Monday, 12 September 2022

KHỦNG HOẢNG BỦA VÂY TRUNG QUỐC TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI XX (Hoàng Việt / Đàn Chim Việt)

 



Khủng hoảng bủa vây Trung Quốc trước thềm đại hội XX

Hoàng Việt  /  Đàn Chim Việt

12/09/2022

https://www.danchimviet.info/khung-hoang-bua-vay-trung-quoc-truoc-them-dai-hoi-xx/09/2022/27065/

 

Trên bình diện chính trị, mọi thứ dường như đang diễn ra suôn sẻ đối với Tập Cận Bình trong bối cảnh ông đang nỗ lực hướng tới nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội XX) được khai mạc vào ngày 16/10 tới. Tuy nhiên, ngay cả khi chính trị vẫn là ưu tiên hàng đầu ở Trung Quốc, đất nước này vẫn đang bị bủa vây bởi một loạt vấn đề sau đây:

 

1. Bệnh dịch

 

Hàng chục triệu người tại Trung Quốc đang chịu cảnh phong tỏa một lần nữa, bao gồm cả ở Thành Đô, Quý Dương và các vùng của Thâm Quyến. Hiện tại, có tới 33 thành phố với 65 triệu dân đang bị phong tỏa trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách đối phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 lớn nhất kể từ đầu năm 2020. Các báo cáo cho thấy các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng đang tăng cao ở Thượng Hải và Bắc Kinh.

 

Wu Qianyu, một quan chức Ủy ban Y tế thành phố Thượng Hải, nói: “Tình hình đại dịch không mấy lạc quan, cả ở trong và ngoài nước”. Ông nói rằng người dân Thượng Hải được khuyến cáo không nên rời thành phố trong dịp Tết Trung thu vào cuối tuần này. Điều này sẽ ảnh hưởng tới đến tuần nghỉ lễ Quốc khánh (ngày 1/10). Đây vốn là một kỳ nghỉ lớn với rất nhiều hoạt động du lịch.

 

Ngay cả khi thế giới đang học cách sống chung với COVID-19 thông qua chiến dịch tiêm chủng hàng loạt, Trung Quốc vẫn duy trì cách tiếp cận “Không COVID”, bao gồm áp đặt các biện pháp phong tỏa, kiểm dịch và xét nghiệm hàng loạt để cách ly các ca bệnh. Trung Quốc cho rằng cách xử lý đại dịch COVID-19 của họ là ưu việt vì nước này đã tránh được tình trạng tử vong hàng loạt, nhưng vấn đề là người dân của họ không được tiêm phòng đầy đủ và nước này không có chiến lược đối phó với loại biến thể đang ngày càng dễ lây lan. Trung Quốc đã triển khai tiêm chủng 2 liều vaccine của Sinovac và Sinopharm cho phần lớn dân số của họ. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy khả năng miễn dịch thu được từ 2 liều vaccine đã giảm nhanh chóng và khả năng bảo vệ đối với người lớn tuổi bị hạn chế.

 

2. Hạn hán

 

Người dân Trung Quốc đang chứng kiến đợt hạn hán tồi tệ nhất được ghi nhận sau hơn 70 ngày với nền nhiệt cao và lượng mưa thấp, ảnh hưởng đến gần một nửa tổng diện tích đất đai của họ. Đợt hạn hán này đã khiến một số con sông bị thu hẹp thành các dòng chảy, bao gồm cả sông Dương Tử, điều cũng dẫn đến việc đóng cửa các tuyến hàng hải ở nhiều nhánh sông. Trớ trêu thay, tình trạng hạn hán này diễn ra sau đợt lũ lụt nghiêm trọng, trong đó hơn 100 con sông ở Trung Quốc bị ảnh hưởng vào tháng 6/2022. Tỉnh Quảng Đông, với trung tâm công nghệ Thâm Quyến, đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và hạn hán.


Trong khi đó, 3 bộ của chính phủ phụ trách các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và tài nguyên nước đã đưa ra thông báo vào cuối tháng trước rằng hạn hán và nhiệt độ cao đe dọa nghiêm trọng đến vụ thu hoạch vào mùa Thu vì chúng ảnh hưởng đến lưu vực sông Dương Tử và miền Nam Trung Quốc – vốn là “vựa lúa” chính của đất nước. Các thành phố công nghiệp như Thượng Hải và Trùng Khánh đã phải cắt điện do nhu cầu sử dụng điều hòa tăng vọt. Bên cạnh việc kêu gọi mọi người sử dụng tiết kiệm nước, Trung Quốc đã sử dụng phương pháp gieo hạt tạo mây để tăng lượng mưa.

 

3. Nợ

 

Các khoản nợ của Trung Quốc đã tăng theo cấp số nhân trong thập kỷ qua dưới thời Tập Cận Bình. Điều này là do tín dụng được bơm vào các doanh nghiệp nhà nước sau cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu năm 2008-2009. Nợ của Trung Quốc hiện chiếm tới hơn 250% GDP và có thể tăng lên 275% trong năm nay. Trong lúc Trung Quốc phải vật lộn với đợt phong tỏa do COVID-19 và cuộc khủng hoảng bất động sản, chính phủ một lần nữa phải dùng đến các biện pháp kích thích bổ sung.


Một số chuyên gia đang lo lắng về khoản nợ khổng lồ của Trung Quốc mà họ cho rằng sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của đất nước và có thể tác động đến tình hình kinh tế thế giới. Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng vì phần lớn khoản nợ này thuộc sở hữu nhà nước nên nó có thể quản lý được. Mặc dù vậy, thực tế các khoản nợ doanh nghiệp và hộ gia đình của Trung Quốc đang tăng mạnh cũng là điều cũng gây lo lắng.

 

4. Khó khăn trong lĩnh vực công nghệ

 

Trung Quốc đã chi hàng chục tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn nhưng thu được kết quả không mấy tốt đẹp. Điều khiến các quan chức tức giận là tình trạng này xảy ra vào thời điểm Mỹ đang thắt chặt các biện pháp hạn chế đối với Trung Quốc. Tập Cận Bình đã đầu tư hơn 100 tỷ USD trong thập kỷ qua để cố gắng xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Hiện tại, Quỹ Đầu tư Công nghiệp Vi mạch Tích hợp Quốc gia Trung Quốc cũng đang được điều tra. Tuy nhiên, rõ ràng rằng Trung Quốc không có ý định lùi bước và đang thúc đẩy các kế hoạch của họ.

 

China Talk, một kênh podcast công nghệ của Mỹ, gần đây đã công bố bản dịch đánh giá của một nhà khoa học hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc về áp lực mà họ phải đối mặt sau sự “ghẻ lạnh” từ Mỹ. Zhang Yuzhuo, nhà khoa học năng lượng và là bí thư chi bộ của Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (CAST), đã đưa ra một số nhận định, bao gồm về việc các biện pháp ngăn chặn của Mỹ ảnh hưởng đến các nỗ lực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) của Trung Quốc ra sao. Zhang chỉ ra rằng Mỹ đang sử dụng các biện pháp “ngăn chặn có mục tiêu”, liên quan đến việc Mỹ sử dụng các nước bạn bè và đồng minh để kiểm soát xuất khẩu.

 

Trung Quốc hiện nay vẫn thiếu khả năng tạo ra đột phá về khoa học và công nghệ do các hệ thống lạc hậu cần được cải cách. Ông nói: “Chúng ta thiếu những đột phá lý thuyết lớn và những thành tựu hàng đầu”. Ông lưu ý rằng hiện cũng có những nút thắt khác cản trở sự đổi mới. Ông khẳng định: “Trung Quốc thiếu các nhà khoa học chiến lược và kỹ thuật viên hàng đầu, thiếu chương trình đào tạo tài năng trẻ và giữ chân các kỹ sư xuất sắc”.


Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đang kích động làn sóng các công ty công nghệ dần “di tản” khỏi Trung Quốc. Điều này làm phức tạp thêm tình hình, bên cạnh tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng diễn ra vào năm 2020 do dịch COVID-19. Những rắc rối này khó có thể ảnh hưởng đến tinh thần chung của Đại hội Đảng sắp tới bởi chương trình nghị sự có thể đã được lên kịch bản trước. Quyền lực tối cao của Tập Cận Bình vẫn được bảo đảm và sẽ không có gì ngạc nhiên khi câu khẩu hiệu của thời đại sẽ là cần phải đề cao “Hai xác lập” – xác lập “vị trí hạt nhân” của Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong Đảng và xác lập “vị trí chỉ đạo” của “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” trong thời đại mới.

 

(Theo orfonline.org)

Hoàng Việt

 

=========================

.

.

 

Mỹ hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc   

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 12/09/2022 - 13:43

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220912-m%E1%BB%B9-h%E1%BA%A1n-ch%E1%BA%BF-xu%E1%BA%A5t-kh%E1%BA%A9u-ch%E1%BA%A5t-b%C3%A1n-d%E1%BA%ABn-sang-trung-qu%E1%BB%91c

 

Chính quyền của tổng thống Mỹ Joe Biden dự tính vào tháng 10/2022 giảm xuất khẩu một số chất bán dẫn và các thiết bị cần thiết để chế tạo chất bán dẫn cho Trung Quốc. Reuters dựa vào nhiều nguồn tin thạo hồ sơ hôm nay 12/09/2022 cho biết như trên.

 

https://s.rfi.fr/media/display/a231e19c-328c-11ed-a76f-005056a97e36/w:1024/p:16x9/AP21362025200273.webp

Bộ xử lý máy chủ cấu trúc ARM Yitian 710, được phát triển bởi Alibaba, được giới thiệu tại Hội nghị Apsara, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 19/10/2021. AP

 

Bộ Thương Mại Mỹ dự kiến công bố các quy định mới dựa trên những bức thư từng được gửi trong năm nay cho các doanh nghiệp Mỹ. Những bức thư gửi đến các công ty KLA, Lam Research và Applied Materials, thông báo họ bị cấm xuất khẩu thiết bị cần thiết cho việc sản xuất chất bán dẫn thế hệ tiên tiến cho các nhà máy Trung Quốc, trừ khi có giấy phép của bộ Thương Mại Mỹ.

 

Một số bức thư khác đã được bộ Thương Mại gửi cho Nvidia và Advanced Micro Devices, yêu cầu các doanh nghiệp này ngừng giao cho Trung Quốc các loại chíp điện tử được dùng để phát triển trí thông minh nhân tạo. Một số nguồn tin còn cho biết quy định mới của bộ Thương Mại Mỹ cũng bao gồm một số quyết định khác liên quan tới Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế có thể còn phải được điều chỉnh, sửa đổi. Quy định mới có thể sẽ được công bố muộn hơn so với dự kiến ban đầu. Một trong những nguồn tin cũng giải thích rằng, các doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ cần phải có giấy phép thì mới được xuất khẩu các sản phẩm có chứa chất bán dẫn, nếu không tuân thủ thì sẽ bị xử phạt.

 

Một quan chức bộ Thương Mại đã từ chối bình luận về các thông tin nói trên, nhưng phát biểu : “Nói chung, chúng tôi ra luật về tất cả các hạn chế đã được thông báo trong các bức thư và thay đổi các quy định”.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats