Tuesday 13 September 2022

MOSCOW RÚNG ĐỘNG, VỊ THẾ PUTIN YẾU ĐI SAU KHI ĐẠI BẠI Ở KHERKIV (Thụy My / RFI)

 


Matxcơva rúng động, vị thế Putin yếu đi sau khi đại bại ở Kharkiv

 Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 13/09/2022 - 21:26

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20220913-matxc%C6%A1va-r%C3%BAng-%C4%91%E1%BB%99ng-v%E1%BB%8B-th%E1%BA%BF-putin-y%E1%BA%BFu-%C4%91i-sau-khi-%C4%91%E1%BA%A1i-b%E1%BA%A1i-%E1%BB%9F-kharkiv

 

Cuộc phản công được chuẩn bị kỹ lưỡng, huy động cả bộ binh lẫn pháo binh, xe bọc thép, có yểm trợ của không quân, hậu cần…Một số chuyên gia đánh giá đây là điều chưa từng thấy kể từ 2014, là thành công đáng kinh ngạc nhất kể từ chiến dịch Gazelle của Israel trước liên quân Ả Rập năm 1973. Vladimir Putin phải đối mặt với hai lời kêu gọi truất phế từ các đại biểu địa phương ở Saint-Pétersbourg và Matxcơva.

 

https://s.rfi.fr/media/display/16f68dfa-3393-11ed-8585-005056a97e36/w:1024/p:16x9/kharkov_13.webp

Một quân nhân Ukraina nâng đỡ đồng đội bị thương trong lúc đoàn quân tiếp tục di chuyển tại vùng đất đã được giải phóng ở Kharkiv, ngày 12/09/2022. AP - Kostiantyn Liberov

 

Tình hình Ukraina chiếm trang nhất nhiều nhật báo Pháp hôm nay. Le Monde đăng ảnh một chiếc xe tăng cắm lá cờ Ukraina với những chiến binh hân hoan, bên cạnh đó là một người lính Nga bị bắt làm tù binh, chạy tựa trang nhất « Ukraina tung chiến dịch tái chiếm lãnh thổ ». Le Figaro giải thích « Ukraina đẩy lùi Nga như thế nào ». 

 

Ở trang trong, Libération  La Croix cùng lưu ý đến những bối rối của Matxcơva sau khi quân Nga thua chạy ở Kharkiv. Bên cạnh đó các báo tiếp tục nói về hoàng gia Anh, phe cực hữu đang thắng thế ở Thụy Điển, chuyến thăm Kazakhstan của Đức giáo hoàng Phanxicô.

 

Chiến thắng Kharkiv : Chiến dịch quy mô chưa từng thấy

 

Le Figaro nhận thấy chỉ trong năm ngày, quân đội Ukraina đã làm thay đổi hẳn chiều hướng cuộc chiến. Kiev chứng minh được với Matxcơva, với người dân nước mình và cả với phương Tây là có khả năng giành được những chiến thắng lớn lao. Trong khi mới cách đó vài ngày nhiều quan sát viên vẫn lo ngại một cuộc chiến tranh kéo dài, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng Ukraina nên từ bỏ ý định giành lại những vùng đất đã bị Nga chiếm mất để khu vực được ổn định. Giờ đây giọng điệu này đã trở thành lỗi thời, khi quân đội Ukraina chứng tỏ khả năng phối hợp phản công ở quy mô lớn.

 

Chuyên gia Joseph Henrotin, Viện Chiến lược So sánh, khẳng định với Le Monde, cuộc phản công được chuẩn bị kỹ lưỡng từ lâu, huy động cả bộ binh lẫn pháo binh, xe bọc thép, có yểm trợ của không quân, logistic…Trên Le Figaro, nhà nghiên cứu Simon Schlegel của Crisis Group đánh giá : « Đây là điều chưa từng thấy kể từ 2014 ». Ngay cả hồi đẩy lùi quân Nga ở miền bắc, Kiev cũng không tiến hành một chiến dịch tầm cỡ như vậy. Đối với Jomini of the West, biệt danh của một chuyên gia rất thông thạo về quân sự được Le Monde trích dẫn, thì cuộc phản công « là thành công đáng kinh ngạc nhất kể từ chiến dịch Gazelle của quân đội Israel trước liên quân Ả Rập năm 1973 ».

