Lào – mối nguy hiểm nhãn tiền
của nước Việt
Hiếu Chân/Người Việt
September
6, 2022
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/lao-moi-nguy-hiem-nhan-tien-cua-nuoc-viet/
Sau Sri
Lanka, Lào đang trở thành nạn nhân mới trong chính sách ngoại giao bẫy nợ của Bắc
Kinh và Việt Nam cần phải lo ngại.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/09/BL-Lao-Moi-Nguy-Cho-Viet-Nam-1068x603.jpg
Hình chụp từ màn hình TV nhà nước Lào cho thấy
Chủ Tịch Thongloun Sisoulith (trái, trên) của Lào và Chủ Tịch Tập Cận Bình của
Trung Quốc vẫy tay chào nhau nhân dịp khai trường tuyến đường xe lửa nối thủ đô
Vientiane và tỉnh Vân Nam ngày 3 Tháng Mười Hai, 2021. (Hình: STR/AFPTV/AFP via
Getty Images)
Truyền
thông quốc tế những ngày gần đây liên tục báo động về tình trạng kinh tế thê thảm
của Lào – nước láng giềng phía Tây dãy Trường Sơn.
Khả năng vỡ nợ của Lào đang rất gần
Báo Nikkei
Asia Review số ra ngày 6 Tháng Chín mô tả những đoàn xe mang biển số Lào xếp
hàng dài dằng dặc tại các trạm xăng ở thị trấn Nong Khai của Thái Lan trên biên
giới Lào-Thái. Người Lào sang Thái Lan đổ xăng và mua xăng dự trữ vì trong nước
tình trạng khan hiếm hàng hóa khiến giá xăng dầu tăng hơn 107.1% so với Tháng
Sáu năm ngoái, giá khí đốt tăng 69.4%. Tất cả các mặt hàng khác đều tăng giá, đẩy
tỉ lệ lạm phát của Lào lên tới 25.6%, cao nhất 22 năm qua.
Người Lào
không chỉ mua xăng dầu mà mua cả những mặt hàng thiết yếu như xà phòng, áo quần,
thực phẩm vì ở trong nước hàng hóa vừa thiếu vừa đắt khủng khiếp. Có một thứ giảm
giá là đồng tiền kip của Lào. Hồi Tháng Chín năm ngoái, một đô la Mỹ đổi được
9,300 kip, đến giữa năm 2022 tỷ giá lên 15,000 kip ăn một đô la và trên thị trường
chợ đen, tỷ giá hiện hành là 19,000 kip ăn một đô la Mỹ, gấp đôi so với cùng kỳ
năm ngoái.
Lạm phát
phi mã, đồng tiền mất giá nhưng Lào không có phương tiện chống đỡ. Dự trữ ngoại
tệ quốc gia của Lào chỉ vào khoảng $1.3 tỷ, đủ để nhập cảng hàng hóa trong hai
tháng, nhưng chính phủ Lào phải dùng số tiền đó để trả nợ nước ngoài tránh bị vỡ
nợ quốc gia (sovereign bankruptcy).
Số liệu thống
kê chính thức cho thấy đất nước 7 triệu dân và nền kinh tế quy mô khoảng $18 tỷ
nhưng nợ nước ngoài lên tới $14.5 tỷ, mỗi năm phải trả $1.3 tỷ tiền lời và tiền
vốn. Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Lào, cho Vientiane vay khoảng $5.57 tỷ để
xây dựng các công trình hạ tầng, theo AidData, một trung tâm nghiên cứu về viện
trợ quốc tế của đại học College of William & Mary của Mỹ.
Nhưng ông
Bradley Parks, giám đốc điều hành AidData, nói con số mà AidData thu thập được
chỉ là phần nổi của tảng băng. Cũng như Việt Nam, Lào vay rất nhiều tiền của
Trung Quốc theo kiểu gọi là “hidden public debt” (nợ công ẩn giấu). AidData định
nghĩa nợ công ẩn giấu là các khoản nợ mà các công ty – do chính phủ Lào sở hữu
toàn bộ hoặc một phần – đứng ra vay của Trung Quốc mà không qua hiệp định của
chính phủ, không thể hiện trong trương mục của quốc gia, các điều kiện của hợp
đồng vay vốn được giữ bí mật và không được chính phủ bảo lãnh thanh toán.
“Lào có mức
nợ công ẩn giấu cao bất thường khi vay tiền của Trung Quốc – khoảng $6.69 tỷ,
tương đương 35% GDP,” ông Parks nói với báo Nikkei. Tính chung, Lào mắc nợ
Trung Quốc khoảng $12.2 tỷ, tương đương 64.8% GDP. “Không có nước nào khác có tỉ
lệ nợ Trung Quốc so với GDP cao như Lào,” ông Parks nói.
Chỉ tính
riêng đoạn đường sắt cao tốc từ thủ đô Vientiane tới biên giới tỉnh Vân Nam,
Lào phải vay của Trung Quốc $5.9 tỷ.
Ngân Hàng
Thế Giới (WB) ước tính tổng số nợ công của Lào hiện bằng 88% GDP. Nhưng theo
ông Parks, nếu tính cả các khoản nợ công ẩn giấu thì tổng số nợ công có thể vượt
mức 120% GDP của Lào.
Khi Sri
Lanka – một đảo quốc ở Ấn Độ Dương – bị tuyên bố phá sản hồi Tháng Tư, tỉ lệ nợ
công so với GDP của nước này là 119%. Bất ổn xã hội dẫn tới những cuộc biểu
tình lớn lật đổ chính phủ, buộc Tổng Thống Gotabaya Rajapaksa phải chạy ra nước
ngoài lánh nạn, và tuần trước Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) phải bỏ ra $3 tỷ tạm thời
cứu nguy nền kinh tế Sri Lanka.
Tình hình
của Lào tệ hại không kém. Hồi Tháng Sáu, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cảnh
báo: “Rủi ro phá sản [của Lào] rất cao do sự điều hành yếu kém, mức nợ công cao
và dự trữ ngoại tệ không đủ để trang trải nợ đến hạn.”
Mối nguy của Việt Nam
Nguy cơ
Lào bị vỡ nợ gây lo ngại sâu sắc cho Hà Nội.
Các chuyên
gia cho rằng, do vị thế đặc biệt của Lào trong chiến lược bành trướng của Trung
Quốc nên chắc chắn Bắc Kinh sẽ ra tay cứu mà không để cho Lào bị vỡ nợ.
Trước đây
Trung Quốc đã đôi lần giảm nhẹ món nợ vay cho Lào bằng cách đổi nợ lấy đất.
Giáo Sư Keith Barney của đại học Australian National University, nhận xét: “Đã
có những tiền lệ lịch sử cho thấy Lào đổi đất đai và tài nguyên thiên nhiên để
trả nợ nước ngoài hoặc để lấy tiền xây dựng cơ sở hạ tầng.”
Năm 2009,
Trung Quốc cho Lào vay $100 triệu xây sân vận động quốc gia để tổ chức
Southeast Asia Games, đổi lại chính phủ Lào giao một khu đất lớn để Bắc Kinh
xây dựng một khu kinh tế đặc biệt dành riêng cho các công ty Trung Quốc.
“Đây là một
phần trong chính sách ‘biến đất thành vốn liếng’ – câu khẩu hiệu chính về phát
triển mà Lào công khai thực hiện từ năm 2000,” ông Barney nói thêm.
Mới đây,
chính phủ Lào cũng chuyển giao quyền quản lý mạng lưới điện quốc gia cho các
công ty Trung Quốc đổi lấy khoản vay xây dựng đường sắt cao tốc Vientiane-Vân
Nam.
Hiện có
nhiều công ty Trung Quốc thuê nhiều vùng đất rộng của Lào ở phía Tây Trường Sơn
để mở đồn điền trồng cao su, chăn nuôi heo bò, trồng cây ăn trái. Người Việt
Nam vẫn lo ngại những cơ sở kinh tế đó là vỏ bọc cho quân đội Trung Quốc khi hữu
sự nhằm gây một sức ép đáng kể lên sườn phía Tây của Việt Nam.
Với tình
trạng nợ nần thê thảm của Lào hiện nay, chẳng bao lâu nữa đất nước Triệu Voi
này sẽ là một chư hầu mới của Bắc Kinh, sẽ có nhiều vùng đất và cơ sở hạ tầng
thiết yếu của Lào được giao cho Trung Quốc kiểm soát. Và Việt Nam sẽ bị Trung
Quốc bao vây từ ba phía: Biển Đông, với các căn cứ quân sự án ngữ Hoàng Sa và
Trường Sa, biên giới Trung-Việt ở phía Bắc và biên giới Việt-Lào ở phía Tây. Ở
vùng Quảng Bình, biên giới Việt-Lào chỉ cách biển 40 cây số nên khi xảy ra xung
đột quân sự, một mũi tấn công của Trung Quốc từ Lào có thể cắt đôi nước Việt
Nam trong chớp mắt.
Việt Nam
đang nỗ lực tối đa để duy trì ảnh hưởng của Hà Nội tại Lào. Việt Nam từng bố
trí tới 40,000 binh sĩ tại Lào trong thời kỳ căng thẳng với Trung Quốc trước Hội
Nghị Thành Đô 1990, nhưng từ năm 1991 trở về sau, quan hệ giữa hai nước nghiêng
về phía hợp tác kinh tế hơn là bảo đảm an ninh quân sự.
Về hợp tác
kinh tế, Việt Nam hiện đầu tư tại Lào 209 dự án trong lĩnh vực ngân hàng, viễn
thông, dịch vụ, nông lâm nghiệp, có tổng vốn đăng ký $5.1 tỷ. Riêng trong tám
tháng đầu năm nay, các công ty Việt Nam đầu tư vào Lào bốn dự án mới và tăng vốn
ba dự án với tổng vốn đăng ký đạt $66.42 triệu, theo số liệu của Bộ Kế Hoạch và
Đầu Tư Việt Nam.
Việt Nam
cũng ra sức giúp Lào như mở cảng quốc tế Lào-Việt trong khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh
Hà Tĩnh, và đang dự định xây dựng tuyến đường sắt Vientiane-Vũng Áng để hàng xuất
cảng của Lào có đường ra biển, cũng như xây đường cao tốc Hà Nội-Vientiane…
Tuy nhiên,
so với Trung Quốc, đầu tư và viện trợ của Việt Nam tại Lào chẳng có mấy ý
nghĩa. Vị thế và ảnh hưởng của Việt Nam trong giới lãnh đạo và người dân Lào
càng ngày càng sụt giảm, bất chấp hai nước có cùng một chế độ chính trị độc đảng
toàn trị, có quá khứ gắn bó lâu dài và lãnh đạo hai nước vẫn thường xuyên ca ngợi
tình hữu nghị Lào-Việt: “Việt-Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà,
Cửu Long.”
Để giải
bài toán khủng hoảng nợ hiện hành, Lào không có con đường nào khác là dựa hẳn
vào Trung Quốc. Và đó là mối nguy hiểm nhãn tiền cho Việt Nam mà người Việt
chưa thật sự quan tâm đầy đủ. [đ.d.]
No comments:
Post a Comment