Sunday 11 September 2022

GIÁO DỤC VIỆT NAM : 15 NGUYÊN NHÂN KHIẾN THIẾU GIÁO VIÊN, THẦY CÔ BỎ VIỆC (Nhật Khoa / Giáo Dục Online)

 



"Điểm mặt chỉ tên" 15 nguyên nhân khiến thiếu giáo viên, thầy cô bỏ việc    

Nhật Khoa (Giáo Dục Online) 

07/09/2022 19:58

https://giaoduc.net.vn/diem-mat-chi-ten-15-nguyen-nhan-khien-thieu-giao-vien-thay-co-bo-viec-post229145.gd

 

GDVN- Theo người viết đây là những nguyên nhân thiếu giáo viên, giáo viên bỏ việc thời gian qua.

 

TIN LIÊN QUAN

·         Không sống được bằng lương, thầy cô phải làm phụ hồ nuôi nghề giáo

·         Đi dạy hơn 10 năm, lương hơn 4 triệu thì thầy cô sống sao nổi?

·         Ngoài lương thấp, đây là lý do được "điểm mặt chỉ tên" khiến GV oải mà nghỉ việc

·         Lương 4 triệu/tháng, lại nhiều áp lực, giáo viên nghỉ việc là quá dễ hiểu

 

Theo thống kê tình trạng thiếu giáo viên trong năm học tới xảy ra ở rất nhiều nơi như ở Bình Dương còn thiếu hơn 3.000 giáo viên. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hai siêu đô thị của Việt Nam, cũng lần lượt thiếu hơn 7.000 và 5.000 cho năm học mới, Thanh Hóa gần 9.000, Hải Phòng và Bắc Ninh mỗi địa phương hơn 2.000, Thái Nguyên gần 4.500, Gia Lai 3.400... [1]

 

Ở một khía cạnh khác, năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết cả nước thiếu hơn 94.700 giáo viên các cấp và đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung trong giai đoạn 2021-2025.[2]

 

Cả nước đang thiếu rất nhiều giáo viên nhưng lại có tình trạng giáo viên nghỉ việc ở nhiều nơi, đây cũng là một bài toán đau đầu cho các cấp quản lý giáo dục.

 

Hiện nay, cùng với sự gia tăng dân số thì sĩ số học sinh trong độ tuổi đến trường cũng tăng nên tình trạng thiếu giáo viên trong thời gian tới sẽ còn dài nếu không có những giải pháp quyết liệt không chỉ Bộ Giáo dục mà cả các ban ngành liên quan.

 

Thiếu giáo viên thì các cơ sở giáo dục khó có thể thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục học sinh, thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ sở giáo dục, việc thực hiện chương trình mới sẽ vô cùng khó khăn.

 

Theo người viết dưới đây là các nguyên nhân thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc, bỏ việc nhiều trong thời gian qua.

 

Thứ nhất, lương giáo viên còn thấp

 

Một thực tế không thể chối cãi rằng hiện nay lương, thu nhập của giáo viên còn thấp chưa tương xứng với vị thế của nghề nhất là giáo viên mầm non, phổ thông.

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập trung bình tháng của những người làm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (năm 2020) là 7,05 triệu đồng. Nhóm này đã gồm cả các cán bộ và giảng viên đại học, nên mức trung bình này cao hơn thu nhập thực tế của giáo viên phổ thông, mầm non.[1]

Tôi công tác tại trường trung học cơ sở, tôi chia bình quân lương hàng tháng của toàn bộ giáo viên trường chỉ khoảng 6,1 triệu đồng, một con số khá khiêm tốn.

Thu nhập nhân viên trường học thì còn thấp hơn nhiều, những nhân viên kế toán, y tế học đường,… thu nhập bình quân chỉ khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng.

 

Lương 4 triệu/tháng, lại nhiều áp lực, giáo viên nghỉ việc là quá dễ hiểu

 

Đã có 3 lần hoãn tăng lương cơ sở, trong khi vật giá leo thang khiến đời sống giáo viên càng khó khăn hơn.

Bản thân người viết và nhiều người cùng chung nhận định mức lương nhà giáo còn thấp là nguyên nhân chính để nhiều giáo viên bỏ việc, khó thu hút sinh viên giỏi, giữ chân giáo viên giỏi.

 

Nhiều giáo viên hiện nay còn đang làm việc gần như đều phải làm thêm nghề tay trái để có thể bám được với nghề.

 

Thứ hai, ít có chính sách đãi ngộ, lương bị trừ nhiều khoản

 

Không chỉ lương, thu nhập chưa tương xứng, nhiều giáo viên hầu như ít có chính sách an sinh, đãi ngộ.

Giáo viên công tác một năm trời với nhiều cống hiến nếu xếp đạt danh hiệu lao động tiên tiến thì được thưởng 350.000 đồng.

Bên cạnh đó, hàng tháng giáo viên bị trừ những khoản như quỹ tương trợ, mái ấm công đoàn, quỹ thiên tai, trợ cấp lũ lụt,…

 

Thứ ba, chính sách tuyển dụng, ưu tiên tuyển dụng chưa phát huy tác dụng

 

Hiện nay, việc tuyển dụng được thực hiện theo quy trình do cơ sở giáo dục đăng ký nhu cầu cần tuyển, báo cáo về cấp có thẩm quyền duyệt nhu cầu, đăng ký thông tin tuyển dụng cho các trường,…

Sau đó thường là Phòng/Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện/ tỉnh tổ chức tuyển dụng.

Điều này dẫn đến bất cập là những trường có điều kiện thuận lợi sẽ có nhiều sinh viên đăng ký tuyển dụng, những trường khó khăn lại không có sinh viên đăng ký.

Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định có thể thi hoặc xét tuyển viên chức nhưng một số địa phương khi tổ chức thi hoặc xét tuyển lại đạt ra yêu cầu quá cao nên mặc dù trường thiếu giáo viên nhưng lại có nhiều sinh viên không trúng tuyển.

Chính sách ưu tiên trong tuyển dụng hiện nay được thực hiện theo Nghị định 140/2017/NĐ-CP. Tại khoản 1 Điều 2 quy định các đối tượng được ưu tiên tuyển dụng phải đạt tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại cơ sở giáo dục đại học ở trong nước hoặc nước ngoài được công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật có kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc các năm học của bậc đại học, đồng thời phải đạt một trong các tiêu chuẩn như giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc tương đương; giải ba khoa học kỹ thuật; giải ba Olympic trở lên.

Tuy nhiên, để đạt được các tiêu chí trên không hề đơn giản nên con số sinh viên được ưu tiên tuyển dụng viên chức đếm trên đầu ngón tay, những địa phương khó khăn hầu như rất khó có đối tượng đăng ký tuyển dụng.

Những sinh viên đạt kết quả trên phải trải qua đợt xét tuyển được quy định tại Điều 8 nội dung xét tuyển gồm:

“1. Xét kết quả học tập và nghiên cứu (nếu có) của người dự tuyển theo các tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 Nghị định này.

2. Phỏng vấn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển.”

Dù được ưu tiên nhưng vẫn phải xét tuyển nên các em vẫn có thể trượt.

 

Thứ tư, các trường chưa được tự chủ trong tuyển dụng

 

Nhiều đơn vị trường học dù thiếu giáo viên nhưng lại phải chờ các đợt tuyển dụng của cấp trên mà không thể chủ động tuyển dụng khi có sẵn nguồn tuyển.

Theo người viết, phân cấp cho người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập tuyển dụng là bước tiến mới tăng tính tự chủ và tạo điều kiện cho các trường linh hoạt trong tuyển dụng viên chức cho đơn vị mình, tránh tình trạng thiếu nhiều giáo viên.

 

Thứ năm, áp lực công việc, hồ sơ sổ sách, cuộc thi, tập huấn

 

Hiện nay, áp lực về công việc giáo viên khá lớn, không chỉ công việc mà còn cả hồ sơ sổ sách, phong trào, hội thi,... khiến giáo viên rất áp lực như: thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, hội diễn quần chúng, khoa học kỹ thuật, đồ dùng dạy học, thi dân vận khéo, thi cán bộ công đoàn, thi tìm hiểu pháp luật, an toàn giao thông, viết sáng kiến kinh nghiệm...

Bên cạnh đó giáo viên phải làm đủ loại báo cáo, hồ sơ sổ sách cả bản giấy lẫn điện tử, rồi phần mềm, tập huấn trực tuyến, trực tiếp,…

Giáo án theo công văn 5512 dài lê thê, giáo viên ra đề kiểm tra phải kèm ma trận, bản đặc tả, hướng dẫn chấm cũng dài hơn 10 trang giấy, giáo viên phải chấm trả bài, nhận xét từng học sinh,… vô cùng áp lực.

Các cuộc thi của học sinh như thi học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật, văn nghệ, thể dục thể thao,… nhưng giáo viên cũng vô cùng vất vả, mất thời gian.

Những người làm công tác giáo viên chủ nhiệm sẽ hiểu những áp lực, vất vả này.

Thời gian giáo viên nghỉ hè 2 tháng nhưng trong thời gian đó giáo viên công tác nhiều ngày gồm hội họp, tập huấn chuyên môn, chuyên đề, học nghị quyết,…

 

Thứ sáu, quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng chưa thuyết phục giáo viên

 

Hiện nay quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được thực hiện theo Nghị định 115, giáo viên không được đề cử hay được quyền bỏ phiếu tín nhiệm bầu, hiệu trưởng, hiệu phó.

Vì tại khoản 2 Điều 46 quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ thì nếu đơn vị có trên 30 người (đa số trường học đã trên 30 người) thì ở cả 5 bước, giáo viên không có quyền đề cử, bỏ phiếu để bầu, tín nhiệm hiệu trưởng, chỉ duy nhất ở bước 4 có thành phần tham dự gồm “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; cấp ủy, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội của đơn vị sự nghiệp công lập; người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các bộ phận chuyên môn và đơn vị thuộc và trực thuộc. Đối với đơn vị có số lượng người làm việc dưới 30 người hoặc đơn vị không có tổ chức cấu thành, thành phần tham dự gồm toàn thể viên chức, người lao động trong biên chế làm việc thường xuyên tại đơn vị.”

Đối với nhân sự từ nơi khác thì chỉ có cấp ủy cơ sở được dự họp và nghe ý kiến và không có bỏ phiếu tín nhiệm đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng từ nơi khác chuyển đến.

Do đó, khi có những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được bổ nhiệm không do giáo viên giới thiệu, không do giáo viên tín nhiệm nên xảy ra thiếu dân chủ, dẫn đến những mâu thuẫn trong quá trình làm việc khiến bất mãn, chán nản và bỏ việc.

Bên cạnh đó, có những hiệu trưởng sau khi bổ nhiệm thì trở thành “ông trời con”, o ép, bắt nạt giáo viên,… khiến giáo viên bất mãn và chủ động xin nghỉ.

 

Thứ bảy, giáo viên chưa được bảo vệ đúng mực

 

Có phụ huynh vì bênh con xông vào đánh giáo viên ngay tại lớp học nhưng không được can ngăn, những vụ hành hung, bắt nạt giáo viên không phải là hiếm.

Giáo viên luôn được xem phải là “khuôn vàng thước ngọc”, phải chuẩn mực, phải kiên nhẫn,… nên trong đa phần trong các sự việc, lỗi thường được quy về phía giáo viên hoặc giáo viên phải chịu trách nhiệm nặng hơn.

Những sự việc như học sinh học yếu, học sinh bỏ học, học sinh chửi tục, quậy phá,… đều quy một phần lỗi của giáo viên.

 

Thứ tám, xuất hiện nhiều môn học mới khiến giáo viên vất vả

 

Một trong những bất cập của chương trình mới là thiếu giáo viên ở nhiều môn nhất là những môn và hoạt động mới xuất hiện như Tin học và Công nghệ, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Giáo dục địa phương, Trải nghiệm và hướng nghiệp,… nên giáo viên phải kiêm nhiệm rất nhiều môn, hoạt động trái chuyên môn, không được đào tạo khiến giáo viên vô cùng vất vả không chỉ trong giảng dạy mà cả các loại hồ sơ, học chứng chỉ tích hợp,...

Giáo viên kiêm nhiệm 2, 3 phân môn thì phải soạn nhiều giáo án, nhiều ma trận đề các môn mà mỗi môn có cấu trúc ma trận hoàn toàn khác nhau.

Giáo viên kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, khi tính dư giờ chỉ tính số tiết kiêm nhiệm cao nhất, vì tại khoản 5 Điều 9 Thông tư 03/2017/VBHN-BGDĐT hợp nhất Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT và Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông:

“5. Để đảm bảo chất lượng giảng dạy và chất lượng công tác, mỗi giáo viên không làm kiêm nhiệm quá 2 chức vụ và được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy của chức vụ có số tiết giảm cao nhất.”

Như vậy, theo quy định, mỗi giáo viên không thể kiêm nhiệm quá 2 chức vụ và được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy của chức vụ có số tiết giảm cao nhất, nên trường thiếu càng nhiều giáo viên, giáo viên thực hiện nhiệm vụ càng vất vả và càng khó để tính dư giờ.

 

Thứ chín, phụ cấp chức vụ cán bộ quản lý chưa tương xứng

 

Phụ cấp chức vụ cho cán bộ quản lý trường học cho tổ trưởng đến hiệu trưởng ở các trường mầm non, phổ thông chỉ từ 0,2 đến 0,7 chưa tương xứng với công việc.

Khi đảm nhận công việc quản lý tổ, quản lý nhà trường là gánh thêm trách nhiệm nặng nề nhưng mỗi tháng sau khi nhận phụ cấp chỉ được vài trăm nghìn đồng nên giáo viên không mặn mà, phấn đấu.

Thậm chí nhiều người còn không nhận chức vụ khi được quy hoạch, bổ nhiệm.

Môi trường giáo dục vì thế không tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, cố gắng, nên giáo viên cảm thấy khó có cơ hội phát triển, thăng tiến nên dễ bỏ cuộc và chọn hướng đi khác.

 

Thứ mười, xếp lương giáo viên còn chưa công bằng

 

Lương, thu nhập thấp đã khiến nhiều giáo viên tâm tư, chuyển việc nhưng bức xúc nhất là việc xếp lương, chia hạng hiện nay lại chưa công bằng.

Nhiều giáo viên may mắn được chuyển hạng cao thì hưởng lương cao dù làm việc ỳ ạch, tàng tàng,…

Theo người viết phải có một thay đổi trong xếp lương giáo viên theo đúng tinh thần Nghị quyết 27/NQ-TW về vị trí việc làm, hiệu quả công việc.

Chia hạng là đúng nhưng sau khi chia hạng mà để giáo viên giỏi hạng thấp, giáo viên ở hạng cao sẽ càng gây thêm bức xúc, giáo viên mất động lực và phấn đấu, dễ nản và bỏ việc.

 

Mười một, đánh giá thi đua, xếp loại còn chưa thực chất

 

Thời gian vừa qua cũng có nhiều phản ánh vấn đề thi đua trong ngành giáo dục vừa qua còn chưa thực chất, giáo viên muốn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua phải có sáng kiến kinh nghiệm khiến nhiều người ngao ngán, chán nản.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu thi đua còn chưa thực chất, khi xét thi đua chỉ căn cứ vào kết quả học sinh để đánh giá giáo viên.

Một giáo viên thực hiện rất tốt nhiệm vụ, trung thực nhưng vì có 1 học sinh nghỉ học hoặc có 1 học sinh ở lại lớp cũng có thể bị cắt thi đua khiến giáo viên không có động lực thi đua.

Rất mong sắp tới khi Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 có hiệu lực thì Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có những hướng dẫn để việc thi đua trở nên thực chất hơn.

 

Mười hai, vẫn còn những chứng chỉ "hành" giáo viên

 

Thực tế, dù các bộ, ngành có nhiều văn bản quy định giảm chứng chỉ cho giáo viên nhưng những chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học, chức danh nghề nghiệp, tích hợp, bồi dưỡng cán bộ quản lý, chỉ bồi dưỡng tổ trưởng, hiệu trưởng,… hành giáo viên.

 

Mười ba, chỉ tiêu trói chặt khiến giáo viên không thể trung thực

 

Đã là giáo viên ai cũng muốn học sinh nên người, muốn học sinh tiến bộ, muốn mình trung thực, không giả dối.

Tuy nhiên, những chỉ tiêu lên lớp thẳng 100%, chỉ tiêu 90-100% trên trung bình, chỉ tiêu không có học sinh bỏ học, chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước,… là những chỉ tiêu ràng buộc khiến giáo viên không còn cách nào khác phải “giả dối”.

Người viết, cho rằng việc quy định học sinh nghỉ học, bỏ học nhưng không phải do lỗi của giáo viên nhưng giáo viên bị cắt thi đua là quá vô lý.

Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu để tạo động lực cho giáo viên làm việc hết mình, đừng trói chặt giáo viên bằng những chỉ tiêu để khiến giáo viên bị ấm ức, áp lực.

 

Mười bốn, thiếu giáo viên vẫn giảm 10% biên chế

 

Hiện nay, giáo viên ở các cấp thiếu khá nhiều, việc tuyển dụng khó khăn, nhiều giáo viên bỏ việc nhưng nghịch lý là vẫn phải giảm 10% biên chế nên càng gây khó khăn cho việc đăng ký tuyển dụng.

Tôi giả sử một trường trung học cơ sở có 20 lớp thì theo Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT về số lượng người làm việc ở bậc phổ thông thì số lượng giáo viên được quy định là 1,9 x số lớp (20) + 8 gián tiếp (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, nhân viên) là 46 giáo viên, nhưng chỉ được giao số lượng làm việc là 41 người (trừ 10% giảm biên chế).

Quy định như thế khiến các trường vô cùng khó khăn trong việc đăng ký chỉ tiêu, nhu cầu tuyển dụng nên khiến các trường khó tuyển dụng đủ, tình trạng thiếu giáo viên sẽ diễn ra trong thời gian dài nếu không có giải pháp khắc phục.

 

Mười lăm, khi nhiều đồng nghiệp không còn “cao quý”

 

Dù muốn dù không cũng muốn nói có một bộ phận giáo viên không xứng đáng với nghề, một số vi phạm pháp luật, nịnh bợ, phe nhóm, nói xấu đồng nghiệp,…

Một số lại không dạy hết mình trên lớp, “giấu” kiến thức để dạy thêm, tranh giành, chèo kéo dạy thêm,…khiến môi trường giáo dục có phần méo mó, khiến nhiều người vì bức xúc môi trường và bỏ nghề.

 

Khó dự báo nhân lực thiếu giáo viên trong thời gian tới

 

Cùng với việc tinh giản biên chế 10% và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nhiều còn nhiều biến đổi, ở cấp trung học phổ thông xuất hiện việc học sinh được chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp, nên các trường trung học phổ thông sắp tới khó dự báo tình hình nhân sự, đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên.

 

Khi thực hiện chương trình mới cả bậc trung học phổ thông sẽ được lựa chọn một số môn học thuộc tổ hợp môn, và mỗi năm sẽ có những lựa chọn khác nên ngoài các môn bắt buộc, các môn lựa chọn các trường sẽ gần như các trường trung học phổ thông sẽ khó có phương án về nhân sự.

 

Theo người viết đây là những nguyên nhân thiếu giáo viên, giáo viên bỏ việc thời gian qua, nếu không được giải quyết thấu đáo, có những thay đổi thì tình trạng trên sẽ là một bài toán khó có lời giải.

 

----------------------

Tài liệu tham khảo:

 

[1] https://vnexpress.net/meo-mat-tim-giao-vien-4502601.html

 

[2] https://giaoduc.net.vn/bo-giao-duc-thong-ke-ca-nuoc-thieu-94714-giao-vien-thua-10178-giao-vien-post220560.gd

 

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nhật Khoa




No comments:

Post a Comment

View My Stats