 

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina nói rằng thắng lợi vừa rồi « hơn cả hy vọng ». Kiev không chỉ giành lại được 6.000 cây số vuông lãnh thổ, nhiều hơn số đất bị Nga chiếm từ tháng Tư, mà còn nhanh chóng phá vỡ trục Kharkiv-Donbass, khiến lính Nga phải vội vã « bỏ của chạy lấy người ». Quân Nga đã « tặng không » cho Ukraina rất nhiều vũ khí, đạn dược, xe tăng…chưa kể nhiều bản đồ và tài liệu hữu ích cho tình báo. Le Monde dẫn nguồn từ Conflict Intelligence Team (CIT), một nhóm chuyên gia quân sự Nga lưu vong ước tính quân Nga đã mất từ 3 đến 4 lữ đoàn, 40 xe tăng, khoảng 100 xe bọc thép đủ loại, 9 hệ thống phòng không, 2 chiến đấu cơ (Su-34 và Su-25) cùng với rất nhiều cơ số đạn mà Ukraina đang quá cần.

 

Ém quân, Ukraina biết cả thời điểm vệ tinh thám sát Nga bay qua

 

Phóng sự của Le Monde đưa người đọc đến với thành phố Izium vừa được giải phóng. Đặc phái viên báo Pháp theo chân đoàn quân Ukraina ghi nhận từ Balakliia đến Izium, rất ít dấu vết của những trận giao tranh, một lần nữa cho thấy khi phòng tuyến thứ nhất bị phá vỡ thì quân Nga bỏ chạy mà không chiến đấu. Balakiliia tan hoang, nhưng những thành phố khác hoàn toàn vô sự. Những chiến binh Ukraina cho biết đã bắt được một số lính Nga mặc thường phục, có bà già nói rằng đã bị một lính Nga lấy cắp quần áo để giả dạng, chạy trốn.

Chuyên gia Joel Hickman của Cepa nhấn mạnh trên Le Figaro, nhờ sử dụng rộng rãi các mạng xã hội để phô trương nỗ lực tái chiếm Kherson– được cho là ưu tiên – Kiev đã làm Matxcơva sập bẫy. Nga lo tập trung quân ở miền nam, làm yếu đi tuyến Donbass và Kharkiv.

 

Theo Le Monde, song song với việc loan tin chuẩn bị tấn công Kherson, Ukraina âm thầm bố trí quân xung quanh Kharkiv. Hai lữ đoàn cơ giới số 92 và 93, từng nổi bật trong trận đánh Kiev, được điều lên đây nhưng Nga chẳng hay biết gì. Nhà nghiên cứu Henrotin tiết lộ, « Vùng này có nhiều cây cối, và Ukraina biết giờ nào các vệ tinh giám sát của Nga bay qua. Matxcơva có khá ít phương tiện tình báo điện tử ».

 

Thua đau, Nga trả đũa vào cơ sở dân sự

 

Ngoài yếu tố bất ngờ còn có vai trò của vũ khí phương Tây như Himars và hỏa tiễn phòng không. Ông Hickman cho biết, loại vũ khí tối tân như Himars của Mỹ cần sáu tháng huấn luyện, nhưng các chiến binh Ukraina chỉ cần hai tuần là nắm được cách sử dụng.

 

Nga lập tức trả đũa bằng cách oanh tạc vào những khu vực vừa bị mất, và đêm Chủ nhật rạng sáng thứ Hai nhắm đến các cơ sở hạ tầng ở Kharkiv cũng như nhiều thành phố khác ở đông bắc, gây mất điện toàn bộ. Ngay hôm sau điện nước đã có trở lại, nhưng Joel Hickman cảnh báo, điều này cho thấy không nên coi những thắng lợi vừa qua là không thể đảo ngược. Matxcơva vẫn còn những phương tiện như bom chùm, vũ khí nguyên tử chiến thuật. Thế nên Le Figaro cho rằng châu Âu và Hoa Kỳ cần duy trì việc cung ứng vũ khí cho Kiev để những chiến thắng vừa rồi không thành công dã tràng.

 

Matxcơva rúng động sau đại bại

 

Về phía Matxcơva, La Croix nhận thấy « Các dấu hiệu lo sợ tại Nga sau khi bại trận ở Kharkiv ». Le Figaro cũng chú ý đến « Tâm trạng lo lắng ở Nga, phe cực đoan chỉ trích chiến lược của Putin ». Le Monde nhận định « Vladimir Putin bị yếu đi vì thất bại quân sự ». Libération chơi chữ « Tại Matxcơva, chối bỏ và trừng phạt » - nhại theo tựa tác phẩm « Tội ác và trừng phạt » của Dostoievski.

 

Sáng thứ Hai, phát ngôn viên điện Kremlin, Dimitri Peskov lặp lại « Mọi việc diễn ra theo kế hoạch », và nhấn mạnh « Chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ tiếp diễn cho đến khi đạt được các mục tiêu đã ấn định ban đầu ». Nhưng theo Libération và Le Figaro, từ bảy tháng qua, các « mục tiêu » này là gì vẫn là bí ẩn, chẳng ai biết. Thái độ của nhà cầm quyền luôn không thay đổi trong tất cả thời kỳ khủng hoảng : không bao giờ chỉ trích tổng thống. Vladimir Putin luôn theo dõi các hoạt động của quân đội « từng giờ một, đôi khi 24/24 ».

Báo chí đối lập lưu vong chiều hôm đó cho biết trung tướng Roman Berdnikov đã bị tước mọi chức vụ ở Matxcơva : ông phụ trách quân khu miền tây, chịu trách nhiệm xâm lăng Kharkiv. Thất bại được Matxcơva mô tả là rút lui có trật tự « nhằm tập hợp lực lượng ở vùng Donetsk ». Một bản đồ được công bố, cho thấy tầm cỡ các vùng đất mà quân Nga bỏ lại trong mấy ngày qua.

 

Tổng biên tập Russia Today mới kêu gọi tình hữu nghị, nay đòi oanh tạc cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraina, còn chỉ huy quân Chechnya, Ramzan Kadyrov nói rằng muốn đến gặp các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị để được giải thích về tình hình. Những tuyên bố không ngừng thay đổi như trên là hậu quả của một hệ thống không sẵn sàng chấp nhận bại trận.

 

Hai nhóm đại biểu đòi truất phế Vladimir Putin

 

Le Monde cho biết ông chủ điện Kremlin phải đối mặt với hai lời kêu gọi truất phế, cho thấy không ít người Nga đã quá chán chường. Hai nhóm đại biểu địa phương ở Saint Pétersbourg và Matxcơva hôm thứ Sáu 09/09 đòi hỏi Vladimir Putin phải rời quyền lực sau thất bại quân sự ở Ukraina.

 

Các đại biểu đơn vị Smolninskoie (một khu phố của Saint Pétersbourg) chính thức gởi thư lên Douma (Hạ Viện Nga), đòi cách chức tổng thống của Vladimir Putin. Văn bản nêu rõ các hoạt động thù địch tại Ukraina « làm phương hại đến an ninh nước Nga và các công dân » cũng như nền kinh tế, mà vẫn không chặn được NATO tiến gần biên giới Nga. Những đại biểu này cho rằng hành động của ông chủ điện Kremlin liên quan đến điều 93 Hiến Pháp, theo đó tổng thống có thể bị cách chức vì tội « phản quốc ». Tác giả lời kêu gọi, Dimitri Paliuga, đã công bố trên Twitter, nhấn mạnh Putin phải chịu trách nhiệm về « cái chết của những người Nga, kinh tế sa sút, chảy máu chất xám và sự mở rộng của NATO ».

