Việt
Nam - để sẵn sàng cho những khủng hoảng trong tương lai (Phần 1)
Nguyễn
Lương Hải Khôi
09/10/2021
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-san-sang-khung-hoang-tuong-lai/6264171.html
https://gdb.voanews.com/CE537A6C-74AA-4E7A-8434-0BF480CF08B6_w650_r1_s.jpg
Ca sĩ Thủy Tiên
trao hàng cứu trợ cho nạn nhân lũ lụt ở miền trung, 15/10/2020. Một số địa
phương, nơi nhận được hỗ trợ của Thuỷ Tiên năm ngoái, hiện đang phải thu thập
các chứng cứ hoạt động từ thiện của ca sỹ năm 2020 tại đây để báo cáo Bộ Công
An.
Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những lỗi hệ thống
thuộc về “hệ điều hành" của Việt Nam, cho thấy Việt Nam không thể chỉ sửa
chữa những chi tiết bề nổi mà phải sửa chữa căn bản ở tầm cấu trúc.
Đại dịch Covid 2020-2021 này sẽ không phải là
lần cuối cùng. Ở thời đại bất ổn và thay đổi khôn lường ngày nay, sẽ còn nhiều
đại dịch khác, nhiều cuộc khủng hoảng khác đang chờ Việt Nam ở phía trước.
Nếu không cải cách, Việt Nam không thể sẵn
sàng khi đối diện với những khủng hoảng tiếp theo.
Cải cách đầu tiên Việt Nam phải thực hiện ngay
từ bây giờ là thừa nhận và thúc đẩy cho xã hội dân sự đích thực phát triển.
Vai trò của xã hội
dân sự ở Sài Gòn trong 4 tháng phong toả
Mùa hè 2021, lãnh đạo Tp. HCM chống dịch bằng
cách khoá chặt mọi tuyến đường giao thông. Họ không tính toán xem cái gì sẽ
thay thế cho mạng lưới cung ứng nhu yếu phẩm cho đại đô thị 10 triệu dân (số
người cư trú thực tế là khoảng 14 triệu) này.
Mạng lưới chuỗi cung ứng này vốn thường ngày
hoạt động liên tục không ngừng nghỉ, nay bỗng dưng bị vô hiệu hoá. Lương thực ở
Miền Tây, Tây Nguyên thừa mứa, phải
vứt bỏ trong khi Sài Gòn bị đói.
Chính trong hoàn cảnh này, Sài Gòn chứng kiến
vai trò của xã hội dân sự đối với sự tồn vong của thành phố.
Hàng trăm hội nhóm thiện nguyện tự động xuất
hiện, tự quyên góp và tổ chức giúp đỡ đồng bào. Có những nhóm thiện nguyện
trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, vốn chạy khỏi Việt Nam bằng nhiều con đường
khác nhau sau ngày 30/4, đã quyên góp ở bên ngoài để gửi về giúp các nhóm thiện
nguyện hoạt động tại Sài Gòn. Họ giúp đỡ theo nguyên tắc “thà cho nhầm còn hơn
bỏ sót", cứ thấy đói là giúp.
Tháng 7, tháng 8, khi các bệnh viện quá tải mà
không có thêm bệnh viện mới, khi số bệnh nhân F0 trở nặng tại nhà và số người tử
vong ở Sài Gòn tăng vọt, hàng loạt nhóm tình nguyện cung cấp Oxy tại nhà đã ra
đời.
Trong số đó, Trạm Ô Xy Cộng đồng Sài Gòn là
nhóm hoạt động mạnh nhất, cung cấp Ô Xy cho khoảng 500 bệnh nhân F0 tại nhà mỗi
tuần, dưới sự hướng dẫn của các nhân viên y tế. Trạm có hàng trăm tình nguyện
viên tham gia. Trạm ngừng hoạt động đầu tháng 10, sau khi Sài Gòn gỡ phong tỏa.
Nếu Sài Gòn trước đó không có một xã hội dân sự
sơ khai thì không xuất hiện được những nhóm như vậy.
Muốn có một xã hội dân sự phát triển lành mạnh,
bền vững, giúp cho kinh tế xã hội tiến bộ, từng công dân phải có một không gian
mở về mặt xã hội - chính trị để rèn luyện các kỹ năng xã hội và lãnh đạo, để những
người có cùng mối quan tâm, cùng một hệ giá trị có thể kết nối với nhau, thực
hiện những dự án xã hội họ cho là cấp thiết cho sự phát triển chung.
Người sáng lập Trạm Ô Xy Cộng đồng Sài Gòn kể
trên không phải xuất hiện một cách ngẫu nhiên. Chị từng là một trong 200 nhà
lãnh đạo trẻ xuất sắc châu Á - Thái Bình Dương của chương trình Obama
Foundation Leaders Asia - Pacific (xem báo Thanh
Niên, 2019), sáng lập Saigon
Compass hoạt động bảo vệ môi trường, sáng lập Cộng đồng Vườn giun đất để
thúc đẩy các phương pháp canh tác bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Và ngay khi Sài Gòn bị phong toả, trước cảnh
dân bị nhốt sau những hàng rào kẽm gai không có tiếp tế, chị sáng lập nhóm “Chuyến rau vui vẻ" để
cung cấp thực phẩm miễn phí cho người dân Sài Gòn khi bị phong toả.
Không có một quá trình hoạt động xã hội và dấn
thân như vậy, người sáng lập “Trạm Ô Xy Cộng đồng Sài Gòn” không thể một sớm một
chiều thành lập được nhóm thiện nguyện ấy, thu hút được hàng trăm tình nguyện
viên, nhận được sự tin cậy đóng góp của các nhà hảo tâm, sự tư vấn của các
chuyên gia y tế, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, và hẳn sẽ chưa có đủ
năng lực, kinh nghiệm để điều hành một công việc phức tạp như vậy.
Xem facebook của các thành viên của Trạm Ô Xy
Cộng đồng Sài Gòn, chúng ta thấy một “nghịch lý” là họ luôn bày tỏ lòng biết ơn
đối với cuộc đời, với người khác, trong khi chính họ đang cứu người.
Cái “nghịch lý" này là “common
sense" (“lẽ thường”, “lương tri lương năng", “lương thức") ở những
con người dấn thân như họ, vốn phổ biến ở tất cả các nền văn hoá và xã hội khác
nhau.
Chưa rõ Việt Nam có cần một chính quyền mạnh
hay không, nhưng chắc chắn cần một xã hội mạnh. Điều ấy đã rõ ràng ngay cả khi
không có đại dịch. Đại dịch ập đến, điều ấy càng rõ hơn.
Một xã hội mạnh là một xã hội tự do để sinh ra
những người dấn thân. Xã hội nào có được một ít tự do thì cũng sẽ có được một
ít người dấn thân, càng nhiều tự do thì càng nhiều người dấn thân. Xã hội toàn
trị sẽ không còn người dấn thân.
Sức mạnh của mỗi quốc gia nằm ở số lượng những
con người dấn thân vì cộng đồng như thế.
Các tổ chức “dân sự
- nhà nước hoá" trong đại dịch
Việt Nam một mặt kiểm soát xã hội dân sự, một
mặt đầu tư ngân sách cho các tổ chức chính trị xã hội, về bản chất phải thuộc về
xã hội dân sự, nhưng lại bị hành chính hoá, trở thành một phần của bộ máy nhà
nước.
Theo một nghiên cứu năm 2016, ở Việt
Nam, ngân
sách nhà nước tốn khoảng 14 ngàn tỷ đồng để trả lương cho công chức
các tổ chức “xã hội dân sự" do nhà nước nuôi này.
Vậy trong gần 4 tháng Sài Gòn phong tỏa, các tổ
chức chính trị xã hội “dân sự" nhưng bị nhà nước hoá này đã đóng góp những
gì cho người dân thành phố?
Xem trên website của Mặt
trận Tổ quốc Tp. HCM, Hội
Phụ nữ Tp. HCM, Hội Nông dân Tp. HCM, Công đoàn Tp. HCM, Đoàn
Thanh niên Cộng sản Tp. HCM, ta thấy các tổ chức này vẫn chỉ làm những công
việc như những ngày thường, thăm hỏi, “giám sát", tặng quà, “động
viên", “dân vận".
Riêng Đoàn
Thanh niên Cộng sản nói là thành lập nhiều đội tình nguyện hỗ trợ chống
dịch, làm những công việc như hỗ trợ khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ
vận chuyển thực phẩm từ các chốt gác vào nhà dân, trực chốt khu cách ly, trực
các chốt giao thông…
Mặc dù không loại trừ khả năng nhiều nhóm tình
nguyện vốn xuất hiện tự phát, sau đó được “đăng ký" như là nhóm do Đoàn
Thanh niên Cộng sản tổ chức, cũng không loại trừ khả năng nhiều hoạt động trong
báo cáo đã lấy “thành tích” của “cán bộ” là “thanh niên” ở các cơ quan khác gộp
vào thành tích của mình, với lý do người thực hiện ở các cơ quan khác cũng là
“Đoàn viên" “thanh niên” (một kiểu báo cáo phổ biến của Đoàn Thanh niên),
nhưng các hoạt động mà cơ quan này báo cáo đều là những việc làm đáng trân trọng,
khi người dân thành phố rơi vào cơn bão đại dịch.
Không thể nói rằng những việc làm của các tổ
chức “xã hội dân sự" được nhà nước nuôi trong bối cảnh đại dịch là vô ích.
Tôi cũng không muốn nói rằng cán bộ nhà nước của các tổ chức “dân sự" này
không tận tâm. Nhiều người trong số họ đã làm việc nhiệt tình.
Tuy những tổ chức dân nuôi tốn 14 ngàn tỷ tiền
thuế mỗi năm này làm được nhiều việc có ích cho dân trong đại dịch, những việc
có ích này không đáng gì so với chi phí mà thuế máu của dân phải bỏ ra để nuôi.
Công đoàn là một tổ chức về bản chất là thuộc
xã hội dân sự, phi nhà nước, nhưng bị nhà nước hoá trở thành một bộ phận của
chính quyền. Chúng ta thấy gì từ đóng góp của tổ chức này đối với công nhân Sài
Gòn, Bình Dương trong suốt 4 tháng phong toả?
Cho đến nay, tổ chức Công đoàn vẫn đang đem 29
ngàn tỷ đồng gửi ngân hàng thương mại để kiếm lời (Xem báo
Thanh Niên, 23/9/2020). Cũng năm ngoài, Kiểm toán Nhà nước của Việt Nam phải
yêu cầu Tổng liên đoàn Lao động “chấm dứt mang tiền công đoàn đi góp vốn và
cho vay" (VietnamNet,
9/9/2020).
Tổng thu tài chính của tổ chức công đoàn Việt
Nam trong 7 năm, từ 2013 đến 2019, lên đến hơn 100.353
tỷ đồng (gần 4,5 tỷ dollars). Nhưng chính Kiểm toán Nhà nước đã chỉ
ra, trong tổ chức này, “dưới cơ sở thiếu tiền hoạt động, bên trên đem tiền gửi
ngân hàng”.
Đó là cách hoạt động của tổ chức “dân sự"
nhà nước hoá này trong những ngày thường.
Còn trong đại dịch, khi công nhân Sài Gòn và
Bình Dương bị khoá chặt trong các khu dân cư bao quanh các các khu công nghiệp,
tổ chức này làm gì?
Vẫn thế: “thăm hỏi”, “tặng quà”, “động viên”,
“giúp đỡ”, “vận động"…, làm những việc có tính hình thức, phong trào, của
những công chức hành chính.
Chúng ta thấy gì việc chính quyền và bản thân
các tổ chức “dân sự" nhà nước hoá, đặc biệt là Công đoàn, đã hoàn
toàn bất ngờ và bị động trước việc hàng vạn dân làm công nhân ở
Sài Gòn, Bình Dương quyết tâm về quê bằng tất cả những phương tiện mình có, xe
đạp, xe máy, và đôi chân trần, ngay sau khi gỡ phong tỏa vào đầu tháng 10?
Sự kiện đó cho thấy một điều đã rất cũ, lâu
nay ai cũng biết. Các tổ chức “xã hội dân sự" bị nhà nước hoá, hành chính
hoá này chưa bao giờ là những người đại diện cho dân.
Ngay cả khi “giúp dân” trong hoạn nạn, họ chỉ
làm việc như những công chức nhà nước đang làm công ăn lương.
Họ không có tinh thần của xã hội dân sự đích
thực, dấn thân giúp đời bằng nỗi đau của chính người mình giúp, giúp dân mà
luôn mang tình cảm biết ơn một cách chân thành.
Những tổ chức “xã hội dân sự" bị hành
chính hoá này luôn biết báo cáo những con số làm lãnh đạo nhà nước yên lòng,
nói những điều lãnh đạo nhà nước muốn nghe.
Nhưng họ không có khả năng báo cáo những con số
mà bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng cần biết, không thể nói những điều mà bất cứ
nhà nước nào trong hoàn cảnh của Sài Gòn 4 tháng qua cũng cần phải lắng nghe:
bao nhiêu dân đang đói, những người dân đói thực sự muốn gì, cần phải làm gì để
chống dịch mà không dồn dân vào bước đường cùng.
“Xã hội dân sự” của
cá nhân
Việt Nam không có nhiều những tổ chức dân sự
được cấp phép. Việc thành lập một “tổ chức xã hội" ở Việt Nam là điều vô
cùng khó khăn vì nó làm chính quyền thấy “nhạy cảm".
Ông Trần Đăng Tuấn, từng là Phó Giám đốc Đài
Truyền hình Quốc gia (tức là trong hệ thống chính trị Việt Nam, ông mang hàm thứ
trưởng, có vai vế và nhiều mối quan hệ trong hệ thống), đã phải rất vất vả mới
có thể xin được pháp nhân cho “Quỹ Cơm có thịt" (Quỹ
trò nghèo vùng cao) để giúp trẻ em miền núi.
Năm 2012, với uy tín xã hội của mình, ông có
thể viết
thư ngỏ gửi Bộ Nội vụ thông qua một tờ báo nhà nước, để phàn nàn về việc
chưa thể xin được pháp nhân cho tổ chức từ thiện của mình. Sau đó ông nhận được
giấy phép cho “Cơm có thịt".
Nếu người Việt Nam ai cũng phải có vai vế xã hội
cỡ như ông Trần Đăng Tuấn mới có thể xin được pháp nhân cho tổ chức của mình
sau hơn một năm chờ đợi mòn mỏi, xã hội Việt Nam không thể ứng phó được trước
các khủng hoảng vượt tầm khả năng của nhà nước, như các đợt bão lũ lớn ở miền
Trung hằng năm hay khủng hoảng y tế - xã hội hiện nay.
Nếu không xin được pháp nhân cho nhóm, những
con người dấn thân sẽ phải làm việc với tư cách cá nhân. Khi từng cá nhân không
đủ sức, phải liên kết với nhau thành nhóm để giải quyết công việc, họ sẽ thành
“tổ chức" nhưng không khác gì “hoạt động chui", mà trong hoàn cảnh Việt
Nam, nhiều khi dễ dàng bị dán nhãn là “bất hợp pháp".
Mặt khác, hoạt động với tư cách cá nhân, hoặc
với tư cách nhóm nhưng không có pháp nhân, phải làm chui, thì các cá nhân hay
“nhóm chui" này sẽ không được xã hội kiểm soát, không được nhà nước kiểm
toán về mặt thu chi tiền bạc.
Khi các nhóm phải có pháp nhân chính thức, có
tài khoản ngân hàng của tổ chức thay vì sử dụng tài khoản cá nhân, thì xã hội mới
có thể theo dõi và giám sát các nhóm này, nhà nước mới có thể kiểm toán thu chi
của họ.
Bản thân các nhóm nếu phát triển ở quy mô đủ về
tài chính, có thể thuê nhân viên tài chính chuyên nghiệp để minh bạch về thu
chi, tránh mắc phải sai sót do không đủ kỹ năng quản lý tài chính liên quan đến
những hoạt động phức tạp và có quy mô lớn.
Ngược lại, dấn thân vào hoạt động xã hội với
tư cách cá nhân ở quy mô lớn rất dễ mắc phải sai lầm, và giả sử nếu gặp sai lầm
vì kỹ năng quản lý tài chính còn yếu thì người hoạt động xã hội cũng không có
khả năng tự bảo vệ mình trước tấn công của các bên khác, thậm chí có thể vướng
vào vòng lao lý.
Bộ Công an Việt Nam đang điều tra các hoạt động
từ thiện của ca sỹ Thuỷ Tiên năm ngoái tại miền Trung. Một số địa phương
như tỉnh
Quảng Bình và Quảng
Trị, nơi nhận được hỗ trợ của Thuỷ Tiên năm ngoái, hiện đang phải thu
thập các chứng cứ hoạt động từ thiện của ca sỹ năm 2020 tại đây để báo cáo Bộ
Công an. Đó là một việc ai cũng thấy là không thể làm chính xác vào thời điểm
này, và quan trọng hơn, có thể khiến người dân vùng lũ ở đây không còn thấy các
đoàn từ thiện cá nhân đến trong các mùa lũ tới.
Một diễn biến khác vào đầu tháng 10 năm 2021:
trong lúc Bộ Công an điều tra vấn đề tài chính của hoạt động từ thiện của một số
cá nhân ở miền Trung năm ngoái, thì Công an Tp. HCM điều tra hoạt động của các
nhóm xã hội dân sự từ thiện từ 2020 đến nay, để “rà soát, đánh giá tình hình
các cá nhân, tổ chức hoạt động từ thiện tự phát, kêu gọi từ thiện trên địa bàn
từ năm 2020 đến nay. Có những thống kê cụ thể, gồm: tên cá nhân, tổ chức, quy
mô, cơ cấu tổ chức, mục tiêu hoạt động, cơ sở pháp lý.” (VietnamNet,
2/10/2021)
Khi nhà nước bất lực trước số phận hàng vạn
công nhân trong bước đường cùng, Sài Gòn bùng nổ hoạt động từ thiện “tự
phát" trong những tháng phong tỏa. Họ giúp người khác trong những ngày khó
khăn, rồi chấm dứt hoạt động khi không còn “giãn cách xã hội". Làm cách
nào công an điều tra cho hết những hoạt động này?
Liệu có cần điều tra “cơ sở pháp lý" của
những hoạt động này, khi mà cứ hai người hợp tác với nhau là thành “tổ chức”,
trong khi đó, ai cũng biết không “tổ chức” nào có giấy phép cả?
Nếu mở rộng ra toàn quốc thì sao? Làm sao
chính quyền có thể nắm hết các nhóm thiện nguyện trong cả nước khi Việt Nam
đang bùng nổ các hoạt động từ thiện của xã hội dân sự trước một cuộc khủng hoảng
y tế - xã hội to lớn như vậy? (Xem Tuổi
trẻ: “Dịch bệnh đảo lộn tất cả nhưng tình người thì không”)
Công an rất nên điều tra để tìm ra những người
lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi, giống như họ cần điều tra tham nhũng của
quan chức vậy.
Nhưng có một điều quan trọng hơn là tạo điều
kiện cho một xã hội dân sự phát triển vững mạnh.
Điều đó sẽ giúp cho công an không cần phải điều
tra xem ai đang làm từ thiện, ai đang kêu gọi người khác góp tiền từ thiện để rồi
bỏ túi riêng.
Xã hội dân sự vững mạnh với các nhóm tổ chức
dân sự được công nhận chính thức một cách dễ dàng, cũng giúp nhà nước nắm rõ có
những tổ chức nào đang hoạt động, kiểm toán được hoạt động thu chi của họ.
Điều đó cũng giúp mọi người trong xã hội nói
chung dễ dàng giám sát các tổ chức mình đóng góp tài chính.
Xã hội dân sự vững mạnh cũng giúp người dân tự
giải quyết các vấn đề của mình khi xã hội đối diện với những khủng hoảng ở quy
mô lớn đến mức những nhà nước hùng mạnh nhất cũng bất lực.
Đó là điều hiển nhiên ở tất cả các nước phát
triển.
No comments:
Post a Comment