Wednesday 21 September 2022

LIỆU TRUNG QUỐC CÓ BẤT ĐỒNG VỚI NGA VỀ UKRAINE HAY KHÔNG? (The Diplomat / RFI)

 



Liệu Trung Quốc có bất đồng với Nga về Ukraina hay không ?

Phan Minh  -  RFI

Đăng ngày: 21/09/2022 - 15:10

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220921-li%E1%BB%87u-trung-qu%E1%BB%91c-c%C3%B3-b%E1%BA%A5t-%C4%91%E1%BB%93ng-v%E1%BB%9Bi-nga-v%E1%BB%81-ukraina-hay-kh%C3%B4ng

 

Lập trường của Trung Quốc đối với Nga đã thay đổi ít nhiều kể từ khi Matxcơva bắt đầu cuộc xâm lược Ukraina hồi tháng 2 vừa qua, nhưng quan hệ đối tác với Nga quá quan trọng khiến Bắc Kinh không thể thực sự quay lưng với Matxcơva. Đó là nội dung bài viết trên mạng Nhật The Diplomat ngày 17/09/2022. RFI xin giới thiệu.

 

https://s.rfi.fr/media/display/10a58f54-bcac-11ec-b43a-005056bf8594/w:1024/p:16x9/AP22097307246982.webp

Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp trước lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông 2022. Ảnh chụp tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 04/02/2022. AP - Li Tao

 

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ tháng 1 năm 2020, điều được mọi người để ý nhất không phải là các giao tiếp của ông với quan chức các nước chủ nhà là Kazakhstan và Uzbekistan. Thay vào đó, sự chú ý của thế giới đổ dồn vào cuộc gặp của ông với tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Samarkand - cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi Nga xâm lược Ukraina hôm 24/02 vừa qua. 

 

Lần cuối cùng ông Tập và ông Putin bắt tay nhau là vào ngày 04/02 tại Bắc Kinh, vào thời điểm ông Putin tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Olympic mùa đông 2022. Hai bên ra tuyên bố chung khẳng định « tình hữu nghị giữa hai quốc gia là vô bờ bến ». 

 

Từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi. Đáng chú ý nhất là Nga tỏ ra hăng hái trong cuộc chiến với Ukraina sau khi đưa hàng loạt quân qua biên giới chỉ 3 tuần sau cuộc gặp của hai nguyên thủ ở Bắc Kinh - và cuộc chiến đang diễn ra tồi tệ đối với Matxcơva. Ngoài ra, Nga đang hứng chịu các lệnh trừng phạt hà khắc chưa từng có của Hoa Kỳ, Liên Hiệp châu Âu, Nhật Bản, Úc và các nước khác, và sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Putin đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Bắc Kinh ở châu Âu. 

 

Vậy, các phát biểu của ông Tập trong các cuộc gặp với ông Putin đã thay đổi như thế nào ? 

 

Có một điều không thay đổi : cả ông Tập lẫn ông Putin vẫn coi nhau là những đối tác thân thiết. « Trước những thay đổi của thế giới, của thời đại chúng ta và của lịch sử, Trung Quốc sẽ làm việc với Nga để hoàn thành trách nhiệm với tư cách là những nước lớn và đóng vai trò hàng đầu trong việc thiết lập ổn định trong một thế giới rối loạn luôn thay đổi », bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Tập nói với ông Putin như vậy. Ông Tập và ông Putin liên kết nhằm tìm cách thay thế trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo bằng một trật tự mới, « dân chủ » hơn và « công bằng » hơn. Mối quan tâm cơ bản này không thay đổi và không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Trung Quốc không hài lòng với Nga trong bản tóm tắt cuộc gặp. 

 

Điều đó cho thấy Nga và Trung Quốc tìm cách làm việc cùng nhau để định hình lại hệ thống quốc tế hiện tại - hợp tác về « sự phát triển của trật tự quốc tế và quản lý toàn cầu theo hướng công bằng và hợp lý hơn », như ông Tập đã nói trong cuộc điện đàm ngày 15/06 với ông Putin. Trung Quốc chắc chắn vẫn mong muốn chuyển hướng sự phát triển của trật tự toàn cầu, nhưng đã quyết định không khua chiêng gõ mõ là đang hợp tác với Nga để đạt được điều này (ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại). 

 

Trong bối cảnh đó, trở lại câu nói của ông Tập ở trên, đây dường như là một lời phê bình khéo léo đối với Nga khi ông Tập nói rằng « Trung Quốc sẽ làm việc với Nga để hoàn thành trách nhiệm với tư cách là những nước lớn và đóng vai trò hàng đầu trong việc thiết lập ổn định trong một thế giới rối loạn luôn thay đổi », ông dường như ám chỉ rằng Nga hiện không hoàn thành trách nhiệm của mình với tư cách là một nước lớn hoặc đóng góp vào sự ổn định toàn cầu. Tất nhiên, có thể tranh luận về cách diễn giải này, nhưng điều đáng chú ý là lần này ông Tập không đề cập rõ đến những nỗ lực chung của Bắc Kinh và Matxcơva nhằm kiến tạo lại trật tự thế giới theo ý muốn của họ. 

 

Đồng thời, cuộc họp ngày 15/09 hầu như không đề cập gì đến hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga. Cho dù ông Tập thừa nhận rằng hai bên « giao tiếp chiến lược hiệu quả », nhưng đó là sự thay đổi về chất lượng, thụt lùi so với tuyên bố của ông hồi tháng 6 : « Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Nga để tiếp tục tăng cường phối hợp chiến lược ». Thay vào đó, trong cuộc gặp ngày 15/09, ông Tập đã nói về những lĩnh vực hợp tác ít quan trọng hơn, như giao lưu thể thao và quan hệ giữa người dân. Theo ông Tập, Trung Quốc chỉ muốn « tăng cường hợp tác » ở những lĩnh vực như « thương mại, nông nghiệp, kết nối và những lĩnh vực khác ». Tuy nhiên, ông Tập không nói cụ thể những lĩnh vực khác bao gồm những gì. 

 

Ông Tập từng nhấn mạnh rằng « Trung Quốc sẽ làm việc với Nga để tăng cường sự ủng hộ lẫn nhau về các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của nhau », điều này có thể được coi là ám chỉ Ukraina. Nhưng « lợi ích cốt lõi » duy nhất được khẳng định rõ ràng là Đài Loan và chính sách Một nước Trung Hoa, với việc Nga khẳng định lại « cam kết với chính sách Một nước Trung Hoa và lên án các động thái khiêu khích của các quốc gia riêng lẻ về các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc », điều này dường như muốn ám chỉ cam kết của Mỹ với Đài Loan trong những tuần gần đây. Về phần mình, Trung Quốc không có tuyên bố tương ứng nào về sự của ủng hộ của mình đối với Nga trong hồ sơ Ukraina, thậm chí, họ cũng không hề đề cập đến « những lo ngại về an ninh của Nga » trong các cuộc hội đàm trước đó. 

 

Ngược lại, tuyên bố của Nga về cuộc gặp Putin-Tập Cận Bình đề cập đến « lập trường cân bằng của Trung Quốc liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraina ». Theo bản tường trình của điện Kremlin, ông Putin sau đó đã nói với ông Tập như sau : « Chúng tôi hiểu những câu hỏi và các mối bận tâm của ông trong vấn đề này.

 

Việc Putin thừa nhận rằng Trung Quốc đã đưa ra « những câu hỏi và các mối bận tâm » liên quan đến cuộc chiến ở Ukraina rất đáng chú ý. Nhưng điều đáng chú ý không kém là Trung Quốc đã không đề cập đến chính những lo ngại đó. Thay vào đó, Trung Quốc vờ như chiến tranh không tồn tại và Ukraina hoàn toàn không được đề cập trong thông báo chính thức của bộ Ngoại giao Trung Quốc. 

 

Ngược lại, trong bản tường trình về cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Tập hôm 15/06, bộ Ngoại giao Trung Quốc lưu ý rằng « hai nguyên thủ cũng đã trao đổi quan điểm về vấn đề Ukraina. Ông Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc luôn độc lập nhận định tình hình trên cơ sở bối cảnh lịch sử và những đánh giá của mình về sự việc, đồng thời tích cực thúc đẩy hòa bình thế giới và sự ổn định của trật tự kinh tế toàn cầu ». 

 

Và trong cuộc điện đàm vào ngày 25/02, một ngày sau khi Nga tiến hành xâm lược Ukraina, ông Tập nói với ông Putin rằng « Trung Quốc xác định lập trường của mình liên quan đến vấn đề Ukraina dựa trên đánh giá của chính mình. Điều quan trọng là phải bác bỏ tâm lý chiến tranh lạnh và tôn trọng một cách nghiêm túc các mối quan tâm về an ninh của tất cả các nước và đạt được một cơ chế an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững thông qua đàm phán ». 

 

Nhìn một cách khái quát, từ tháng 2 đến tháng 6 và cho đến giờ là tháng 9, Trung Quốc đã dần dần lùi bước một cách tinh tế trong sự ủng hộ vốn không nhiệt tình của mình đối với lập trường của Nga. Các cuộc điện đàm cũng cho thấy một mô hình chung : Nga sẵn sàng công khai lên án các hành động của Hoa Kỳ đối với Đài Loan, lợi ích đầu tiên trong « lợi ích cốt lõi » của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc ngày càng không muốn làm điều tương tự khi nói về Ukraina. Dường như Nga đang hoàn toàn ủng hộ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh không quá mặn mà trong việc ủng hộ Matxcơva. 

