Saturday, 17 September 2022

HOA KỲ : KHI DI DÂN THÀNH CON CỜ CHÍNH TRỊ (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Khi di dân thành con cờ chính trị   

Hiếu Chân/Người Việt

September 16, 2022

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/khi-di-dan-thanh-con-co-chinh-tri/

 

Đã thành lệ, cứ đến một kỳ bầu cử quan trọng, chuyện di dân tới Mỹ lại thành đề tài tranh luận gay gắt giữa hai đảng chính trị, tốn nhiều giấy mực của báo chí mà không đi tới một giải pháp hữu hiệu.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/09/BL-Di-Dan-Con-Co-Chinh-Tri-1068x712.jpg

Một di dân Venezuala bị xe buýt chở từ Texas đến “bỏ” ở trước dinh Phó Tổng Thống Kamala Harris hôm Thứ Năm, 15 Tháng Chín. (Hình: Stefani Reynolds/AFP via Getty Images)

 

Chuyện lại rộ lên hôm Thứ Tư, 14 Tháng Chín, khi Thống Đốc Ron DeSantis của Florida thuê hai chiếc phi cơ chở 48 di dân Nam Mỹ tới đổ tại Martha’s Vineyard, một hòn đảo thuộc tiểu bang Massachusetts, nơi có nhà riêng của cựu Tổng Thống Barack Obama. Ông Greg Abbott, thống đốc tiểu bang Texas, cũng thuê xe buýt chở di dân tới thủ đô Washington, DC “đổ” trước dinh thự của bà Phó Tổng Thống Kamala Harris. Trước đó, Thống Đốc Doug Ducey của Arizona cho xe buýt chở di dân đến “đổ” ở thành phố Chicago, tiểu bang Illinois. Cả ba vị thống đốc này đều là người của đảng Cộng Hòa và đều phản đối chính sách nhập cư mà họ cho là lỏng lẻo của đảng Dân Chủ và chính quyền Biden.

 

Theo dữ liệu của nhật báo The New York Times, từ Tháng Tư, Thống Đốc Greg Abbott đã gửi 7,900 di dân từ Texas đến thủ đô Washington, DC và từ Tháng Tám đã bắt đầu gửi di dân tới New York, những địa phương do đảng Dân Chủ điều hành. Hành động của ba vị thống đốc Cộng Hòa là một phần trong một chiến dịch đánh động dư luận và kích thích nỗi giận dữ đối với đảng Dân Chủ trước cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào Tháng Mười Một.

 

Các vị thống đốc các tiểu bang phía Nam này muốn cả nước phải chú ý tới tình trạng căng thẳng ở biên giới. Thống kê cho thấy trong năm tài chính hiện nay, CBP, cơ quan biên phòng liên bang, đã bắt giữ hơn 2 triệu di dân bất hợp pháp, nhiều hơn cả tổng số của năm trước. Làn sóng di dân tăng vọt gây ra nhiều thách thức cho các tiểu bang như Texas, Arizona, và các vị thống đốc ở đó muốn các nhà lãnh đạo Dân Chủ thấy được nỗi khó khăn của họ mà ủng hộ những chính sách di dân cứng rắn hơn.

 

Bà Taryn M. Fenske, giám đốc truyền thông của Thống Đốc DeSantis, nói chuyến bay chở di dân tới Martha’s Vineyard là một phần trong kế hoạch của tiểu bang Florida đưa di dân tới những nơi gọi là “nơi trú ẩn.” “Các tiểu bang như Massachusetts, New York, và California sẽ chăm sóc tốt hơn những di dân này, những người mà họ mời tới đất nước chúng ta bằng việc khuyến khích di dân bất hợp pháp và ủng hộ chính sách mở cửa biên giới của chính quyền Biden,” bà Fenske nói với tờ New York Times.

 

Tuy nhiên, thái quá bất cập.

 

Hành động của các thống đốc Cộng Hòa “đổ” di dân vào các địa phương Dân Chủ có nguy cơ gây phản tác dụng. Trong truyền thống nhân ái và vị tha của người Mỹ, nó có thể bị coi là vô cảm, biến thân phận con người thành món hàng mặc cả chính trị. Nhiều người bất bình với ý đồ chính trị lộ liễu của Thống Đốc DeSantis khi một phụ tá của ông đăng lên mạng hình ảnh khu nhà mà cựu Tổng Thống Obama thuê ở Martha’s Vineyard với lời chú thích: “Ngôi nhà 7 phòng ngủ, 8 phòng tắm rộng 6,892 feet vuông trên khu đất gần 30 mẫu. Rất nhiều không gian” cho thấy một mục tiêu hành động của ông DeSantis là nhắm vào ông cựu tổng thống thuộc đảng Dân Chủ.

 

                                                          ***

Trả lời báo chí, phần lớn những di dân bị chuyển tới Martha’s Vineyard cho biết họ từ Venezuela đến. Đây là một đất nước đang sụp đổ dưới ách cai trị độc tài của Tổng Thống Nicolas Maduro và người tiền nhiệm của ông, cố Tổng Thống Hugo Chavez. Các di dân này phải trải qua hơn ba tháng, băng qua bảy quốc gia và chịu vô số khổ nhục hiểm nguy để đến được Mỹ và nộp đơn xin tị nạn. Khác với nhiều nước Nam Mỹ khác, Venezuela không có thỏa thuận với Mỹ nhận lại người di cư nên không thể trục xuất những người này.

