Nguyên
nhân ngập lụt đô thị: Nhìn từ Đà Lạt
Thứ ba,
06/09/2022 - 05:00
https://dantri.com.vn/blog/nguyen-nhan-ngap-lut-do-thi-nhin-tu-da-lat-20220905214230868.htm
(Dân
trí) - Nhìn từ Đà Lạt chúng ta dễ thấy một điều là mật độ xây dựng quá dày đặc,
khiến nước không thể thấm vào đất nên đã tràn ra đường phố.
Danh sách
các đô thị bị ngập lụt ở Việt Nam sau mỗi trận mưa lớn ngày càng dài,
từ thành phố lớn đến thành phố nhỏ, từ thành phố miền biển đến thành phố cao
nguyên, từ Thủ đô ra đến huyện đảo. Có những nơi 20 năm trước chưa biết
ngập lụt là gì. Tất cả đều
là nạn nhân của quy hoạch đô thị.
Ngày 1/9/2022,
Đà Lạt đón nhận một cơn mưa lớn cuối chiều. Cơn mưa chỉ kéo dài 2 tiếng nhưng
các con phố chính biến thành những dòng suối nước chảy cuồn cuộn, người dân bất
ngờ, bì bõm chống chịu với dòng nước chảy xiết mà ngơ ngác không hiểu tại sao.
Người dân Đà Lạt chắc chắn sẽ nơm nớp lo âu với những cơn mưa sắp tới. Người
dân ở các đô thị khác quan ngại cho Đà Lạt nhưng không để ý rằng chính nơi họ
đang sống cũng tiềm tàng các nguy cơ ngập lụt, khi thành phố đã bị be bờ.
Năm 2020,
tôi thường xuyên theo dõi, đưa tin và phân tích tình hình lũ lụt ở Trung Quốc.
Những phân tích của tôi chẳng khi nào đến được với người Trung Quốc, chắc chắn
thế. Nhưng tôi vẫn làm, vẫn không ngừng đưa tin trên trang facebook cá nhân là
vì hy vọng những phân tích đó sẽ cảnh tỉnh cho người Việt Nam rằng
thời tiết ngày càng cực đoan hơn do biến đổi khí hậu gây nên.
Trong các
phân tích, tôi nhận định rằng Trung Quốc cầm cự được đợt mưa lớn và kéo dài 48
ngày trên diện rộng chứ Việt Nam mình không chịu nổi hình thái mưa cực đoan đó
tới 5 ngày. Năm đó, chỉ một cơn mưa lớn đã khiến Hà Giang thất thủ, 5 người thiệt
mạng, hàng trăm ô tô và hàng ngàn ngôi nhà bị ngập, thiệt hại kinh tế vô cùng lớn.
Tại sao vậy?
Hầu hết
các thành phố của Việt Nam đang trong giai đoạn mở rộng cơ sở hạ tầng và nhà ở
chóng mặt. Trong quá trình đó, tư duy quy hoạch lấp đầy chỗ trống đang lấy đi
những không gian chứa nước tự nhiên như hồ chứa, công viên, đất trồng cây và cả
các triền sông vốn là vùng chậm lũ.
Quá trình
quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng tiếp cận gần sông, gần biển, bạt núi,
lấp hồ đều tác động thô bạo đến các dòng chảy tự nhiên và không gian dành cho
nước vốn dĩ được thiên nhiên tạo hình hàng ngàn năm và được ông cha ta giữ gìn
hàng trăm năm nay.
Giờ thì mạnh
ai nấy quy hoạch, mạnh ai nấy lấn hồ, mạnh ai nấy bịt dòng chảy và cướp đi
không gian của nước. Việc này khiến các đô thị của Việt Nam càng ngày càng dễ tổn
thương hơn với các hình thái thời tiết cực đoan.
Nhiều phương tiện bị ngập sâu trong nước sau
trận mưa chiều 1/9 ở Đà Lạt (Ảnh: CTV).
Hãy cứ nhìn lại những đô thị bị "đánh úp" gần đây bởi những trận mưa
lớn như Quảng Ninh, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Vinh, thành
phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, và gần đây nhất là Đà Lạt. Những thành phố trên cao
cũng ngập. Những thành phố ven sông, ven biển cũng ngập. Vì sao vậy?
Mật độ xây dựng
Nếu lấy Đà
Lạt làm ví dụ chúng ta dễ thấy một điều là mật độ xây dựng quá dày đặc, khắp
nơi bị bê tông hóa, nhà kính làm nông nghiệp khiến nước không thể thấm tự nhiên
vào đất và tràn ra đường tạo thành các con suối giữa phố.