 

Sergey Radchenko, giảng viên tại trường Nghiên cứu Quốc tế Johns Hopkins, chuyên về các chính sách đối ngoại của Trung Quốc và Nga, kết luận từ các tuyên bố của cuộc họp mới nhất rằng « Putin trông có vẻ tuyệt vọng, còn ông Tập dường như đang làm chủ cuộc chơi. Mối quan hệ giữa hai nước đang trở nên rất không cân xứng ». 

 

Nhưng quan sát đó trái ngược hẳn với các báo cáo gần đây sau chuyến thăm Nga của chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (Quốc Hội) Lật Chiến Thư vào đầu tuần này. Theo Tân Hoa Xã, ông Lật đồng thời là nhà lãnh đạo thứ 3 của Trung Quốc, đã đề cập đến « sự phối hợp chiến lược » giữa Trung Quốc và Nga, mà theo ông là « đạt đến mức cao chưa từng có ». 

 

Một lần nữa, bản tóm tắt của Trung Quốc về chuyến đi của ông Lật không đề cập đến Ukraina, nhưng diễn giải của Nga lại nói đến vấn đề này gây ra hệ quả rất lớn.  

 

Theo tuyên bố của Hạ Viện Nga, ông Lật đã nói với các nhà lập pháp Nga như sau : « Chúng tôi thấy rằng Hoa Kỳ và các đồng minh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang mở rộng sự hiện diện của họ gần biên giới Nga, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và cuộc sống của người dân Nga. Chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ sự cần thiết của tất cả các biện pháp mà Nga thực hiện nhằm bảo vệ các lợi ích chính của mình, và chúng tôi đang hỗ trợ họ ». 

« Về vấn đề Ukraina, chúng tôi nhận thấy Mỹ và NATO đã đẩy Nga vào tình thế không thể chấp nhận được. Và trong trường hợp này, Nga đã đưa ra một lựa chọn quan trọng và đáp trả một cách kiên quyết », ông Lật kết luận. 

 

Điều này đánh dấu mức độ hỗ trợ mà Trung Quốc dành cho Nga trong vấn đề Ukraina – ít ra là không công khai. Trung Quốc không nói rằng họ « ủng hộ » Nga trong hồ sơ Ukraina. Bắc Kinh chỉ nói rằng họ hiểu, ngầm thông cảm với quan điểm của Nga. Trung Quốc cũng mạnh mẽ cải chính, không hỗ trợ cho các nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraina, vì vậy bình luận gần đây của ông Lật khiến toàn thế giới phải ngạc nhiên. 

 

Rõ ràng là Trung Quốc hoàn toàn không đề cập đến Ukraina trong bản tóm tắt của mình và rằng Bắc Kinh không muốn nêu bật điều này trong chuyến thăm của ông Lật. Tuy nhiên, Matxcơva đã tỏ ra tuyệt vọng khi muốn nhận được sự ủng hộ từ một cường quốc lớn. Nhưng điều đó có thể đã khiến Trung Quốc tức giận, vốn rất không muốn bị đánh giá hoàn toàn đứng về phe Nga. 

 

Trong bối cảnh đó, việc ông Putin đề cập đến « những câu hỏi và mối bận tâm » của Trung Quốc về Ukraina có thể là một sự « nhận lỗi ». Nga đã đi quá xa trong việc quảng bá sự ủng hộ của Trung Quốc sau chuyến thăm của ông Lật ; điều đó dẫn đến việc phải nhấn mạnh sự dè dặt của Trung Quốc sau hội nghị thượng đỉnh giữa ông Putin và ông Tập. 

 

Tuy nhiên, điều quan trọng là không nên nhìn bề ngoài mà dự báo là sắp có sự chia rẽ giữa Trung Quốc với Nga về vấn đề Ukraina. 

 

Xét cho cùng, đơn giản là Nga quá quan trọng đối với Trung Quốc với tư cách là một đồng minh chống lại Mỹ. Thay vì chỉ trích Nga, Trung Quốc đang cố dựng lên một bức tường ngăn cách giữa một bên là quan hệ của họ với Nga và bên kia là cuộc chiến của ông Putin ở Ukraina. 

 

Trích lời ông Putin từ cuộc gặp với ông Tập như sau : « Thế giới đang trải qua nhiều thay đổi, nhưng điều duy nhất không thay đổi là tình hữu nghị và sự tin cậy lẫn nhau giữa Nga và Trung Quốc. Quan hệ phối hợp đối tác chiến lược toàn diện Nga-Trung vững như núi ». Và ông Tập không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy mọi người nên nghi ngờ đánh giá đó.

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats