Những
kỷ niệm cùng Thư Quán Bản Thảo – Nhân sinh nhật lần thứ 21
Trần Thị Nguyệt Mai
01/09/2022
https://baotiengdan.com/2022/09/01/nhung-ky-niem-cung-thu-quan-ban-thao-nhan-sinh-nhat-lan-thu-21/
Thời giờ thấm thoát thoi đưa
Nó đi đi mãi có chờ đợi ai…
Ôi thời
gian! Thế là hôm nay Thư Quán Bản Thảo (TQBT) đã ở ngất ngưởng con số 100. Con
số của một đời người. Tôi thỉnh thoảng vẫn hay ngâm nga câu thơ đầu của Kiều: “Trăm
năm trong cõi người ta”… để nghe lòng ngậm ngùi quá đỗi:
Trăm
năm còn lại những gì
Còn
chăng những nỗi sầu bi đắng lòng… (TTNM)
Nghe như
tiếng thở than của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm Khúc:
Trăm
năm còn có gì đâu
Chẳng
qua một nấm cỏ khâu xanh rì…
Ơ hay,
TQBT đang vui mừng đạt tới số 100, cớ sao nói chi những chuyện buồn phiền như
thế? Xin nói ngay, tôi bị dính “Cô” khi đi nghỉ hè ở miền Nam California. “Đắng”
này là từ hậu quả của thuốc Paxlovid. Một lúc sau khi uống 3 viên đầu tiên, tôi
đã text cho Bác sĩ Ngô Thế Vinh: “Thuốc bắt đầu ngấm. Miệng em
đắng nghét”. Ông Thầy an ủi học trò: “Thuốc đắng dã tật. Bộ thuốc trị bệnh mà
NM đòi ngon như ô mai sao?” Ước gì mọi thứ trên đời đều ngon như ô mai thì dễ
chịu biết bao! Tôi bị “Cô” chiếu cố tận tình hết sức! Đã hơn 10 ngày mà kết quả
vẫn còn dương tính. Phải tiếp tục cách ly với hết thảy mọi người, lúc nào ra
ngoài cũng phải mang mặt nạ thật khó thở, dù trước đây khi tự nguyện nên cảm thấy
rất thoải mái, còn bây giờ thì bắt buộc nên bỗng thấy… khó chịu!
Hôm qua,
thứ hai đầu tuần, boss gọi điện thoại hỏi có thể đến sở sau giờ
làm việc để làm một số việc “không thể chờ được” không, tôi OK liền. Làm
cái test nhanh, chụp hình text cho boss xem:
“Kết quả không chắc chắn. Vẫn còn một đường chỉ mảnh màu hồng ở phần mẫu thử
(sample)”. Một lúc sau boss viết lại: “Đã hỏi Bác sĩ W. “Cô”
đang đi ra khỏi thân bạn vì đường hồng rất nhạt. Nhưng bạn vẫn phải tiếp tục
cách ly 5 ngày. Và sau đó vẫn phải đeo mask thêm 5 ngày nữa…” Tôi xem đây như một
“tin vui giữa giờ tuyệt vọng”, đã sắp thoát khỏi “Cô”, nên đến sở với tâm hồn
phơi phới, đeo mask và đóng cửa phòng lại trong khi làm việc, chẳng khuấy động
đến ai. Với niềm vui đó, hôm nay tôi ngồi viết những dòng chia sẻ này.
Nhân duyên
nào để tôi có thể trở lại với văn chương Việt khi ngỡ đã không còn một cơ hội?
Thời thiếu nữ của tôi đã mất cùng với năm tháng đó như bao người con gái ở phía
Nam cùng trang lứa. Để thấy được mọi bất công nghiệt ngã trên phần đất đã nuôi
dạy mình tính nhân bản từ lúc mới đến trường: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Những
cuộc hủy diệt phần thư, đày đọa những sĩ quan và viên chức chế độ VNCH vào tù cải
tạo, chính sách kinh tế mới, đối đãi hồng hơn chuyên, trái tai gai mắt… Đường
đã dồn đến cùng, nên người bỏ nước ra đi là điều không thể tránh khỏi. Đến một
xứ sở mới khi đã không còn trẻ, bắt đầu lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, lại ở
một nơi xa xôi hẻo lánh không có cộng đồng người Việt, nên tôi hầu như đã quên
chữ nghĩa Việt dù vẫn được nói tiếng Việt trong gia đình. Lúc ấy máy tính,
internet và các trang mạng văn chương chưa được phổ thông như bây giờ. Báo chí
Việt lại càng không có cơ hội đến nơi xa xôi hẻo lánh, rất ít người Việt chỗ
tôi sinh sống. Lo học hành, kiếm tiền cộng thêm bổn phận gia đình đã cuốn hút tất
cả thời gian của tôi…
Cho đến
mãi về sau này, nhờ vào các phương tiện máy tính, mạng lưới internet và các
trang mạng bắt đầu phát triển rộng, tôi liên lạc lại được với chị Cam Li Nguyễn
Thị Mỹ Thanh, một cây bút rất quen thuộc của Tuổi Hoa, một bạn văn thân thương
thuở ấy mà chúng tôi xem nhau như chị em một nhà. Một bài tùy bút trên Tuổi Hoa
ngày đó của chị Cam Li được anh Trần Hoài Thư chọn đưa vào cuốn Văn Miền Nam
nên trong một dịp trò chuyện, chị giới thiệu công trình sưu tập văn chương miền
Nam của anh chị Trần Hoài Thư để từ đó tôi viết thư cho anh đặt mua bộ Văn Miền
Nam. Ngoài sách đặt, anh còn gửi tặng tạp chí Thư Quán Bản Thảo và tập thơ Ô Cửa
thật dày của anh. Thơ anh rất hay nhưng đó đây có những lỗi chính tả. Tôi bèn lấy
giấy vừa thưởng thức thơ vừa ghi ra những lỗi ấy, gửi lại để anh sửa cho những
lần in sau. Chẳng ngờ chuyện nhỏ nhoi đó lại trở thành “định mệnh” giúp tôi trở
lại với văn chương Việt và được quen với những người Anh, người Chị, người Thầy,
người Bạn văn chương hết sức tuyệt vời…
Tôi bắt đầu
giúp anh Trần Hoài Thư đọc bản thảo từ TQBT số 46 (tháng
4-2011) chủ đề Tưởng nhớ Nhà văn Doãn Dân cho đến số 60 chủ
đề Tạp chí Sáng Tạo (tháng 7-2014). (Những số sau này tôi chỉ được đọc khi nào
anh nhờ giúp). Buổi đầu có rất nhiều lúng túng và bỡ ngỡ. Rời quê hương và
không còn đọc viết tiếng Việt đã trên 20 năm, cách chi nhớ nổi hết! Chữ đầu nào
nên dùng d hoặc gi, và chữ cuối nào nên là t hoặc c, những dấu hỏi và ngã “bất
quy tắc”? Ôi chao, điên cái đầu! Thời gian đó tôi cứ email liên tục hỏi chị Cam
Li vì lúc xưa đã có thời gian chị làm “cô cò” cho báo Tuổi Hoa. Có “quới nhơn”
giúp đỡ và tôi cũng cố gắng học hỏi nên dần rồi việc cũng quen. Sau này lại có
những links tự điển để dễ dàng tra cứu nên lần hồi việc này cũng trở thành đơn
giản. Cũng có khi bị bí, không hiểu, thì tôi hỏi anh THT những thắc mắc. Như
lúc làm TQBT
số 49 chủ đề Nhà thơ Lâm Vị Thủy (tháng 12-2011) trong bài thơ “Cho một
người xem” trang 224, có chữ “xếp tanh”:
Có phải
cuộc đời như ga xép
Chúng
mình những chuyến tàu quen thuộc
Đôi mắt
người xếp tanh giờ ngó tìm qua vuông kính mở
Những
dòng sông,
Những
cánh rừng cao su chưa lấy mủ
(Cho một
người xem – Lâm Vị Thủy)
Thì được
anh giải thích: Xếp tanh (từ gốc tiếng Pháp “chef de train”) là nhân
viên hỏa xa phụ trách tổng quát trên xe lửa. Nên tôi đã để ghi chú này dưới bài
thơ để mọi người cùng hiểu.
Tờ báo đầu
tiên trong buổi “xuất quân” của tôi có nhiều kỷ niệm. Đầu tiên là hiểu được nỗi
vất vả của anh chị Trần Hoài Thư – Nguyễn Ngọc Yến khi đi sưu tập tài liệu:
“… 4 giờ sáng mồng 7 Tết Tân Mão, bắt đầu rời nhà. Rời nhà khi trời còn
đen tối, khi tuyết bão, khi trời sương mù dày dặc. Khi chúng tôi đến Scranton,
cách thư viện Cornell khoảng 50 dặm, vào lúc 8 giờ sáng thì đường đông đá. Chiếc
xe đầu chạy chậm lại khiến tôi, quen như một phản xạ, cũng đạp thắng và đạp rất
nhẹ. Vậy mà xe đã mất điều khiển trợt tự do. Hết trái, rồi qua phải, không thể
kiềm chế nó nổi. Trong khi đó phía đường ngược chiều nằm phía bên trái, một chiếc
xe truck chạy ngược lại. Tôi chỉ còn biết nhắm mắt...” (Rong bút – Trần
Hoài Thư – tr. 5). Rồi thật tình cờ, trong bài “Những lần ra mắt sách” của anh
Nguyên Minh, ở trang 33, nhìn tấm ảnh chụp nhóm Ý Thức trong đó có vợ chồng anh
chị Hồ Thanh Ngạn – Nguyễn Thị Dung của Thanh Yên và Thanh Lam – hai cô bạn
ngày cũ – tôi như gặp lại người quen. Thêm một điều lạ nữa là khi dò “Bàn Tay
Cho Yến”, truyện ngắn của Doãn Dân, bỗng thấy một đoạn bị thiếu. Tôi copy đoạn
đó vào email định nhờ anh Trần Hoài Thư tra cứu giùm bản gốc để thêm vào, thì
thật mầu nhiệm, chữ nghĩa hiện ra rõ ràng!
Một chuyện
tình cờ nữa là khi làm số 49 (tháng 12-2011) ở phần bài vở cho chủ đề Giáng
sinh, anh THT có hỏi ý tôi là nên cho đi một truyện ngắn của anh viết trước
1975 về người lính trong ngày Giáng sinh hay nên đi một truyện sau 1975 về người
tù cải tạo? Tôi đề nghị đi bài trước 1975 để độc giả thấy được những hy sinh của
người lính ngoài mặt trận chịu mưa rét giá lạnh hành quân giữ cho hậu phương được
yên ổn vui chơi trong ngày lễ cuối năm. Anh đã đồng ý và cho đi bài “Nay Lát”. Đến
khi bạn Quang Võ giúp sưu tầm và đánh máy lại tập truyện ngắn “Những vì sao
vĩnh biệt” do Ý Thức xuất bản năm 1971 của anh, mặc dù cuốn sách được sưu tập
nguyên vẹn không thiếu trang nào, nhưng truyện “Nay Lát” trong sách lại bị thiếu
một đoạn (và truyện “Như Ân Thánh Sủng” ghi ở mục lục nhưng trong phần nội dung
lại không có). Nên tôi đã dùng truyện này so sánh với đoạn thiếu để nhờ Quang
Võ đưa thêm vào. Anh Thư ơi, đây là chuyện bây giờ mới kể, anh thấy có điều
trùng hợp kỳ lạ không?
Ký ức lại
đưa tôi về khi làm tập TQBT 50 – Chủ đề Nguyễn Đức Sơn (tháng 2-2012) là khi đọc
bài anh Đinh Cường có chỗ không rõ lắm nên tôi viết thư hỏi. Anh đã trả lời rất
tường tận và còn giúp tôi dò bản gốc thơ ở những bài viết khác… Đó cũng là khởi
điểm để tôi được quen thân hơn với anh. Anh là một trong những cộng tác viên rất
đắc lực và một mạnh thường quân của TQBT. Ngoài đóng góp tranh bìa, minh họa và
bài vở, do mối quan hệ bạn bè rộng rãi, thân thiết, anh còn giúp liên lạc với
gia đình tác giả. Như đã giúp liên lạc với chị Kim Nhung, em gái nhà văn Nguyễn
Thị Thanh Sâm để in lại tiểu thuyết Cõi Đá Vàng. Hay nhà thơ Trần Xuân Kiêm,
phu quân của Nữ sĩ Phùng Thăng khi thực hiện TQBT số 59 – Tưởng niệm Phùng
Thăng (tháng 3-2014). Cũng số báo này, anh ĐC đã nhờ “cặp đôi hoàn hảo” Phạm thị
Anh Nga – Bửu Nam ở Huế tìm giúp tất cả những hình ảnh tư liệu về Phùng Thăng,
mượn thư viện cuốn “Kẻ lạ ở Thiên Đường” của Simone Weil và scan truyện đó để
TQBT có thể giới thiệu với bạn đọc. Anh rất nhiệt tình giúp những gì anh có khả
năng giúp. Tập TQBT 60 – Chủ đề Tạp chí Sáng Tạo (tháng 7-2014), anh đã thức rất
khuya để chụp giúp thơ trên 4 số báo Sáng Tạo mà trong file Sáng Tạo của anh
THT không có. Khi anh THT bắt đầu tập cho tôi làm bìa TQBT thì chính anh Đinh
Cường cũng đã giúp ý kiến, chỉ dẫn. Đối với tôi, anh lúc nào cũng như một người
Anh, một người Thầy mà tôi rất quý kính.
Cũng qua
TQBT tôi được quen với anh Nguyễn Phán, nguyên Đại úy Biệt Động Quân, khóa 24
Võ Bị Đà Lạt, người sĩ quan đã sống sót trở về sau những ngày đụng trận rất khốc
liệt nơi chiến trường An Lộc “An Lộc địa, sử ghi chiến tích” năm 1972.
Anh cũng là một trong bảy thành viên sáng lập Hội HO cứu trợ TPB & CNQP/
VNCH. Sau khi số TQBT 64 chủ
đề “Một nơi nào để nhớ” phát hành vào tháng 5-2015, tôi nhận được từ anh THT:
Chuyển
em thư mời cộng tác của anh chủ bút tờ Đa Hiệu (Võ Bị Đà Lạt).
Chúc
lành
THT
—
2015-06-26
19:20 GMT-04:00 Thuc Phan <xxxxx@yahoo.com>:
Thưa anh,
Anh và chị
Yến có khỏe không?
Xin hỏi
anh và nhờ anh. Trong THƯ QUÁN BẢN THẢO số 64 tôi đọc được nhiều bài viết về
Sài Gòn mà tôi rất ưng ý của nhiều tác giả mà trong đó có anh, chẳng hạn như
bài SÀI GÒN VÀ TÔI của anh (trang 50) và Một Thoáng Hương Xưa của Trần Thị Nguyệt
Mai (trang 141)… Anh có thể bắc giùm một nhịp cầu nối giữa tôi và tác giả Trần
Thị Nguyệt Mai để tôi mời cô cộng tác với tập san Đa Hiệu. Đây là lần đầu tiên
mà tôi đọc bài viết của nữ tác giả này và bị cuốn hút ngay vào lối viết rất tự
nhiên nhưng hấp dẫn người đọc.
Ngày 1
tháng 7 năm 2022 vừa qua, anh Nguyễn Phán đã được Chúa gọi về. Trên trang báo
này, em xin được mặc niệm tưởng nhớ đến Anh. “Thác là thể phách còn là tinh
anh”. Anh đã sống một đời rất đẹp, với tổ quốc, với tha nhân. Nên Anh sẽ
mãi còn trong tim của rất nhiều người.
Thế đó,
TQBT như một mái nhà kết nối giữa người đọc và người viết, giữa người viết và
người viết. Như trong điện thư ngày thứ sáu 15-4-2016 anh THT chuyển cho tôi:
NM thân:
Nhà thơ Phạm
văn Bình vừa để MSG nhờ anh chuyển lời ngợi khen về bài Lục bát của NM trên
TQBT số mới*. Nguyên văn: “Bài thơ dù ngắn gọn nhưng đọc thật xúc động. Đọc đi
đọc lại vẫn hay…”.
Chúc lành
về em và gia đình.
THT
[* Ghi
chú: Bài thơ “Người Đi” viết nhân 49 ngày của họa sĩ Đinh Cường đi trên TQBT
số 69 (tháng 4-2016) chủ đề Tạp chí Mai.]
Tháng
11-2012, nhân chuyến về thăm gia đình, anh Trần Hoài Thư đã nhờ tôi liên lạc với
nhà văn Dương Nghiễm Mậu để trình bày ý định làm TQBT số 55 – tháng 1-2013. Anh
Đinh Cường giới thiệu để tôi có thể đến gặp anh Nghiễm. Đây là số TQBT định mệnh.
Anh Nghiễm chia sẻ anh có một bút ký viết về Tết Mậu Thân 1968 đã bị thất tán,
nếu được xin anh THT tìm giúp. Anh Thư đã kiếm thấy ở Thư viện Đại học Yale cuốn
“Địa Ngục Có Thật” và chính chị Yến là người đã khuyến khích anh lên đường lần
thứ hai để mượn được cuốn sách này. Đây là số báo cuối cùng có chị Yến tham
gia. Báo đang làm trơn tru, anh chị dự định sẽ mang tặng bạn bè khi đến dự buổi
lễ ra mắt sách của anh Nguyễn Xuân Thiệp vào ngày 5-1-2013 tổ chức tại
Virginia, thì vào một ngày cuối năm 2012, tôi đột ngột nhận được điện thư của
anh: “Chị Yến bị stroke hôm nay. Anh phải lo cho chị. Nên tạm ngưng một
thời gian. Mong em cảm phiền.”… Như vậy cho đến hôm nay, chị đã nằm bệnh 10
năm rồi. Mười năm địa ngục có thật trên cõi thế. Với anh. Nhưng anh đã gắng hết
sức để tiếp tục con đường đã chọn cùng chu toàn bổn phận chăm sóc người vợ hiền
cho đến trước thời đại dịch Covid-19. Thời gian đầu khi chị Yến ở nhà thì anh
lo toàn bộ. Đến lúc phải đưa chị vào nursing home (tháng
5-2015) vì bệnh trở nặng hơn, một mình anh không thể giúp được, thì mỗi ngày
hai lần anh vào thăm và mang thức ăn Việt do chính anh nấu để chị ăn; song song
đó là những số báo thật công phu, giá trị lần lượt ra đời. Trong đó có những số
với chủ đề thật “gai góc”: Phùng Thăng và hai dịch phẩm “Những Ruồi” & “Kẻ
Lạ ở Thiên Đường”, Nhà văn Hoàng Ngọc Hiển, Nhà thơ Phạm Ngọc Lư, Nhà văn Triều
Sơn và Nuôi Sẹo, học giả Nguyễn Nam Châu… TQBT cũng giới thiệu những tạp chí xuất
bản tại miền Nam trước 1975: Sáng Tạo, Khởi Hành, Trình Bầy, Hiện Đại, Mai, Văn
Học, Văn Hóa Nguyệt San, Tình Thương, Giữ Thơm Quê Mẹ, …
Nhưng từ
khi đại dịch Covid xảy ra đến nay thì bó tay. Bây giờ mỗi tuần anh chỉ được vào
thăm chị một lần vào ngày thứ sáu để đẩy chiếc xe tình:
Cửa viện
mở ra, tôi đẩy xe tình mang mình ra nắng
Những bụi
mai vàng, càng vàng càng thắm
Dưới nắng
vàng, như thoa phấn điểm trang
(Trần Hoài
Thư – Ngủ)
Ở nhà
lòng tôi già úa bao nhiêu
Bên em
chiếc xe tình làm tôi trẻ lại…
(Trần Hoài
Thư – Xe Tình)
Mười năm
trời không có chị và những số báo TQBT bất định kỳ vẫn tiếp tục ra mắt bạn đọc
với anh THT bao thầu từ A tới Z: chủ nhiệm kiêm chủ bút kiêm ấn công kiêm thư
ký… dù có lúc đã ngỡ không còn tiếp tục được nữa khi anh bất ngờ bị cơn bão
stroke tấn công vào tháng 6-2020. Anh Phạm Văn Nhàn vẫn đồng hành cùng anh
nhưng vì ở xa nên chỉ giúp ý kiến, đóng góp bài vở, hay phát hành báo ở Việt
Nam, chứ không thể đảm đương việc in ấn…
Kính thưa
hai anh Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn,
Hôm nay
TQBT đã đạt được con số 100 với 21 năm xuất bản. Một con số nằm ngoài mơ ước kể
từ khi chị Yến nằm một chỗ và hai anh mỗi người với một căn bệnh dành riêng. Với
niềm đam mê văn chương cùng ước muốn khôi phục và giữ gìn Di sản Văn chương Miền
Nam (1954-1975) cũng như trả lại cho những người cầm bút ở miền Nam, nhất là những
người Lính VNCH đã ngã xuống trên các trận tuyến, một vị trí xứng đáng, và bằng
tất cả nỗ lực, TQBT và Thư Ấn Quán đã giới thiệu với độc giả tới nay là 100 số
báo và rất nhiều tác phẩm văn học rất có giá trị, góp phần đập tan những luận
điệu tuyên truyền của “bên thắng cuộc” gán ghép, nào là văn chương thực dân, nọc
độc, đồi trụy, phản động, v.v… Tới nay, trong nước, đã có những luận án tiến sĩ
về Văn chương Miền Nam thời chiến và bộ sách Văn Miền Nam của Thư Ấn Quán đã được
dùng làm tài liệu tham khảo. Đó là một thành công đáng kể. Thời gian trôi và mỗi
ngày tuổi trời thêm chồng chất, em chỉ mong hai anh chân cứng đá mềm, có đủ sức
khỏe để đi tiếp những chặng đường trước mặt.
No comments:
Post a Comment