Quyết định
số 33/2003/QĐ-UB của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc Ban hành Quy định các chỉ
tiêu chủ yếu về quản lý quy hoạch và xây dựng đối với nhà ở tư
nhân trên địa bàn thành phố Đà Lạt, có hiệu lực từ năm 2003 đến
nay vẫn còn hiệu lực.
Quyết định
nêu rõ: Cho phép xây dựng tối đa 100% diện tích lô đất xây dựng đối với nhà liền
kề, nhà phố; cho phép xây dựng tối đa 90% diện tích lô đất xây dựng đối với nhà
liền kề có sân vườn.
Như vậy, bất
cứ nơi nào được quy hoạch đất ở thì người dân được quyền xây nhà kín đất. Đối với
đất biệt thự chủ sở hữu đất được quyền xây dựng 50% diện tích xây dựng. Tuy
nhiên đó chỉ mới là phần nhà ở. Chủ nhà hoàn toàn có thể làm các mái tạm,
đổ bê tông kín khu nhà ở và vì thế khả năng thấm nước bằng không. Với tốc độ
phát triển nhà ống dọc các con phố hiện nay thì gần như 100% diện tích đất ở đã
xây kín bằng bê tông.
Phát triển nhà kính, nhà lưới thiếu kiểm soát
Đà Lạt là
một thành phố đặc thù về khí hậu thuận lợi cho phát triển du lịch kết hợp nông
nghiệp sinh thái. Chính vì vậy mà số lượng nhà kính nông nghiệp phát triển bùng
phát trong những năm qua.
Theo số liệu
thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, hiện có trên 215,99
ha nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp, trong đó nhiều nhất là Đà Lạt, với
hơn 170,84 ha (chiếm hơn 79%). Luật quy định không cho phép xây dựng bất kỳ
công trình nào trên đất lâm nghiệp, trừ các công trình phục vụ quốc phòng và
kinh tế trọng điểm của quốc gia. Việc phát triển nhà lưới, nhà kính thiếu kiểm
soát khiến không gian dành cho nước và đất không còn.
Điều chỉnh quy hoạch, tăng quy mô dân số
Luật quy
hoạch đô thị quy định rõ: Thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch chung thành phố
thuộc tỉnh, thị xã từ 20 đến 25 năm. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, đa
số các thành phố đã điều chỉnh quy hoạch ngay sau khi quy hoạch chung được phê
duyệt để phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương.
Một đánh
giá từ Đoàn giám sát của Quốc hội đã báo cáo trước Quốc hội khóa XIV vào tháng
5/2019, nêu: kết quả đánh giá từ 12 tỉnh thành cho thấy có đến 1.390 quy hoạch
bị điều chỉnh. Các điều chỉnh chủ yếu là quy hoạch điều chỉnh tăng tầng cao, giảm
diện tích, đất công trình, hạ tầng kỹ thuật. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều
chỉnh quy hoạch song hệ lụy của việc này thường tiêu cực, bao gồm: Gia
tăng dân số, gia tăng áp lực đối với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng
giao thông… Đặc biệt là tình trạng tắc đường, úng ngập, ô nhiễm không khí, mất
an toàn cháy nổ, không gian sống ngột ngạt
Khi lập
quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị, các nhà quy hoạch đã có tính toán kỹ về:
Giao thông đô thị; cao độ nền và thoát nước mặt đô thị; cấp nước đô thị; thoát
nước thải đô thị; cấp năng lượng và chiếu sáng đô thị; thông tin liên lạc;
nghĩa trang và xử lý chất thải rắn.
Tuy nhiên,
khi điều chỉnh quy hoạch, các yếu tố trên không được xem xét đầy đủ, hoặc chỉ
xem xét tính toán ở một phạm vi nhỏ, nơi quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch phân
khu được điều chỉnh. Điều này dẫn đến hệ lụy là những khu vực được điều chỉnh
xây dựng mới sẽ tạo ra những rủi ro về ngập lụt cho những khu vực tồn tại trước
kia.
Một khi đã
đổ bê tông để làm một công trình lớn, chúng ta không còn nhiều cơ hội để sửa chữa
sai lầm. Vậy nên, hãy cẩn trọng với những quy hoạch mới, đặc biệt là những quy
hoạch xâm phạm không gian chậm lũ ở các triền sông, quy hoạch lấn biển và lấp hồ.
Hậu quả sẽ khôn lường bởi thời tiết cực đoan không dừng lại.
----------------------
Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy (bút
danh Huy Nguyễn) là chuyên gia về biến đổi khí hậu và ứng phó thảm họa - hiện
đang làm cố vấn cho ADB và USAID. Ông cũng được biết đến là một influencer trên
mạng xã hội về dự báo thời tiết, thiên tai.
No comments:
Post a Comment