Tuesday 21 December 2021

TRUNG QUỐC GIẢM LÃI SUẤT CHO VAY ĐỂ GIẢI CỨU NỀN KINH TẾ (Thảo Phương)

 


Trung Quốc giảm lãi suất cho vay để giải cứu nền kinh tế   

Thảo Phương

Thứ hai, 20/12/2021 19:23 (GMT+7)

 https://zingnews.vn/trung-quoc-giam-lai-suat-cho-vay-de-giai-cuu-nen-kinh-te-post1284443.html

 

Ngân hàng trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay lần đầu tiên sau 20 tháng. Động thái nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang chao đảo vì cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực địa ốc.

 

Nikkei Asian Review đưa tin hôm 20/12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn lần đầu tiên sau 20 tháng.

 

Cụ thể, PBoC đã giảm lãi suất cơ bản đối với khoản vay một năm (còn gọi là LPR) từ 3,85% xuống 3,8%. Động thái này có thể tiếp nhiệt cho nền kinh tế vốn đang đối mặt nhiều thách thức.

 

PBoC cũng đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với hầu hết ngân hàng kể từ ngày 15/12. Điều này giải phóng khoảng 1.200 tỷ NDT (tương đương 188 tỷ USD) cho các khoản vay kinh doanh và hộ gia đình.

Quyết định được đưa ra cùng ngày Bộ Chính trị Trung Quốc phát đi tín hiệu rằng nước này có thể có những động thái tích cực nhằm bảo vệ nền kinh tế vào năm 2022.

 

https://znews-photo.zadn.vn/w960/Uploaded/asfzyreslz2/2021_10_13/pboc_b_net.jpg

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020. Ảnh: Reuters.

 

Nới lỏng chính sách

 

Trong một báo cáo mới đây, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc – cơ quan cố vấn hàng đầu của chính phủ – dự báo tăng trưởng sẽ chậm lại từ 8% trong năm nay xuống còn 5,3% vào năm 2022.

 

Theo dữ liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 15/12, doanh số bán lẻ tháng 11 của Trung Quốc đã không đạt như kỳ vọng. Doanh số bán lẻ trong tháng 11 của đất nước 1,4 tỷ dân tăng 3,9% so với một năm trước, thấp hơn mức dự báo 4,6% của giới quan sát (do Reuters khảo sát).

 

Doanh số bán lẻ lao dốc bất chấp sự kiện mua sắm Lễ Độc thân diễn ra vào ngày 11/11. Nguyên nhân chủ yếu là doanh số ôtô lao dốc trong những tháng gần đây.

 

“Nền kinh tế vẫn khá yếu trong tháng 11”, ông Zhiwei Zhang – nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management – nhận định. Ông cho rằng tiêu dùng nội địa suy yếu do chiến lược “Zero-Covid” (đưa số ca nhiễm mới về 0) của chính quyền Trung Quốc và sự suy giảm trong lĩnh vực bất động sản của đất nước.

 

“Động thái của Bắc Kinh có thể giúp kéo dài thời gian trả nợ của các tập đoàn bất động sản, mua thời gian để xử lý “bong bóng nhà đất”

Nhà kinh tế Andy Xie tại Thượng Hải

 

Lần gần nhất PBoC điều chỉnh LPR là hồi tháng 4/2020, khi nền kinh tế Trung Quốc lao dốc vì tác động của dịch Covid-19.

 

Các quan chức Bắc Kinh cho biết PBoC đang cố gắng giảm bớt áp lực cho vay tại ngân hàng thương mại và tăng thanh khoản trong bối cảnh giá nhà giảm.

 

Người mua đang ngày càng cảnh giác với cuộc khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản. “Điều này có thể giúp kéo dài thời gian trả nợ của các tập đoàn bất động sản, mua thời gian để xử lý ‘bong bóng nhà đất'”, nhà kinh tế Andy Xie tại Thượng Hải bình luận.

 

Các nhà kinh tế tại Everbright Securities cho biết động thái này có thể giúp duy trì “sự ổn định tín dụng”, cũng như tăng trưởng kinh tế nói chung.

 

“Giải cứu” nền kinh tế

 

Hôm 9/12, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng của China Evergrande – tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc – xuống “vỡ nợ giới hạn” sau khi tập đoàn không thể trả hai khoản lãi trái phiếu coupon trong khoảng thời gian ân hạn.

 

Đây là lần đầu tiên China Evergrande vỡ nợ trái phiếu bằng đồng USD. Bloomberg nhận định diễn biến này có thể đặt dấu chấm hết cho gã khổng lồ bất động sản được tỷ phú Hứa Gia Ấn thành lập cách đây 25 năm.

 

Đợt bán tháo cổ phiếu của Shimao Group cũng khiến giới quan sát lo ngại. Bởi tập đoàn được coi là một trong những nhà phát triển bất động sản khỏe mạnh, có thể vượt qua cuộc trấn áp của Bắc Kinh.

 

Theo các chuyên gia kinh tế tại Nomura, ngành công nghiệp bất động sản Trung Quốc đang ngồi trên núi nợ khổng lồ 5.200 tỷ USD. Quy mô nợ tăng gấp đôi kể từ cuối năm 2016 và lớn hơn GDP Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

 

Bất động sản và các lĩnh vực liên quan như xây dựng chiếm ít nhất 25% GDP của Trung Quốc, theo Moody’s. Các tập đoàn địa ốc gặp ngày càng nhiều khó khăn trong việc xoay xở khoản nợ bằng đồng USD.

 

https://znews-photo.zadn.vn/w860/Uploaded/asfzyreslz2/2021_10_11/im_414493.jpeg

Bất động sản và các lĩnh vực liên quan như xây dựng chiếm ít nhất 25% GDP của đất nước 1,4 tỷ dân. Ảnh: Wall Street Journal.

 

Những chính sách nới lỏng của Trung Quốc trái ngược với các cơ quan quản lý của Mỹ. Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã ra tín hiệu tăng lãi suất để kìm hãm tình trạng lạm phát.

 

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh cũng tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018.

 

“Các quan chức Trung Quốc đang nới lỏng chính sách, nhưng không đáng kể”, ông Mark Williams – nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics – nhận định.

 

“Trung Quốc đã chuyển sang chính sách nới lỏng. Tuy nhiên, Bắc Kinh có khả năng vẫn theo đuổi chiến lược ‘Zero-Covid’, trong khi triển vọng của lĩnh vực bất động sản còn chưa rõ ràng”, ông bình luận.

 

“Vẫn còn phải xem liệu các hỗ trợ chính sách có thể ổn định nền kinh tế trong những tháng tới hay không”, ông nhận định.

 

T.P.

 

---------------------

 

BÀI LIÊN QUAN

 

China Evergrande không còn là nỗi lo lớn nhất của địa ốc Trung Quốc

Nếu ngay cả các tập đoàn địa ốc khỏe mạnh như Shimao Group cũng sụp đổ, niềm tin đối với thị trường bất động sản Trung Quốc có thể vỡ vụn.

 

Những con số phơi bày triển vọng mờ mịt của kinh tế Trung Quốc

Giới quan sát nhận định bức tranh kinh tế của Trung Quốc vẫn u ám trong tháng 11. Họ cho rằng Bắc Kinh sẽ sớm đưa ra các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.




No comments:

Post a Comment

View My Stats