Saturday 24 September 2022

NGƯỠNG CỦA MỖI CHÚNG TA (Tuấn Khanh)

 



Ngưỡng của mỗi chúng ta   

Nhạc sĩ Tuấn Khanh

23-9-2022   12:36   

https://www.facebook.com/NhacsiNguyenTuanKhanh/posts/pfbid0AdQqrFQ3P6TKczv5gTwi8dCEJCVuT1iZRncqaRUoMqMXoiE5FFdAq7Gv4kutK8Wbl

 

Bản tin tháng 9/2022 của báo chí Nhà nước có nói thoáng qua về cuộc đình công của hàng ngàn người tại Khu công nghiệp Phú Hà, tỉnh Phú Thọ, trong đó công nhân nói họ không thể nào sống nổi với mức lương cơ bản là 4,2 triệu đồng/tháng. Tính theo giá đô la, là chưa tới 200 USD/người. Nhưng nhanh chóng, chuyện mưu sinh của những con người khốn khổ ở các tỉnh phía Bắc ấy, chỉ trong một ngày đã chìm lấp trong các sự kiện giải trí của Việt Nam về các hoa hậu, bóng đá, lời thề bắt thủ phạm giả mẫu logo Bộ y tế…

 

Công nhân ở nhà máy BYD do Trung Quốc đầu tư ở Khu công nghiệp Phú Hà, tỉnh Phú Thọ chỉ là một trong những câu chuyện mà thanh niên Việt Nam đang hàng ngày làm và sống tạm bợ bên trong các khu công nghiệp to đẹp, phát triển rực rỡ khắp trên đất Việt Nam.

Bề mặt xã hội rộn rịp bên cạnh các câu chuyện vui đùa, những lời tuyên bố đầy kiêu hãnh Việt Nam, ít ai để ý rằng dưới lớp vỏ mỹ miều ấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 107 vụ đình công lớn nhỏ. Hầu hết là do tiền lương, tiền ăn quá sức thấp khiến giới công nhân tức giận.

 

Vì thấy không thể sống được với mức lương sinh hoạt ở đô thị, mọi người ở công ty BYD quyết định ngừng công việc. Điều mỉa mai, là khi đối thoại với công nhân, đại diện của chủ đầu tư Trung Quốc giải thích rằng, mức lương của đầu người như vậy, là công ty BYD đã trả lương cơ bản cao hơn so với quy định của pháp luật rồi.

 

Thật khủng khiếp, dù gọi là quy định của pháp luật, như làm sao có thể hình dung một mức sống của hàng triệu con người Việt Nam thấp đến vậy? Đó là chưa kể, trong tiếng kêu của công nhân từ năm 2021, lương cơ bản đã được chính thức tăng từ ngày 1 tháng Bảy 2022 thêm 6%. Ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong một báo cáo như tự khen mình, đã nói rằng Liên đoàn đã “tích cực đàm phán, thương lượng tăng lương tối thiểu vùng, tham gia trình Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP về quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động”.

 

Người Trung Quốc ở Phú Thọ khẳng định rằng họ nhận thấy lương cho công nhân Việt Nam quá thấp, nên họ thấy “thương” và đã cho cao hơn ngưỡng quy định của pháp luật. Và trong tình thương đó, không có đoạn nào mà Liên đoàn Lao động “tích cực” tham gia cả. Liên đoàn mãi luôn là người tình hời hợt đến sau. Khi người công nhân bắt đầu ngồi xuống trước các cánh cửa công ty, giơ khẩu hiệu và đòi hỏi quyền lợi của mình thành sự kiện lớn, thì lúc đó mới thấy người của Liên đoàn Lao động cùng công an địa phương rầm rập đến.

 

Sau vài ngày đàm phán, lương của công nhân BYD giờ là 4,8 triệu/tháng. Cộng vào đó, ai làm tăng ca thì không còn phải bù thêm tiền để được ăn cơm. Lương được hứa chuyển vào thẻ đúng ngày. Phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt – và xét thấy có hành kinh - thì được nghỉ 30 phút/ngày.

 

Hàng triệu con người trẻ tuổi Việt Nam đang sống và làm việc như vậy đó. Họ đang làm nền cho những lớp son phấn của xã hội, với các tuyên bố giả điên giả dại của các vị shark tank, của các trò vui ngơ ngáo của giới giải trí và các chỉ số tăng trưởng như xổ số.

 

Hãy tự hỏi mức sống dưới 5 triệu đồng/tháng đó, những con người Việt Nam sẽ xoay sở ra sao với phòng trọ nhỏ hẹp tối tăm của mình, bao gồm cả tích góp gửi về cho cha mẹ, nuôi con cái ăn học? 5 triệu đồng một tháng là nền tảng im lặng của hình ảnh Việt Nam giàu có và hùng cường hôm nay.

 

Những người chật vật xoay sở với 5 triệu đồng/tháng, đang là chỗ dựa vững chắc cho hình ảnh con cái các quan chức cấp thấp, cấp cao của Việt Nam khoe mình định cư ở xứ tư bản, khoe con cái tốt nghiệp ở những ngôi trường giá đắt đỏ mà chính người bản xứ cũng phải e dè. Mà nên nhớ, mức lương khai báo của các quan chức ấy chỉ gấp đôi hay gấp ba những người công nhân xanh xao lao lực ngày đêm đó.

 

Cách đây không lâu, có dịp nghe một anh chạy xe ôm tâm sự rằng anh bỏ làm công nhân để chạy xe kiếm thêm cho bớt nhọc, và ước mơ mua một chiếc xe tốt hơn hiện tại. Anh định mua lại một chiếc xe cũ chỉ dưới 30 triệu để làm nghề, vì “mắc quá thì em để dành không nổi”. Anh định chạy xe ôm hơn nửa năm thì có thể dành dụm mua được chiếc xe ấy. Còn đi làm công nhân, thì chắc phải 2 năm. Số tiền trong ước mơ nhỏ nhoi của người cần lao Việt Nam, có cái ngưỡng cao quá.

 

Ngưỡng - có nhiều loại ngưỡng - cũng khác với suy nghĩ của quan chức chống tệ nạn xã hội từng xuýt xoa “giá mua - bán dâm 600 triệu đồng là rất cao!”. Cũng là ngưỡng thôi, nhưng dân khác, quan khác.

 

Chỉ là chuyện nghĩ thoáng qua, khi đọc được một bản tin về những con người Việt Nam, vậy thôi. Và lại nhớ thoáng qua về những người công nhân trong đại dịch đã bỏ của chạy lấy người về quê trong túng cùng, trước ngưỡng sống chết, bị báo chí miệt thị cả một thời gian dài như kẻ thù của xã hội. Tôi cũng nhớ đến ngưỡng tuyệt vọng và tức giận của những người dân khi bị giam nhốt và bị thất hứa về trợ giúp thực phẩm. Nhiều người đã vào tù sau đó vì dám vượt ngưỡng của nhà nước. Giờ họ ở đâu?

 

117 BÌNH LUẬN 



 

No comments:

Post a Comment

View My Stats