 

Theo luật, sau khi thẩm vấn ở cơ quan biên phòng, di dân bất hợp pháp sẽ được thả ra để chờ ngày ra tòa án di trú trả lời hồ sơ của họ. Nếu được tòa chấp thuận họ sẽ được cấp quy chế thường trú nhân, nếu đơn bị bác, họ sẽ bị trục xuất trở về nước nguyên quán. Trong thời gian chờ ra tòa di trú, những di dân bất hợp pháp này có thể xin được giấy phép làm việc, được đi làm, đóng thuế, được đi bất cứ đâu trên lãnh thổ Mỹ, nhưng phải ra trình diện chính quyền mỗi hai tháng một lần. Thực tế, sau khi được thả ra, nhiều di dân đã biến mất, không ra trình diện và cũng không xuất hiện trước tòa di trú. Và cũng có không ít di dân nộp đơn xin tị nạn với những lời khai và chứng cứ giả, đến khi tòa án phát hiện ra sự gian dối và ra lệnh trục xuất thì họ đã “lặn sâu” vào xã hội Mỹ mà không ai phát giác được trừ khi đương sự bị bắt vì có hành vi vi phạm pháp luật.

 

Các chính trị gia Dân Chủ cho rằng luật di trú như vậy là nhân đạo, phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc mà Hoa Kỳ đã ký kết, theo đó những người “có nguy cơ bị ngược đãi vì những lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, thành viên của các nhóm xã hội hoặc bất đồng chính kiến” sẽ được phép ở lại chờ hồ sơ được cứu xét bên trong nước Mỹ và được xin phép làm việc trong 150 ngày sau khi nộp đơn xin tị nạn.

 

                                                         ***

Vấn đề nằm ở chỗ, Mỹ là xứ đất lành chim đậu, lượng người đổ tới Mỹ tìm cơ hội mỗi ngày mỗi tăng mà năng lực giải quyết của chính quyền không đáp ứng nổi. Những năm gần đây, đại dịch COVID-19 làm sụp đổ các nền kinh tế, tình trạng gia tăng đàn áp ở nhiều nước Nam Mỹ khiến cho làn sóng di dân tăng vọt và hệ thống biên phòng cùng tòa di trú của Mỹ bị quá tải.

 

Theo số liệu của bà Farah Stockman trong ban biên tập The New York Times cho biết, số hồ sơ xin định cư nộp lên tòa di trú Mỹ đã tăng từ 32,895 cả năm 2010 lên 156,374 trong bảy tháng đầu năm 2022. Nếu năm 2010 bình quân có 100,000 đơn xin định cư chờ được xét thì hiện nay con số đó đã là 660,000. Nếu tính cả số hồ sơ chờ trục xuất và các dạng khác thì tổng số đơn đang tồn đọng ở các tòa di trú lên tới 1.8 triệu.

 

Hậu quả của tình trạng này là thay vì chỉ đợi 45 ngày sau khi nộp đơn thì có thể biết kết luận của tòa như luật định thì hiện nay di dân phải đợi ít nhất bốn năm rưỡi, theo nghiên cứu của trung tâm TRAC thuộc đại học Syracuse University. Thời gian xem xét hồ sơ càng kéo dài thì càng khó trục xuất những di dân đã ở lâu trong xã hội Mỹ. Trung tâm TRAC cho biết năm 2022 chính quyền Mỹ phải trục xuất tới 745,000 trường hợp, nhiều gấp đôi so với các năm khác.

 

Như vậy, vấn đề di dân sở dĩ gây căng thẳng một phần là do guồng máy thực thi luật di trú bị lạc hậu và quá sức, không đáp ứng nổi nhu cầu di cư bùng nổ. Giải pháp cho vấn đề khủng hoảng di dân nhất thiết phải có sự đầu tư, cải thiện phương tiện và nhân lực của guồng máy thực thi pháp luật chứ không phải chở di dân từ nơi này sang nơi khác.

 

                                                   ***

 

Hành động của các thống đốc Cộng Hòa gây bất ngờ cho chính quyền và các tổ chức tôn giáo và xã hội ở Washington, DC và Massachusetts. Họ không được báo trước và không chuẩn bị để đón tiếp và cưu mang những người này. Hầu hết những người bị đưa đến đó cũng đều nói họ bị lừa (misled), họ chỉ muốn tới nơi nào có thể kiếm được việc làm và chỗ ở, trong khi những nơi như Martha’s Vineyard không đáp ứng được nhu cầu đó.

 

Dẫu vậy, sau hai đêm tạm trú trong các nhà thờ và được các tình nguyện viên cung cấp những thứ thiết yếu, kể cả điện thoại di động, những di dân này đã được đưa tới một căn cứ quân sự ở Cape Cod gần đó, nơi họ sẽ tiếp tục tạm trú chờ chính quyền thu xếp một giải pháp ổn thỏa hơn.

 

Trả lời báo chí về sự việc này, bà Karine Jean-Pierre, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, gọi đó là hành động chính trị tàn nhẫn và có tính toán trước. Tổng Thống Joe Biden vào tối Thứ Năm cũng bất bình: “Thay vì làm việc với chúng tôi để tìm giải pháp, những người Cộng Hòa đã chơi trò chính trị với thân phận con người, sử dụng họ như đồ dùng sân khấu… Việc họ làm chỉ đơn giản là sai, là khinh suất và không đúng với người Mỹ (un-American),” ông Biden nói. [đ.d.]

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats