Tuesday 7 December 2021

'PHÉP LẠ' NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CỦA CSVN (Hiếu Chân / Người Việt)

 


‘Phép lạ’ ngân sách nhà nước của CSVN

Hiếu Chân/Người Việt

December 3, 2021

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/phep-la-ngan-sach-nha-nuoc-cua-csvn/

 

Sau thành công bước đầu trong năm 2020, Việt Nam đã rất khốn đốn vì đại dịch COVID-19 trong năm 2021, nhất là nửa cuối năm, từ Tháng Tư đến Tháng Mười. Ấy thế nhưng một “phép lạ” đã xảy ra, khiến các quan sát viên và phân tích kinh tế cảm thấy khó hiểu: Số tiền thu vào ngân sách nhà nước của chính phủ tăng vọt, bội thu hơn 124,000 tỷ đồng ($5.6 tỷ) trong 11 tháng đầu năm. Xuất nhập cảng hàng hóa cũng tăng tới mức khó hình dung được.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/12/A1-Phep-la-ngan-sach-1536x1024.jpg

Suốt mấy tháng trời, chủ trương “chống dịch như chống giặc” của Hà Nội bị phản đối dữ dội và được cho là nguyên nhân khiến hoạt động kinh tế bị đình đốn. (Hình minh họa: Linh Pham/Getty Images)

 

Thu ngân sách nhà nước là một chỉ dấu của sự phát triển kinh tế: Các hoạt động kinh tế có sôi nổi, thu nhập của người dân và doanh nghiệp tăng lên thì số thu vào ngân sách nhà nước mới tăng tương ứng; ngược lại khi kinh tế đình đốn thì số thu bị giảm, chính phủ phải vay mượn để tạm thời trang trải các khoản chi của guồng máy nhà nước. Nghịch lý ở Việt Nam là các hoạt động kinh tế bị đình đốn suốt mấy tháng một phần do dịch COVID-19 hoành hành, một phần do các biện pháp chống dịch sai lầm của chính quyền, mà tiền thu vào ngân sách lại tăng không ngừng, dẫn tới bội thu. Điều đó nghĩa là gì?

 

Truyền thông trong nước dẫn báo cáo của Bộ Tài Chính ngày 1 Tháng Mười Hai cho biết trong 11 tháng đầu năm nay, thu ngân sách nhà nước đạt 1,392.8 ngàn tỷ đồng [$62 tỷ], ước đạt 103.4% dự toán, tăng 8.9% so với cùng kỳ năm 2020 và sớm một tháng so với kế hoạch.

 

Về chi ngân sách, thời kỳ đại dịch hầu như nước nào cũng tăng chi – chi cho công cuộc phòng chống dịch bệnh, mua vaccine, thiết bị xét nghiệm, chữa trị bệnh nhân và chi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp – nhưng Việt Nam lại giảm chi. Bộ Tài Chính cho biết, tổng chi 11 tháng đầu năm ước đạt 1,268.86 ngàn tỷ đồng [$56.5 tỷ], chỉ bằng 75.2% dự toán. Lấy số thu trừ đi số chi, ngân sách nhà nước hiện “thặng dư” hàng ngàn tỷ đồng, chứ không phải “cạn kiệt không còn đồng nào” như phát biểu của ông Hồ Đức Phớc, bộ trưởng Tài Chính, tại phiên họp Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội hôm 16 Tháng Chín.

 

Bên cạnh số liệu về thu chi ngân sách do Bộ Tài Chính công bố, Tổng Cục Thống Kê thuộc Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư cũng đưa ra những con số “rất phấn khởi” về hoạt động xuất nhập cảng hàng hóa. Theo Tổng Cục Thống Kê, cộng chung cả 11 tháng của năm 2021, kim ngạch xuất cảng hàng hóa của Việt Nam ước tính được hơn $299 tỷ, tăng 17.5% so với cùng thời gian này năm ngoái, nhưng thặng dư thương mại chỉ đạt hơn $225 triệu.

 

Những con số thu chi, xuất cảng rất ấn tượng mà nếu nhìn vào ai cũng có thể yên tâm là nền kinh tế Việt Nam đang phát triển rất vững chắc. Niềm tin đó càng được củng cố khi Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (Asian Development Bank – ADB) dự báo năm 2021 kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 3.8%, cao hơn mức bình quân 3.1% của khu vực Đông Nam Á và chỉ thấp hơn Singapore (6.5%), Malaysia (4.7%) và Philippines (4.5%). Dự báo của ADB cũng như các tổ chức tài chính quốc tế khác đều dựa vào số liệu chính thức do Tổng Cục Thống Kê công bố.

 

                                                                    ***

Thế nhưng trong thực tế tình hình có vẻ không khả quan như vậy. Các phóng viên làm việc ở các tờ báo kinh tế ở Việt Nam, trong các diễn đàn riêng tư hoặc trên trang mạng Facebook cá nhân đã chia sẻ một bức tranh khá ảm đạm.

 

Nhà báo Hoàng Tư Giang của báo VietNamNet chẳng hạn, một phóng viên có hơn 20 năm theo dõi kinh tế vĩ mô của Việt Nam và giao thiệp với nhiều chuyên gia, nhiều tổ chức kinh tế tài chính của đất nước, than thở: “Chưa bao giờ số liệu của mấy tháng qua mang lại cảm giác bất an như thế này.”

 

Theo ông Giang: “Có tới 94% doanh nghiệp trong cả nước đang gặp khó khăn về dịch bệnh. Tại 19 tỉnh thành phố phía Nam, 98% doanh nghiệp thiệt hại nặng nề. Ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp chỉ hoạt động chừng 5-10% công suất. Chỉ riêng Sài Gòn, trong chín tháng có 24,491 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, 32,398 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, 12,802 doanh nghiệp đã giải thể. Cả nước trong chín tháng đầu năm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,291, tăng 15.3%. Điều đáng lo là những số liệu này chưa phản ánh đúng thực tế số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường khi 23 tỉnh phong tỏa theo Chỉ Thị 16.”

 

“Trong quý 3, số lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm 2.4 triệu người so với quý trước. Việc làm, sinh kế, đời sống người dân, người lao động bị ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng và nặng nề. Những dòng người ùn ùn về quê mấy ngày qua, dù thành phố mở lại, càng cho thấy điều này. Đứt gãy về doanh nghiệp, về lao động là cực kỳ nghiêm trọng, đòi hỏi thời gian rất dài để khắc phục,” ông Giang viết trong một bài đăng trên trang cá nhân.

 

Không chỉ một số nhà báo mà các nhà kinh tế cũng chia sẻ mối lo ngại như vậy. Tại cuộc tọa đàm “Công Bố Báo Cáo Kinh Tế Vĩ Mô Quý 3-2021” do Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách (VEPR) tổ chức ngày 20 Tháng Mười tại Hà Nội, ông Phạm Thế Anh – nhà kinh tế trưởng của VEPR – cho biết GDP quý 3-2021 giảm 6.17% so với cùng kỳ năm trước là mức giảm sâu nhất kể từ khi có thống kê về GDP theo quý. Tính chung GDP trong chín tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1.42%, còn rất xa so với mức dự báo 3.8% mà ADB đưa ra ở trên.

 

Quý 3 – từ Tháng Bảy đến hết Tháng Chín – là thời gian “Đầu tàu kinh tế Sài Gòn và mấy tỉnh chung quanh và Hà Nội – chiếm tới 65% GDP của cả nước – bị ‘phong tỏa cứng’ trong gần hoặc toàn bộ quý 3,” như ghi nhận của ông Giang. Tuy theo thông lệ quốc tế kinh tế Việt Nam chưa bị coi là “suy thoái” – vì chưa bị giảm hai quý liên tiếp – nhưng tỷ lệ giảm 6.17% của quý 3 là rất nặng nề, chưa từng có.

 

 

Theo VEPR, tùy tình hình dịch bệnh mà tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay có thể theo kịch bản xấu, chỉ đạt từ 1-1.5%; hoặc theo kịch bản tốt, tăng 2-2.5%. Sự xuất hiện của biến thể Omicron ở Nam Phi rồi lan ra toàn cầu từ ngày 25 Tháng Mười Một vừa qua làm cho nhiều người thiên về hướng kịch bản xấu, thậm chí còn xấu hơn kịch bản của VEPR.

 

                                                         ***

 

Trở lại hiện tượng ngân sách của Việt Nam; đối chiếu hai luồng thông tin trên, người phân tích hoặc chấp nhận các số liệu “bội thu” mà Bộ Tài Chính và Tổng Cục Thống Kê công bố là đúng hơn thông tin của các nhà báo và nhà kinh tế, hoặc bác bỏ nó, coi đó chỉ như những tài liệu tuyên truyền không đáng tin.

 

Từ trước đến nay, số liệu thống kê kinh tế-tài chính của Việt Nam thường không được tin cậy vì nó phản ảnh ý chí chính trị của nhà cầm quyền hơn là thực tế sinh động của hoạt động kinh tế-xã hội. Hiện tượng “xào nấu” sổ sách để cho ra những bản thống kê “đẹp” “đúng ý cấp trên” không phải là chuyện lạ, bất chấp hậu quả tai hại mà việc làm đó gây ra. Người ta thường kể câu chuyện khôi hài: Nhà ông A nuôi một con gà, ông A kê khai với hội nông dân ông nuôi một con gà, vợ ông kê với hội phụ nữ bà nuôi một con gà, còn con ông khai với đội thiếu niên em nuôi một con gà, kết quả thống kê ghi nhận nhà ông A nuôi ba con gà!

 

Sự đình đốn của kinh tế Việt Nam trong thời gian cao điểm dịch COVID-19 hoành hành là chuyện có thật; đa số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, cho công nhân tạm thời nghỉ việc vì không thể đáp ứng các yêu cầu chống dịch “ba tại chỗ,” “một cung đường hai điểm đến” mà nhà cầm quyền đề ra. Trong hoàn cảnh đó, thông tin nói xuất cảng hàng hóa tăng tới 17.5%, thu thuế xuất nhập cảng tăng thật khó mà tin được.

 

Một ví dụ, ông Matthew Friend, giám đốc tài chính tập đoàn Nike Inc., hồi đầu Tháng Mười cho biết công ty đã mất 10 tuần sản xuất do các nhà thầu đóng cửa vì lệnh phong tỏa, nghĩa là khoảng 100 triệu đôi giày Nike đã không được xuất xưởng; nguồn cung giày Nike sẽ thiếu hụt trầm trọng trong tám tháng tới. Nike sản xuất một nửa số giày dép của mình ở Việt Nam và tình trạng của Nike có phần phản ảnh tình trạng chung của nền kinh tế, nhất là đối với các ngành hàng sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, đồ gỗ nội thất.

 

Suốt mấy tháng trời, chủ trương “chống dịch như chống giặc” của Hà Nội bị phản đối dữ dội và được cho là nguyên nhân khiến hoạt động kinh tế bị đình đốn và gây ra bao nhiêu đau khổ cho người dân. Bằng việc công bố những số bội thu ngân sách, thặng dư thương mại đẹp như mơ, “về đích trước một tháng” phải chăng Hà Nội nhắm truyền đi hai thông điệp: Một là kinh tế vẫn phát triển vững chắc, không có chuyện đình đốn hay sụp đổ như xuyên tạc của các thế lực thù địch, người dân và doanh nghiệp nên yên tâm; và hai là, chiến dịch chống COVID-19 của chính quyền không sai, chẳng những không gây khó khăn cho hoạt động kinh tế mà ngược lại. Nó cho thấy sự sáng suốt, đúng đắn của chính quyền vừa kiểm soát tốt đại dịch vừa duy trì được tăng trưởng kinh tế!

 

Còn nếu chuyện “bội thu ngân sách” là có thật, là đúng như công bố của Bộ Tài Chính thì nó lại hé lộ một khía cạnh khác: Trong cơn khốn cùng của xã hội, Hà Nội vẫn cương quyết tận thu; thay vì xuất kho bạc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tạm vượt qua hoạn nạn do đại dịch, chính quyền vẫn “thu đúng, thu đủ” mọi khoản có thể thu được vào ngân sách nhà nước. Chỉ 11 tháng mà số thu thuế thu nhập cá nhân (income tax) đạt tới 107.9% dự toán cả năm trong thời gian hàng triệu người làm công ăn lương bị mất việc làm, mất thu nhập cho thấy một chính sách tận thu hết sức khắc nghiệt.

 

Đúng hay không đúng, sự thật hay chỉ là thủ đoạn tuyên truyền thì “phép lạ” về thu ngân sách của nhà cầm quyền CSVN cũng làm cho người ta càng ngày khó tin vào các tuyên bố của chính quyền. Đối với những người nghiên cứu và hoạch định chính sách, việc thiếu vắng dữ kiện thống kê sát sự thực, đáng tin cậy hoặc số liệu bị xào nấu, bị bóp méo là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới những khuyến nghị sai lầm, những ảo tưởng tai hại cho sự phát triển của đất nước. (Hiếu Chân) [qd]




No comments:

Post a Comment

View My Stats