Wednesday, 1 December 2021

HAI NGHÌN CHO VƯỜN CHUỐI (Saadi Salama)

 


Hai nghìn cho vườn chuối    

Saadi Salama

Nhà ngoại giao

Thứ tư, 1/12/2021, 00:02 (GMT+7)

https://vnexpress.net/hai-nghin-cho-vuon-chuoi-4396738.html

 

Thấm thoắt đã 41 năm từ ngày đầu tôi đặt chân tới đất nước này. Giờ đây, tôi không coi mình là người nước ngoài nữa, tôi luôn thấy mình là người Việt.

 

Tôi đến Việt Nam vào tháng 10 năm 1980 trên cương vị một du học sinh từ Palestine. Hiện tôi là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nhà nước Palestine, đồng thời là Trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam. Bốn đứa con xinh đẹp của tôi mang trong mình một nửa dòng máu Việt từ người mẹ, điều làm tôi càng gắn bó và yêu mến đất nước này.

 

Tôi thấy mình may mắn khi được tận mắt chứng kiến sự thay đổi trong cả ba giai đoạn quan trọng của lịch sử Việt Nam hiện đại: thời kỳ bao cấp, thời kỳ Đổi mới và giờ đây là hội nhập quốc tế.

 

Có được thành công ngày nay nhờ nhiều yếu tố, một trong những nguyên nhân quan trọng là người Việt rất năng động, nhạy bén với các cơ hội và rất linh hoạt trong việc xoay chuyển để phù hợp với từng tình huống.

 

Từ thời bao cấp, Việt Nam đã có những người như ông Kim Ngọc, "cha đẻ" của khoán hộ, người sẵn sàng chấp nhận "làm sai" chủ trương để làm được những việc có lợi cho dân và nước. Tôi cũng đã có cơ hội trò chuyện với nhiều lãnh đạo và doanh nhân Việt Nam, những người mạo hiểm "vượt rào" cơ chế để dẫn đường cho sự phát triển. Những con người đáng quý ấy đã góp phần kiến tạo lịch sử đổi mới ở Việt Nam.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả rất đáng khích lệ thì quá trình phát triển của Việt Nam cũng bộc lộ một số bất cập. Một trong những "tệ nạn" đã được Đảng chỉ ra và coi là căn bệnh nhức nhối nhiều năm là tình trạng quan liêu, đặc biệt là ở chính quyền cấp dưới. Đó có thể là cách thực thi chính sách chống dịch rất cứng nhắc và khác biệt giữa các địa phương, thậm chí không đúng tinh thần và chỉ đạo của Chính phủ. Mấy hôm nay, tôi còn được chia sẻ câu chuyện những người dân ở xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam phải đi nhiều cây số và mất nhiều giờ để nhận số tiền vài nghìn đồng hỗ trợ thiệt hại do bão.

 

Tôi khá ám ảnh bởi câu chuyện của bà Truyện, người phải đi hai cây số, chờ từ hai đến năm giờ chiều để nhận 2.000 đồng tiền hỗ trợ cho 10 mét vuông trồng chuối bị thiệt hại trong hai cơn bão năm ngoái. Tôi có vài suy nghĩ của mình, với tư cách một người nước ngoài nhưng đã coi Việt Nam như quê hương.

 

Tôi cho rằng về mặt thủ tục, chính quyền xã Tam Vinh không sai khi gửi giấy mời người dân lên xã nhận hỗ trợ cho đủ số tiền dù chỉ 2.000, 3.000 đồng. "Phải làm đúng quy định, tiền ít hay nhiều đều phải hỗ trợ", như đại diện chính quyền xã nói. Trong một số trường hợp, sự nghiêm túc thực thi chính sách vì quyền lợi của dân còn đáng ghi nhận, bởi như chúng ta vẫn thấy, không ít trường hợp cán bộ cố tình làm sai chính sách cho dân.

 

Sự sâu sát của cán bộ để khảo sát chính xác thiệt hại của từng hộ, dù chỉ với vườn chuối 10 mét vuông là tốt. Song, cách làm lại xa rời cuộc sống, thể hiện sự máy móc, hình thức trong thực thi chính sách.

 

Điều trớ trêu ở đây là cái đúng về mặt quy trình lại không đúng trên thực tế. Tôi cho rằng nếu cán bộ xã có tư duy linh hoạt hơn, đặt mình vào vị trí người nhận thì hoàn toàn có thể mang số tiền nhỏ ấy tới tận từng nhà để tỏ lòng trân trọng thay vì gửi giấy gọi từng người lên rồi để họ ngồi chờ rất lâu để nhận một khoản tiền ít ỏi. Hoặc chính quyền xã có thể hỏi ý kiến dân, rằng với số tiền ấy, họ có muốn nhận không hay vui lòng quyên góp để làm một việc gì cho bà con trong xã, ví dụ tặng người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn... Thậm chí, cán bộ xã có thể áp dụng một cơ chế khác, không chỉ tính tới việc đền bù theo diện tích đất và số cây bị đổ mà kết hợp với số nhân khẩu hay mức thu nhập của gia đình để đền bù hợp lý hơn, khiến những khoản hỗ trợ trở nên có ích thực sự với người nhận.

 

Theo tôi, điều này xuất phát từ một thực tế nổi cộm là chính quyền các cấp dưới hay sợ sai, lãnh đạo sợ "mất ghế" nên không dám chủ động, linh hoạt trong chấp pháp. Ngay cả khi Trung ương đã giao quyền thì địa phương vẫn không dám quyết định. Hay khi quy chế đã rõ ràng nhưng các cơ quan, các cấp vẫn "đá bóng" trách nhiệm sang nhau. Khi sự việc đền bù vườn chuối của bà Truyện được nhiều người biết đến, Bí thư huyện ủy Phú Ninh đã yêu cầu kiểm điểm từ cấp xã đến huyện về việc chỉ 2.000 đồng mà phát giấy mời dân đi nhận. Việc kiểm điểm trên bề nổi tôi e chưa giải quyết tận gốc vấn đề. Thay vào đó, tỉnh và huyện tại sao không rà soát lại tính thực tiễn của các văn bản họ đã ban hành và áp dụng.

 

Một vấn đề nữa là tại sao người dân bị thiệt hại trong bão Linfa và Molave từ tháng 10/2020, tới nay hơn một năm mới được gọi đi nhận hỗ trợ? Ý nghĩa của chính sách hỗ trợ của nhà nước là giúp dân những lúc khó khăn nhất, tức là phải ngay khi bị thiệt hại. Bão đã đến và đi rất nhanh mà quy trình của chính sách thì quá chậm.

 

Từ sự việc này, câu chuyện lớn hơn bộc lộ ra là khi công chức sợ trách nhiệm thì sự sáng tạo không còn nữa. Không ai dám làm gì hoặc làm tốt hơn, hợp lý hơn vì sợ sai chủ trương, sai chính sách. Sợ bị kiểm điểm nên họ sẽ tìm cách an toàn hơn, cho dù cách thức như vậy không hiệu quả và thậm chí là vô lý, phi thực tế.

 

Chính điều đó đã làm biến dạng chủ trương tốt đẹp của Chính phủ là giúp đỡ người dân lúc khó khăn. Vì vậy, phải nói rằng, những cán bộ ngại nghĩ, không dám làm, không coi lợi ích nhân dân là mục tiêu phải thực hiện đã dẫn đến sự thờ ơ, vô cảm. Đây là vấn đề rất nguy hiểm bởi chính quyền địa phương là nơi gần dân, sát dân nhất.

 

Cá nhân tôi cũng đã gặp không ít trường hợp như vậy trong quá trình làm việc với nhiều cơ quan của Việt Nam. Tôi rút ra được kinh nghiệm là phải trao đổi bằng văn bản cụ thể thay vì bằng lời nói, vì dường như các công chức Việt Nam thích lấy văn bản làm cơ sở để đề xuất cho cấp cao hơn. Họ ngại đưa ra những đề xuất sáng tạo, sợ bị lãnh đạo cấp trên "hiểu lầm" là đang vượt quyền.

 

"Muốn tiến bộ thì phải bảo vệ người dám nghĩ, dám làm", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói và nhấn mạnh "phải bảo vệ cán bộ dám đột phá vì lợi ích chung".

 

Dù ở quy trình nào, con người luôn là trung tâm. Trong một hệ thống, không thiếu chuyện A làm thì sai nhưng B làm lại đúng. Hệ thống nào, quy trình nào, dù ở đâu cũng máy móc và khô cứng. Nhưng con người có tinh thần sáng tạo sẽ biết cách vượt qua sự cứng nhắc của hệ thống để làm việc.

 

Chúng ta cần nhiều hơn nữa những "Kim Ngọc", những người sẵn sàng đánh đổi sự nghiệp cá nhân vì cái đúng, vì sự nghiệp chung của đất nước.

 

Saadi Salama

 

89 Ý KIẾN   




No comments:

Post a Comment

View My Stats