Chấm dứt xét xử Khmer Đỏ:
Công lý què quặt!
Hiếu Chân/Người Việt
September 23, 2022
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/cham-dut-xet-xu-khmer-do-cong-ly-que-quat/
Quyết định bác bỏ đơn
kháng cáo, duy trì bản án tù chung thân đối với Khieu Samphan là phán quyết cuối
cùng của tòa án quốc tế xét xử các giới chức cầm đầu chế độ Khmer Đỏ, nhằm mang
lại công lý cho những nạn nhân của tội diệt chủng ở Cambodia trong thập niên
1970 của thế kỷ trước. Sau phán quyết hôm Thứ Năm, 22 Tháng Chín, tòa sẽ kết
thúc 16 năm hoạt động, tiêu tốn $330 triệu, và kết án được ba bị cáo, mang lại
một thứ công lý què quặt không làm ai thỏa mãn!
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/09/BL-Xet-Xu-Khmer-Do-1068x711.jpg
Khieu Samphan, lãnh tụ Khmer Đỏ duy nhất còn sống sót và đang bị tòa xét
xử tội diệt chủng. (Hình: Mark Peters/ECCC via Getty Images)
Trong bộ sậu chóp bu của
chế độ Khmer Đỏ bị tòa nhắm tới – gồm Pol Pot, Nuon Chea, Ieng Sary, Son Sen,
và Khieu Samphan – thì Pol Pot và Son Sen đã chết trước khi tòa được mở,
chỉ ba người còn lại phải ra trước vành móng ngựa. Trong số này, Ieng Sary chết
năm 2013 trước khi bản án được tuyên.
Nhưng xét cho cùng, họ
cũng chỉ là những kẻ thực thi một chủ nghĩa phi nhân nhập cảng từ bên ngoài, bị
giật dây từ những kẻ tài trợ giấu mặt và được sự ủng hộ của nhiều thế lực khác,
kể cả Hoa Kỳ.
Khmer Đỏ là một phong
trào cộng sản chống lại chính thể quân chủ của Hoàng Thân Norodom Sihanouk
trong thập niên 1960. Họ có căn cứ tại vùng rừng núi miền Đông Cambodia giáp Việt
Nam và được sự ủng hộ của Cộng Sản Bắc Việt, Việt Cộng, Cộng Sản Pathet Lào và
đặc biệt là của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Sau khi Sihanouk bị lật đổ
năm 1972, Bắc Kinh chỉ thị cho Khmer Đỏ liên kết với Sihanouk chống chính phủ
Lon Nol thân Mỹ. Tháng Tư, 1975, Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh, xóa sổ chính phủ
của Lon Nol và lập ra chính quyền Cambodia mới, gần như cùng lúc với Bắc Việt
chiếm miền Nam Việt Nam.
Với tham vọng xây dựng một
xã hội cộng sản không tưởng trên nền tảng kinh tế nông nghiệp theo chủ thuyết của
Mao Trạch Đông, Khmer Đỏ đã ban hành những chính sách quái dị như hủy bỏ đồng
tiền và thương mại, đóng cửa trường học, đẩy toàn bộ cư dân thành phố về các
vùng nông thôn để đào mương, vỡ đất, tiêu diệt giới trí thức chế độ cũ để lại,
gồm cả bác sĩ, giáo viên, kỹ thuật viên các ngành và tàn sát người thiểu số, đa
phần là người gốc Việt và gốc Hoa.
Trong thời gian từ 1975 đến
1978, Khmer Đỏ giết chết từ 1.7 triệu tới 2 triệu người Cambodia, tương đương một
phần tư dân số thời đó. Nhiều sách vở, phim ảnh đã tái hiện lại những “cánh đồng
giết người” (killing fields) thật ghê rợn, và những đống đầu lâu cất giữ trong
khuôn viên trường trung học Toul Sleng ở thủ đô Phnom Penh là bằng chứng của thời
kỳ đen tối này.
Nhiều nhà nghiên cứu cho
rằng chính sách của Khmer Đỏ là bản sao chính sách “Đại Nhảy Vọt” (Great Leap
Forward) từng gây ra nạn chết đói khủng khiếp ở Trung Quốc. Theo Wikipedia,
chính sách diệt chủng của Khmer Đỏ có sự dẫn dắt và tài trợ của đảng Cộng Sản
Trung Quốc, được đích thân Mao Trạch Đông phê chuẩn. Khoảng 90% tổng số viện trợ
nước ngoài mà Khmer Đỏ nhận được trong thời gian này là của Trung Quốc.
***
Sai lầm lớn nhất của
Khmer Đỏ là gây chiến với Việt Nam. Với sự bày mưu tính kế của các cố vấn Trung
Quốc và viện trợ quân sự của Bắc Kinh, Khmer Đỏ liên tục tấn công vùng biên giới
Việt-Miên ngay từ năm 1975, xâm nhập lãnh thổ Việt Nam, có nơi vào sâu tới 20
cây số, đốt nhà, giết người, cướp của, gây nhiều tội ác dã man. Vụ thảm sát
kinh hoàng nhất là ở Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, từ ngày 18 đến 30
Tháng Tư, 1978 làm 3,157 dân thường bị giết hại, trong đó hơn 100 gia đình bị
giết cả nhà.
Từ cuối năm 1978, Việt Nam
quyết định phản công và đầu năm 1979 tổ chức chiến dịch tấn công Cambodia từ
nhiều hướng. Chỉ sau một tuần giao tranh, quân Việt Nam đã tiến vào Phnom Penh.
Ngày 7 Tháng Giêng, 1979 chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, bộ sậu lãnh đạo tháo chạy sang
Thái Lan. Ngày hôm sau lực lượng được Việt Nam hậu thuẫn lập ra chế độ Cộng Hòa
Nhân Dân Campuchia do Heng Samrin và Hun Sen lãnh đạo.
Để tiêu diệt tàn dư Khmer
Đỏ và bảo vệ chế độ mới, quân Việt Nam đã chiếm đóng Cambodia thêm 10 năm, và bị
quốc tế lên án là Việt Nam xâm lược Cambodia, bị Hoa Kỳ và nhiều nước cấm vận.
Ngay sau khi lật đổ Khmer Đỏ, Việt Nam bị Trung Quốc trả đũa bằng cuộc chiến
tranh biên giới phía Bắc ngày 17 Tháng Hai, 1979.
Tại Thái Lan, chính phủ
Khmer Đỏ lưu vong tiếp tục nhận được sự trợ giúp của Trung Quốc, Hoa Kỳ và các
nước Đông Nam Á để tổ chức chiến tranh du kích chống lại chính phủ do Việt Nam
dựng lên ở Phnom Penh. Chiến tranh dằng dai thêm hàng chục năm cho đến năm 1993
khi quốc tế tìm được giải pháp vãn hồi hòa bình và tái lập chế độ quân chủ lập
hiến ở Cambodia với Hoàng Thân Sihanouk làm quốc trưởng và Hun Sen làm thủ tướng.
Dù phạm những tội ác ghê
rợn nhưng nhờ sự bảo kê của Trung Quốc, chế độ Khmer Đỏ vẫn được nhiều nước ủng
hộ. Khmer Đỏ vẫn giữ ghế đại diện Cambodia tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho đến năm
1993, tức 14 năm sau khi chế độ này bị xóa sổ ở Cambodia.
***
Tòa án xét xử tội diệt chủng
của Khmer Đỏ mở ra năm 2006 như một bộ phận đặc biệt của tòa án tối cao
Cambodia, được LHQ hậu thuẫn và nhiều nước phương Tây đóng góp tài chính. Điểm
trái khoáy là tòa có hai nhóm thẩm phán, một nhóm do LHQ cử ra và một nhóm của
Cambodia. Hai nhóm này theo hai hệ thống tư pháp khác nhau, thường xuyên xung đột
quan điểm với nhau, đôi khi thù nghịch nhau làm cho việc điều tra và xét xử
không vận hành suôn sẻ được.
Ngoài lãng phí ngân sách
và làm việc chậm chạp, tòa án còn bị tố cáo tham nhũng và khuất phục sức ép của
Hun Sen – nhà độc tài từng là cán bộ của Khmer Đỏ trước khi đào thoát sang phía
Việt Nam và được dựng lên làm thủ tướng cầm quyền suốt mấy chục năm nay. Hun
Sen lo ngại cuộc điều tra của tòa có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát, gây nhiều
vấn đề chính trị cho chính phủ của ông và làm phật lòng các ông chủ mới của
Cambodia ở Bắc Kinh.
Sau 16 năm rốt cuộc tòa
cũng chỉ mang lại cho người dân Cambodia một thứ công lý què quặt, dù hiện vẫn
còn khoảng 5 triệu người Cambodia đã sống qua thời kỳ đen tối của nạn diệt chủng,
đã bị bức hại dưới tay Khmer Đỏ và mang những vết thương tinh thần không bao giờ
lành được. Mười sáu năm và $330 triệu chỉ để xử ba kẻ chủ mưu sát nhân mà tội
trạng đã quá rõ ràng quả là một sự lãng phí đáng xấu hổ.
Ngoài thủ lĩnh Pol Pot đã
chết từ lâu trước khi mở tòa, trong ba nhân vật chóp bu của Khmer Đỏ bị tòa kết
án hiện chỉ còn Khieu Samphan, 91 tuổi, từng là chủ tịch Kampuchea Dân Chủ.
Nuon Chea, nhân vật số hai sau Pol Pot, bị kết án tù chung thân năm 2018 và chết
một năm sau đó ở tuổi 93. Còn Kaing Guek Eav, thường gọi là Duch – chỉ huy nhà
tù S-21 khét tiếng nhất Phnom Penh, giam giữ gần 30,000 người nhưng chỉ còn bảy
người sống sót – bị kết án năm 2012 và chết năm 2020 ở tuổi 77.
Những thế lực đứng đằng
sau, chỉ huy và tiếp sức cho Khmer Đỏ vẫn chưa bị điểm mặt gọi tên và chúng vẫn
tiếp tục giật dây những chế độ đàn áp khác trên thế giới như chế độ quân phiệt
hiện hành ở Miến Điện – đang bị Tòa Hình Sự Quốc Tế điều tra về tội diệt chủng
chống lại người thiểu số Rohingya.
Và rải rác trên thế giới,
các hành vi diệt chủng, các tội ác chống loài người vẫn diễn ra, ở Ukraine, ở
Tân Cương, ở Somalia, ở Mozambique và nhiều nơi khác bởi vì Công Ước Geneva về
tội ác chống loài người chưa bao giờ được thực thi triệt để, kẻ thủ ác vẫn có
quyền lực và tiền bạc để đổi trắng thay đen và làm im lặng những tiếng nói phản
kháng của lương tri. [đ.d.]
No comments:
Post a Comment