến Ukraina.

 

Tổng thống Putin thông qua đó đã nhấn mạnh ga cho "cỗ xe" chiến tranh. Phía trước có hai con đường: Một là tiếp tục cuộc chiến tranh tiêu hao và bảo vệ những lợi ích địa chính trị đã có được ở Ukraine cho đến khi cả hai bên đều kiệt sức, đánh không nổi và ngồi vào bàn đàm phán. Bằng cách này, lợi ích của Nga trong cuộc chiến Nga-Ukraine này (chủ yếu là các bang Kherson và Zaporozhye) sẽ được củng cố, và hầu hết các khu vực xẩy ra chiến sự có khả năng bằng nhiều cách khác nhau sẽ sáp nhập vào lãnh thổ của Nga. Một cách khác là quân đội Nga bị đánh bại và mất hoàn toàn Crimea, và cuộc đời chính trị của Putin về cơ bản đã kết thúc. Điều này sẽ dẫn đến siêu lạm phát trầm trọng trong thời gian dài và Nga sẽ rơi vào cảnh đói nghèo theo chân Zimbabwe và Venezuela.

 

Lệnh động viên của Putin đã khiến nhiều cuộc biểu tình phản đối xẩy ra, khiến một số lượng lớn thanh niên ở các thành phố của Nga tháo chạy ra nước ngoài để tránh phải nhập ngũ. Các sân bay mấy ngày nay chật cứng những chàng thanh niên Nga (xem hình), vé máy bay tăng gần chục lần, họ bay đi bất kể nơi nào có thể bay. Một số thanh niên Nga, những người không có điều kiện đi máy bay hoặc ô tô, họ cùng nhau đi bộ qua biên giới đến Cộng hòa Georgia để tránh nhập ngũ (xem hình). Chính phủ Đức đang chuẩn bị cho ra một lệnh chấp nhận tị nạn chính trị cho các đối tượng chạy trốn này. Nếu được thông qua, tin chắc sẽ có rất nhiều thanh niên Nga bỏ chạy sang Đức.

 

Putin đã đặt cược lớn vào tương lai của nước Nga và vận mệnh chính trị của chính mình. Xem ra những lá bài trên tay Putin quá yếu, một trận thua trông thấy ngày càng rõ nét.

 

PHÓ ĐỨC AN 25.09.2022

Publié par Thụy My RFI à 17:28

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats