Tuesday, 26 October 2021

VỤ CHỐNG LẠI MARK ZUKERBERG : NGƯỜI TRONG CUỘC NÓI RẰNG, CEO của FACEBOOK CHỌN TĂNG TRƯỞNG THAY VÌ AN TOÀN (Washington Post)

 


Vụ chống lại Mark Zuckerberg: Người trong cuộc nói rằng, CEO của Facebook chọn tăng trưởng thay vì an toàn

Elizabeth Dwoskin, Tory Newmyer và Shibani Mahtani  -  Washington Post

Trúc Lam chuyển ngữ

26/10/2021

https://baotiengdan.com/2021/10/26/vu-chong-lai-mark-zuckerberg-nguoi-trong-cuoc-noi-rang-ceo-cua-facebook-chon-tang-truong-thay-vi-an-toan/

 

Cuối năm ngoái, Mark Zuckerberg đối mặt với sự lựa chọn: Tuân theo yêu cầu của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc kiểm duyệt những người bất đồng chính kiến ​​chống chính phủ, hoặc có nguy cơ bị đuổi ra khỏi một trong những thị trường béo bở nhất của Facebook ở châu Á.

 

Ở Mỹ, Giám đốc Điều hành (CEO) của công ty công nghệ này là người đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, miễn cưỡng xóa bỏ ngay cả nội dung độc hại và gây hiểu lầm ra khỏi Facebook. Nhưng ở Việt Nam, việc duy trì quyền tự do ngôn luận của những người đặt câu hỏi với các nhà lãnh đạo chính quyền, có thể phải trả một cái giá đáng kể ở một quốc gia nơi mạng xã hội kiếm được doanh thu hơn 1 tỷ Mỹ kim hàng năm, theo ước tính của Tổ chức Ân xá Quốc tế năm 2018.

 

Vì vậy, cá nhân Zuckerberg quyết định rằng, Facebook sẽ tuân theo các yêu cầu của Hà Nội, theo ba người quen thuộc với quyết định này, nói với điều kiện giấu tên, mô tả các cuộc thảo luận nội bộ của công ty. Theo các nhà hoạt động địa phương và những người ủng hộ quyền tự do ngôn luận, trước thềm đại hội đảng Việt Nam hồi tháng 1/2021, Facebook đã gia tăng sự kiểm duyệt đáng kể đối với các bài đăng “chống nhà nước”, giúp chính quyền kiểm soát gần như toàn bộ mạng xã hội này.

 

Vai trò của Zuckerberg trong quyết định ở Việt Nam là điều chưa từng được báo cáo trước đây, thể hiện quyết tâm của anh ta không ngừng bảo đảm sự thống trị của Facebook, đôi khi phải trả giá bằng các giá trị đã tuyên bố của anh ta, theo các cuộc phỏng vấn với hơn một chục nhân viên cũ. Đặc tính đó đã được Frances Haugen, cựu giám đốc sản phẩm của Facebook nêu ra trong một loạt khiếu nại, tố giác, trình lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC).

 

Mặc dù không rõ liệu SEC sẽ xử lý vụ việc hay theo đuổi hành động chống lại cá nhân của CEO (tức Zuckerberg: ND), nhưng những cáo buộc của người tố cáo đưa ra, được cho là thách thức lớn nhất về sự lãnh đạo của Zuckerberg đối với công ty truyền thông xã hội quyền lực nhất trái đất này. Các chuyên gia nói rằng, SEC – có quyền tìm kiếm lời cung khai, phạt tiền anh ta và thậm chí loại bỏ anh ta khỏi vị trí chủ tịch – có khả năng đào sâu hơn về những gì anh ta biết và anh ta biết khi nào. Mặc dù quan điểm trực tiếp của anh ta hiếm khi phản ánh trong các tài liệu, nhưng những người làm việc với anh ta nói rằng, dấu vân tay của anh ta xuất hiện khắp mọi nơi.

 

Đặc biệt, Zuckerberg đã đưa ra vô số quyết định và nhận xét, thể hiện sự quyết tâm cứng rắn đối với quyền tự do ngôn luận. Ngay cả ở Việt Nam, công ty nói rằng, lựa chọn kiểm duyệt là hợp lý “để bảo đảm các dịch vụ của chúng tôi luôn khả dụng cho hàng triệu người tin cậy vào chúng mỗi ngày”, theo một tuyên bố cung cấp cho báo Washington Post.

 

Haugen đề cập đến các tuyên bố công khai của Zuckerberg ít nhất 20 lần trong các đơn khiếu nại với SEC của cô, khẳng định rằng, quyền lực duy nhất và mức độ kiểm soát duy nhất của CEO đối với Facebook, có nghĩa là, anh ta là người chịu trách nhiệm cuối cùng về một loạt các tác hại đối với xã hội. Các tài liệu của cô [Haugen] có vẻ mâu thuẫn với vị Giám đốc Điều hành về một loạt vấn đề, gồm cả tác động của Facebook đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em, liệu các thuật toán của nó có góp phần tạo ra sự phân biệt hay không và mức độ phát hiện ngôn từ kích động thù địch trên khắp thế giới.

 

Ví dụ, năm ngoái Zuckerberg đã ra điều trần trước Quốc hội rằng, công ty loại bỏ 94% phát ngôn thù hận mà họ tìm thấy trước khi có người báo cáo – nhưng các tài liệu nội bộ cho thấy, các nhà điều tra ước tính rằng, công ty đã xóa chưa tới 5% các phát ngôn thù hận trên Facebook. Hồi tháng 3, Zuckerberg nói với Quốc hội rằng, “hoàn toàn không rõ” rằng mạng xã hội chia rẽ mọi người, khi các nhà điều tra của Facebook đã nhiều lần phát hiện ra rằng họ đã làm như vậy.

 

Các tài liệu tiết lộ cho SEC và được cố vấn pháp lý của Haugen cung cấp cho Quốc hội dưới hình thức biên soạn lại, đã thu thập và xem xét bởi một nhóm các tổ chức tin tức, trong đó có báo Washington Post.

 

Trong lời khai trước quốc hội, Haugen liên tục cáo buộc Zuckerberg chọn tăng trưởng thay vì lợi ích công chúng, một cáo buộc lặp lại trong các cuộc phỏng vấn với các nhân viên cũ.

 

Brian Boland, cựu phó chủ tịch phụ trách đối tác và tiếp thị, là người đã rời bỏ [Facebook] hồi năm 2020, cho biết: “Bóng ma của Zuckerberg bao trùm lên mọi thứ mà công ty làm. Nó hoàn toàn do anh ta điều khiển”.

 

Dani Lever, người phát ngôn của Facebook, phủ nhận rằng, các quyết định do Zuckerberg đưa ra là “gây hại“, nói rằng, tuyên bố này dựa trên “các tài liệu đã được lựa chọn bị mô tả sai và không có bất kỳ bối cảnh nào như vậy“.

 

Cô nói: “Chúng tôi không có động cơ thương mại hoặc đạo đức để làm bất cứ điều gì khác, ngoài việc cung cấp cho số lượng lớn người dùng có được trải nghiệm tích cực nhất có thể. Giống như mọi nền tảng khác, chúng tôi liên tục đưa ra các quyết định khó khăn giữa tự do ngôn luận và phát ngôn có hại, vấn đề an ninh và các vấn đề khác, và chúng tôi không đưa ra những quyết định này một mình – chúng tôi dựa vào ý kiến ​​đóng góp của các nhóm của chúng tôi, cũng như các chuyên gia về các vấn đề bên ngoài để điều chỉnh chúng. Nhưng việc vẽ ra những ranh giới xã hội này luôn tốt hơn cho các lãnh đạo dân cử, đó là lý do tại sao chúng tôi đã dành nhiều năm để vận động Quốc hội thông qua các quy định cập nhật về Internet”.

 

Trước đây Facebook đã nỗ lực đấu tranh để buộc Zuckerberg phải chịu trách nhiệm về cá nhân. Năm 2019, khi công ty đối mặt với khoản tiền phạt kỷ lục 5 tỷ đô la từ Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) vì vi phạm quyền riêng tư, liên quan đến Cambridge Analytica, một công ty tư vấn chính trị đã lạm dụng dữ liệu hồ sơ từ hàng chục triệu người sử dụng Facebook, Facebook đã thương lượng để bảo vệ Zuckerberg không phải chịu trách nhiệm trực tiếp về pháp lý. Các tài liệu họp nội bộ của Facebook tiết lộ, gã khổng lồ công nghệ [Facebook] sẵn sàng từ bỏ các cuộc đàm phán dàn xếp và đưa ra tòa nếu cơ quan [FTC] này nhất định truy đuổi CEO [Zuckerberg].

 

Gary Gensler, Chủ tịch hiện tại của SEC, nói rằng, ông muốn xử lý mạnh tay hơn nữa đối với tội phạm công nghệ cao. Các chuyên gia nói, có khả năng Gensler sẽ cân nhắc khiếu nại của cô Haugen, khi ông hướng tới một kỷ nguyên mới về trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.

 

Sean McKessy, giám đốc đầu tiên của văn phòng tố cáo của SEC, hiện đại diện cho những người tố cáo của công ty tư nhân Phillips & Cohen, cho biết, Zuckerberg “phải là người dẫn dắt những quyết định này. Đây không phải là một công ty đại chúng điển hình với sự tiết chế và cân bằng. Đây không phải là một nền dân chủ, nó là một nhà độc tài… Và mặc dù SEC không có hồ sơ theo dõi mạnh nhất về việc quy trách nhiệm cho các cá nhân, nhưng tôi chắc chắn có thể coi trường hợp này là một điển hình để làm như vậy”.

 

Zuckerberg, 37 tuổi, thành lập Facebook cách đây 17 năm trong phòng ký túc xá đại học của mình, hình dung ra một cách mới để các bạn cùng lớp kết nối với nhau. Ngày nay, Facebook đã trở thành một tập đoàn bao gồm WhatsApp, Instagram và một doanh nghiệp hardware. Zuckerberg là chủ tịch hội đồng quản trị và kiểm soát 58% cổ phần, có quyền biểu quyết của công ty, khiến quyền lực của anh hầu như không được kiểm soát trong nội bộ công ty và hội đồng quản trị.

 

Marc Goldstein, người đứng đầu cơ quan Institutional Shareholder Services, cho biết, một cấu trúc quyền sở hữu cho phép một nhà lãnh đạo duy nhất nắm quyền ra quyết định của hội đồng quản trị là “chưa từng có ở một công ty quy mô lớn như thế. Đến thời điểm này, Facebook là công ty lớn nhất, tập trung toàn bộ quyền hành vào tay một người”.

 

Từ lâu, Zuckerberg đã bị ám ảnh bởi các thước đo, chỉ số tăng trưởng và vô hiệu hóa các mối đe dọa cạnh tranh, theo nhiều người đã làm việc với anh ta. Việc công ty sử dụng các chiến thuật “tăng trưởng nhanh”, chẳng hạn như tag mọi người trong ảnh và mua danh sách địa chỉ email, là chìa khóa để đạt được quy mô đáng kể 3,51 tỷ người sử dụng hàng tháng, gần một nửa dân số hành tinh. Trong những năm đầu của Facebook, Zuckerberg đặt mục tiêu hàng năm về số lượng người dùng mà công ty muốn có được. Năm 2014, anh ta đã yêu cầu các nhóm ở Facebook tăng “thời gian sử dụng” hoặc số phút của mỗi người sử dụng dịch vụ lên 10% một năm, theo các tài liệu và cuộc phỏng vấn.

 

Năm 2018, Zuckerberg xác định thước đo mới để anh ta trở thành “ngôi sao bắc đẩu”, theo một cựu quan chức điều hành. Chỉ số đó được đặt tên là MSI – “tương tác xã hội có ý nghĩa” – vì công ty muốn nhấn mạnh ý tưởng rằng mức độ tương tác có giá trị hơn là thời gian dành cho việc xem video hoặc các nội dung khác một cách thụ động. Ví dụ: Thuật toán của công ty giờ đây sẽ coi các bài đăng có số lượng lớn comment là “có ý nghĩa” hơn là lượt thích và sẽ sử dụng thông tin đó để đưa các bài đăng đầy bình luận vào nguồn cung cấp dữ liệu tin tức (news feed) của nhiều người khác không phải là bạn bè của họ, các tài liệu cho biết.

 

Ngay cả khi công ty phát triển thành một tập đoàn lớn, Zuckerberg vẫn duy trì sự nổi tiếng là một nhà quản lý thực hành, là người đi sâu vào các quyết định về sản phẩm và chính sách, đặc biệt khi chúng liên quan đến sự đánh đổi quan trọng, giữa việc bảo vệ ngôn luận với việc bảo vệ người sử dụng không bị tổn hại – hoặc giữa sự an toàn và tăng trưởng.

 

Về mặt chính trị, anh ta đã phát triển quan điểm cứng rắn về tự do ngôn luận, tuyên bố rằng anh sẽ cho phép các chính trị gia nói dối trong các quảng cáo, đồng thời bảo vệ quyền của những người phủ nhận Holocaust (ND: Vụ diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc xã). Anh ta đã công khai tuyên bố rằng, anh ta là người đưa ra quyết định cuối cùng trong các quyết định về nội dung nhạy cảm nhất của công ty cho đến nay, gồm việc cho phép bài kích động bạo lực của Tổng thống Donald Trump trong cuộc biểu tình George Floyd được lưu lại, bất chấp sự phản đối của hàng ngàn nhân viên.

 

Và khả năng quản lý vi mô của anh ta rất lớn: Anh ta đã tự chọn màu sắc và thiết kế khung ảnh với dòng chữ “Tôi đã chích ngừa” cho hồ sơ người sử dụng, theo hai người cho biết.

 

Nhưng các cựu nhân viên đã nói chuyện với Washington Post, cho biết ảnh hưởng của anh ta vượt xa những gì anh ta đã tuyên bố công khai, và được cảm nhận nhiều nhất trong vô số quyết định ít được biết đến, nhằm định hình sản phẩm của Facebook phù hợp với giá trị của Zuckerberg – các nhà phê bình nói rằng, đôi khi với cái giá phải trả là sự an toàn cá nhân của hàng tỷ người sử dụng.

 

Trước cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2020, Facebook đã xây dựng một “trung tâm thông tin bỏ phiếu” để quảng bá thông tin thực tế về cách đăng ký bỏ phiếu hoặc đăng ký trở thành nhân viên thăm dò ý kiến. Các nhóm bên WhatsApp muốn tạo một phiên bản cho WhatsApp bằng tiếng Tây Ban Nha, chủ động đưa thông tin thông qua một bot trò chuyện, hoặc link liên kết tới hàng triệu cử tri bên lề, những người thường xuyên giao tiếp qua WhatsApp. Tuy nhiên, Zuckerberg đã phản đối ý tưởng này, nói rằng nó không “trung lập về mặt chính trị“, hoặc có thể khiến công ty có vẻ theo đảng phái, theo một người quen thuộc với dự án, là người đã nói với điều kiện giấu tên, thảo luận về các vấn đề nội bộ, cũng như các tài liệu đã được Washington Post xem qua.

 

Cuối cùng, công ty triển khai một phiên bản thu nhỏ: Cộng tác với các nhóm bên ngoài, cho phép người sử dụng WhatsApp nhắn tin cho “chat bot” nếu họ thấy thông tin có khả năng sai lệch, hoặc nhắn tin cho “bot” do tổ chức vote.org tạo ra để nhận thông tin phiếu bầu.

 

Khi cân nhắc liệu có nên cho phép gia tăng kiểm duyệt ở Việt Nam hay không, một cựu nhân viên cho biết, đường lối của Zuckerberg trong lĩnh vực tự do ngôn luận dường như liên tục thay đổi. Theo một người trong cuộc, Zuckerberg đã cảnh báo rằng, việc phục vụ cho một chế độ đàn áp có thể gây tổn hại đến danh tiếng toàn cầu của Facebook, Zuckerberg lập luận rằng, việc rút khỏi Việt Nam hoàn toàn sẽ gây tổn hại lớn hơn đến quyền tự do ngôn luận trên đất nước này.

 

Sau khi Zuckerberg đồng ý gia tăng kiểm duyệt các bài viết chống chính phủ, báo cáo minh bạch của Facebook cho thấy, có hơn 2.200 bài viết của người sử dụng Facebook ở Việt Nam đã bị chặn từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2020, so với 834 bài bị chặn trong sáu tháng trước đó. Trong khi đó, các nhóm ủng hộ dân chủ và môi trường đã trở thành mục tiêu của các chiến dịch báo cáo hàng loạt do chính phủ lãnh đạo, các tài liệu và các cuộc phỏng vấn cho thấy, nó đưa mọi người vào tù vì những bài viết chỉ trích thậm chí rất nhẹ.

 

Tháng 4 năm 2020, Zuckerberg dường như đã từ chối hoặc bày tỏ sự dè dặt về đề xuất của các nhà nghiên cứu nhằm cắt giảm các phát ngôn thù hận, ảnh khỏa thân, bạo lực bằng hình ảnh và thông tin sai lệch, theo một trong các tài liệu. Đại dịch xảy ra trong những ngày đầu tiên và thông tin sai lệch liên quan đến coronavirus lan rộng. Các nhà nghiên cứu đề xuất giới hạn việc thúc đẩy nội dung mà thuật toán news-feed dự đoán sẽ được chia sẻ lại, bởi vì “các lượt chia sẻ lại” hàng loạt, có xu hướng liên quan đến thông tin sai lệch. Các thử nghiệm ban đầu cho thấy, việc hạn chế điều này có thể làm giảm thông tin sai lệch liên quan đến coronavirus lên tới 38%, theo tài liệu.

 

Anna Stepanov, giám đốc phát biểu từ cuộc họp của Zuckerberg, về phản ứng của CEO đối với đề xuất thay đổi thuật toán: “Mark không nghĩ rằng chúng ta có thể mở rộng quy mô. Chúng tôi sẽ không ra mắt nếu có sự đánh đổi vật chất với MSI” (ND: MSI là tương tác xã hội có ý nghĩa).

 

Zuckerberg đã cởi mở hơn một chút với đề xuất cho phép các thuật toán ít chính xác hơn với những gì phần mềm cho là lời nói căm thù, ảnh khoả thân và các danh mục bị cấm khác – cho phép nó xóa một loạt các “nội dung vi phạm có thể xảy ra” và có khả năng giảm những tài liệu độc hại lên tới 17%. Nhưng anh chỉ ủng hộ nó như một biện pháp “đập vỡ kính”, được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp như vụ bạo loạn ngày 6 tháng 1, các tài liệu cho biết. Việc xử lý các tài khoản – vốn sẽ có các tài khoản bị giới hạn mà các thuật toán dự đoán, có nhiều khả năng quảng bá thông tin sai lệch hoặc thù hận – là điều không cần bàn cãi.

 

[Dani] Lever, [người phát ngôn] của Facebook cho biết, các đề xuất “có khả năng vi phạm” không phá vỡ các biện pháp “đập vỡ kính” và công ty đã thực hiện chúng trên các danh mục như bạo lực bằng hình ảnh, ảnh khỏa thân và khiêu dâm, cũng như lời nói thù hận. Sau đó, nó cũng thực hiện việc thay đổi thuật toán hoàn toàn cho các danh mục chính trị và sức khỏe được áp dụng hiện nay.

 

Tài liệu này cuối cùng đã đến tay Zuckerberg, đã được chỉnh sửa cẩn thận để giải quyết những phản đối mà các nhà nghiên cứu dự đoán anh ta sẽ nêu ra. Đối với mỗi đề xuất trong số chín đề xuất, các nhà khoa học dữ liệu đã thêm một hàng để liệt kê các đề xuất sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ba lĩnh vực, được biết anh ta quan tâm: Tự do ngôn luận, cách Facebook được xem công khai và cách thuật toán có thể thay đổi, ảnh hưởng đến MSI (tương tác xã hội có ý nghĩa: ND).

 

Một cựu nhân viên tham gia vào quá trình đề xuất đó nói rằng, những người làm việc với nó bị xìu bởi phản ứng của Zuckerberg. Các nhà nghiên cứu đã trao đổi qua lại với ban lãnh đạo trong nhiều tháng về điều đó, thay đổi nó nhiều lần để giải quyết những lo ngại về việc hạn chế quyền tự do ngôn luận.

 

Một cựu quan chức điều hành cho biết, Zuckerberg “hết sức tò mò về bất cứ điều gì ảnh hưởng đến nội dung được xếp hạng trong nguồn cung cấp dữ liệu như thế nào – bởi vì đó là bí quyết, đó là cách mà toàn bộ điều này tiếp tục quay, hoạt động và tạo ra lợi nhuận”.

 

Mọi người cảm thấy, đó là chuyện của Mark, vì vậy anh ta cần nó để thành công. Cần nó để hoạt động”, người này nói thêm.

 

Năm 2019, những người trong bộ phận “công dân liêm chính” của công ty, một nhóm khoảng 200 người, tập trung vào cách giảm thiểu tác hại do nền tảng này gây ra, bắt đầu nghe rằng, bản thân Zuckerberg trở nên rất lo lắng về việc “bắn nhầm” – hoặc bài phát biểu chính đáng bị gỡ bỏ do nhầm lẫn. Họ sớm được yêu cầu giải thích về việc của họ bằng cách cung cấp ước tính về số lượng “bắn nhầm” mà bất kỳ dự án nào liên quan đến liêm chính đang tạo ra, một người cho biết.

 

Một người khác đã nghỉ việc, nói: “Sự tồn tại của chúng tôi về cơ bản, đối lập với mục tiêu của công ty, mục tiêu của Mark Zuckerberg. Và nó đã làm như vậy nên chúng tôi phải biện minh cho sự tồn tại của chúng tôi, trong khi các nhóm khác thì không”.

 

Samidh Chakrabarti, cựu lãnh đạo bộ phận công dân liêm chính của công ty, là người nghỉ việc gần đây, đã tweet trong tháng này: “Các CEO sáng lập [công ty] là những người có siêu năng lực, cho phép họ làm những điều can đảm. Mark đã làm điều đó và làm tiếp nữa. Nhưng mất niềm tin là có thật và gia đình Facebook giờ có thể thịnh vượng hơn dưới ban lãnh đạo phân tán”.

 

Ngay cả khi Facebook đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cho sự tồn tại nhất tính đến nay, theo các tài liệu tố cáo, thì gần đây sự chú ý của Zuckerberg đổ dồn vào nơi khác, tập trung vào việc thúc đẩy hardware về thực tế ảo (virtual-reality hardware), điều mà các giám đốc điều hành cũ cho biết, đó là một nỗ lực để tránh xa các vấn đề cốt lõi của Facebook, được biết đến trong nội bộ là một ứng dụng Big Blue. Công ty được cho là đang xem xét đổi tên để phù hợp hơn với tầm nhìn của anh ta về một “siêu thực tế ảo” (virtual-reality-driven metaverse). Facebook cho biết họ không bình luận về những tin đồn hoặc suy đoán.

 

Các cựu nhân viên nói rằng, họ cũng không ngạc nhiên khi kho tài liệu chứa quá ít tài liệu tham khảo về những suy nghĩ của Zuckerberg. Anh ta đã trở nên cô lập hơn trong những năm gần đây, khi đối mặt với các vụ bê bối và rò rỉ ngày càng tăng (Facebook phủ nhận việc cô lập của anh ta). Anh ta chủ yếu truyền đạt các quyết định thông qua một nhóm nhỏ bên trong, được gọi là Small Team và một nhóm lớn hơn một chút gồm các nhà lãnh đạo công ty được gọi là M-Team hay Mark’s team. Thông tin đến được với anh ta cũng được kiểm soát chặt chẽ, cũng như thông tin về anh ta.

 

Ngay cả việc chỉ trích cá nhân Zuckerberg cũng có thể đi kèm với cái giá phải trả. Một kỹ sư nói với Washington Post, và cũng là người có câu chuyện được nói trong các tài liệu, cho biết anh ta đã bị sa thải năm 2020 sau khi viết một bức thư ngỏ gửi cho Zuckerberg trên hệ thống trò chuyện của công ty, cáo buộc CEO (tức Mark Zuckerberg: ND) về trách nhiệm bảo vệ những người bảo thủ, những người có tài khoản gia tăng trong việc đưa thông tin sai lệch.

 

Một tài liệu đề xuất năm 2020 cho biết, nó đã được gửi cho Zuckerberg để xem xét – về việc có nên ẩn số lượt thích trên Instagram và Facebook hay không – cho thấy rằng, Zuckerberg đã trực tiếp nhận thức được một số nghiên cứu về tác hại của dịch vụ này. Một nghiên cứu nội bộ từ năm 2018 cho thấy rằng, 37% thanh thiếu niên cho biết, một lý do khiến họ ngưng đăng nội dung là vì họ muốn có đủ số lượt thích, khiến họ “căng thẳng hoặc lo lắng”.

 

(Nghiên cứu cho ẩn lượt thích, có tên là Project Daisy, cũng đã được báo Wall Street Journal đưa tin. Năm 2021, công ty cuối cùng đã đưa ra một tùy chọn để ẩn lượt thích trên Instagram, chứ không phải trên Facebook. Facebook cho biết, họ không triển khai Project Daisy vì thử nghiệm cho thấy các kết quả khác nhau đối với sức khỏe của mọi người và nghiên cứu năm 2018 được sử dụng trong bài thuyết trình “không thể được sử dụng để chỉ ra rằng Instagram gây hại vì cuộc khảo sát không được thiết kế để kiểm tra điều đó và dữ liệu cũng không cho thấy điều đó”.)

 

Hồi mùa hè này, các sếp điều hành tại văn phòng của Facebook ở Washington nghe nói rằng, Zuckerberg rất tức giận về cáo buộc của Tổng thống Biden, nói rằng thông tin sai lệch về coronavirus trên Facebook là “giết người“. Zuckerberg cảm thấy Biden nhắm vào công ty một cách thiếu công bằng và anh ta muốn chống lại, theo những người đã nghe Nick Clegg, cố vấn quan trọng của Zuckerberg và là Phó chủ tịch Facebook, phụ trách các vấn đề toàn cầu, nói về quan điểm của CEO.

 

Zuckerberg kết hôn với một bác sĩ, điều hành một quỹ tập trung vào các vấn đề sức khỏe và hy vọng rằng khả năng của Facebook trong việc giúp đỡ mọi người trong đại dịch sẽ tạo ra di sản cho họ. Nhưng kế hoạch đã đi sai đường.

 

Hồi tháng 7, Guy Rosen, Phó chủ tịch về sự liêm chính của Facebook, đã viết một bài đăng trên blog, lưu ý rằng, tòa Bạch Ốc đã bỏ lỡ các mục tiêu vaccine của riêng mình và khẳng định rằng, Facebook không phải là nơi đổ lỗi cho số lượng lớn những người Mỹ không chịu chích ngừa.

 

Mặc dù Biden sau đó đã từ chối bình luận, một số cựu quan chức điều hành coi cuộc tấn công của Facebook vào tòa Bạch Ốc là hành vi tự hủy hoại bản thân không cần thiết, một ví dụ về việc công ty thực hiện phán đoán kém trong nỗ lực làm hài lòng Zuckerberg.

 

Nhưng những lời phàn nàn về hành động thô bạo đã được đáp lại với một phản ứng quen thuộc, ba người nói: Nó nhằm làm hài lòng “khán giả của một người”.

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats