Trần Quốc Hùng - TẠP CHÍ NGHIÊN
CỨU VIỆT MỸ
3 Tháng
Chín, 2022
https://usvietnam.uoregon.edu/3495-2/
https://usvietnam.uoregon.edu/wp-content/uploads/2022/09/YellenAC1-1024x683-1.jpeg
(Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet
Yellen phát biểu ở Atlantic Council, trình bày khái niệm “friend-shoring”,
13/4/2022. Ảnh: Atlantic Council.)
Sau khi
Nga xâm lược Ukraine, thời mà các mối quan hệ kinh tế bị sử dụng
làm vũ khí nhằm phục vụ an ninh quốc gia và các mục tiêu địa
chính trị đã đến. Chiến lược này từng được áp dụng chống lại các nước nhỏ như Iran,
Venezuela và Triều Tiên, nhưng trở nên có động năng mạnh hơn sau khi chính
quyền Trump phát động cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc.
Đại dịch
Covid đã làm dấy lên lo ngại đối với việc phụ thuộc vào Trung Quốc
cho các sản phẩm y tế và chiến lược quan trọng. Hoa Kỳ, và ở một
mức độ thấp hơn là châu Âu, đã đưa ra nhiều khái niệm khác nhau để biểu
đạt cách họ sẽ ứng phó với những nhược điểm này: “reshoring”
(đưa sản xuất trở về chính quốc) hoặc “nearshoring” (đưa sản xuất về gần
chính quốc) trong một nỗ lực nhằm đảo ngược hậu quả của “out-shoring”
(thuê bên ngoài sản xuất) vốn đã góp phần đưa Trung Quốc trở thành cường
quốc sản xuất và thương mại toàn cầu.
Gần đây
hơn, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã sử dụng thuật
ngữ “friend-shoring” để mô tả những nỗ lực
tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, sao cho các cơ sở sản xuất chủ chốt
sẽ được đặt lại ở các quốc gia thân thiện và đáng tin cậy về mặt
chính trị.
Đáp lại,
Trung Quốc đã áp dụng chiến lược lưu thông kép (dual circulation
strategy), được nêu rõ trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 với
chương trình “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” làm trọng tâm – nhằm giảm
sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các nước khác, trong khi cố gắng
làm các nước khác gia tăng phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc.
Những nỗ lực
để chia cắt, dù chỉ là một phần, mối quan hệ kinh tế và
công nghệ giữa Mỹ / Châu Âu và Trung Quốc, đã đặt ra những thách
thức khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà điều
hành doanh nghiệp.
Về cơ
bản, Trung Quốc chiếm một vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn
cầu: là nhà sản xuất hàng đầu bao gồm hàng công nghệ cao, chiếm 18% GDP toàn cầu, 15% thương mại thế giới và là một trong những
đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Do đó, việc chuyển hướng chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc không
phải là một công việc dễ dàng.
Mục đích của
bài viết này là đánh giá tiến trình, tiềm năng, giới hạn và tác động của
việc chính sách “friend-shoring” (chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đến những
nước cùng phe) của Mỹ — và biện pháp chống lại nó của Trung Quốc — đặc biệt
trong việc sản xuất và cung cấp những sản phẩm công nghệ cao quan trọng và
các sản phẩm chiến lược, tập trung vào năm lĩnh vực trọng điểm.
Chất bán dẫn
Ví dụ rõ
ràng nhất về sự tách biệt công nghệ cao giữa Trung Quốc / Nga và
Mỹ / Âu là về chất bán dẫn tiên tiến — được kích hoạt bởi
chính quyền Trump, cấm bán chip máy tính tiên tiến và các sản phẩm công
nghệ cao quan trọng khác có chứa các sản phẩm đầu vào của Hoa Kỳ gồm
cả tài sản trí tuệ (IP), cho các công ty Trung Quốc. Những sản phẩm và
công ty này đã được liệt kê trong Danh sách pháp nhân Hoa Kỳ (the US
Entity List). Tổng thống Biden đã mở rộng lệnh cấm, bao gồm thiết bị chế tạo chip và bộ nhớ cũng
như phần mềm thiết kế, và kéo dài danh sách các thực thể Trung
Quốc. Hiện có khoảng 600 thực thể Trung Quốc như vậy trong danh
sách.
Nhiều công
ty Nga cũng đã được thêm vào Danh sách thực thể (the Entity List) sau cuộc
xâm lược Ukraine.
Trung Quốc
đã dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất
khẩu hàng tiêu dùng công nghệ cao; ví dụ: sản xuất 250 triệu máy tính và
1,5 tỷ điện thoại thông minh vào năm 2020. Nhiều sản phẩm trong số đó
dựa vào chất bán dẫn — đặc biệt là các chip tiên tiến để thực hiện những
tính năng phức tạp.
Trung Quốc
đã tăng cường chế tạo chất bán dẫn, chủ yếu thông qua các
công ty nước ngoài ở Trung Quốc – và chiếm 15% sản lượng thế giới
(vượt qua Mỹ ở mức 12%). Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cần nhập khẩu 85%
chip máy tính được sử dụng trong nước. Đặc biệt, Trung Quốc tụt hậu nghiêm
trọng so với phương Tây trong các giai đoạn quan trọng của chuỗi giá trị của
sản phẩm bán dẫn: thiết kế mạch tích hợp (mà Intel là công ty dẫn đầu), chế tạo
chip (với TSMC và Samsung đang dẫn đầu, đặc biệt là nhà sản xuất chip
7 và 5 nanomet, và sắp tới là 3 nanomet), và sản xuất thiết bị sản xuất chất
bán dẫn (với ASML của Hà Lan là nhà sản xuất hàng đầu, đặc biệt là trong
các thiết bị khắc thạch bản EUV Extreme Ultraviolet cần có để sản xuất
các chip tiên tiến nhất).
Trung Quốc
sản xuất chất bán dẫn thông thường (chủ yếu là chip 25 và 17 nanomet)
nhưng cho đến nay chỉ có thể đáp ứng 15% nhu cầu trong
nước, phần còn lại dựa vào nhập khẩu. Theo Giám đốc điều hành ASML Peter Wenning, Trung Quốc sẽ mất tới
15 năm để bắt kịp và tự chủ về chất bán dẫn. Trong khi
đó, lệnh cấm bán chip tiên tiến của Mỹ / phương Tây đã cản trở rất
nhiều đến các công ty bị trừng phạt trong nỗ lực phát triển và sản xuất
các sản phẩm phức tạp hơn.
Vấn đề là
khi Trung Quốc tự chủ về chất bán dẫn, các công ty phương
Tây sẽ mất thị trường khổng lồ Trung Quốc – chiếm hơn 60% nhu cầu
toàn cầu. Triển vọng này sẽ hạn chế tiềm năng tăng trưởng trong
tương lai của chính họ.
Lệnh cấm
chip tiên tiến của phương Tây đối với một số thực thể của Trung Quốc
đã xảy ra cùng với nỗ lực của Mỹ, EU và Trung Quốc nhằm đảm bảo nguồn cung
cấp chất bán dẫn đáng tin cậy và giảm sự phụ thuộc vào đối thủ.
Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Biden đã ký thành luật CHIPS và Khoa học năm
2022 (CHIPS +) mà Quốc hội đã thông qua sau hai năm
tranh luận. CHPS + sẽ cung cấp 52 tỷ đôla để trợ cấp
cho việc thiết kế và sản xuất chip máy tính ở Mỹ, cho tín
dụng thuế đầu tư 25% để khuyến khích đầu tư vào sản xuất chip ở Mỹ cũng
như dự chi 200 tỷ đôla để hỗ trợ các hoạt
động khoa học và phát triển nhằm thúc đẩy tính sáng tạo trong kinh tế.
Các công ty nhận được hỗ trợ chip của Mỹ sẽ bị cấm
mở rộng sản xuất ngoài “chất bán dẫn cũ” (tức là chip 25 nm trở lên) ở Trung
Quốc trong mười năm.
Để đáp
lại các ưu đãi từ chính phủ liên bang và tiểu bang Hoa Kỳ, một số tập
đoàn toàn cầu đã công bố kế hoạch đầu tư vào các nhà máy sản xuất chất
bán dẫn tại Mỹ. Họ bao gồm TSMC (35 tỷ đô la trong chế tạo lát
wafer [wafer fabrication] tối tân ở Arizona), Samsung (17 tỷ đô la ở Texas), Intel (29 tỷ đô la ở Ohio)
và Texas Instruments (lên đến 30 tỷ đô
la ở Texas). Một khi được triển khai, các nhà máy này sẽ tăng cường
đáng kể năng lực sản xuất chất bán dẫn của Hoa Kỳ, giảm nhu cầu nhập khẩu.
Mỹ cũng
đã đề xuất Liên minh Chip 4 (Chip 4 Alliance) với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan
để hợp tác chặt chẽ hơn trong tất cả các giai đoạn của chuỗi
cung ứng chip máy tính, nhằm loại trừ Trung Quốc trong quá trình
này. Trong khi Nhật Bản và Đài Loan có khả năng sẽ tham gia Liên
minh, thái độ của Hàn Quốc lại khá trái chiều — họ nói
rằng họ sẽ tham gia vào một cuộc họp sơ bộ trong tương lai gần,
nhưng chưa làm rõ liệu họ có chính thức tham gia Liên minh hay không.
Trung Quốc đã gây sức ép mạnh mẽ để Hàn Quốc không tham gia.
Tương tự, Ủy
ban EU đã đề xuất Đạo luật chip Châu Âu (European Chips Act) nhằm mục đích “ngăn ngừa,
chuẩn bị, dự đoán và ứng phó với sự gián đoạn chuỗi cung ứng
trong tương lai và hiện thực hóa kỳ vọng của EU tăng gấp đôi thị phần
sản xuất chất bán dẫn hiện tại lên 20% vào năm 2030”. Đạo luật cũng sẽ huy
động 43 tỷ euro đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn. Đạo luật được đề xuất
hiện đang trải qua quá trình xem xét để thông qua tại Nghị viện
Châu Âu và các nước thành viên. Intel đã cam kết đầu tư 36 tỷ USD để sản xuất
chip ở châu Âu – như một phần của kế hoạch đầu tư trị giá 80
tỷ Euro trong thập kỷ tới. Ngoài ra, chính phủ Hà Lan có kế hoạch
đầu tư 1,1 tỷ euro để xây dựng một “nhà vô địch quốc gia” mới
về công nghệ quang tử (photonic technology), tương tự như
ASML, công ty dẫn đầu toàn cầu về thiết bị in thạch bản Extreme
Ultraviolet (EUV) để sản xuất chip — những thiết bị tinh vi này
đã bị Chính phủ Hoa Kỳ và Hà Lan chặn bán cho Trung Quốc.
Đáp lại,
Trung Quốc đã huy động các nguồn tài chính thông qua một số quỹ đầu
tư mạo hiểm do nhà nước tài trợ để đầu tư vào các công ty bán dẫn và các công ty
khởi nghiệp – kèm theo các gói hỗ trợ hào phóng của chính phủ.
Chính quyền Bắc Kinh đã phân bổ hơn 100 tỷ USD để phát triển
ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, phá vỡ sự phụ thuộc
vào phương Tây. Gần đây, 26 tỷ đô la đã được đầu tư riêng vào 29 dự án
chế tạo chế tạo lát wafer [wafer fabrication] .
Hơn nữa,
các công ty bán dẫn vốn có của Trung Quốc như SMIC – nhà sản xuất chip hàng đầu
của Trung Quốc – đã tăng đầu tư lên 5 tỷ USD trong năm nay để mở rộng
công suất. Đáng chú ý, SMIC đã thông báo rằng họ đã có thể sản
xuất chip 7nm, điều mà trước đây Trung Quốc chưa thể làm được (không
rõ SMIC có thể sản xuất đại trà loại chip 7
nm trong khi không có thiết bị tiên tiến.)
Những nỗ lực
đó đã tăng sản lượng chip của Trung Quốc lên 359,4 tỷ vi mạch tích hợp
(IC) vào năm 2021, nhiều hơn 33,3% so với năm 2020 và tăng gấp đôi tốc độ tăng
trưởng trong năm trước. Nhưng Trung Quốc chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu trong
nước. Do đó, Trung Quốc phải tăng nhập khẩu chip bán dẫn lên 432 tỷ USD
vào năm 2021 hoặc hơn 30% so với năm 2020. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc
đã cảm thấy thất vọng trước tiến độ chậm chạp của nỗ lực
tự cung cấp chip. Họ tiến hành hàng loạt cuộc điều tra tham nhũng nhắm
vào các quan chức trong lĩnh vực chip và các quỹ đầu tư được thành lập
để tài trợ cho các công ty chip và các công ty khởi nghiệp.
Những diễn
biến được mô tả ở trên phản ánh thực tế rằng Trung Quốc phụ thuộc
vào phương Tây (bao gồm cả Đài Loan) về chất bán dẫn tiên tiến
trong thời gian tới. Trong khoảng thời gian này, Mỹ dễ dàng áp dụng
các biện pháp chặn việc bán thiết bị sản xuất chip, phần mềm thiết kế và
chất bán dẫn sang Trung Quốc. Thật vậy, các công ty bị trừng phạt
như Huawei, bị ngăn chặn tiếp cận chất bán dẫn tiên tiến, đã bị sụt
giảm sản xuất và doanh số điện thoại thông minh một cách nghiêm trọng và
phải chuyển hướng hoạt động kinh doanh của họ sang các sản phẩm ít cần các
loại chip tiên tiến nhất.
Viễn thông — Cơ sở hạ tầng
5G
Cơ sở hạ tầng
và dịch vụ viễn thông, đặc biệt là việc sử dụng công nghệ 5G, là
trường hợp đầu tiên và quan trọng nhất nằm trong quá trình chia tách công
nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc – được thúc đẩy bởi những lo ngại về an
ninh quốc gia, khi vị trí dẫn đầu của Trung Quốc trong công nghệ 5G
trở nên có ý nghĩa quan trọng về thương mại, tình báo và quân sự.
Trung Quốc
hiện là thị trường 5G lớn nhất trên thế giới,
chiếm 87% tổng số kết nối 5G trên toàn cầu. Cụ thể, vào cuối năm
2021, Trung Quốc có 368 triệu người dùng 5G so với 6 triệu ở Mỹ;
1,43 triệu trạm gốc (base stations) so với 100.000 ở Mỹ. Huawei và ZTE của Trung
Quốc đã dẫn đầu toàn cầu trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng 5G,
bao gồm các trạm gốc – bằng cách cung cấp các giải pháp chất lượng chấp nhận
được, với giá cả cạnh tranh và đi kèm giải pháp tài chính khuyến
mãi, so với các đối thủ cạnh tranh chính là Ericsson, Nokia
và Samsung.
Mỹ đã
cáo buộc Huawei sử dụng các thiết bị của mình để thu thập thông
tin tình báo cho chính phủ Trung Quốc, và do đó đã cấm lắp đặt
thiết bị của Huawei trong các mạng viễn thông của Mỹ, cấm bán các sản phẩm
công nghệ cao, được sản xuất tại Mỹ hoặc bên ngoài Mỹ mà có sử dụng
đầu vào của Mỹ, cho công ty này. Mỹ cũng đã tiến hành một chiến dịch kiên
trì nhằm kêu gọi các nước khác không sử dụng thiết bị của
Huawei để hạn chế rủi ro bị Trung Quốc theo dõi.
Cho đến
nay, các lệnh trừng phạt đối với Huawei đã làm giảm đáng kể việc sản
xuất và kinh doanh điện thoại thông minh cần chip máy tính tiên tiến, buộc công
ty này phải dựa vào doanh số bán điện thoại trong nước và phát triển hơn nữa
cơ sở hạ tầng 5G, mảng kinh doanh phần mềm và dịch vụ đám mây.
Ngược lại,
nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục các quốc gia khác không sử dụng
thiết bị của Huawei đã tạo ra một kết quả trái chiều. Chỉ một
số quốc gia bao gồm Anh, Nhật Bản và Úc đã quyết định loại trừ thiết
bị Huawei khỏi mạng viễn thông của họ; một số nước khác chưa đưa ra
quyết định chính thức nhưng nói rằng họ sẽ kiểm tra chặt chẽ các
rủi ro khi sử dụng sản phẩm của Huawei ở các phần quan trọng
trong mạng lưới của mình.
Phần lớn
các quốc gia, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, vẫn tiếp tục hợp
tác kinh doanh với Huawei, chủ yếu là do thiếu các giải pháp thay thế khả thi.
Ví dụ, ở châu Phi, nơi Huawei chiếm 70% mạng viễn thông 4G, việc nâng
cấp lên 5G bằng cách sử dụng nhà cung cấp cũ sẽ dễ dàng và rẻ hơn.
Kết quả là, Huawei có thể duy trì vị trí dẫn đầu toàn cầu của mình, với tỷ suất
lợi nhuận lớn, ở cả thị trường 4G và 5G. Vị thế dẫn
đầu thị trường cộng với việc Trung Quốc đi trước thế giới trong
việc triển khai cơ sở hạ tầng 5G, bao gồm các trạm gốc, dịch vụ và
cách thức sử dụng của khách hàng, sẽ mang lại cho Huawei và các công
ty Trung Quốc khác như ZTE lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trong việc
khai thác triệt để tiềm năng của 5G và chuẩn bị phát triển công nghệ 6G
trong tương lai gần.
Nói tóm lại,
Mỹ và các đồng minh thân cận sẽ tăng cường nỗ lực phát triển và
cung cấp thiết bị viễn thông trong nước hoặc từ các nước cùng phe,
trong khi thiết bị của Trung Quốc bao gồm cả Huawei sẽ tiếp tục
được hầu hết các nước khác, đặc biệt là các nước đang phát triển sử dụng.
Do đó, thị trường viễn thông sẽ phân chia thành hai hệ thống cạnh
tranh, phát triển các tiêu chuẩn công nghệ và quy định luật lệ khác
nhau.
Các thiết bị cần thiết cho
quá trình chuyển đổi năng lượng xanh
Các tấm
pin mặt trời, tuabin gió và pin dung lượng cao đang trở thành những thiết
bị cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng – bằng cách tăng cường
sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió, cũng như các loại xe điện.
Từ lâu, Trung Quốc đã ưu tiên các lĩnh vực này trong kế hoạch phát
triển của mình, bao gồm chương trình “Sản xuất tại Trung Quốc
2025” ra mắt vào năm 2015. Được hỗ trợ đồng bộ và toàn
diện, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã có thể thống trị chuỗi
cung ứng toàn cầu của các sản phẩm này. Mỹ và Châu Âu vẫn chưa
phát triển các kế hoạch có hệ thống để giải quyết sự thống
trị của Trung Quốc trong các lĩnh vực này.
Đối với tấm
pin mặt trời, Trung Quốc đã có thể đánh bại các đối thủ phương
Tây – đặc biệt là Mỹ, nước đã phát triển công
nghệ và dẫn đầu ngành này trong nhiều thập kỷ – và đẩy họ ra khỏi
thị trường. Do đó, các công ty Trung Quốc trên thực tế đã lũng đoạn
thị trường các sản phẩm này – kiểm soát hơn 80% tất cả các khâu sản xuất
quan trọng để sản xuất các tấm pin mặt trời, bao gồm hơn 95% sản lượng
polysilicon và wafer trên thế giới.
Nhiều năm
sau khi Hoa Kỳ tăng thuế đối với các tấm pin mặt trời của Trung Quốc,
Bộ Thương mại hiện đang điều tra cáo buộc các công ty Trung Quốc lắp
ráp pin và mô-đun năng lượng mặt trời ở Campuchia, Malaysia, Thái Lan
và Việt Nam – hiện chiếm 80% lượng nhập khẩu tấm pin mặt trời hàng năm của
Hoa Kỳ. Cuộc điều tra đã làm giảm việc nhập khẩu các tấm pin mặt trời, làm đình
trệ các dự án chuyển đổi năng lượng xanh. Do đó, Tổng thống Biden đã
ký các sắc lệnh hành pháp, viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, thúc đẩy sản xuất tấm
pin mặt trời trong nước. Tổng thống cũng đã thông báo tạm dừng hai năm áp dụng mức thuế mới
cho tấm pin năng lượng mặt trời.
Trung Quốc
đã vượt trước ở mức độ đáng kể trong
việc vận hành phát điện từ gió ngoài khơi, chẳng hạn, họ đã bổ sung
thêm 16,9 GW trong tổng số 21,1 GW toàn cầu vào năm 2021 – nâng công
suất toàn cầu cho đến nay lên 57,2 GW. Tận dụng sự tăng trưởng mạnh mẽ của
thị trường trong nước, các nhà sản xuất tuabin gió Trung Quốc đã trở nên
cạnh tranh trên toàn cầu, giành được vị thế trước các đối thủ Mỹ và
châu Âu. Các công ty Trung Quốc đã chiếm 7 vị trí trong danh sách 10 nhà sản
xuất tuabin gió hàng đầu thế giới.
Trung Quốc kiểm soát hơn một nửa quá trình chế biến
và tinh chế lithium trên thế giới, và 3/4 sản lượng pin lithium-ion
— tự đặt mình vào vị trí quan trọng để ảnh hưởng đến sự phát
triển của những loại pin dung lượng và có tuổi thọ cao, rất quan trọng để giúp xe
điện được sử dụng rộng rãi.
