Friday, 8 October 2021

XIN TRAO ĐỔI CÙNG HẠO NHIÊN TIÊN SINH (Nguyễn Đình Cống)

 


Xin trao đổi cùng Hạo Nhiên tiên sinh

Nguyễn Đình Cống

08/10/2021

https://baotiengdan.com/2021/10/08/xin-trao-doi-cung-hao-nhien-tien-sinh/

 

Tôi vừa đọc bài “Góc Nhìn Khác Về Tầng Lớp Trí Thức Ở Việt Nam Hôm Nay” của tiên sinh Quách Hạo Nhiên, một người đáng kính trọng. Tôi rất tâm đắc với nhiều quan điểm trong bài, duy chỉ có một điều, tôi có ý kiến bất đồng, xin được trao đổi.

 

Quách tiên sinh đã nêu ra một số bất cập của trí thức và có nhận xét rất đúng: “Trước hết, có lẽ cũng nên thành thật với nhau rằng, cốt yếu và sâu xa nhất của thực trạng này bắt nguồn từ ‘thượng tầng kiến trúc’, từ giới lãnh đạo cầm quyền mà ra. Bởi ‘thượng bất chính, hạ tắc loạn’. Hay nói khác đi, những kẻ đang nắm trọn quyền điều hành đất nước trong tay nhưng không những bất tài mà tha hóa, suy đồi thì làm sao mang lại sự phồn thịnh, vững bền cho quốc gia, dân tộc được. Dẫu vậy, có câu ‘nhân dân nào chính quyền đó’.”

 

Ở một chỗ khác tiên sinh viết: “Tóm lại, sự suy đồi và xuống cấp về đạo đức, văn hóa ở xã hội Việt Nam hôm nay không phải chỉ do ‘Đảng ta’ mà còn do chính đội ngũ trí thức nước nhà ít nhiều đã trực hoặc gián tiếp gây ra”.

 

Và đặc biệt ở câu kết, tiên sinh dẫn lời của GS Trần Hữu Dũng, bảo rằng, “phần ít là lỗi của xã hội, mà phần lớn là nhược điểm của chính cộng đồng trí thức (là vườn ươm những nhà văn hóa lớn)” ở Việt Nam chúng ta.

 

Tôi nhất trí với ý “Nhân dân nào chính quyền đó”, xin bổ sung “Chính quyền nào nhân dân đó”. Chính quyền Quang Minh Chính Đại mong có được nhân dân có tài năng dũng lược, chính quyền độc tài quyết chí làm ngu dân để dễ sai khiến, dễ áp bức.

 

Xã hội gồm hai thế lực: Thường dân và Chính quyền. Tùy thuộc vào chế độ mà chính quyền là dân chủ hay độc tài, là làm quản trị hay thống trị, thường dân, trong đó có trí thức, là công dân, thần dân hay là bị trị. Mỗi việc dù hay hoặc dở trong xã hội đều do cả hai thế lực này góp sức tạo nên. Nhưng trách nhiệm không cào bằng mà có phần nặng nhẹ khác nhau, có bên chính bên phụ.

 

Quách tiên sinh đồng ý với GS Trần Hữu Dũng cho rằng “phần ít là lỗi của xã hội, mà phần lớn là nhược điểm của chính cộng đồng trí thức”. Viết rằng “lỗi của xã hội” chắc định nói tránh cho đỡ nặng nề chứ trong thâm tâm có thể nghĩ rằng “lỗi của giới lãnh đạo cầm quyền”. Tôi không tán thành mà nghĩ ngược lại, rằng “sự suy đồi và xuống cấp về đạo đức, văn hóa ở xã hội Việt Nam hôm nay có một phần là do nhân dân, do đội ngũ trí thức, nhưng phần chủ yếu là do giới lãnh đạo cầm quyền, do đường lối sai lầm của ĐCSVN”.

 

Giới cầm quyền và lãnh đạo rất vui mừng khi đọc câu của GS Trần vì có nơi để đổ vấy: “phần lớn là nhược điểm của chính cộng đồng trí thức”. Trí thức các ngươi đã tự nhận như thế thì còn phê phán lãnh đạo chúng tao sao được.

 

Quách tiên sinh vạch ra thảm trạng của đội ngũ trí thức với nhiều thói hư tật xấu. Xin hỏi đó phải chăng là từ truyền thống của trí thức dân tộc từ cha ông truyền lại hay mới sinh ra gần đây và cơ duyên nào đã làm sinh ra những trí thức kém cả chuyên môn và đức hạnh. Xin thưa, đó là sản phẩm của nền độc tài toàn trị chỉ muốn làm ngu dân mà chủ yếu họ được quan thầy là Trung Cộng huấn luyện và khống chế.

 

Những trí thức tinh hoa như Quách tiên sinh mong muốn được hình thành từ Tiên thiên và Hậu thiên. Tiên thiên là do kết tinh khí thiêng của sông núi từ trong bào thai, hậu thiên là môi trường xã hội và sự phấn đấu của con người.

 

Từ thời Bắc thuộc, vua Nhà Đường đã cho Cao Biền sang trấn yểm sông núi của Giao Chỉ để đất nước này không thể sinh ra người tài. Đến thời cộng sản, các bậc thầy của Trung Cộng đã huấn luyện cho những kẻ do họ dựng lên những mưu ma chước quỷ. Trong đó có những mưu chước triệt hạ, hủy hoại tầng lớp tinh hoa của dân tộc Việt.

 

Các trí thức người Việt hiện nay có hai loại: Trí thức lề Đảng và trí thức lề dân. Khác nhau cơ bản giữa hai loại này là: Một bên trung thành với Mác Lê, phụng sự cho Đảng, còn Đảng còn mình. Bên kia không quan tâm đến hoặc không công nhận Mác Lê, họ tận tâm với nghề nghiệp và những công việc làm ích nước lợi dân, một số trong họ còn phản biện chính quyền hoặc tham gia đấu tranh cho dân chủ.

 

Trí thức của Đảng tập hợp trong các tổ chức như các Viện Hàn lâm khoa học, Tổng Hội Khoa học kỹ thuật và Văn học nghệ thuật, Hội đồng lý luận TƯ, các Viện nghiên cứu chuyên đề v.v… Trong số các trí thức của Đảng chỉ có rất ít người vừa có trình độ vừa có bản lĩnh, một số ít có trình độ nhưng thiếu bản lĩnh, còn đại đa số thiếu cả hai, là những kẻ hữu danh vô thực, có bằng cấp nhưng không khác gì bọn giá áo túi cơm.

 

Trí thức lề dân đang là những cá thể. Họ có thể là lao động tự do, làm việc trong các công ty hoặc trong các tổ chức của Nhà nước. Trước đây có Đảng Xã hội, đại diện cho trí thức, đã bị giải tán. Họ cũng rất muốn, rất cần tập hợp lại, Hiến pháp cho họ quyền đó, nhưng chính quyền sẵn sàng bắt bỏ tù, vu cáo và kết án nặng những người có ý định lập tổ chức. Như thế thì lỗi chính là của ai?

 

Quách tiên sinh viết “Những kẻ đang nắm trọn quyền điều hành đất nước trong tay nhưng không những bất tài mà tha hóa, suy đồi thì làm sao mang lại sự phồn thịnh, vững bền cho quốc gia, dân tộc được”.

 

Không những họ bất tài, tha hóa, suy đồi mà còn phạm tội ác trong việc đàn áp, hủy hoại tầng lớp tinh hoa của dân tộc. (Đàn áp và hủy hoại như thế nào, nhiều người biết rõ, xin không dẫn chứng để tránh dài dòng). Họ phạm phải tội này là do kém trí tuệ mà kiên trì Mác Lê, đồng thời vì quyền lợi cá nhân và phe nhóm mà tham quyền cố vị, chịu sự khống chế của Trung Cộng.




No comments:

Post a Comment

View My Stats