 

Ít gay gắt hơn và không trực tiếp dẫn ra cuộc chiến tranh ở Ukraina, lá thư gởi cho Vladimir Putin của các đại biểu khu phố Lomonossov, Matxcơva cũng đề nghị ông từ chức. Họ viết : « Các nghiên cứu cho thấy dân những nước mà chính quyền thường xuyên thay đổi sống tốt hơn và lâu hơn những nước mà nhà lãnh đạo chỉ rời chức vụ khi bị tống khứ » - hàm ý 22 năm nắm quyền của Vladimir Putin. Lá thư nêu ra việc nước Nga lại bắt đầu bị lo sợ và ghét bỏ, « chúng ta đe dọa toàn thế giới bằng vũ khí nguyên tử » và nhấn mạnh Putin nên từ chức vì « Quan điểm, mô hình quản trị của ông hoàn toàn lạc hậu, cản trở sự phát triển của Nga ».

 

Cả bảy đại biểu Saint Pétersbourg nhanh chóng bị cảnh sát triệu tập rồi thả ra, nhưng không có nghĩa là với lời kêu gọi chưa từng thấy trên đây, họ không bị trừng phạt. Hôm 08/07, đại biểu Alexei Gorinov đã bị tuyên án 7 năm tù vì công khai phản đối cuộc chiến tranh với Ukraina. Nhà đối lập Mikhail Lobanov nhận xét đó là một hành động hết sức can đảm. Trong nước Nga ngày nay, hàng mấy chục triệu người dù bất bình vẫn không dám nói ra, viết ra hay công bố. Hai lá thư đòi truất phế tuy không có bất cứ cơ hội thành công nào, nhưng phản án sự chán nản thậm chí giận dữ của cử tri Nga.

 

Leo thang hay đàm phán ?

 

Các báo đều ghi nhận trên mạng xã hội nhất là Telegram, sự phẫn nộ của phe cứng rắn ở Nga ngày càng lên cao. Người đòi đưa số quân đang tập trận ở Viễn Đông sang tăng viện cho chiến trường, kẻ khác muốn đánh vào các cơ sở dân sự Ukraina, người thì công kích « một lũ công chức ăn hại » và những tướng lãnh « cần phải bắn bỏ ».

 

Về quân sự, Le Monde cho rằng Matxcơva đang phải cân nhắc nên giữ Donbass (miền đông) hay Kherson (miền nam) - tình trạng quân đội hiện nay không cho phép đối mặt cùng lúc với hai cuộc tiến công lớn. Chuyên gia Henrotin nói : « Người Nga sẽ phải chọn giữa việc rút về Donbass, hay duy trì dải đất phía nam có biển Azov và Crimée ».

 

Xã luận của Le Figaro nhận định sự hỗ trợ của phương Tây cho Kiev đã mang lại kết quả, tuy nhiên vẫn phải cảnh giác. Ông chủ điện Kremlin đang phải chọn lựa giữa leo thang và đàm phán, và ông ta cũng đã từng dọa nạt bằng bóng ma nguyên tử. Sa hoàng cô độc cho đến nay phải chịu đựng trừng phạt kinh tế, đã trả đũa được bằng công cụ dầu khí, nhưng khó thể chấp nhận bị bại trận. Và chưa chi những con diều hâu ở Matxcơva đã làm mưa làm gió trong các chương trình tuyên truyền trên truyền hình nhà nước, mà khán giả Nga vốn không có chọn lựa.

 

Khoác áo chủ hòa : Tiếp tay cho tuyên truyền Nga

 

Xã luận của Le Monde cổ vũ « Duy trì mục tiêu trừng phạt Nga ». Nguy cơ thiếu năng lượng, lạm phát, mối đe dọa suy thoái…làm lung lay sự tin tưởng ở những nước giàu đã quen với tiện nghi. Bối cảnh lo âu này là mảnh đất màu mỡ cho tuyên truyền của Nga. Hơn nửa năm chiến tranh, Matxcơva vẫn rủng rỉnh tiền bán dầu khí - cấm vận chỉ vô ích, châu Âu tự hại mình chăng ? Tờ báo cho rằng trong chế độ dân chủ, có quyền bày tỏ những hoài nghi, nhưng không nên ngây thơ. Cách nhìn này luôn được Kremlin khéo léo khuếch đại để chia rẽ châu Âu.

 

Những nỗ lực của chế độ nhằm làm giảm nhẹ gọng kềm cho thấy trừng phạt đã có tác động, nếu không tại sao Matxcơva liên tục đòi hủy bỏ ? Nga đã rơi vào suy thoái, sản xuất công nghiệp và đầu tư sụp đổ, lạm phát cao hơn phương Tây nhiều, quân đội chật vật vì thiếu các linh kiện điện tử. Đây chỉ mới là khúc dạo đầu của một quá trình khốn đốn kéo dài.

 

Tuy nhiên vẫn có những giọng điệu núp dưới chiếc áo chủ hòa, đóng vai bảo vệ sức mua của người dân, kêu gọi có những thỏa hiệp, bất kể hậu quả về địa chính trị và chủ quyền. Hơn lúc nào hết, Liên Hiệp Châu Âu cần củng cố niềm tin về tương quan lực lượng với Nga, mọi dấu hiệu yếu kém sẽ bị Vladimir Putin coi là khuyến khích ông ta theo đuổi những tham vọng điên cuồng, vươn xa ngoài biên giới Ukraina.

 

« Không có các vị », thông điệp đanh thép của Zelensky cho Nga

 

Về phía Kiev, sau khi Matxcơva oanh kích vào hệ thống điện nước tại nhiều vùng tối Chủ nhật 11/09 làm người dân Ukraina không có điện trong nhiều tiếng đồng hồ, tổng thống Volodymyr Zelensky đã đăng trên Telegram và Facebook một thông điệp đanh thép cho người Nga, bên cạnh hình ảnh một nhà máy điện đang bốc cháy. Libération trích dẫn :

 

« Ngay cả trong bóng tối mịt mùng, Ukraina và thế giới văn minh nhìn rõ những hành động khủng bố này. Hỏa tiễn được bắn một cách cố tình và độc ác vào các cơ sở hạ tầng dân sự chủ chốt. Không có mục tiêu quân sự nào. Vùng Kharkiv và Donetsk bị mất điện. Zaporijia, Dnipro, Sumy đều bị cúp điện một phần.

Các vị vẫn luôn nghĩ rằng chúng ta « là một dân tộc duy nhất » chăng ? Vẫn cho rằng có thể làm chúng tôi sợ hãi, suy sụp, thuyết phục được chúng tôi phải nhượng bộ ? (…) Hãy nghe kỹ những gì tôi nói : Không có khí đốt hay không có các vị ? Không có các vị. Không có điện hay không có các vị ? Không có các vị. (…). Bởi vì đối với chúng tôi, đói khát, lạnh lẽo và tối tăm không khủng khiếp và chết người bằng thứ « tình bạn bè, anh em » của các vị.

Nhưng lịch sử sẽ đặt lại mọi thứ vào đúng chỗ của nó.

Chúng tôi sẽ có khí đốt, ánh sáng, nước, thực phẩm…và tất cả những thứ đó, chúng tôi sẽ có được. Mà KHÔNG có các vị ! »

 

==================================

 

CHIẾN TRANH UKRAINA

13/09/2022

Nga : Nhiều tiếng nói công khai chỉ trích chiến lược của Kremlin tại Ukraina

 

ĐIỂM BÁO

12/09/2022

Bước ngoặt Kharkiv, thất bại đau đớn nhất của Nga từ sau trận Kiev

 

CHIẾN TRANH UKRAINA

12/09/2022

Quân Nga tháo chạy, Matxcơva phóng tên lửa phá hủy mạng lưới điện nước ở miền đông Ukraina

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats