Những đứa trẻ rời quê hương đi tìm
cuộc mưu sinh
Thứ Ba,
09/06/2022 - 12:36 — songchi
https://www.rfavietnam.com/node/7338
...Tôi
sẽ đi tìm gặp
những
linh hồn giống tôi
những
linh hồn đã mất
khi tìm
cuộc đổi đời
Họ chết
trong thùng xe
ở một
vùng đất lạ
Chết
trong một dòng sông
Hay
trong một cánh rừng
Đều oan
khiên tất cả
….Nghèo
khó đã dắt đường
Chúng
tôi đi tìm những chiếc bánh
họ vẽ
trên giấy
trao
cho chúng tôi
những
chiếc bánh bốc hơi
Có người
chết âm thầm
mất dấu
tích
trong
những ngôi vườn kín
trồng
toàn cần sa
Có kẻ
chết vì ngộp không khí
trong
những chiếc xe ca
Tôi chết
vì ngộp nước
xác tôi bềnh bồng trôi …
Đó là một
phần của bài thơ “Tôi
cúi đầu xin lỗi” của nhà thơ Trần Mộng Tú với những câu thơ đầy
xúc động, khi nhà thơ hay tin thi thể của em Đ.M.H. (16 tuổi, ngụ Gia Lai)
bị mất tích trên sông Bình Di được người dân phát hiện vào khoảng 5 giờ sáng
ngày 20.8, gần cầu C3, thuộc ấp Búng Lớn, xã An Hội, H.An Phú.
Trong số
42 người đào thoát khỏi casino Campuchia nhảy xuống sông Bình Di bơi về Việt
Nam vào buổi sáng ngày 18.8, chỉ có một người bị bắt giữ lại, và một người bị
chết đuối là em, một thiếu niên.
Nghèo đói
đã khiến hàng ngàn, hàng chục ngàn người Việt rời nước ra đi tìm đường mưu sinh
ở nước người mỗi năm, trong số đó có cả những đứa trẻ vị thành niên. Chỉ riêng
cái bẫy lừa sang Campuchia “việc nhẹ, lương cao” cũng đã lôi kéo hàng ngàn người
Việt, người lớn có, trẻ vị thành niên có, sang làm cho các casino do người
Trung Quốc làm chủ. Hóa ra thực tế là phải làm việc mười mấy giờ một ngày, nếu
không đạt chỉ tiêu thì bị đánh đập, tra tấn, chích điện…cuộc sống như trong địa
ngục mà nhiều người thoát về kể lại. Và nếu không làm nổi xin về thì phải bỏ ra
một số tiền lớn để bồi thường hợp đồng. Nhiều gia đình có con bị lừa sang
Campuchia, khi con làm không nổi gọi điện thoại về cầu cứu, đã phải bán trâu
bò, cầm cố ruộng nương, vay ngân hàng, thậm chí vay nóng bên ngoài để có tiền
chuộc con về.
Câu chuyện
của các em Hoàng Seo L. (sinh năm 2004), Giàng Seo O. (sinh năm 2004), Giàng A
T. (sinh năm 2005), Giàng Seo P. (sinh năm 2005), Giàng Văn M. (sinh năm 2006),
người Hmong, cùng trú tại xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, Lâm Đồng, cũng tương
tự như câu chuyện của nhiều người khác bị lừa sang Campuchia.
Cuối tháng
7 năm 2022, 5 em tìm kiếm việc làm trên mạng để giúp đỡ gia đình và bị một kẻ
môi giới hứa hẹn cho việc làm tại một tiệm internet ở TP.HCM. Đầu tháng 8 năm
2022, các em được đón và tại nhà và đưa đến bến xe An Sương, TP. Hồ Chí Minh,
nhưng sau đó, một chiếc xe khác lại đưa các em đến biên giới Campuchia, và rồi
chuyển các em đến một sòng bạc. 4 trong 5 em chưa đủ 18 tuổi khi được tuyển dụng.
Người chủ đã yêu cầu các em ký hợp đồng lao động 6 tháng, người nào muốn phá hợp
đồng phải yêu cầu gia đình trả tiền ít nhất 4000 USD trước khi được thả ra. Các
em phải làm việc từ sáng đến tối để lôi kéo, dụ dỗ những người khác ở Việt Nam
chơi game trực tuyến. Mỗi em phải tìm cách kiếm được cho chủ 10 triệu VND, xấp
xỉ trên 400 USD mỗi ngày. Nếu không đạt được mức đó thì không được trả tiền, bị
đánh đập và nếu sau vài ngày không đạt được mức yêu cầu này thì sẽ bị
"bán" cho một công ty khác gần biên giới với Thái Lan.
Ngày 26
tháng 8 năm 2022, 5 trẻ vị thành niên người Hmong này đã được cảnh sát
Campuchia giải cứu và đưa về Mộc Bài, cửa khẩu quốc tế giữa Việt Nam và
Campuchia vào ngày hôm sau để giao cho cảnh sát Việt Nam. Sau khi thủ tục giấy
tờ ở biên giới được xử lý xong, 5 em đã về đến nhà vào ngày 30.8.2022. So với
nhiều đứa trẻ vị thành niên khác, các em vẫn còn may mắn vì đã về nhà an toàn.
Nhiều em như Lầu A P., sinh năm 2005, ở xã Nậm Manh, Huyện Nậm Nhùn, Tỉnh Lai
Châu, bị lừa sang Campuchia làm việc từ tháng 4.2022, Y Vươn M., sinh năm 2005,
ở Xã Đliêya, Huyện Krông Năng, Tỉnh Đắk Lắk v.v...bị lừa sang Campuchia từ
tháng 7.2022, và vẫn đang còn phải làm việc.
Người anh
trai của em Lầu A P. là Lầu A T. kể rằng ngay khi em trai mình gọi điện thoại về
nói là bị lừa sang Campuchia, anh đã làm đơn gửi đến công an xã, công an huyện,
công an tỉnh Lai Châu, nhưng không hề có hồi đáp, cũng không thấy ai tìm đến
gia đình hỏi han gì. Còn Lầu A P. cứ mỗi lần gọi về lại khóc, bảo em phải làm
việc từ 5 giờ sáng đến 10-11 giờ đêm mỗi ngày mà không được ăn đủ, lúc nào cũng
đói, em làm ra rất nhiều tiền cho ông chủ nhưng không hề nhìn thấy một đồng
lương nào, lại luôn luôn bị dọa rằng nếu không làm tốt thì sẽ bị bán đi nơi
khác. Em cũng cho hay là có rất nhiều trẻ vị thành niên làm việc ở đó, người
Kinh có, người Dao, Thái…có, kể cả các em gái. Em nào không thành thạo máy
tính, không dụ được nhiều người chơi games thì bị đánh, có những em làm vài
ngày là biến mất, không biết đã bị bán đi đâu. Em muốn về nhưng chủ lúc đầu nói
phải trả 70 triệu VNĐ, sau này lại bảo phải trả 80 triệu VNĐ thì mới được về. Số
tiền đó với một gia đình người dân tộc thiểu số nghèo quanh năm sống bằng nghề
làm nương rẫy, là một số tiền “không mơ thấy nổi”!
Có bao
nhiêu trẻ vị thành niên khác vẫn còn đang kẹt trong những “địa ngục trần gian”
có thật tại Campuchia? Mà không chỉ là lao động như khổ sai, hay thậm chí có thể
bị quấy rối tình dục, bị cưỡng hiếp. Và cả cái chết. Như trường hợp em Đ.M.H.
(16 tuổi, ngụ Gia Lai) vừa đề cập ở trên.
Trong vụ
39 người chết trong thùng container của một chiếc xe tải ở Grays, hạt Essex,
trong thùng của một chiếc container đông lạnh ở Grays, hạt Essex, Vương quốc
Anh ngày 23.10.2019, một thảm kịch nhập cư lậu làm rúng động dư luận nước Anh
và thế giới, có hai thiếu niên 15 tuổi quê ở Hải Phòng và Hà Tĩnh, là các nạn
nhân nhỏ tuổi nhất. Nhưng sau thảm kịch này, người Việt, lớn có, vị thành niên
có, vẫn tiếp tục ra đi…
Những đứa
trẻ sớm phải rời quê hương đi kiếm sống ở nước người, thường lớn lên trong những
gia đình nghèo ở thôn quê, vùng sâu vùng xa, và rất nhiều trẻ là con em của các
gia đình người dân tộc thiểu số.
Từ lâu có
một thực tế mà nhà nước Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận, đó là so với dân tộc
Kinh (chiếm 86,2% dân số), các dân tộc thiểu số thường chịu thiệt thòi nhiều
hơn về nhiều mặt. Đồng bào người dân tộc thiểu số thường sống ở miền núi và
vùng sâu vùng xa ở miền Bắc, Tây Nguyên, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long,
trong những hoàn cảnh khó khăn, với mức sống nghèo khổ, không có điều kiện học
hành nhiều, con cái của họ cũng ít học, nên dễ bị dụ dỗ rơi vào đường dây buôn
người. Các cô gái trẻ ở các vùng núi phía Bắc sát biên giới với Trung Quốc thì
dễ bị dụ dỗ bán qua biên giới làm vợ cho các chàng trai nghèo Trung Quốc, các
bé gái thuộc đồng bào dân tộc thiểu số ở phía Nam sát biên giới Campuchia thì bị
dụ dỗ, lừa bán sang Campuchia làm gái, hay như mới đây, là bị lừa sang
Campuchia làm việc trong các sòng bạc do người Trung Quốc làm chủ.
Liên Hiệp
Quốc và các tổ chức quốc tế đã nhiều lần lên tiếng nhắc nhở nhà nước Việt Nam
có những chính sách công bằng hơn đối với các dân tộc thiểu số, đặc biệt họ phải
có đủ đất đai để trổng trọt, mưu sinh, và con cái họ phải được tiếp cận với việc
giáo dục, ít nhất lả phổ cập hết bậc phổ thông cơ sở (hết lớp 9) hoặc phổ thông
trung học, để có những kiến thức, hiểu biết tối thiểu. Nhưng tình trạng đó vẫn
chẳng được cải thiện bao nhiêu.
Nhưng
không chỉ riêng đồng bào các dân tộc thiểu số, mà người Việt nghèo nói chung,
cũng không chỉ riêng người lớn, mà cả những đứa trẻ, cũng sớm phải tìm đường
rời bỏ quê hương đi mưu sinh nơi xứ người, và cũng sẽ có những em mãi mãi không
thể trở về…
No comments:
Post a Comment