Thành phần dược phẩm hoạt tính (API)
Thành phần
dược hoạt tính (API) là thành phần quan trọng để điều trị bệnh
và được kết hợp với tá dược như lactose hoặc tinh bột để sản xuất
các sản phẩm thuốc. Vào giữa những năm 1990, phương Tây và Nhật Bản đã sản xuất 90%
API của thế giới. Do áp lực chi phí và thắt chặt các
tiêu chuẩn môi trường, việc sản xuất API đã được chuyển đến Trung Quốc để tận
dụng lợi thế chi phí thấp và các yêu cầu về môi trường lỏng lẻo
hơn. Do đó, Trung Quốc hiện sản xuất khoảng một nửa số API của thế giới. Trong một
số thành phần chính như heparin (được sử dụng để làm loãng
máu ở mức 80%) hoặc một số kháng sinh nhất định (như
tetracycline / doxycycline ở mức 86%) thì tỷ lệ sản xuất ở Trung
Quốc còn cao hơn nữa. Ngoài ra, Trung Quốc thậm chí còn kiểm soát thị phần
lớn hơn trên thị trường những nguyên liệu đầu vào quan trọng (key
starting materials – KSM) của thế giới, tức các hóa chất thô được sử dụng
để tạo ra API.
Sẽ rất
hữu ích khi xem xét trường hợp của Ấn Độ, quốc gia đã nổi tiếng là trung
tâm dược phẩm của thế giới. Ấn Độ chiếm 20% nguồn cung cấp
thuốc gốc toàn cầu, nhưng phụ thuộc vào Trung Quốc lên tới những 80% API
và thậm chí nhiều hơn nữa đối với các KSM để tạo ra API của riêng họ.
Mặc
dù có những cuộc thảo luận về việc “reshoring” (đưa sản xuất trở lại
chính quốc) hoặc “friendshoring” (chuyển sản xuất sang những nước cùng
phe) nhưng chưa có gì tiến triển. Khách hàng ở các nước tiên tiến
phàn nàn về chi phí thuốc cao và do đó họ ưa thích thuốc gốc
hơn – chiếm 90% lượng thuốc kê đơn được sử dụng ở Mỹ. Áp lực giảm
giá thuốc đối với các nhà sản xuất thuốc khiến họ thực tế không
thể chuyển chuỗi cung ứng của mình khỏi Trung Quốc, do lợi thế về chi
phí rất thấp của nước này.
Khoáng sản chiến lược
Trung Quốc
và Nga kiểm soát trữ lượng và sản xuất một số ít khoáng sản chính
yếu để sản xuất các sản phẩm chiến lược quan trọng, bao gồm bộ chuyển
đổi xúc tác cho ô tô; nam châm được sử dụng trong các thiết bị quân sự như
laze (laser) và hệ thống dẫn đường; tuabin gió và pin dung lượng
cao cho các phương tiện giao thông điện quan trọng và cho
quá trình chuyển đổi năng lượng sạch; cáp quang và hàng điện tử tiêu
dùng.
Mặt khác,
Mỹ ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu ròng các loại khoáng sản chính để sử dụng
trong nước. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), số lượng khoáng sản nhập khẩu chiếm ít
nhất 25% nhu cầu của Hoa Kỳ vào năm 1954 là 21 loại, nhưng đã tăng lên 46
loại vào năm 1984 và lên đến 58 loại vào năm 2019. Đặc biệt, trong số 58
khoáng chất nhập khẩu chiếm hơn 25% nhu cầu của Hoa Kỳ trong năm 2019, có
đến 17 loại khoáng chất Hoa Kỳ đã phải nhập khẩu tới 100%.
Trung Quốc
đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều
loại khoáng sản, nếu không muốn nói là hầu hết các loại khoáng sản
này. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phụ thuộc vào nhập khẩu quặng sắt (chủ yếu
từ Australia), tinh quặng đồng (chủ yếu từ Chile và Peru)
và bauxite (trữ lượng lớn nhất ở Guinea). Do đó, Trung
Quốc cũng dễ bị gián đoạn trong việc nhập khẩu và vận chuyển các
khoáng sản đó trong trường hợp bị trừng phạt và cấm vận thương mại. Trung
Quốc đã đối phó với tình trạng dễ bị tổn thương này bằng cách đầu tư
để giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên khoáng sản ở nước
ngoài, đặc biệt là ở châu Phi.
Được nhắc
đến nhiều nhất là các nguyên tố đất hiếm (REE), một nhóm gồm 17 khoáng chất,
được phân tách thành đất hiếm nặng và nhẹ, cần thiết cho việc sản xuất chất
xúc tác và nam châm điện, cực kỳ quan trọng đối với các sản phẩm nói trên.
Trung Quốc sở hữu 36,7% trữ lượng thế giới
(so với 1,5% của Mỹ) – nhưng kiểm soát hơn 50% hoạt động khai thác các nguyên tố đất
hiếm và 90% hoạt động tinh chế và chế biến của chúng.
Theo Học viện Chính sách An ninh Liên bang của
Đức, thị phần của Trung Quốc trong sản xuất đất hiếm trên thế giới đã
giảm từ gần như 100% xuống còn 80% trong thời gian gần đây. Cơ quan Địa chất Hoa Kỳ thì đưa mức suy giảm từ 80%
xuống 60% hiện nay. Cho dù thực tế mức suy giảm của Trung Quốc là mức
nào đi nữa, vị thế của Trung Quốc là vượt trội. Vị thế này
có được là do họ đã thực hiện một chiến dịch từ hồi năm 1975, nhằm phát triển
và đạt được vị trí thống trị thế giới về các vật liệu
chiến lược, như nguyên tố đất hiếm cũng như vật liệu mới – bằng
cách hỗ trợ sáu công ty khai thác đất hiếm thuộc sở hữu nhà nước,
để có thể thao túng nguồn cung và giá cả trên thị trường
thế giới, nhằm làm suy yếu đối thủ cạnh tranh và giành thị phần.
Gần đây
hơn, Trung Quốc đã hợp nhất ba đơn vị sản xuất đất hiếm của
các doanh nghiệp nhà nước đó để thành lập Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc
(China Rare Earth Group), đứng thứ hai chỉ sau Tập đoàn Đất hiếm
Phương Bắc Trung Quốc (China Northern Rare Earth Group). Việc hợp nhất này sẽ cho
phép chính phủ Trung Quốc kiểm soát trực tiếp hơn đối với hoạt động của
các doanh nghiệp nhà nước khai thác đất hiếm đó và tác động đến thị trường
thế giới.
Dưới áp lực
cạnh tranh và các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường trong nước,
các công ty phương Tây nhận thấy có lợi hơn khi chuyển hoạt động sản xuất các
nguyên tố đất hiếm cho Trung Quốc, để nhập khẩu những mặt hàng đó,
trong một số trường hợp lên đến 100%, cho nhu cầu của mình.
Quan trọng
hơn, Trung Quốc chưa bao giờ che giấu ý định sử dụng quyền kiểm soát
các nguyên tố đất hiếm làm vũ khí cho các mục đích địa chính trị. Trên thực
tế, vào năm 2009, Trung Quốc đã ngừng cung cấp đất hiếm cho Nhật Bản sau khi
hai bên tranh chấp về các đảo Senkoku / Điếu Ngư. Đáp lại, Nhật Bản
đã mở rộng tài chính để hỗ trợ Lynas, nhà sản xuất đất hiếm
lớn nhất bên ngoài Trung Quốc có trụ sở tại Perth, Australia, vốn
đang bị thua lỗ. Lynas khai thác đất hiếm ở Úc nhưng chế biến
hầu hết tại Kuantun, Malaysia. Tuy nhiên, cơ sở đó chỉ có thể tách
những nguyên tố đất hiếm nhẹ. Họ gửi các nguyên tố đất hiếm nặng
đến Trung Quốc để xử lý. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận trị giá 120 triệu USD với
Lynas để xây dựng cơ sở phân tách đất hiếm nặng đầu tiên và duy nhất
bên ngoài Trung Quốc ở Texas, đi vào hoạt động vào năm 2025.
Chính phủ Hoa
Kỳ đã đầu tư và hồi sinh các công ty khai thác đất hiếm ở Mountain
Pass, Colorado. Hoa Kỳ đã sản xuất hơn 40.000 tấn đất hiếm mỗi năm, chỉ đứng
sau Trung Quốc, nhưng vẫn phải nhập khẩu nguyên tố đất hiếm được tinh chế và
tách chất từ Trung Quốc. EU đã tuyên bố phải đảm bảo nguồn cung
cấp đất hiếm một cách an toàn nhưng vẫn chưa thực hiện bất kỳ dự án cụ thể nào.
Tất cả những
điều này đã cùng nhau làm giảm tỷ trọng của Trung Quốc trong nguồn cung cấp
đất hiếm trên thế giới như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, với
sự kiểm soát tập trung và đầu tư hiện nay đối với các nguồn khoáng sản đất
hiếm của Trung Quốc, đặc biệt là trong việc chế biến các nguyên tố đất
hiếm nặng, không rõ phương Tây có thể sớm đạt được mục tiêu tự cung
tự cấp các khoáng sản quan trọng này hay không.
Kết luận
“Friendshoring”
(chuyển sản xuất đến những nước cùng phe) như một chiến lược nhằm giảm bớt sự phụ thuộc
vào Trung Quốc, giảm tính dễ bị tổn thương khi phụ thuộc vào các
sản phẩm và hàng hóa quan trọng được làm tại Trung Quốc, đang là kế sách
có tính hấp dẫn cao về mặt chính trị. Tuy nhiên, “chuyển sản
xuất đến những nước cùng phe” không phải là cái có thể được thực hiện
một cách nhanh chóng. Xét cho cùng, chuỗi cung ứng toàn cầu cho mỗi sản phẩm
đã phát triển qua nhiều thập kỷ để khai thác lợi thế so
sánh ở các quốc gia khác nhau, và không thể thay đổi dễ dàng
mà không trả giá. Hơn nữa, Trung Quốc đương nắm giữ những lợi thế—như
tầm cỡ cực lớn và đã có quá trình sản xuất—mà các nước cạnh tranh khó
có thể vượt qua nhanh chóng. Điều quan trọng là, bản thân chính
sách “chuyển sản xuất sang các nước cùng phe” (friendshoring), chứ chưa
kể đến chính sách “đưa sản xuất về chính quốc” (onshoring), về cơ
bản gắn liền với sự can thiệp của chính phủ để thay đổi các mối
quan hệ chi phí – lợi ích phổ biến trên thị trường, vốn
ngay từ đầu đã thúc đẩy việc chuyển sản xuất sang Trung Quốc. Những
can thiệp như vậy của chính phủ bao gồm trợ cấp tài chính, ưu đãi thuế và thả lỏng
các luật lệ không phải là không có trả giá, đặc biệt là
khi có những nhu cầu cấp bách và cạnh tranh về nguồn lực của
chính phủ — ví dụ để đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng vật
chất và con người.
Do đó, điều
quan trọng là phải theo dõi việc thực hiện chiến lược “chuyển sản
xuất cho những nước cùng phe”, so sánh lợi ích và chi phí của nó trong phạm vi
có thể. Điểm mấu chốt khi theo dõi quá trình thực hiện chiến lược này
là đo lường các lợi ích, như giảm khả năng tổn thương do sự phụ thuộc
vào Trung Quốc gây ra, và các lợi ích kinh tế bao gồm tăng việc làm
trong lĩnh vực sản xuất; cũng như các chi phí, bao gồm tính hiệu quả bị mất
trong nền kinh tế toàn cầu và chi phí cơ hội khi thực hiện chiến lược này
mà giảm chi tiêu cho các nhu cầu xã hội khác.
Phân tích
chi phí – lợi ích này có thể sẽ được thực hiện theo từng
trường hợp cụ thể, tùy thuộc vào sản phẩm. Về cơ bản, hệ sinh
thái cho mỗi sản phẩm là khác nhau, với các yếu tố hỗ trợ khác
nhau, được phân bổ khác nhau giữa các quốc gia cùng phe và khác phe. Cuối
cùng, chiến lược “chuyển sản xuất sang các nước cùng phe” có khả năng
tiến triển một cách có chọn lọc, tập trung vào các lĩnh vực cụ thể và
quan trọng, như chất bán dẫn hoặc nguyên tố đất hiếm, và có thể sẽ không
xảy ra trên diện rộng.
Nói tóm lại,
còn quá sớm để nói “chuyển sản xuất đến những nước cùng
phe” sẽ được thực hiện đến mức nào, và có thể tăng cường an ninh
của Hoa Kỳ / Châu Âu đến đâu; và tương tự, còn quá sớm để nói nỗ lực
tự cung tự cấp công nghệ cao sẽ giúp ích bao nhiêu cho
Trung Quốc.
Tuy nhiên,
rõ ràng là, chiến lược “chuyển sản xuất sang các nước cùng phe” của Hoa Kỳ và
các biện pháp đối phó của Trung Quốc sẽ đào sâu thêm nữa sự phân chia
thế giới thành hai vùng kinh tế. Điều này sẽ dẫn đến một cái
giá phải trả về hiệu quả bị mất đi do phân mảnh nền
kinh tế thế giới và thực tế là các hoạt động kinh tế ngày
càng được quyết định dựa trên cơ sở an ninh quốc gia và địa chính trị, chứ không
hoàn toàn dựa trên các tính toán thương mại. Điều này sẽ làm chậm tốc độ tăng
trưởng tiềm năng của nền kinh tế toàn cầu, gây bất lợi cho tất cả mọi
người, nhưng chủ yếu là những người nghèo trong xã hội.
No comments:
Post a Comment